Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Đau khớp gối ở trẻ em là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 27/03/2022
Kích thước chữ

Đau khớp gối ở trẻ em có thể liên quan các các hoạt động thể chất quá mức hoặc do cơ thể phát triển quá nhanh. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp đau khớp gối có liên quan đến các nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn, như viêm khớp hoặc bệnh bạch cầu.

Đau khớp gối ở trẻ thường xuất hiện vào ban đêm khi ngủ và sáng ngủ dậy thì cơn đau được cải thiện. Thường những triệu chứng này có nguyên nhân phổ biến là đau do tăng trưởng. Cha mẹ cần lưu ý theo dõi để xác định nguyên nhân vì biểu hiện đau khớp gối ở trẻ em có thể còn cảnh báo về những bệnh lý khác.

Nguyên nhân đau khớp gối ở trẻ em

Đau khớp gối do tăng trưởng

Thống kê cho thấy có khoảng 30% trẻ em bị đau khớp gối, trong đó khoảng 50% bệnh nhân có nguyên nhân là đau do tăng trưởng. Trẻ em từ độ tuổi mẫu giáo đến dưới 10 tuổi thường cơn đau này và triệu chứng đau sẽ biến mất vào tuổi thiếu niên. Đây là bệnh lý bình thường, vô hại nên cha mẹ không cần quá lo lắng.

Đau khớp gối ở trẻ em là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 1 Đau khớp gối ở trẻ thường xuất hiện vào ban đêm khi ngủ và sáng ngủ dậy thì cơn đau được cải thiện.

Đặc điểm nhận biết của cơn đau tăng trưởng ở trẻ em:

  • Cơn đau thường đến vào buổi tối và sáng hôm sau được cải thiện.
  • Đôi khi cơn đau nghiêm trọng khiến giấc ngủ của trẻ bị ảnh hưởng.
  • Cơn đau đến cả hai bên đầu gối.
  • Kéo dài liên tục trong vài đêm.
  • Có thể kèm theo tình trạng đau bụng hoặc đau đầu.

Theo các bác sĩ, tình trạng đau do tăng trưởng có thể liên quan đến hội chứng chân không yên hoặc do các hoạt động thể chất quá mức, chẳng hạn như leo trèo, chạy và nhảy trong ngày gây ra. Hiện đau do tăng trưởng chưa có cách điều trị nhưng thường là tình trạng này sẽ có thể tự cải thiện trong vài năm. Khi trẻ gặp phải tình trạng này, cha mẹ có thể xoa bóp đầu gối hoặc chườm nóng để cải thiện các cơn đau.

Viêm gân bánh chè

Ban ngày nếu trẻ em thường xuyên chơi các môn thể thao sử dụng quá mức gân bánh chè sẽ dẫn đến viêm gân. Việc trẻ ngồi xổm nhiều có thể gây áp lực nghiêm trọng lên gân bánh chè và làm tổn thương các sợi gân, dẫn đến viêm và đau khớp gối.

Dấu hiệu nhận biết của tình trạng này là đau ngay trên gân xương bánh chè. Đôi khi trẻ còn cảm thấy cơn đau khi ngồi xổm, nhảy hoặc thực hiện các hoạt động tác động đến cơ tứ đầu.

Khi gặp cơn đau do viêm gân bánh chè thì chỉ cần hạn chế các hoạt động là cơn đau sẽ được cải thiện. Trẻ cần nghỉ ngơi đầy đủ và cũng có thể uống thuốc chống viêm do bác sĩ kê đơn để cải thiện tình trạng đau khớp gối. Không loại trừ trường hợp cần phải cho trẻ mang dây đai để hỗ trợ đầu gối.

Cha mẹ có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để giúp trẻ giảm đau và chống viêm. trong trường hợp này. Nếu thấy cơn đau dữ dội, bác sĩ có thể đề nghị tiêm cortisone cho trẻ. Một số trẻ có thể cần phải phẫu thuật, đặc biệt là khi các triệu chứng gây ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng bình thường.

Đau khớp gối ở trẻ em là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 2 Đau khớp gối ở trẻ em có thể cảnh báo bệnh lý viêm khớp dạng thấp vị thành niên.

Viêm củ lồi trước xương chày

Khi cơ, xương và gân của trẻ phát triển một cách nhanh chóng nhưng không cùng lúc có thể dẫn đến tình trạng viêm củ lồi trước xương chày (Bệnh Osgood-Schlatter). 

Dấu hiệu nhận biết viêm củ lồi trước xương chày là trẻ bước đi khập khiễng sau khi tập thể dục, đau dưới đầu gối, sưng tấy trên xương ống chân và căng cứng cơ tứ đầu. Cơn đau có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Khi nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh sẽ cải thiện được triệu chứng viêm củ lồi trước xương chày.

Hầu hết các trường hợp đau khớp gối do viêm củ lồi trước xương chày thường được cải thiện khi xương của trẻ ngừng phát triển. 

Viêm khớp dạng thấp vị thành niên

Đau khớp gối trẻ em có thể cảnh báo bệnh lý viêm khớp dạng thấp vị thành niên. Đây là một bệnh lý tự miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể. Điều này kích thích hệ thống miễn dịch giải phóng các chất hóa học gây tổn thương các mô, dẫn đến đau đớn và viêm khớp.

Tình trạng này thường ảnh hưởng đến trẻ em từ 6 tháng đến 16 tuổi. Hiện chưa có biện pháp điều trị tình trạng viêm khớp dạng thấp thiếu niên nhưng có thể kết hợp vật lý trị liệu, sử dụng thuốc và tập thể dục thường xuyên để cải thiện các triệu chứng. Để tránh các rủi ro liên quan, trẻ cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Bệnh bạch cầu

Bệnh bạch cầu (ung thư máu) là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Đau xương khớp, đau khớp gối ở trẻ và một số triệu chứng khác có thể là dấu hiệu cảnh báo về căn bệnh này, cha mẹ cần lưu ý khi trẻ có vấn đề về xương khớp.

Tùy vào loại bệnh bạch cầu mà có các triệu chứng và dấu hiệu bệnh khác nhau. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng chính bao gồm:

  • Thiếu máu;
  • Dễ chảy máu hoặc bầm tím;
  • Nhiễm trùng hoặc sốt tái phát dai dẳng;
  • Đau bụng;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Khó thở.

Phụ thuộc vào tình trạng bệnh, loại bệnh bạch cầu mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có các biện pháp điều trị.

Đau khớp gối ở trẻ em là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 3 Đau khớp gối ở trẻ em hiện không có phương pháp điều trị cụ thể.

Điều trị đau khớp gối ở trẻ em

Nhìn chung, hiện không có phương pháp điều trị cụ thể. Khi trẻ bị đau, cha mẹ có thể tham khảo một số biện pháp khắc phục tại nhà để cải thiện các cơn đau như sau:

Biện pháp giảm đau

Các cơn đau khớp gối trẻ em thường không nghiêm trọng và có thể được cải thiện biện pháp tại nhà, chẳng hạn như:

  • Tắm nước ấm có thể tăng cường lưu thông máu, nhờ đó sẽ giúp cải thiện cơn đau ở khớp gối và hỗ trợ tăng cường chất lượng giấc ngủ.
  • Massage, xoa bóp: Nhẹ nhàng xoa bóp hoặc chà xát ở đầu gối có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Chườm ấm: Chườm ấm lên đầu gối có thể tăng cường lưu thông máu và cải thiện cơn đau ở đầu gối. Lưu ý nhiệt độ túi chườm ấm để tránh gây bỏng da trẻ.
  • Sử dụng thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen có tác dụng giảm đau nhức ở khớp gối. Tuy nhiên, cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh việc lạm dụng cũng như gặp phải tác dụng phụ. Cha mẹ không cho trẻ em sử dụng aspirin nếu không được sự chỉ định của bác sĩ.

Tập thể dục tăng cường chức năng khớp

Để cải thiện tình trạng đau đầu gối ở trẻ em, một số bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh có thể áp dụng như sau:

  • Các bài tập kéo căng đầu gối: Điều quan trọng là kéo căng cơ trước và sau khi hoạt động thể thao để giảm nguy cơ chấn thương.
  • Căng gân đầu gối: Hướng dẫn trẻ đứng kê một chân lên ghế thấp, chân kia giữa thẳng, từ từ di chuyển cơ thể về phía trước, đưa ngực đến gần đầu gối, trong khi vẫn giữa thẳng lưng.
  • Căng cơ tứ đầu: Hướng dẫn trẻ đứng bằng một chân và đặt tay lên tường để làm điểm tựa. Kéo chân còn lại ra phía sau và chạm nhẹ vào mông. Đảm bảo đầu gối luôn thẳng và giữa thẳng lưng.
  • Tăng cường sức mạnh đầu gối: Hướng dẫn trẻ nằm xuống sàn nhà, mặt hướng lên mái nhà.
  • Nâng chân lên trên, hơi xoay bàn chân ra ngoài và siết chặt cơ tứ đầu. Đảm bảo chân được nâng cao khoảng 15 – 30 cm so với mặt đất.
  • Squat tăng cường sức mạnh đầu gối: Hướng dẫn trẻ đứng dựa lưng vào tường, thẳng lưng và hai bàn chân rộng bằng vai. Hạ người xuống thật chậm trong khi vẫn giữ lưng dựa vào tường.
  • Tiếp tục hạ thấp cho đến khi đầu gối gập 60 độ. Giữ vị trí này trong vài giây và trở lại vị trí bắt đầu.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Viện nghiên cứu bệnh cơ xương khớp Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin