Đau bụng dưới và đau lưng ở phụ nữ là dấu hiệu của bệnh gì?
Ngày 30/08/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Đau bụng dưới và đau lưng là hiện tượng thường gặp ở nhiều phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Nhưng triệu chứng này kéo dài kể cả khi kết thúc kỳ kinh thì rất nguy hiểm. Vậy nguyên nhân đau bụng dưới và đau lưng là gì cũng như cách khắc phục như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Đau bụng dưới và đau lưng không phải là triệu chứng bất thường mà thường gặp ở phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên nếu cơn đau kéo dài kèm theo tức ngực và buồn nôn thì không nên chủ quan. Đây có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nguy hiểm hoặc mang thai. Do đó tìm hiểu rõ nguyên nhân để có cách xử lý hiệu quả.
Nguyên nhân đau bụng dưới và đau lưng ở phụ nữ
Đau bụng dưới và đau lưng xuất hiện nặng hoặc nhẹ tuỳ vào nguyên nhân gây ra. Có thể là một cơn đau âm ỉ kéo dài hoặc cơn đau xuất hiện đột ngột sau đó tự khỏi. Đôi khi đau lưng, đau bụng dưới kèm theo các triệu chứng khác. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra các triệu chứng này.
Triệu chứng khi mang thai
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ thay đổi về hormone, tâm lý, sức khỏe,… Những thay đổi này khiến bà bầu cảm thấy đau vùng bụng dưới và đau lưng. Vì lý do này, nhiều phụ nữ cho rằng đau bụng dưới và đau lưng là dấu hiệu mang thai. Nhưng chỉ có những triệu chứng này thì chưa khẳng định chắc chắn bạn đang có thai. Vì vậy, để biết đau bụng dưới, đau lưng có phải mang thai hay không, bạn cần xem xét đến các yếu tố khác như:
Gần đây bạn có quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tránh thai không?
Có chậm kinh không?
Có dấu hiệu mang thai khác không như ra máu báo thai, buồn nôn, đi tiểu thường xuyên, đau ngực, tiết dịch âm đạo nhiều, cảm thấy mệt mỏi, thay đổi khẩu vị,... không?
Kỳ kinh nguyệt
Thông thường, phụ nữ thường bị đau bụng dưới và đau lưng trong kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân khi hành kinh, phụ nữ bị mất cân bằng nội tiết tố, lạc nội mạc tử cung, đau bụng kinh do di truyền,…
Cách khắc phục: Xây dựng chế độ ăn uống nhiều rau xanh, trái cây tươi, tăng cường thực phẩm giàu chất sắt, vitamin B, magie và canxi..., giảm đường và muối, uống nhiều nước, chườm nóng, không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích,...
U xơ tử cung
U xơ tử cung phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 40. Các triệu chứng thường gặp là đau âm ỉ ở vùng bụng dưới, đau lưng dưới, đau khi quan hệ tình dục và khó mang thai,... Khi nghi ngờ mình bị u xơ tử cung, bạn nên đi khám để điều trị kịp thời. Các biện pháp can thiệp để loại bỏ u xơ tử cung có thể được xem xét nếu khối u ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh, chủ yếu ở những phụ nữ đã đặt vòng tránh thai. Hậu quả của bệnh có thể gây đau vùng thắt lưng, đau vùng háng, âm đạo tiết dịch có mùi hôi khó chịu, có thể kèm theo máu, chóng mặt, mệt mỏi... Ngoài ra, đây cũng có thể là triệu chứng của u nang buồng trứng, khiến tình trạng đau bụng thường xuyên hơn, cản trở sinh hoạt của chị em phụ nữ.
Đau bụng dưới và đau lưng kèm theo tiểu ra máu
Đây là triệu chứng phổ biến khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân là do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu và tấn công niệu đạo đến niệu quản đến bàng quang. Ngoài ra, phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu còn có cảm giác đi tiểu đau buốt, tiểu nhiều.
Cách khắc phục: Chị em nên vệ sinh vùng kín, đi khám bác sĩ để được kê thuốc kháng sinh, chống viêm.
Đau bụng dưới và đau lưng kèm theo buồn nôn
Đau bụng dưới và đau lưng cũng là triệu chứng của bệnh sỏi thận. Sỏi thận có triệu chứng đau dọc niệu quản đến gò mu, đau hông, đau lưng và kèm theo buồn nôn. Ngoài ra, khi phụ nữ bị sỏi thận còn có các triệu chứng nước tiểu chuyển sang màu hồng hoặc đỏ như máu, sốt, tiểu đau rát, có mủ.
Cách khắc phục: Uống nhiều nước, phẫu thuật loại bỏ sỏi nếu sỏi thận có kích thước lớn không thể đào thải ra ngoài qua nước tiểu.
Nguyên nhân khác gây đau bụng dưới và đau lưng
Ngoài các nguyên nhân trên, triệu chứng đau lưng dưới và đau lưng còn có thể do những nguyên nhân sau:
Tập luyện quá sức và mang vác nặng: Thường xuyên nâng, mang vác nặng trong thời gian dài có thể làm căng cơ và gây đau vùng bụng dưới và lưng.
Tư thế sai khi ngủ và ngồi làm việc: Ngủ hoặc ngồi sai tư thế cũng có thể gây đau lưng, đau bụng dưới do bị chèn ép. Đồng thời, gắng sức tập thể thao cũng có thể gây áp lực lên vùng này.
Lão hóa và loãng xương: Lão hóa và loãng xương làm cột sống yếu đi và dễ bị đau lưng.
Sử dụng quá nhiều chất kích thích: Thuốc lá, rượu bia sử dụng quá nhiều gây hại cho sức khỏe, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và giảm tính linh hoạt của xương khớp.
Thay đổi thời tiết: Khi trời lạnh, khiến cơ xương bị cứng và dẫn đến đau nhức ở cột sống.
Cách khắc phục và phòng ngừa đau bụng dưới và đau lưng
Lưu ý khi chăm sóc sức khỏe bản thân dưới đây giúp khắc phục và cải thiện triệu chứng đau bụng dưới và đau lưng:
Đi khám ngay nếu nhận thấy những triệu chứng bất thường như đau bụng kéo dài và đau lưng, kèm theo các triệu chứng bất thường khác. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp với từng nguyên nhân.
Khi bị đau bụng, hãy tìm ra nguyên nhân chính xác để có phương pháp giảm đau hiệu quả. Có thể giảm đau nhanh chóng, tạm thời bằng cách chườm nóng vùng bụng, uống trà gừng, tắm nước ấm, thuốc giảm đau,...
Tập thể dục hàng ngày và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Chú ý vệ sinh tốt, giữ vùng kín khô ráo để tránh các bệnh phụ khoa gây đau bụng. Vệ sinh bằng nước sạch, không thụt rửa quá sâu, không dùng hóa chất, xà phòng chà xát lên vùng kín.
Dùng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.
Uống nhiều nước và không nhịn tiểu để tránh sỏi thận, hạn chế ăn đồ cay nóng, dầu mỡ, thức ăn nhanh khiến cơn đau lưng, đau bụng nặng thêm.
Thường xuyên tập các bài tập giãn cơ, massage bấm huyệt vùng lưng, cổ, vai và toàn thân giúp cải thiện tuần hoàn máu, ngăn ngừa các cơn đau nhức xương khớp gây đau bụng, đau lưng.
Như vậy, đau bụng dưới và đau lưng ở phụ nữ là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh bạn nên đi khám để chẩn đoán và điều trị, không được chủ quan vì bệnh có thể nghiêm trọng hơn và khó điều trị.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.