Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Cách xử lý khi bị dị ứng sữa tắm?

Ngày 19/11/2023
Kích thước chữ

Dị ứng sữa tắm là tình trạng da bị tấy đỏ, bong tróc, có cảm giác ngứa rát do một số thành phần có trong các sản phẩm như dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm, chất tẩy rửa,... Nguyên nhân thường do sử dụng phải các loại sữa tắm chất lượng kém, không có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm chứa các thành phần gây kích ứng hoặc người sử dụng có cơ địa da nhạy cảm.

Tắm là hoạt động giúp loại bỏ bụi bẩn trên cơ thể và làm sạch da. Tuy nhiên, một vài người lại có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu sau khi tắm do các hóa chất trong sản phẩm tắm gội, mỹ phẩm và chất tẩy rửa có thể gây phản ứng dị ứng da. Trong đó, tình trạng dị ứng sữa tắm đôi khi khiến da bị bong tróc, tấy đỏ hoặc gây ngứa rát.

Nguyên nhân khi bị dị ứng sữa tắm

Dị ứng sữa tắm thường được các bác sĩ gọi là bệnh lý viêm da tiếp xúc dị ứng, đây là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể đã phản ứng quá mức với các hóa chất tiếp xúc lên da. Hiện tượng này gặp ở bất kì mọi lứa tuổi và đặc biệt ở những người cơ địa có làn da nhạy cảm. Dị ứng sữa tắm còn gặp ngay cả khi người sử dụng đã sử dụng những sản phẩm này nhiều lần trước đây.

Cách xử lý khi bị dị ứng sữa tắm 2.png
Da tấy đỏ, nổi mẩn khắp người là triệu chứng phổ biến khi bị dị ứng sữa tắm

Nguyên nhân chính thường gặp khi bị dị ứng sữa tắm là sữa tắm, mỹ phẩm hoặc các mặt hàng về mảng chăm sóc cá nhân có các thành phần gây nguy cơ dị ứng, bao gồm:

  • Các chất có tác dụng làm mềm da như talc, có thể gây dị ứng với những người có cơ địa da nhạy cảm.
  • Chất tạo mùi thơm thường là parfum, hay có trong các sản phẩm về sữa tắm, dầu gội,...
  • Chất bảo quản được thêm vào để hạn chế việc hư hại của sản phẩm như paraben, methylisothiazolinone.
  • Chất có tác dụng làm trắng da như hydroquinone.
  • Các chất khác như hợp chất muối nhôm, sulfat, retinol,...

Ngoài ra, việc sử dụng sản phẩm sữa tắm không có nguồn gốc rõ ràng, chứa nhiều thành phần gây hại, kém chất lượng cũng sẽ ảnh hưởng đến da của người sử dụng.

Triệu chứng gặp phải khi bị dị ứng sữa tắm

Các triệu chứng của dị ứng sữa tắm thường biểu hiện trên da với nhiều mức độ khác nhau, thời gian khởi phát dị ứng có thể sau vài phút, vài giờ hoặc thậm chí có thể đến vài này. Với cơ địa mỗi người có thể gặp các triệu chứng khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là:

  • Có cảm giác châm chích, khó chịu, ngứa ở một vài vị trí hoặc khắp cơ thể.
  • Da tấy đỏ, nổi mẩn khắp người, phát ban hoặc nổi mề đay.
  • mụn nước chảy ra dịch.
  • Sưng phù một số vùng trên cơ thể như mắt, bộ phận sinh dục,...
  • Da nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Tăng sắc tố da làm da sẫm màu.
  • Da khô, thiếu ẩm bị sần sùi và nứt nẻ.

Với trường hợp người sử dụng bị dị ứng sữa tắm nặng, sẽ có thể xuất hiện một số biểu hiện toàn thân như khó thở, đau tức ngực kéo dài, thậm chí nặng hơn là sốc phản vệ.

Tuy nhiên, các triệu chứng dị ứng sữa tắm cũng có thể tương tự một số bệnh lý hoặc tình trạng về da khác vì vậy cần đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn liệu trình điều trị phù hợp.

Cách xử lý khi bị dị ứng sữa tắm 3.png
Thực hiện xét nghiệm Patch trên lưng kiểm tra tình trạng dị ứng.

Chẩn đoán và điều trị khi dị ứng sữa tắm

Chẩn đoán

Cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn khi người sử dụng có các biểu hiện bất thường trên da như có các phản ứng dị ứng trên da và tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm theo thời gian mà ngày càng lan rộng ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ chẩn đoán tình trạng dị ứng sữa tắm của bệnh nhân bằng cách thăm khám và đặt câu hỏi. Việc cung cấp những thông tin cụ thể và chi tiết sẽ giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc theo dõi và chẩn đoán tình trạng bệnh, cụ thể là:

  • Việc đã làm trong khoảng từ 1 đến 2 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng dị ứng.
  • Tất cả các sản phẩm hóa chất đang sử dụng, tần suất sử dụng, sử dụng chúng ở những vùng da nào trong thời gian gần đây.
  • Tiền sử dị ứng da trước đây nếu có.

Ngoài ra, có thể được các bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm Patch. Đây là xét nghiệm kiểm tra nhanh để kiểm tra xem liệu cơ thể có dị ứng với chất nào hay không?

Điều trị

Việc điều trị tình trạng dị ứng sữa tắm vẫn còn tùy thuộc vào triệu chứng dị ứng biểu hiện của người sử dụng. Với những người có biểu hiện nhẹ, không quá nghiêm trọng, có thể tự điều trị tại nhà bằng cách:

  • Các loại thuốc không kê đơn.
  • Các sản phẩm bôi ngoài da có tính chất dịu nhẹ dưỡng da như lotion, dưỡng ẩm.
  • Các sản phẩm có tác dụng làm giảm ngứa.
  • Chườm đá tại các vị trí kích ứng để giảm ngứa và thuyên giảm các triệu chứng.

Tuy nhiên nếu có bất kỳ nghi ngờ hoặc các biểu hiện dị ứng không thuyên giảm thì cần ngưng ngay các sản phẩm đang sử dụng và đến ngay các cơ sở y tế, gặp các chuyên gia để được thăm khám kịp thời.

Với các trường hợp xảy ra phản ứng nghiêm trọng thường xuyên cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn và điều trị theo phác đồ phù hợp như:

  • Sử dụng các thuốc corticoid dạng bôi ngoài da.
  • Thuốc uống chống dị ứng nếu cần.
  • Thuốc kháng sinh trong trường hợp nghi ngờ có nhiễm trùng.
Cách xử lý khi bị dị ứng sữa tắm 4.png
Cần hạn chế gãi vùng da đang bị dị ứng

Những lưu ý cần thiết khi bị dị ứng sữa tắm

Để phòng ngừa và điều trị vấn đề dị ứng sữa tắm, cần lưu ý:

  • Xác định và không sử dụng các loại hóa chất nghi ngờ là nguyên nhân gây ra dị ứng.
  • Nếu người sử dụng có cơ địa da nhạy cảm, cần đọc kĩ các thành phần trước khi mua sắm các sản phẩm.
  • Nếu tiếp xúc với các chất gây dị ứng, tuyệt đối không chạm vào các bộ phận khác trên cơ thể và cần rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ.
  • Hạn chế gãi vùng da đang bị dị ứng.

Tóm lại, cần tìm ra nguyên nhân và tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng vượt ngoài tầm kiểm soát, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán, điều trị tình trạng dị ứng sữa tắm kịp thời, hạn chế diễn tiến nặng hơn.

Xem thêm: Bạn đã hiểu đúng về tình trạng bất dung nạp lactose?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:dị ứngngứa