Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Dấu hiệu nhận biết nhiễm độc C.botulinum và cách phòng ngừa

Ngày 22/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vi khuẩn Clostridium botulinum thường xuất hiện trong điều kiện thiếu oxy và bài tiết độc tố trong nhiệt độ 30 - 37 độ C. Loại độc tố này có thể gây tê liệt các bó cơ thần kinh và cũng là nguyên nhân dẫn đến tử vong ở người.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận 15 trường hợp nghi ngờ ngộ độc vi khuẩn "sát thủ" Clostridium botulinum do ăn món cá mòi “nhà làm” ở một nhà hàng ở Bordeaux - Pháp. Trong đó đã có một trường hợp bị tử vong và 8 người nguy kịch phải nằm ở đơn vị hồi sức tích cực (ICU). Vậy dấu hiệu nhận biết nhiễm độc botulinum là gì? Cách phòng ngừa như thế nào?

Độc tố Clostridium botulinum nguy hiểm như thế nào?

Clostridium botulinum (C.botulinum) là một loại độc tố thần kinh tồn tại dưới dạng chuỗi polypeptid với khối lượng phân tử 150 nghìn Dalton. Độc tố này có tổng cộng 7 loại độc tố botulinum, được ký hiệu từ A đến G. Trong đó loại A và B là phổ biến nhất, tiếp đến là E và F, các loại còn lại thường gặp ít hơn. C.botulinum có độc tính cực mạnh, chỉ cần 0.03 mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong cho người nặng 70kg. Có nghĩa là 1kg độc tố này có thể gây tử vong cho 1 tỷ người.

Dấu hiệu nhận biết nhiễm độc C.botulinum và cách phòng ngừa 1
Thức ăn khi không được bảo quản đúng cách có khả năng gây ngộ độc C.botulinum

Người mắc bệnh thường nhiễm độc tố botulinum thông qua thực phẩm nhiễm độc. Hầu như mọi loại thức ăn khi không được bảo quản đúng cách đều có khả năng gây ngộ độc. Thường thì độc tố botulinum xuất hiện nhiều trong các thực phẩm có độ acid thấp như đậu, thịt hộp, cá hộp và nhiều nguồn gây bệnh khác.

Đáng nói, trẻ em dưới 1 tuổi có thể bị nhiễm độc tố C.botulinum nếu sử dụng mật ong hoặc sữa bột chứa C.botulinum ở dạng nha bào, vì nha bào có thể phát triển và sản sinh độc tố trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, độc tố botulinum cũng có thể nhiễm qua các vết thương hở, thường xảy ra ở những người sử dụng ma túy tiêm chích.

Dấu hiệu nhận biết khi bị nhiễm độc C.botulinum

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cho biết, độc tố do C.botulinum gây ngộ độc có đặc điểm là không bị ảnh hưởng bởi môi trường acid trong dạ dày. Độc tố có thể xâm nhập nhanh chóng vào máu và phân tán khắp cơ thể. Ban đầu, độc tố tác động lên hệ thần kinh trung ương, gắn kết vào các đầu mút thần kinh và gây ra triệu chứng như buồn nôn và nôn. Độc tố sẽ nhanh chóng xâm nhập vào máu qua lớp màng nhầy của đường hô hấp.

Khi bị ngộ độc C.botulinum, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 8 đến 10 tiếng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có thể xuất hiện triệu chứng chỉ sau 4 tiếng. Người bị nhiễm độc botulinum thường sẽ có biểu hiện điển hình là các triệu chứng thần kinh ngoại biên như:

  • Buồn nôn và nôn, nhức đầu, chóng mặt, cơ thể suy nhược, mệt mỏi và da khô;
  • Chướng bụng, đau bụng, táo bón, tiêu chảy;
  • Không sốt hoặc sốt nhẹ, không bị rối loạn ý thức.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm độc C.botulinum và cách phòng ngừa 4
Buồn nôn và nôn là một trong những dấu hiệu nhiễm độc C.botulinum

Sau đó, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng thần kinh điển hình như:

  • Liệt cơ mắt, giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng, liệt cơ tim, viễn thị), nhìn đôi, liệt cơ vận động nhãn cầu (lác mắt);
  • Co thắt họng, nghẹn họng, sặc mũi và khó khăn trong việc nhai nuốt;
  • Các triệu chứng tiêu hoá tiếp tục tiến triển với tình trạng táo bón, giảm tiết dịch tiêu hoá, khô miệng và khô họng.

Triệu chứng ngộ độc C.botulinum có thể kéo dài khoảng 4 - 8 ngày. Trong trường hợp nặng, hệ thống thần kinh tuần hoàn và hô hấp có thể bị liệt với các triệu chứng như khó thở, thở nông và thở nhanh, thậm chí có thể tử vong do ngạt thở.

Hầu hết các trường hợp bị nhiễm độc botulinum đều có tiên lượng thấp, tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng trong thời gian dài. Tuy nhiên, hiện nay đã có các phương pháp điều trị tích cực giúp tỷ lệ tử vong giảm xuống khoảng 10%.

Cách phòng ngừa nhiễm độc C.botulinum

Để đề phòng ngừa nguy cơ nhiễm chất độc C.botulinum, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Chọn mua thực phẩm có có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Không sử dụng sản phẩm đóng hộp đã hết hạn, bị phồng biến dạng hoặc có mùi vị và màu sắc bất thường;
  • Không nên tự đóng gói thực phẩm quá kín và để lâu trong điều kiện không đông đá. Đối với các thực phẩm lên men, như dưa muối, măng, cà muối, cần đảm bảo chúng có độ chua và mặn thích hợp. Khi thực phẩm đã không còn chua nữa, không nên tiêu thụ để tránh rủi ro ngộ độc;
  • Thực hiện ăn chín uống sôi, ưu tiên ăn món mới được chế biến và nấu chín. Nên làm lạnh thực phẩm đúng cách trong vòng 2 giờ sau khi nấu để tránh tạo ra bào tử độc tố;
  • Nên tiệt trùng trong nồi áp suất ở 121 độ C trong 30 phút đối với các thực phẩm đóng hộp tại nhà;
  • Nếu thực phẩm có mùi hôi, nên loại bỏ để đảm bảo an toàn;
  • Không cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong và không cho con bú nếu xuất hiện triệu chứng ngộ độc botulinum;
  • Khi có dấu hiệu nhiễm trùng như đỏ, đau, sưng và mưng mủ, cần tìm đến bác sĩ để điều trị vết thương.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm độc C.botulinum và cách phòng ngừa 2
Không sử dụng sản phẩm đóng hộp đã hết hạn hoặc bị phồn rộp biến dạng

Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc C.botulinum, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hy vọng qua bài viết chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm cũng như dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa để tránh nhiễm độc tố nguy hiểm này nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin