Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Cơ hoành nằm ở đâu? Làm gì khi bị rối loạn cơ hoành?

Ngày 27/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiều người nghe nhắc đến cơ hoành nhưng không biết cơ hoành là gì, cơ hoành nằm ở đâu cũng như nhóm cơ này có tác dụng ra sao. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn nắm được những thông tin có liên quan đến cơ hoành.

Trong hệ hô hấp của con người, cơ hoành giữ một vai trò quan trọng. Một khi cơ hoành bị yếu, hoạt động kém sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng hô hấp, làm giảm thông khí phổi và tăng cường độ làm việc của các cơ hô hấp phụ. Nhiều trường hợp, bệnh nhân bị rối loạn chức năng cơ hoành nghiêm trọng có thể dẫn đến nguy cơ ngừng thở, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.

Cơ hoành là gì? Cơ hoành nằm ở đâu?

Về mặt giải phẫu, cơ hoành là một vân cơ có hình vòm, dẹt, rộng, đóng vai trò làm thành vách gân - cơ ngăn giữa lồng ngực với ổ bụng. Trong sinh lý hệ hô hấp, cơ hoành rất quan trọng. Có thể bạn còn chưa biết, lúc cơ hoành co sẽ khiến vòm hoành hạ xuống, điều này tạo điều kiện cho lồng ngực chúng ta được giãn ra, áp lực trong lồng ngực cũng giảm, lúc đó không khí được hít vào trong và ngược lại. Chính vì vai trò quan trọng của cơ hoành mà một khi cơ hoành bị tổn thương sẽ gây ra ảnh hưởng vô cùng lớn đến lưu lượng khí ra vào phổi, dẫn đến tình trạng suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng.

Những điều cần biết về cơ hoành: Cơ hoành nằm ở đâu? Làm gì khi bị rối loạn cơ hoành? 1
Ảnh hưởng của cơ hoành trên cơ thể người rất quan trọng

Nguyên nhân gây rối loạn chức năng cơ hoành

Rối loạn chức năng cơ hoành sẽ kéo theo nhiều tác động xấu đến sức khỏe tổng thể. Dựa trên vị trí thương tổn mà tình trạng rối loạn chức năng cơ hoành sẽ được phân thành hai loại chính, bao gồm tổn thương tại tủy sống và tổn thương tại não.

Ngoài ra cũng có nhiều nguyên nhân khác góp phần gây ra hiện tượng rối loạn cơ hoành, điển hình như:

  • Liệt tứ chi;
  • Dị dạng Arnold - Chiari;
  • Đột quỵ;
  • Bại liệt;
  • Xơ cứng một bên teo cơ;
  • Tổn thương thần kinh hoành (do hội chứng Guillain - Barré);
  • Bệnh lý thần kinh ngoại vi;
  • Các khối u trung thất;
  • Tổn thương thần kinh hoành (phẫu thuật tim để lại di chứng);
  • Viêm nhiễm mạn tính làm mất myelin ở rễ và các dây thần kinh.
Những điều cần biết về cơ hoành: Cơ hoành nằm ở đâu? Làm gì khi bị rối loạn cơ hoành? 2
Bệnh hen phế quản kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến cơ hoành

Trong một số trường hợp, các bệnh lý về hô hấp, chẳng hạn như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kéo theo hiện tượng căng phổi quá mức cũng góp phần làm tăng nguy cơ gây tổn thương cơ hoành cũng như gây rối loạn chức năng cơ hoành.

Chưa kể, ngộ độc thuốc, nhược cơ, chuyển hóa khó khăn, nhiễm khuẩn gây viêm cơ, loạn dưỡng cơ, lạm dụng corticoid... cũng đều là những yếu tố góp phần khiến cho cơ hoành bị tổn thương. Ngoài ra, bệnh nhân đang điều trị hồi sức tích cực nếu bị suy đa tạng, đái tháo đường, nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc giãn cơ, thông khí nhân tạo kéo dài, rối loạn điện giải (hạ canxi, photpho, kali, magie máu,...) đều có nguy cơ dẫn đến rối loạn chức năng cơ hoành.

Một số biểu hiện khi bị rối loạn chức năng cơ hoành

Các biểu hiện của rối loạn chức năng cơ hoành khá đa dạng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.

Trường hợp rối loạn cơ hoành giai đoạn đầu, khi cơ hoành mới chỉ bị yếu hay chỉ xảy ra thương tổn ở một bên (cơ hoành trái/phải) mà chưa bị liệt thì người bệnh sẽ gặp phải tình trạng khó thở nếu vận động nhiều, hoạt động gắng sức, thậm chí khi nằm ngửa cũng bị khó thở.

Trường hợp liệt cơ hoành hoàn toàn, hiện tượng khó thở sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Ngoài ra, một số bệnh lý khác, điển hình là béo phì, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, nhược cơ,... cùng với rối loạn cơ hoành có thể khiến triệu chứng khó thở ở bệnh nhân ngày càng nghiêm trọng hơn. Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ thường xuyên bị mệt mỏi, giảm thông khí khi ngủ, nhiều người còn bị mất ngủ, chóng mặt, đau đầu, kém tập trung…. Trường hợp bị nặng còn có nguy cơ đưa đến viêm phổi, xẹp phổi.

Những điều cần biết về cơ hoành: Cơ hoành nằm ở đâu? Làm gì khi bị rối loạn cơ hoành? 3
Người bị suy tim mà rối loạn cơ hoành sẽ khiến triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn

Làm sao phát hiện rối loạn chức năng cơ hoành?

Do cơ hoành giữ vai trò quan trọng trong hệ hô hấp nên việc phát hiện và kiểm soát rối loạn chức năng cơ hoành là vô cùng cần thiết. Theo đó, bác sĩ sẽ dựa trên các biểu hiện lâm sàng sau khi thăm khám để chẩn đoán hiện tượng khó thở do rối loạn chức năng cơ hoành gây ra:

  • Bệnh nhân bị khó thở lặp đi lặp lại nhiều lần. Bên cạnh đó, người bệnh trước đây từng bị chấn thương cột sống cổ, hay bị bệnh lý gây ảnh hưởng đến tủy sống, xuất hiện khối u trung thất, bị những bệnh lý liên quan đến thần kinh - cơ, người từng làm thông khí nhân tạo kéo dài,...
  • Bác sĩ khảo sát, đánh giá xem có dấu hiệu cơ hô hấp phụ bị co kéo (gồm cơ thang, cơ ức đòn chũm) hay không, tiếp đó sẽ kiểm tra diễn tiến độ phồng xẹp của cơ hoành lúc bệnh nhân hít vào lẫn thở ra toàn lực;
  • Kiểm tra hiện tượng hô hấp đảo, bụng nghịch thường do đây là biểu hiện đặc trưng nhất nếu cơ hoành của người bệnh bị liệt toàn bộ. Có thể bạn còn chưa biết, khi hít không khí vào, vùng bụng và lồng ngực của chúng ta quan sát được sẽ thấy chúng phồng lên do cơ hoành phồng to để hít khí vào trong ổ bụng. Một khi cơ hoành của người bệnh bị liệt, áp lực âm trong lồng ngực theo đó sẽ kéo cơ hoành lõm xuống những lúc người bệnh hít không khí vào, chúng ta sẽ quan sát thấy được phần bụng của người bệnh sẽ lõm theo.

Cách để khắc phục tình trạng rối loạn chức năng cơ hoành

Rối loạn chức năng cơ hoành sẽ gây cản trở cho vấn đề hô hấp. Do đó, muốn điều trị tình trạng rối loạn chức năng cơ hoành, điều đầu tiên là chúng ta phải nhắm tới nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Chẳng hạn như điều trị chứng gây căng phổi (bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), giải quyết những bệnh lý liên quan đến não và tủy sống, đồng thời đề phòng bị nhiễm khuẩn, tăng cường bổ sung đầy đủ khoáng chất magie, photpho, canxi, kali,...

Những điều cần biết về cơ hoành: Cơ hoành nằm ở đâu? Làm gì khi bị rối loạn cơ hoành? 4
Tăng cường bổ sung nhiều khoáng chất cho cơ thể

Lưu ý người bệnh khi cảm nhận tình trạng khó thở ngày càng nghiêm trọng hơn thì phải báo ngay với bác sĩ điều trị để được cân nhắc trợ thở bằng máy liên tục hoặc ngắt quãng. Đối với những trường hợp bệnh nặng, đã tiến hành điều trị nội khoa nhưng chưa/không có tiến triển thì bác sĩ sẽ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật để khâu kéo căng cơ hoành.

Tóm lại, cơ hoành giữ vai trò quan trọng trong hệ hô hấp, một khi cơ hoành bị rối loạn chức năng sẽ khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái đối với sức khỏe. Để phòng ngừa tình trạng yếu cơ hoành dẫn tới liệt cơ hoành toàn bộ có thể xảy ra, điều cần thiết là bạn nên chủ động đi khám sớm nếu gặp phải các triệu chứng của rối loạn chức năng cơ hoành. Việc thăm khám sớm sẽ giúp người bệnh giảm thiểu các biến chứng, đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị và bảo toàn chất lượng cuộc sống bản thân.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin