Chụp MRI tim là gì? Những điều bạn cần biết về chụp MRI tim
Ngày 20/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Chụp MRI tim là phương pháp giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh lý liên quan đến tim mạch hiện đại nhất. Nhờ vào phương pháp này bác sĩ có thể phát hiện, chẩn đoán, đánh giá mức độ bệnh và từ đó đưa ra kế hoạch điều trị hợp lý. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu rõ hơn về chụp MRI tim nhé.
Chụp MRI tim là phương pháp giúp đánh giá nguy cơ nhồi máu cơ tim và động mạch vành bằng hình ảnh tốt nhất hiện nay. Đây còn là phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn, không gây đau cho người bệnh và cung cấp hình ảnh chi tiết nhất. Kết quả chụp MRI tim không chỉ giúp phát hiện, chẩn đoán, theo dõi mà còn giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với bệnh nhân.
Chụp MRI tim là gì?
Chụp MRI tim (chụp cộng hưởng từ tim) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây đau và không tiếp xúc với bức xạ. Chụp MRI là kỹ thuật sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến radio và máy tính tạo nên hình ảnh cắt ngang chi tiết về các cấu trúc của tim. Hình ảnh MRI có thể được lưu trữ trên máy tính hoặc in thành phim.
Bệnh tim thường chia thành 2 dạng là cấp tính và mãn tính vì vậy việc phát hiện bệnh sớm giúp quá trình điều trị dễ dàng hơn. Phương pháp chụp MRI tim được bác sĩ yêu cầu thực hiện nhằm phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến tim mạch, chẩn đoán các bệnh như giãn cơ tim, viêm cơ tim, đại phì cơ tim,... Ngoài ra, chụp MRI tim còn giúp theo dõi quá trình điều trị bệnh tim từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Các trường hợp chỉ định thực hiện chụp MRI tim
Chụp MRI tim thường được thực hiện sau các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm,... Nếu hình ảnh siêu âm tim cho kết quả không rõ ràng hoặc tình trạng phức tạp thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chụp MRI tim. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện chụp MRI tim đối với những trường hợp sau:
Bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh: Nhằm đánh giá những bất thường của tim như luồng thông, giải phẫu,...
Bệnh nhân mắc bệnh lý về tim như: Viêm cơ tim, đại phì cơ tim, cơ tim kết bè, giãn nở cơ tim,...
Bệnh nhân mắc bệnh mạch vành: Nhằm đánh giá khả năng hoạt động của thất trái.
Bệnh nhân mắc bệnh lý ở van tim.
Bệnh nhân mắc u tim nguyên phát hoặc thứ phát.
Bệnh nhân mắc bệnh chuyển hóa cơ tim.
Khảo sát tình trạng vùng nhồi máu hoặc xơ hóa cơ tim.
Ưu và nhược điểm của chụp MRI tim
Chụp MRI tim là kỹ thuật hiện đại và được ứng dụng rộng rãi trong nền y học hiện nay. Tuy nhiên chụp MRI tim cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng cho với những phương pháp chẩn đoán và theo dõi bệnh lý tim mạch khác.
Về ưu điểm của phương pháp chụp MRI tim
Chụp MRI tim được đánh giá là phương pháp có nhiều ưu điểm hơn so với những phương pháp chẩn đoán bệnh tim khác như:
Không sử dụng tia bức xạ hoặc các tác động sinh học khác vì vậy phương pháp này an toàn cho sức khỏe người chụp.
Kết quả chụp MRI tim rõ ràng, độ phân giải cao, sắc nét hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Chụp MRI tim có thể thực hiện mà không cần sử dụng thuốc tương phản, trường hợp sử dụng thuốc thì ít có tác dụng phụ xảy ra.
Thời gian chụp nhanh, ít khi gây khó chịu cho bệnh nhân vì không gây xâm lấn vào cơ thể.
Về nhược điểm của phương pháp chụp MRI tim
Ngoài những ưu điểm nổi trội của phương pháp chụp MRI thì cũng còn những hạn chế như:
Không thể áp dụng phương pháp chụp MRI đối với những bệnh nhân mắc chứng sợ không gian kín, chật hẹp.
Chi phí chụp MRI tim cao, tốn kém hơn so với những phương pháp khác.
Đối với những bệnh nhân sử dụng các thiết bị kim loại như máy tạo nhịp tim, răng giả, máy thính giác,... thì không nên áp dụng phương pháp chụp MRI.
Hình ảnh chụp MRI sẽ kém hơn phương pháp chụp CT đối với trường hợp người bệnh có tổn thương về xương, canxi, xơ vữa động mạch có đóng vôi.
Không được mang thiết bị hồi sức trong phòng chụp MRI.
Một số lưu ý khi chụp MRI tim
Trong quá trình thăm khám hoặc điều trị, nếu được chỉ định thực hiện chụp MRI tim thì bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
Chỉ thực hiện chụp MRI tim khi bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Cần nằm yên trong quá trình chụp để đảm bảo hình ảnh thu được có chất lượng tốt nhất.
Không mang theo điện thoại, đồng hồ, trang sức, thiết bị hồi sức, thẻ tín dụng hoặc các dụng cụ bằng kim loại vào phòng chụp MRI.
Thông báo cho bác sĩ biết trước về tình trạng cơ thể nếu bản thân có cấy các thiết bị bằng kim loại vì khi chụp MRI có thể ảnh hưởng đến các thiết bị này.
Thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng hoặc tiền sử bệnh thận trong trường hợp cần tiêm thuốc phản quang vì thuốc phản quang đôi khi gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn như đau đầu, chóng mặt, phát ban. Riêng đối với bệnh nhân mắc bệnh thận nặng cần thực hiện xét nghiệm chức năng thận trước khi dùng thuốc phản quang để đảm bảo cơ thể có thể đào thải thuốc sau khi chụp MRI.
Trên đây là toàn bộ thông tin về chụp MRI tim. Chụp MRI tim là phương pháp giúp chẩn đoán và điều trị bệnh tim tốt, được ứng dụng rộng rãi trong nền y học hiện nay. Khi thực hiện chụp MRI tim, bạn nên thực hiện đúng theo chỉ dẫn của nhân viên y tế, đồng thời thông báo cụ thể với bác sĩ về tình hình sức khoẻ của bản thân để tránh ảnh hưởng sau khi chụp MRI.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.