Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cơ thể con người tồn tại và chung sống cùng với hàng triệu vi sinh vật nhỏ đáp ứng nhiều chức năng khác nhau. Một trong những nơi mà phần lớn các loại vi khuẩn tập trung phát triển và tích tụ là khoang miệng. Vậy có bao nhiêu vi khuẩn trong miệng? Ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe con người là gì?
Răng miệng là môi trường chứa nhiều vi khuẩn có lợi, góp phần vào chức năng tiêu hóa. Đây cũng là nơi cư trú của nhiều vi khuẩn có hại, có thể gây một số vấn đề cho sức khỏe răng miệng và toàn thân. Nếu sức đề kháng của cơ thể tốt và được chăm sóc sức khỏe răng miệng toàn diện hàng ngày thì vi khuẩn sẽ được kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên không phải ai cũng biết có bao nhiêu vi khuẩn trong miệng?
Có bao nhiêu vi khuẩn trong miệng? Miệng của một người khỏe mạnh là nơi cư trú của hàng triệu vi sinh vật bao gồm: Vi khuẩn, virus, nấm và sinh vật đơn bào. Trong số đó, vi khuẩn trong miệng chiếm số lượng đông đảo - khoảng 100 triệu vi khuẩn trong mỗi ml nước bọt. Đến nay đã có hơn 700 loại vi khuẩn khác nhau được phát hiện trong miệng. Tuy nhiên, đa số mọi người chỉ có từ 34-72 loại vi khuẩn khác nhau.
Hầu hết các loại vi khuẩn này là vô hại và có thể hỗ trợ sức khỏe, ví dụ như: Một số vi khuẩn giúp bảo vệ răng và nướu hoặc có lợi cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, cũng có những vi khuẩn không có lợi, gây ra các vấn đề như: Sâu răng và bệnh về nướu. Trong đó, hai loại vi khuẩn có hại phổ biến nhất trong miệng là: Streptococcus mutans và Porphyromonas gingivalis.
Sau khi tìm hiểu có bao nhiêu vi khuẩn trong miệng chắc hẳn bạn cũng quan tâm muốn biết vì sao có nhiều vi khuẩn trong miệng? Miệng là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của nhiều loại vi sinh vật đặc biệt là vi khuẩn. Cộng đồng này rất phức tạp với sự tương tác giữa các vi khuẩn trong cùng một loài cũng như giữa các loài khác nhau. Trong miệng, vi sinh vật có thể tìm thấy thức ăn từ các phần còn lại trên lưỡi, răng, nướu và các bề mặt khác. Tuy nhiên, nước bọt chính là một hệ thống bảo vệ giữ vai trò hạn chế số lượng vi khuẩn có thể sống trong khoang miệng.
Miệng là nơi vi khuẩn có thể cư trú, phát triển mạnh mẽ vì đây là một khoang mở ra ngoài cơ thể với môi trường có pH trung tính, ẩm ướt với nhiệt độ dễ chịu và điều kiện oxy hóa lý tưởng. Tuy vậy, không phải tất cả vi sinh vật trong miệng đều ở lại, một số loại vi khuẩn có thể gây bệnh hoặc ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Khi chúng ta ăn uống, nhai nuốt thức ăn, nhiều vi khuẩn có thể đi vào ruột hoặc máu, đặc biệt khi trong miệng có sự tổn thương như: Khi chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa. Sau khi xâm nhập vào máu những vi khuẩn này có thể di chuyển đến các cơ quan khác, bao gồm cả não. Do đó, việc giữ gìn sức khỏe miệng và hệ thống miễn dịch là rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng toàn thân.
Một số vi khuẩn đã thích nghi với các cơ chế bảo vệ của cơ thể và có thể có lợi cho sức khỏe khi ở trong điều kiện bình thường. Nếu cảm thấy răng không sạch và cần vệ sinh, đây chính là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn trong miệng.
Khi sự cân bằng vi khuẩn trong miệng bị phá vỡ, các vi khuẩn gây hại có thể phát triển mạnh, dẫn đến các bệnh lý răng miệng như: Sâu răng hoặc viêm nướu. Mặc dù có cả vi khuẩn có hại và có lợi trong miệng nhưng việc duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe răng miệng và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe.
Cũng như thắc mắc có bao nhiêu vi khuẩn trong miệng, bạn cũng cần biết vi khuẩn khoang miệng có thể gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Dù phần lớn vi khuẩn trong miệng không gây hại nhưng miệng là cửa ngõ vào hệ tiêu hóa và hô hấp nên có thể xuất hiện một số vi khuẩn gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể:
Mối liên hệ vi khuẩn trong miệng và bệnh tiểu đường có thể là mạnh mẽ nhất giữa sức khỏe miệng và cơ thể. Viêm trong miệng có thể làm giảm khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Người mắc bệnh tiểu đường thường khó kiểm soát lượng đường do thiếu insulin, hormone cần thiết để chuyển hóa đường thành năng lượng. Khi lượng đường trong máu cao, điều kiện lý tưởng cho nhiễm trùng nướu xuất hiện.
Dù cơ chế chưa hoàn toàn rõ ràng, bệnh nướu răng và bệnh tim thường xảy ra cùng nhau. Khoảng 91% bệnh nhân mắc bệnh tim cũng bị viêm nha chu. Các yếu tố nguy cơ chung như: Hút thuốc, trọng lượng dư thừa và chế độ ăn uống không lành mạnh có thể liên quan. Một số nghiên cứu nghi ngờ viêm nha chu có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim, có thể do viêm trong miệng ảnh hưởng đến mạch máu và làm tăng huyết áp.
Trẻ sinh non hoặc thiếu ký thường gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: Bệnh tim hoặc phổi. Bệnh nướu răng có thể là yếu tố góp phần vào tình trạng sinh sớm hay nhẹ cân bởi viêm và nhiễm trùng có thể cản trở sự phát triển của thai nhi. Dù nam giới thường mắc viêm nha chu hơn nhưng những thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ ở phụ nữ.
Mặc dù còn gây tranh cãi, viêm nha chu và loãng xương đều liên quan đến mất xương. Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ bị loãng xương có nguy cơ mắc bệnh nướu răng cao hơn so với người bình thường.
Điều trị viêm nha chu đã được chứng minh là làm giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Đồng thời, bệnh nha chu có thể làm tình trạng viêm phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) trở nên nghiêm trọng hơn, có thể do tăng lượng vi khuẩn trong phổi.
Khi đã có một chủng vi khuẩn trong miệng, không thể hoàn toàn loại bỏ nó, nhưng chúng ta có thể quản lý và kiểm soát chúng thông qua việc chăm sóc răng miệng thường xuyên. Đánh răng đúng cách sau mỗi bữa ăn và sử dụng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày giúp loại bỏ thức ăn thừa và vi khuẩn có hại, ngăn chặn sự phát triển của chúng trong miệng. Nước súc miệng kháng khuẩn cũng có thể hỗ trợ trong việc duy trì sự cân bằng vi sinh vật miệng và ngăn ngừa hôi miệng.
Chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát vi khuẩn. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa đường và tinh bột, đặc biệt là khi không thể đánh răng, giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Ngoài ra, cần thay bàn chải đánh răng ba tháng một lần hay sớm hơn nếu thấy lông bàn chải bị mòn. Tránh sử dụng thuốc lá, đặt lịch kiểm tra nha khoa định và liên hệ với nha sĩ ngay khi gặp vấn đề về sức khỏe răng miệng.
Trên đây là thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc: Có bao nhiêu vi khuẩn trong miệng? Các vi khuẩn có lợi trong khoang miệng giúp kiểm soát vi khuẩn gây bệnh và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt vi khuẩn gây bệnh có thể phát triển nhanh chóng, gây ra các vấn đề như: Sâu răng, hôi miệng hay viêm nướu. Do đó, duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể là cách hiệu quả để quản lý và kiểm soát vi khuẩn có hại.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.