Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cùng mẹ khám phá giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi

Ngày 28/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Với trẻ sơ sinh, giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ. Bạn có tò mò về giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi không? Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ đưa ra một số thông tin về vai trò của giấc ngủ, thời gian ngủ phù hợp và cách nâng cao chất lượng giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi.

Với trẻ sơ sinh, ăn và ngủ là hai vấn đề luôn được các mẹ quan tâm hàng đầu. Trẻ sơ sinh trong 2 tháng đầu dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc ngủ. Vì vậy, biết cách chăm sóc giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi là việc mẹ có thể làm để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ trong những tháng đầu đời.

Giấc ngủ quan trọng thế nào với trẻ 2 tháng tuổi?

Các bằng chứng khoa học đều chứng minh giấc ngủ liên hệ mật thiết với sự phát triển thể chất, trí tuệ, chỉ số cảm xúc,… của trẻ sơ sinh. Trong giấc ngủ sâu, các tế bào não tăng cường hoạt động giúp tăng khả năng nhận thức, học hỏi, ghi nhớ. Cơ thể cũng tăng cường sản xuất hormone tăng trưởng giúp thúc đẩy sự phát triển tối đa về thể chất.

Cũng có nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh bị mất ngủ, thiếu ngủ trong những tháng đầu đời sẽ gặp khó khăn về chú ý, kiểm soát hành vi, kiểm soát cảm xúc, khả năng ghi nhớ và nhận thức và làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa. Ngoài ra, giấc ngủ của trẻ bị ảnh hưởng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tinh thần của các bà mẹ mới sinh.

Cùng mẹ khám phá giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi 1
Với trẻ sơ sinh, giấc ngủ vô cùng quan trọng

Những điều thú vị về giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi

Giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi không giống với giấc ngủ của người lớn nên chắc chắn có nhiều điều khiến mẹ tò mò. Một số sự thật dưới đây có thể khiến mẹ ngạc nhiên khi biết về giấc ngủ của con mình đó:

  • Trẻ sơ sinh trong giai đoạn 2 tháng tuổi có thể dành 14 - 17 giờ/ngày cho việc ngủ. Các giấc ngủ ngắn, dài có thể xen kẽ nhau. Giấc ngủ ngắn có thể diễn ra trong vòng 30 phút đến 3 tiếng. Giấc ngủ dài có thể kéo dài liên tục 5 tiếng hoặc hơn. Chính điều này khiến lịch ngủ của trẻ không cố định và không giống nhau ở tất cả trẻ sơ sinh.
  • Đến tháng thứ 2 sau sinh, trẻ đã có thể có cảm giác đói, khát, muốn thay bỉm. Trẻ đã có chu kỳ ngủ - thức nên có thể bị tỉnh giấc vào ban đêm khi đói hoặc muốn thay bỉm. Ngược lại, cũng có trẻ 2 tháng tuổi ngủ xuyên đêm.
  • Đây cũng là thời điểm trẻ muốn khám phá thế giới bên ngoài. Một số trẻ sẽ thích thức dậy vào ban đêm khi đang học phân biệt giữa ngày và đêm.
  • Nhiều trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi đã hình thành thói quen ngủ tự nhiên như ngủ trên tay mẹ, ngủ khi đang bú,… Chính những thói quen này cũng khiến trẻ dễ bị thức dậy ban đêm.
  • Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ 2 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ thức dậy thường xuyên hơn và dậy sớm hơn trẻ uống sữa công thức.
Cùng mẹ khám phá giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi 2
Giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi có thể thay đổi theo từng tuần

Giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi chiếm bao nhiêu thời gian?

Theo bảng thời gian ngủ của trẻ, giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi có thể chiếm đến 17 tiếng trong ngày, trung bình khoảng 16 tiếng. Các giấc ngủ dài từ 5 - 6 tiếng thường diễn ra vào buổi tối. Tuy nhiên, cũng có những trẻ ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn khiến không ít các bậc cha mẹ lo lắng.

Có một thực tế rằng chu kỳ ngủ, thói quen ngủ của trẻ sẽ thay đổi theo từng ngày, từng tuần. Vì vậy, nếu bỗng nhiên trẻ ngủ nhiều hơn bình thường nhưng không có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cha mẹ có thể yên tâm. Đây chỉ là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường ở trẻ sơ sinh mà thôi.

Tương tự, nếu bỗng một ngày trẻ ngủ ít hơn bình thường nhưng vẫn ăn ngoan, chơi ngoan, mẹ cũng không cần lo lắng. Nguyên nhân trẻ sơ sinh thức liền 5 tiếng có thể do trẻ đang trong giai đoạn học hỏi, tò mò muốn khám phá mọi thứ xung quanh.

Tuy nhiên, nếu trẻ ngủ giấc quá dài thường xuyên dẫn đến bỏ lỡ những cữ bú quan trọng, trẻ có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng. Vì vậy, tùy trường hợp cụ thể, mẹ nên đánh thức trẻ dậy để bú nhằm đảm bảo trẻ không bị quá đói. Ngược lại, trẻ ngủ quá ít đi kèm triệu chứng trằn trọc, quấy khóc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Sức khỏe trẻ suy giảm, hệ miễn dịch suy yếu sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.

Cùng mẹ khám phá giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi 3
Ngủ đủ giấc giúp trẻ vui khỏe, mẹ yên tâm

Cách nâng cao chất lượng giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi

Giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi quan trọng như thế nào có lẽ không cần bàn cãi. Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể giúp trẻ sơ sinh ngủ ngoan và đầy giấc?

  • Cha mẹ có thể dạy bé phân biệt nhịp ngày - đêm bằng một lịch trình sinh hoạt khoa học, ưu tiên giấc ngủ ngắn vào ban ngày và giấc ngủ dài vào ban đêm.
  • Ngay cả khi bé chưa muốn đi ngủ sau một thời gian thức quá lâu, bạn cũng hãy cứ đặt bé lên giường để bé biết đã đến giờ đi ngủ.
  • Hiện nay có nhiều phương pháp luyện cho bé tự ngủ được nhiều bậc cha mẹ áp dụng thành công như: Phương pháp CIO, Fading, Time Check-in, phương pháp tự ngủ 4s, 5s hay phương pháp EASY. Mẹ có thể tìm hiểu và áp dụng một cách phù hợp nhất với con của mình.
  • Tạo một môi trường ngủ thuận lợi cũng giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ của trẻ. Theo đó, phòng ngủ của trẻ cần luôn đảm bảo thơm tho, sạch sẽ, thông thoáng. Ánh sáng ban ngày và ban đêm cần phù hợp và cần yên tĩnh, tránh tiếng ồn.
  • Ngoài thay đổi thói quen ngủ do sinh lý, cũng có những trẻ bị rối loạn giấc ngủ do vấn đề dinh dưỡng hay bệnh lý. Trẻ sơ sinh khó ngủ có thể do thiếu các yếu tố vi lượng như canxi, magie, sắt, photpho,… Tình trạng rối loạn tiêu hóa, vấn đề về đường hô hấp,… cũng khiến trẻ ngủ không ngon giấc. Trong trường hợp này, mẹ cần cho trẻ đi khám để tìm ra chính xác nguyên nhân. Khi các vấn đề về sức khỏe được xử lý triệt để, trẻ mới có được những giấc ngủ ngon.
Cùng mẹ khám phá giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi 4
Nếu trẻ rối loạn giấc ngủ trong thời gian dài, mẹ nên cho con đi khám

Trên đây là những thông tin quan trọng về giấc ngủ của trẻ 2 tháng tuổi mà cha mẹ nên biết. Hy vọng qua bài viết này, mẹ đã biết tầm quan trọng của giấc ngủ với trẻ và bí quyết giúp trẻ ngủ ngon giấc để con khỏe mạnh, mẹ yên tâm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm