Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Dị ứng cá ngừ có nguy hiểm không?

Ngày 19/11/2023
Kích thước chữ

Nguyên nhân và biểu hiện của tình trạng dị ứng cá ngừ là gì? Cách xử trí khi gặp phải vấn đề này như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời thông qua chủ đề dị ứng cá ngừ có nguy hiểm không được chia sẻ dưới đây.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện sức khỏe quốc gia Mỹ, các trường hợp bị dị ứng có đến 90% nguyên nhân là do thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều đạm. Trong đó, không thể không nhắc đến cá ngừ, một loại thực phẩm được ưa chuộng bởi hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào mà nó mang lại cho cơ thể con người. Nhiều người khi có các biểu hiện của tình trạng dị ứng cá ngừ đều không khỏi lo lắng rằng dị ứng cá ngừ có nguy hiểm không? 

Nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng cá ngừ là gì?

Với những lợi ích mà cá ngừ mang lại, không quá ngạc nhiên khi đây được xem là loại thực phẩm rất được ưa chuộng trong bữa ăn hằng ngày của mọi gia đình. Tuy nhiên, cá ngừ lại có thể là tác nhân gây hại cho những đối tượng có tiền sử dị ứng hay có cơ địa nhạy cảm.

Di-ung-ca-ngu-co-nguy-hiem-khong (2).png
Da bị nổi mề đay, gây ngứa ngáy, khó chịu cho bệnh nhân bị dị ứng cá ngừ

Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng cá ngừ:

  • Thông thường, histamin sẽ không gây hại và được giữ trong các tế bào bạch cầu. Nhưng khi cá ngừ không còn tươi, thịt cá sẽ chuyển hóa và tạo ra histamin ở dạng tự do, lúc này histamin sẽ gắn vào thụ thể và có khả năng gây ra dị ứng.
  • Bên cạnh đó, cơ thể người có thể xem chất đạm trong cá ngừ như một kháng nguyên lạ, khiến cho các tế bào bạch cầu phóng ra lượng lớn histamin để chống lại, từ đó cũng dẫn đến triệu chứng dị ứng.
  • Thịt cá ngừ còn chứa một số loại vi khuẩn và ký sinh trùng có khả năng dẫn đến tình trạng dị ứng khi ăn.
  • Ngoài ra, khi cá bị ươn, men decarboxylase sẽ tác động đến enzym có trong ruột cá làm phân hủy sắc tố đỏ và gây dị ứng.

Biểu hiện của dị ứng cá ngừ

Tùy thuộc lượng cá được cơ thể hấp thu, thể trạng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng dị ứng mà bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng khác nhau sau khi dị ứng cá ngừ khoảng 20 - 30 phút.

Trường hợp nhẹ có thể gây nhức đầu, nổi mề đay, ngứa, đỏ bừng mặt, phát ban ở nhiều vùng như ngực, cổ, vai và cánh tay. Có khả năng bị tiêu chảy, buồn nôn và một số biểu hiện của hen suyễn như thở khò khè, ho trong một vài giờ.

Trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến sốc phản vệ, nhịp tim nhanh, suy hô hấp, co thắt phế quản, tụt huyết áp và tăng nguy cơ tử vong nếu không kịp thời cấp cứu.

Cần làm gì khi bị dị ứng cá ngừ?

Ngay khi cơ thể có những biểu hiện của tình trạng dị ứng, bạn cần xử lý nhanh chóng và đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chữa trị. Cụ thể các hướng xử lý khi gặp tình trạng dị ứng cá ngừ như sau:

Cách xử lý ban đầu khi xuất hiện dị ứng

Việc đầu tiên cần làm là tìm cách để nôn ra các loại thực phẩm và cá ngừ nhằm tránh xuất hiện phản ứng dị ứng và giảm tính nghiêm trọng của tình trạng bệnh.

Khi cơ thể gặp phải hiện tượng nổi mề đay, tuyệt đối không gãi nhằm tránh trầy xước và giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng da.

Tiếp đó để cơ thể đào thải histamin ra ngoài, bệnh nhân cần uống nhiều nước.

Phương pháp điều trị dị ứng cá ngừ

Sau bước xử lý ban đầu những triệu chứng dị ứng cá ngừ không có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:

  • Điều trị bằng thuốc tây: Bác sĩ sẽ ưu tiên chỉ định nhóm thuốc kháng histamin để giúp giảm nhanh triệu chứng và nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Nếu bệnh nhân có triệu chứng hen suyễn, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại kem thoa và thuốc xịt. Lưu ý, không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ.
  • Điều trị bằng nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên: Ngoài việc điều trị bằng thuốc tây, đối với những trường hợp không có biểu hiện bệnh nghiêm trọng hoặc không bị sốc phản vệ, ta cũng có thể sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên có sẵn tại nhà để giúp cải thiện các triệu chứng dị ứng. Bao gồm một số nguyên liệu như: Mật ong, gừng, chanh, các loại nước ép,...
Di-ung-ca-ngu-co-nguy-hiem-khong (3).png
Một số nguyên liệu từ thiên nhiên giúp cải thiện nhanh các triệu chứng dị ứng

Biện pháp phòng ngừa dị ứng cá ngừ

Bên cạnh việc điều trị, bạn có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa sau để giảm thiểu rủi ro nguy cơ mắc dị ứng cá ngừ.

  • Chọn mua cá đảm bảo chất lượng, bảo quản tốt ở những nơi uy tín như cửa hàng thực phẩm tươi sống, siêu thị,...
  • Không dùng cá bị ươn, cá chết hoặc cá không đảm bảo điều kiện bảo quản. Ưu tiên sử dụng cá ngừ tươi sống, chắc thịt, mắt tròn, mang và khoanh cá khi cắt ra vẫn còn máu tươi.
  • Riêng những đối tượng có tiền sử dị ứng hoặc cơ địa nhạy cảm, không nên ăn cá ngừ nhằm tránh tình trạng dị ứng lần sau nặng hơn.
  • Đặc biệt, trẻ từ 7 - 8 tháng tuổi, nên được người thân trong gia đình cho ăn thử với một lượng cá nhỏ để theo dõi các phản ứng dị ứng. Tuyệt đối không được cho trẻ ăn cá ngừ nếu sau cả ba lần ăn đều có biểu hiện dị ứng.
Di-ung-ca-ngu-co-nguy-hiem-khong (4).png
Chọn cá tươi sống và nấu chín cá cũng là một biện pháp phòng ngừa dị ứng hiệu quả

Mong rằng những thông tin được cung cấp trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về tình trạng dị ứng cá ngừ. Nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của cả gia đình, bạn cần lựa chọn cá tươi có nguồn gốc rõ ràng, được bảo quản tốt và đừng quên thử phản ứng dị ứng với một lượng cá nhỏ trước khi sử dụng trong các bữa ăn gia đình hằng ngày.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:dị ứngngứa