Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Đau khớp gối là dấu hiệu bệnh gì?

Ngày 04/04/2022
Kích thước chữ

Đau khớp gối là triệu chứng phổ biến nhất cảnh báo khớp gối của bạn đang gặp phải vấn đề, có thể do chấn thương hay bệnh lý xương khớp. Đau khớp gối dấu hiệu của bệnh gì, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Đau khớp nói chung, đau khớp gối nói riêng là dấu hiệu thường gặp trên lâm sàng các bệnh khớp. Bệnh nhân đau khớp gối sẽ gặp nhiều ảnh hưởng trong sinh hoạt và đời sống nên cần phải đi khám sớm để xác định rõ tính chất đau khớp, ví dụ như đau một điểm/toàn bộ khớp, lúc vận động có tăng đau hay không; đau có kèm viêm hay tràn dịch khớp không; có đồng thời bị sốt và đau các khớp khác không…

Đau khớp gối là dấu hiệu bệnh gì?

Với tình trạng bị đau khớp gối ở người trẻ, nếu chỉ đau khớp gối đơn thuần, không có điểm đau cố định và không kèm theo tình trạng viêm khớp (sưng nhỏ/to, nóng đỏ vùng khớp) thì nguyên nhân có thể do chấn thương khi bị ngã, bị bước hụt chân, đi guốc dép quá cao, căng kéo khớp gối thô bạo khi tập thể dục…. Ngoài ra, khớp gối có khi bị đau do người bệnh thường có thói quen duy trì một tư thế cố định quá lâu, chẳng hạn như ngồi làm việc quá lâu không thay đổi tư thế, đứng quá lâu…

Đau khớp gối dấu hiệu bệnh gì? 1 Đau khớp nói chung, đau khớp gối nói riêng là dấu hiệu thường gặp trên lâm sàng các bệnh khớp.

Trường hợp đau này chỉ nên xoa bóp khớp và vận động khớp nhẹ nhàng, có băng thun bảo vệ khớp gối khi tập thể thao. Tuy nhiên, nếu hiện tượng đau khớp như trên xảy ra đối với những người trung niên, từ trên 40-50 tuổi trở lên thì phải nghĩ đến nguyên nhân đau khớp gối do thoái hóa khớp gối. Người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp: Vận động liệu pháp, massage, thuốc giảm đau, thuốc tăng cường sự bền vững của sụn khớp… Lưu ý, đau khớp gối ở người cao tuổi cần lưu ý đến tình trạng loãng xương kết hợp với thoái hóa khớp.

Thoái hóa khớp gối gây đau

Triệu chứng của thoái hóa khớp gối

Đau khớp gối là triệu chứng cảnh báo bạn có thể đã bị thoái hóa khớp gối. Cơn đau thường diễn tiến từ từ, khởi phát người bệnh sẽ cảm thấy đau vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, đôi khi xảy ra khi trời lạnh, những lúc vận động mạnh, lên xuống cầu thang hay thậm chí chỉ là đứng lâu một chỗ,…

Ngoài ra, thoái hóa khớp gối còn có nhiều triệu chứng khác như:

  • Cứng khớp: Thường xảy ra vào buổi sáng hoặc sau một khoảng thời gian không vận động;
  • Giảm tầm cử động khớp gối: Bạn gặp khó khăn khi gập hoặc duỗi gối;
  • Da khu vực gối ấm hơn, có thể có sưng: Do mô mềm xung quanh khớp bị viêm;
  • Âm thanh lạo xạo phát ra khi cử động khớp;
  • Ở giai đoạn muộn còn đưa đến biến dạng khớp.
Đau khớp gối dấu hiệu bệnh gì? 2 Đau khớp gối được rất nhiều người quan tâm.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Nguyên nhân chính xác gây thoái hóa khớp gối hiện nay vẫn chưa được xác định; tuy nhiên nhiều giả thuyết đã được đặt ra bao gồm:

  • Tuổi: Càng lớn tuổi khớp càng yếu đi, dần dần thoái hóa;
  • Giới: Nữ giới dễ mắc bệnh hơn nam;
  • Béo phì: Việc thừa cân sẽ khiến nguy cơ bị thoái hóa khớp gối tăng lên;
  • Do di truyền;
  • Nghề nghiệp: Tính chất công việc gây áp lực lên khớp gối nhiều, lặp đi lặp lại trong thời gian dài, chẳng hạn như công việc hay phải ngồi xổm, mang vác nặng, leo cầu thang nhiều….
  • Bệnh lý: Viêm khớp dạng thấp, gout.

Viêm đa khớp dạng thấp

Triệu chứng 

Triệu chứng tại khớp

  • Đau: Đây là triệu chứng dễ nhận biết nhất vì khi viêm sẽ làm khớp trở nên nhạy cảm và căng hơn.
  • Cứng khớp: Điển hình nhất của viêm khớp dạng thấp là trình trạng khớp bị cứng vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Cứng khớp kéo dài ít nhất 45 phút sau khi bắt động cử động khớp, xoa bóp một lúc sau mới đỡ.
  • Sưng khớp: Viêm khớp khiến dịch tích tụ nhiều trong khớp.
  • Nóng: Vùng da khớp có thể ấm hơn vùng da xung quanh (vùng da khớp bị bệnh không bị đỏ).

Triệu chứng toàn thân

  • Sốt nhẹ, mệt mỏi;
  • Chán ăn, sụt cân;
  • Đau nhức, mỏi cơ toàn thân.

Triệu chứng các cơ quan khác

  • Nốt thấp: Vùng da khớp khuỷu, gót chân, gối xuất hiện những nốt (hạt, cục) trên bề mặt. Chúng không gây đau và có tính chất dính vào nền xương ở dưới. 
  • Triệu chứng giảm tiết dịch: Bệnh nhân sẽ cảm thấy mắt và miệng bị khô, dịch nước bọt giảm, tuyến mang tai sưng to… Đồng thời khó nuốt khi ăn những thức ăn khô.
  • Triệu chứng ở tim: Tim đập nhanh, loạn nhịp.
Đau khớp gối dấu hiệu bệnh gì? 3 Dù đau khớp gối do nguyên nhân gì cũng đều khiến người bệnh khó chịu, hạn chế trong vận động, sinh hoạt.

Nguyên nhân

Cũng như thoái hóa khớp gối, nguyên nhân của bệnh phong thấp cho đến ngày nay vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, di truyền và môi trường cũng là hai yếu tố có thể có liên quan đến bệnh này.

Vai trò của hệ miễn dịch là bảo vệ cơ thể, khi hệ miễn dịch xảy ra rối loạn nào đó sẽ lại tấn công vào lớp màng bao quanh khớp, kéo theo viêm khớp, phá hủy khớp.

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh phong thấp có thể kể đến như:

  • Nữ giới;
  • Gia đình có người bị phong thấp;
  • Tuổi già;
  • Hút thuốc lá;
  • Tiếp xúc với silic.

Gout

Gout là tình trạng viêm khớp do các tinh thể urate lắng đọng ở khớp. Tuy bệnh gout thường xảy ra ở các ngón chân cái nhưng đau khớp gối cũng có thể xảy ra. 

Triệu chứng của bệnh gout là gì?

Không giống thoái hóa khớp gối, triệu chứng của bệnh gout thường xuất hiện đột ngột và vào ban đêm.

Đau dữ dội

Bệnh nhân cảm thấy đau nhiều ở bất kỳ khớp nào, ngón chân cái, mắt cá chân, gối, khuỷu tay, cổ tay, ngón tay.

Khó chịu kéo dài

Sau khi cơn đau giảm, cảm giác khó chịu ở khớp có thể kéo khoảng từ vài ngày cho đến vài tuần.

Sưng, nóng, đỏ, đau

Phản ứng viêm tại khớp kéo theo các dấu hiệu như sưng, nóng, đỏ, đau.

Cử động khớp khó khăn

Khi bệnh gout tiến triển, người bệnh thậm chí có thể không cử động các khớp như bình thường được.

Nguyên nhân của bệnh gout 

Như đã đề cập ở trên, gout xảy ra khi các tinh thể urate tích tụ trong khớp dẫn đến viêm và đau khớp dữ dội. Tinh thể urate có thể hình thành khi nồng độ axit uric trong máu cao.

Đau khớp gối dấu hiệu bệnh gì? 4 Giảm cân là một trong những biện pháp cải thiện sức khỏe hệ xương khớp.

Những thực phẩm làm nồng độ acid uric trong máu tăng cao như:

  • Hải sản;
  • Nội tạng động vật;
  • Thịt đỏ;
  • Rượu bia;
  • Nước ngọt (đường fructose).

Bên cạnh đó, nếu cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc thận thải quá ít axit uric cũng gây nên bệnh.

Những thông tin trên đây đã giải đáp câu hỏi "Đau khớp gối là dấu hiệu bệnh gì?". Do đó, nếu gặp phải tình trạng bị đau khớp gối, bạn cần đi khám bác sĩ để được khám và làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị bệnh hiệu quả. Theo các chuyên gia cảnh báo, người bệnh tuyệt đối không áp dụng những biện pháp điều trị không rõ nguồn gốc vì có nguy cơ làm cho bệnh càng nghiêm trọng hơn.

Phòng bệnh và điều trị đau khớp gối 

Thông thường, đau khớp gối mức độ nhẹ có thể được điều trị bằng các lựa chọn bảo tồn, như:

  • Giảm cân;
  • Nghỉ ngơi đầu gối;
  • Tránh các hoạt động gắng sức;
  • Chườm đá;
  • Nói không với giày cao gót;
  • Băng đầu gối;
  • Kê cao đầu gối;
  • Dùng thuốc chống viêm không steroid. Lưu ý là các loại thuốc này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nên bệnh nhân cần sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
  • Vật lý trị liệu và các bài tập kéo căng để "tái cân bằng" đầu gối;
  • Tập luyện các bộ môn không đòi hỏi nhiều sức nặng, áp lực lên khớp gối: Yoga, bơi lội, đi bộ,...

Dựa vào triệu chứng cũng như mức độ hoạt động của bản thân mà bệnh nhân cần lưu ý thực hiện các biện pháp có lợi như:

  • Mang giày phù hợp: Mỗi môn thể thao hoặc hoạt động cụ thể đều cần chọn đúng loại giày được thiết kế cho mục đích đó;
  • Luôn luôn khởi động kỹ lưỡng trước bất kỳ hoạt động nào;
  • Tập thể dục chân thường xuyên nhằm giúp cơ đầu gối mạnh mẽ và linh hoạt;
  • Không thực hiện những hoạt động gây ảnh hưởng cho đầu gối;
  • Chú ý đến các dấu hiệu ban đầu của cơn đau để tránh quá sức.

Mặc dù đau đầu gối thường có thể được điều trị bảo tồn, song vẫn cần được đánh giá y tế khi cần thiết. Khi các biện pháp bảo tồn đã thất bại, đồng thời những triệu chứng bắt đầu nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống thì bác sĩ chuyên khoa có thể sẽ chỉ định phẫu thuật.

Đau khớp gối dấu hiệu bệnh gì? 5 Duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học cũng như tập thể dục thường xuyên để bảo vệ khớp gối.

Người trẻ tuổi bị đau khớp gối thường do vận động quá mức hoặc chấn thương gây ra. Các chấn thương phổ biến chẳng hạn như bong gân dây chằng, rách sụn chêm hoặc viêm gân thường không nghiêm trọng và có thể được cải thiện bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Tuy nhiên các nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh lý viêm khớp, thoái hóa khớp có thể dẫn đến tàn tật nếu không được điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, các chấn thương trong quá khứ cũng có thể dẫn đến các chấn thương tái phát trong tương lai.

Do đó, để bảo vệ khớp gối, cải thiện các triệu chứng đau/viêm khớp gối, bạn cần chú ý những điều sau đây:

  • Đảm bảo không gây áp lực đè nặng lên khớp gối;
  • Duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học cũng như tập thể dục thường xuyên;
  • Sử dụng miếng đệm đầu gối để ngăn ngừa viêm bao hoạt dịch, đặc biệt là người bệnh phải quỳ nhiều;
  • Tránh chấn thương bằng cách luôn khởi động trước khi tập luyện;
  • Khi cơ thể mệt mỏi, không ráng sức mà hãy để cơ thể được nghỉ ngơi.

Tóm lại, tình trạng đau khớp gối dù là do nguyên nhân nào cũng đều không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, quan trọng nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi đã bị bệnh thì cần được đi khám bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân cụ thể và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu không, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng, thậm chí là dẫn đến tàn phế.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin