Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dị ứng hạt Quinoa nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị

Ngày 21/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hạt Quinoa là một thực phẩm được nhiều người ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon cùng giá trị dinh dưỡng tuyệt vời. Tuy nhiên, một số người lại gặp tình trạng dị ứng hạt Quinoa? Vậy hiện tượng này có nguy hiểm không?

Hạt Quinoa được đánh giá là một siêu thực phẩm mang lại nhiều giá trị sức khỏe. Tuy nhiên, khi mắc phải tình trạng dị ứng hạt Quinoa, người bệnh sẽ có những biểu hiện khó chịu hoặc thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân gây dị ứng hạt Quinoa

Quinoa là một loại hạt giả ngũ cốc thơm ngon và rất phổ biến ở Nam Mỹ. Trong loại hạt này có chứa nhiều nước, protein, chất xơ, carbohydrate nên nó được đánh giá là một siêu thực phẩm bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, trong hạt Quinoa chứa ít natri nhưng rất giàu sắt, canxi và kali nên là sự lựa chọn lý tưởng cho những người trong chế độ ăn kiêng.

Dị ứng hạt Quinoa nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị
Hạt Quinoa là một trong những loại hạt giàu dinh dưỡng nhất

Ở một số trường hợp, khi ăn hạt Quinoa, bạn có thể gặp các biểu hiện: Đau bụng, nổi mề đay, mẩn ngứa cũng như các triệu chứng khác của dị ứng thực phẩm. Nguyên nhân dị ứng đến từ việc trong hạt và lớp phủ bên ngoài của nó có chứa các hợp chất saponin. Đây là một chất xà phòng, có vị đắng làm nhiệm vụ bảo vệ cây Quinoa khỏi sự tấn công của các loại côn trùng hoặc nấm gây bệnh. Chất này cũng chứa độc tố có khả năng gây kích ứng và tạo nên các vấn đề sức khỏe ở một số người. Tuy nhiên, tỷ lệ dị ứng là khá thấp và các phản ứng thường ít nghiêm trọng.

Các triệu chứng của dị ứng hạt Quinoa

Nếu cơ thể không dung nạp hoặc dị ứng hạt Quinoa, bạn sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Biểu hiện về da: Ngứa, viêm da, chàm, nổi mề đay.
  • Triệu chứng như bệnh hen suyễn: Ho, khó thở, thở khò khè, đau tức ngực.
  • Viêm phổi hoặc viêm đường tiêu hóa.
  • Đau bụng.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Tiêu chảy.

Ngoài ra, một số người nếu dị ứng nghiêm trọng sẽ có những biểu hiện sau:

  • Sưng mặt.
  • Khó thở hoặc không thở được.
  • Nhịp tim tăng cao.
  • Da tái đi, nhợt nhạt.
  • Huyết áp thấp.
Dị ứng hạt Quinoa nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị
Tình trạng dị ứng có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau

Dị ứng Quinoa có nguy hiểm không?

Tương tự như các trường hợp dị ứng thực phẩm khác, khi ăn hạt Quinoa, bạn có thể gặp phản ứng từ nhẹ đến nặng tùy tình trạng sức khỏe. Đa phần các phản ứng dị ứng với loại hạt này thường ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp hiếm hoi, dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.

Chính vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu dị ứng với loại hạt này, bạn nên đi thăm khám ngay để có sự can thiệp kịp thời. Nếu là phản ứng nhỏ, bạn có thể được kê thuốc kháng histamine sử dụng. Ngược lại, nếu cơ thể có phản ứng nghiêm trọng, bạn sẽ được chuyển đến phòng cấp cứu và tiêm Epinephrine (hoặc EpiPen).

Các loại thực phẩm thay thế Quinoa

Khi gặp tình trạng dị ứng với hạt Quinoa, điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ hoàn toàn loại hạt dinh dưỡng này. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tình trạng dị ứng, bạn nên ngâm hạt ít nhất 30 phút và rửa sạch nhiều lần trước khi nấu nhằm loại bỏ lớp phủ tự nhiên có chứa saponin gây kích ứng cho cơ thể.

Nếu bạn đã cố gắng sơ chế hạt Quinoa trước khi chế biến nhưng vẫn không thể cải thiện tình trạng dị ứng, tốt nhất bạn nên thay thế bằng những loại ngũ cốc lành mạnh khác để chế biến thành các món cháo, sữa, bánh, salad, soup,... như:

  • Kiều mạch: Loại ngũ cốc này có hàm lượng chất xơ và protein cao hơn Quinoa nên rất bổ dưỡng và cung cấp nhiều năng lượng.
  • Kê: Thuộc nhóm các ngũ cốc không chứa gluten, giàu carbohydrate và chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe.
  • Đại mạch: Rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường vì chúng chứa nhiều chất xơ và kali.
  • Lúa mì: Hương vị hấp dẫn, dễ ăn. Loại ngũ cốc này có cùng lượng protein như Quinoa nhưng hàm lượng chất béo lại ít hơn một nửa.
  • Freekeh: Chứa rất nhiều chất xơ và protein có xuất xứ từ Trung Đông.
Dị ứng hạt Quinoa nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị
Hạt Quinoa có thể thay thế bằng các loại hạt dinh dưỡng khác

Bên cạnh đó, khi dị ứng hạt Quinoa, bạn cũng cần tránh các thực phẩm có họ hàng với Quinoa như: Rau bina, củ cải đường và cải Thụy sĩ vì chúng có thể gây phản ứng chéo.

Ngoài ra, nếu tình trạng dị ứng được xác định là do saponin, bạn sẽ cần cân nhắc loại bỏ hoặc sử dụng hạn chế những loại thực phẩm có chứa chất này như: Đậu nành, hạt rau dền, đậu phộng, đậu hải quân, đậu tây, đậu gà.

Dị ứng hạt Quinoa dù là tình trạng hiếm gặp nhưng bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Khi mới lần đầu thưởng thức loại hạt này, tốt nhất bạn nên dùng với lượng nhỏ để thử phản ứng của cơ thể. Nếu có hiện tượng bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân cũng như có phương án điều trị thích hợp.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm