Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau khớp đầu ngón tay

Ngày 02/03/2022
Kích thước chữ

Đau khớp đầu ngón tay là bệnh lý thường gặp và do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh có thể gây ra nhiều khó khăn cho bệnh nhân trong sinh hoạt hằng ngày do đau và có thể dẫn đến biến dạng khớp ngón tay.

Bàn tay và ngón tay là các cơ quan hoạt động thường xuyên nhất trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi xương của đốt bàn tay sẽ nối với xương của đốt ngón tay. Những xương đốt ngón tay nhỏ được sắp xếp nối tiếp nhau, tạo thành xương ngón tay. Các khớp của xương ngón tay ở bàn tay được tạo thành bởi sự kết nối giữa các xương đốt ngón tay và xương đốt bàn tay. Khớp ngón tay cử động như “bản lề” cho phép mỗi người dễ dàng hoạt động gập ngón tay lại hoặc duỗi thẳng ngón tay ra.

Đau do viêm khớp đầu ngón tay có thể gây rất đau, đau dữ dội, thậm chí sưng đỏ, làm giảm sức mạnh và phạm vi chuyển động, gây khó khăn cho việc thực hiện các nhiệm vụ đơn giản hằng ngày, chẳng hạn như: Xoay tay nắm cửa, mở nắp, đóng nắp...

Đau khớp đầu ngón tay là gì?

3 xương đốt của ngón tay được nối với nhau bởi 2 khớp, được gọi là khớp liên đốt. Khớp mà gần với khớp bàn tay nhất được gọi là khớp liên đốt gần. Khớp nằm gần đầu ngón tay là khớp liên đốt xa. Riêng ngón cái chỉ có 1 khớp liên đốt giữa 2 xương đốt ngón cái. Các khớp này hoạt động như “bản lề” khi gập và duỗi ngón tay. Các khớp của ngón tay được bao phủ bên ngoài bởi lớp sụn khớp, có màu trắng như cao su. Sụn khớp ngón tay có chức năng hấp thu sự va chạm, tạo bề mặt trơn láng để thuận lợi hơn cho khớp chuyển động.

Tình trạng đau khớp đầu ngón tay có thể xảy ra ở bất kỳ ngón nào như khớp đầu ngón tay cái, khớp đầu ngón tay út... Đây là tình trạng sụn nằm ở xương đầu khớp ngón tay bị mòn đi hoặc do sự thoái hóa, thường diễn ra từ từ trong khoảng nhiều năm. Khi cảm thấy đau đầu ngón tay, các sụn bao phủ xương đầu ngón tay bị giảm chất lượng, bề mặt trơn nhẵn không còn nữa thay vào đó là bị sần sùi. Khi các khớp xương chà xát với nhau dẫn đến sự ma sát và tổn thương đầu khớp, gây ra hiện tượng viêm dẫn đến đau khớp đầu ngón tay.

Đau khớp đầu ngón tay1 Đau khớp đầu ngón tay có thể xảy ra ở bất kỳ ngón nào

Nguyên nhân gây đau khớp đầu ngón tay

Viêm khớp đầu ngón tay thường chịu ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, các chấn thương có thể xảy ra như bong gân đầu ngón tay, gãy xương đầu ngón tay... Các tổn thương khớp đầu ngón tay có thể tác động tới vùng sụn khớp, làm thay đổi hoạt động của sụn khớp. Chấn thương có thể làm các khớp thay đổi cấu trúc sắp xếp và sự chuyển động. Khi hoạt động, lực sẽ đè lên bề mặt của sụn khớp, theo thời gian sẽ phá hủy sụn. Hơn thế nữa, sụn khớp không thể tự phục hồi tốt được, sự tổn thương sẽ ngày càng nặng hơn và xuất hiện các triệu chứng đau khớp đầu ngón tay.

Bên cạnh đó, các yếu tố sau sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng đau khớp đầu ngón tay:

  • Nữ giới.
  • Trên 40 tuổi.
  • Béo phì.
  • Mắc một số bệnh di truyền như dây chằng khớp lỏng.
  • Các bệnh có khả năng làm thay đổi cấu trúc và chức năng của sụn khớp như viêm khớp dạng thấp.
  • Các hoạt động và công việc có khả năng tạo áp lực lên đầu ngón tay thường xuyên.
Đau khớp đầu ngón tay2 Quá trình lão hóa và chấn thương được xem là nguyên nhân gây ra chứng đau khớp đầu ngón tay

Triệu chứng của đau khớp đầu ngón tay

Đau khớp đầu ngón tay

Cơn đau xảy ra ở đầu ngón tay khi nắm, khi chụp một vật nào đó hoặc khi phải dùng lực đầu ngón tay. Cơn đau xuất hiện khi người bệnh bắt đầu hoạt động cầm, nắm đồ vật. Khi hoạt động, cơn đau sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, sau khi ngưng hoạt động, cơn đau và sự cứng khớp sẽ tăng lên. Các cơn đau khớp ngón tay sẽ xuất hiện ngay cả khi người bệnh không hoạt động gì cả.

Gây biến dạng ngón tay

Khi khớp đầu ngón tay bị viêm dẫn đến đau, các ngón tay có nguy cơ biến dạng. Các khớp đầu ngón tay bắt đầu hướng về một bên (cụ thể về phía ngón út). Dó là hiện tượng lệch về hướng xương trụ, có thể gây nên yếu tay và rất đau, gây khó khăn trong những hoạt động thường ngày.

Đau khớp đầu ngón tay3 Bệnh đau khớp đầu ngón tay có thể gây biến dạng ngón tay

Biến dạng các khớp liên đốt

Khi bị chấn thương các khớp liên đốt, ngón tay gập hoặc duỗi sẽ tạo thành các biến dạng đặc trưng. Tình trạng các khớp liên đốt bị lỏng khi duỗi quá mức, trong khi các khớp liên đốt xa bị gập lại. Hoặc biến dạng boutonniere xảy ra khi khớp liên đốt gần bị gập xuống trong khi các khớp liên đốt xa lại duỗi ra.

Sưng các khớp liên đốt

Các khớp liên đốt gần bị to ra ở mặt sau, sưng, đau. Khi đó các khớp liên đốt xa bị sưng to gọi là hiện tượng Heberden. Ngoài ra, có rất nhiều triệu chứng khác như: Sưng, nóng và đau ở đầu ngón tay, cứng khớp, làm giảm sức mạnh khi cầm nắm, hạn chế phạm vi chuyển động tay, khớp tại các ngón tay to ra hoặc nhìn thấy cục xương nhô ra...

Hướng điều trị đau khớp đầu ngón tay

Đối với bệnh đau khớp đầu ngón tay ở thể nhẹ được phát hiện sớm, sau đây là những phương pháp không can thiệp phẫu thuật:

Dùng thuốc uống giảm đau

Với trường hợp đau khớp đầu ngón tay chỉ đau khi làm việc nhiều hoặc làm việc nặng thì bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc kháng viêm như Aspirin hoặc Ibuprofen... Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần giảm cường độ hoạt động hoặc ngưng làm những công việc đòi hỏi nhiều cử động lặp đi lặp lại của bàn tay và ngón tay.

Dùng Cortisone (thuốc kháng viêm)

Người bệnh có thể được chỉ định tiêm Cortisone vào các khớp ngón tay để giúp giảm đau tạm thời. Tuy nhiên, tác dụng của thuốc chỉ kéo dài vài tuần đến vài tháng. Đồng thời, phương pháp này cũng đi kèm nguy cơ nhiễm trùng khớp cao, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu đóng vai trò thiết yếu trong việc điều trị bệnh đau khớp đầu ngón tay không can thiệp phẫu thuật. Mục đích của việc điều trị là giúp bệnh nhân nắm được cách kiểm soát các triệu chứng, giữ bàn tay và các khớp đầu ngón tay trong điều kiện tốt nhất. Người bệnh sẽ được học cách làm dịu các cơn đau và triệu chứng khó chịu, bao gồm phương pháp như nghỉ ngơi, cách giảm đau bằng nhiệt hoặc dùng thuốc bôi ngoài da. Các bài tập về biên độ chuyển động và cách căng cơ cũng được đề nghị thực hiện để giúp cải thiện khả năng hoạt động của ngón tay. Các bài tập tăng sức mạnh cho bàn tay và cả cánh tay có tác dụng giữ vững cho bàn tay giúp bảo vệ ngón tay trước tình trạng có áp lực.

Đau khớp đầu ngón tay4 Vật lý trị liệu được cho là phương pháp điều trị chứng đau khớp đầu ngón tay ở thể nhẹ

Băng thun hoặc nẹp đầu ngón tay

Phương pháp này được dùng cho một số bệnh nhân để giúp hỗ trợ giảm đau, ngăn ngừa sự biến dạng khớp đầu ngón tay hoặc ngăn ngừa khớp bị biến dạng nặng hơn.

Đau khớp đầu ngón tay5 Phương pháp nẹp đầu ngón tay giúp hỗ trợ giảm đau và ngăn ngừa sự biến dạng khớp

Trên đây là những thông tin giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chứng đau khớp đầu ngón tay. Bệnh đau khớp đầu ngón tay có thể phòng ngừa bằng cách bảo vệ các ngón tay, tránh hoạt động quá mức và nên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Chúc cho bạn đọc có một bàn tay khỏe mạnh nhé!

Hoàng Yến

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin