Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Có những điểm đau ruột thừa nào?

Ngày 30/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau ruột thừa là tình trạng y tế khẩn cấp, xuất hiện với triệu chứng điển hình là những cơn đau đớn ở phía bên phải. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ về những điểm đau ruột thừa để có thể tự nhận biết. 

Viêm ruột thừa là bệnh lý phổ biến với tỷ lệ 1/15 người bị mắc trong cuộc đời. Viêm ruột thừa có nhiều dấu hiệu nhận biết. Trong đó, đau phía bên phải thành bụng là triệu chứng cảnh báo phổ biến nhất của bệnh viêm ruột thừa. Nếu không sớm được phát hiện và điều trị kịp thời, vùng ruột thừa có thể bị vỡ, đe doạ tính mạng của người bệnh.

Việc nhận biết được những điểm đau ruột thừa không chỉ giúp người bệnh sớm nhận biết được tình hình sức khoẻ của bản thân, chủ động thăm khám và điều trị mà còn giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong do viêm ruột thừa.

Có mấy điểm đau ruột thừa?

Theo các nghiên cứu, có 3 điểm đau ruột thừa gồm điểm Mac - Burney, điểm Clado và điểm Lanz. Chi tiết cụ thể của các điểm đau ruột thừa này như sau:

  • Điểm Mac - Burney: Đây là một điểm đau khu trú, có vị trí ở giữa đường nối rốn đến gai chậu trước trên bên phải.
  • Điểm Clado: Bên cạnh điểm Mac - Burney, điểm Clado cũng là điểm đau ruột thừa khu trú được các chuyên gia nhắc tới. Điểm đau này nằm tại giao điểm nối 2 gai chậu trước ở trên và bờ ngoài cơ thẳng bên phải.
  • Điểm Lanz: Một điểm đau ruột thừa khác cần phải nhắc tới là điểm Lanz. Vị trí của điểm đau này được xác định nằm tại chỗ nối tiếp giữa ⅓ ngoài và ⅔ trong của điểm niệu quản giữa bên phải (trùng với đường nối 2 gai chậu trước trên bên phải).
Có những điểm đau ruột thừa nào? 1
Có 3 điểm đau ruột thừa khu trú

Bên cạnh 3 điểm đau ruột thừa ở trên, khi nghi ngờ bị viêm ruột thừa, bác sĩ cũng sẽ sử dụng thêm một số dấu hiệu có giá trị bổ sung khi thăm khám khác như:

  • Dấu hiệu Blumberg: Người bệnh sẽ được chỉ định nằm ngửa duỗi thẳng chân, bác sĩ sẽ dùng ngón tay ấn từ từ toàn bộ ổ bụng đến khi bắt đầu thấy cơn đau rồi bỏ tay ra nhanh chóng. Nếu cảm thấy đau dữ dội có nghĩa đã bị viêm ruột thừa.
  • Dấu hiệu Obrasov: Sau khi người bệnh đã nằm theo tư thế được chỉ định, bác sĩ sẽ dùng tay trái ấn nhẹ vùng hố chậu phải tới khi bắt đầu cảm nhận được cơn đau và giữ nguyên ở vị trí đó. Đồng thời, bác sĩ sẽ dùng tay phải đỡ cẳng chân gập đùi chạm bụng. Nếu cảm thấy cơn đau tăng dần ở vùng hố chậu phải tức là bạn đã bị viêm ruột thừa.
  • Dấu hiệu Siskovski: Bác sĩ sẽ cho người bệnh nằm nghiêng sang bên trái, nếu cảm thấy đau ở hố chậu phải, có thể bạn đã bị viêm ruột thừa.

Ngoài ra, nếu người bệnh cảm thấy chán ăn, buồn nôn và nôn sau khi thấy cơn đau bụng, tiêu chảy, táo bón, không trung tiện được,... thì nên tới cơ sở y tế để được thăm khám tránh tình trạng chuyển biến xấu.

Các phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa

Để chẩn đoán chính xác có bị viêm ruột thừa hay không, ngoài việc căn cứ vào các dấu hiệu nhận biết điển hình, bác sĩ sẽ sử dụng các thủ thuật thăm khám lâm sàng khác. Việc làm này giúp tránh tình trạng chẩn đoán sai, chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý khác như viêm dạ dày, viêm đường tiết niệu, ung thư buồng trứng, u nang buồng trứng ở nữ giới,...

Một vài các thủ thuật thăm khám lâm sàng được các bác sĩ sử dụng gồm thăm khám vùng bụng; thăm khám trực tràng; thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu để xác định tình trạng viêm nhiễm, xét nghiệm nước tiểu để xác định nguyên nhân đau bụng kèm sốt và loại trừ các bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu; siêu âm ổ bụng hoặc chụp X-quang vùng bụng.

Có những điểm đau ruột thừa nào? 2
Siêu âm ổ bụng là một trong những thủ thuật lâm sàng được sử dụng

Viêm ruột thừa điều trị như thế nào?

Do là tình trạng y tế khẩn cấp nên gần như toàn bộ trường bị viêm ruột thừa đều được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để cắt bộ đoạn ruột thừa bị viêm. Có 2 phương pháp phẫu thuật viêm ruột thừa gồm phẫu thuật mở với đường rạch trên bụng dài từ 5 đến 10cm và phương pháp phẫu thuật nội soi.

Thông thường, người bệnh sẽ được thực hiện phẫu thuật viêm ruột thừa bằng phương pháp nội soi để có thời gian phục hồi nhanh hơn, ít xâm lấn hơn, thời gian phẫu thuật và nằm viện cũng ngắn hơn.

Tuy nhiên, không phải trường hợp bị viêm ruột thừa nào cũng có thể mổ nội soi. Những người bệnh phát hiện muộn, ruột thừa đã bị vỡ gây nhiễm trùng ổ bụng, áp xe ruột thừa,... sẽ phải phẫu thuật mở để loại bỏ phần ruột thừa bị viêm và làm sạch ổ bụng.

Có những điểm đau ruột thừa nào? 3
Phẫu thuật là phương pháp điều trị viêm ruột thừa phổ biến nhất

Cách chăm sóc người bệnh sau khi mổ viêm ruột thừa

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ viêm ruột thừa, người bệnh cần nghỉ ngơi và áp dụng chế độ ăn uống hợp lý để vết mổ không bị mưng mủ, nhiễm trùng cũng như để cơ thể hồi phục nhanh nhất. Theo đó, sau phẫu thuật, người bệnh được khuyến cáo nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu như cháo, soup, nước canh hầm,...

Ngoài ra, người bệnh cũng cần bổ sung thêm chất xơ, vitamin và các khoáng chất thông qua rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt. Việc bổ sung nhóm thực phẩm này sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột cho người bệnh, hỗ trợ hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn, cũng như thúc đẩy quá trình hấp thụ và chuyển hóa thức ăn.

Bên cạnh đó, thực phẩm giàu chất đạm (bao gồm cả đạm động vật và đạm thực vật) cũng cần được bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày. Các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng, nhóm thực phẩm giàu chất đạm sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể.

Các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, các loại hạt, quả bơ,... cũng được khuyên nên sử dụng cho người mổ ruột thừa. Được biết, những thực phẩm này có tác dụng cân bằng môi trường đường ruột, bảo vệ niêm mạc, chống nhiễm trùng, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hoá.

Có những điểm đau ruột thừa nào? 4
Omega-3 là dưỡng chất cần có trong chế độ ăn của người sau mổ viêm ruột thừa

Người bệnh sau khi mổ ruột thừa cần phải bổ sung đầy đủ tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày. Uống đủ nước không chỉ giúp cải thiện nhu động ruột mà còn giảm thiểu tình trạng táo bón, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và thanh lọc cơ thể. Hơn nữa, uống đủ nước còn giúp hỗ trợ khả năng hấp thụ dưỡng chất và bài trừ chất thải của cơ thể.

Viêm ruột thừa là tình trạng cần được cấp cứu khẩn cấp và gần như không thể phòng tránh. Tuy nhiên, nếu áp dụng chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học như không hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích,... cũng có thể giảm thiểu nguy cơ bị viêm ruột thừa.

Trên đây là những chia sẻ về các điểm đau ruột thừa cũng như cách chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh sau khi mổ ruột thừa. Nhà thuốc Long Châu hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với mọi người, đặc biệt là những người đang có những dấu hiệu nghi ngờ bị viêm ruột thừa.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin