Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dị vật đường tiêu hoá có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử trí

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dị vật đường tiêu hoá thực sự khá nghiêm trọng nếu không kịp thời phát hiện. Đây cũng là tình trạng mà nhiều người mắc phải, đặc biệt là trẻ em khi ăn uống có phần chủ quan. Vậy cách xử trí khi gặp dị vật đường tiêu hóa như thế nào? Bài viết sẽ giải đáp thông tin đến bạn.

Dị vật có thể lẫn vào đường tiêu hóa trong quá trình ăn, uống. Đặc biệt một số dị vật có kích thước nhỏ sẽ khiến bạn khó phát hiện, thậm chí không hề hay biết cho đến khi hệ tiêu hoá bắt đầu có những chuyển biến xấu. Vậy cụ thể dị vật đường tiêu hoá có nguy hiểm không? Cách xử trí như thế nào?

Mắc dị vật đường tiêu hoá có nguy hiểm không?

Dị vật ở đường tiêu hoá thuộc dạng cấp cứu phổ biến như hóc đồ ăn, hóc xương cá hay hóc dị vật khác như tăm, tre vào đường tiêu hoá. Mắc dị vật ở đường tiêu hoá rất nguy hiểm và đòi hỏi phải xử lý kịp thời. Việc không cấp cứu đúng lúc ở người bệnh mắc dị vật ở đường tiêu hoá có thể để lại các di chứng như chảy máu, tạo ổ áp - xe, thủng trung thất hoặc các động mạch bị tổn thương nặng.

Dị vật đường tiêu hoá: Nguyên nhân, giải pháp điều trị bệnh 1
Dị vật đường tiêu hoá là tình trạng cấp cứu rất phổ biến

Dị vật đường tiêu hóa thường gặp như xương cá, xương động vật, tăm tre, kim băng. Bên cạnh đó trường hợp dị vật là những loại thức ăn khi không được nhai kỹ cũng hay gặp như khối thịt to, búi rau. Ngoài ra các chất xơ thực vật, hạt của trái cây dễ kết thành cục khi vào dạ dày và đây cũng là dị vật nguy hiểm cho đường tiêu hoá.

Một khi mắc phải dị vật ở đường tiêu hoá, dấu hiệu là gì? Cảm giác nuốt vướng, đau khi nuốt sẽ xảy ra. Bạn không ăn hay uống được. Ngoài ra, khi ăn hoặc uống bạn thường có dấu hiệu muốn nôn ói, khó thở, tức ngực, đau nóng rát sau xương ức. Đặc biệt một khi mắc dị vật ở đường tiêu hoá thì có thể gây tắc đoạn môn vị và hành tá tràng, liên tục đau vùng thượng vị, khó tiêu. Chính những dị vật này có khả năng làm rách, nhiễm trùng đường tiêu hoá và tình trạng sốt, đau họng, ứ đờm sẽ xảy ra.

Cách xử trí dị vật đường tiêu hoá

Dị vật có thể gặp ở bất kỳ đoạn nào của đường tiêu hoá từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng, hậu môn. Điều đáng lo nhất khi gặp dị vật ở đường tiêu hoá là chính người bệnh không hề biết mình nuốt dị vật. Đối tượng này dễ gặp nhất là trẻ em bởi bé hay ngậm, nuốt đồ chơi. Một số nguyên nhân nhân khiến bạn có khả năng gặp dị vật ở đường tiêu hoá như:

  • Thói quen ăn không đúng: Việc vừa ăn vừa trò chuyện là thói quen của nhiều người Việt. Đây là cách ăn không khoa học bởi bạn rất dễ bị hóc thức ăn. Bên cạnh đó nếu duy trì thói quen nhai không kỹ và không cẩn thận khi nuốt thì rất dễ ăn phải dị vật không muốn.
  • Chế biến thức ăn không khoa học: Một số người có sở thích ăn quả chưa bỏ vỏ, chế biến các món ăn như cá nhiều xương, thịt dai. Những loại thức ăn này, nếu ăn không cẩn thận thì bạn sẽ dễ bị mắc dị vật đường tiêu hoá.
Dị vật đường tiêu hoá: Nguyên nhân, giải pháp điều trị bệnh 2
Ăn vội vàng, nhai không kỹ là nguyên nhân dễ mắc dị vật ở đường tiêu hoá

Ngoài ra những ai đang có con nhỏ, cần cẩn trọng trong quá trình cho con ăn và chơi đồ chơi. Tương tự với người lớn tuổi, bởi đối tượng này răng yếu đi thậm chí bị mất răng nên không thể cắn và xé thức ăn nên có xu hướng nuốt khối thức ăn vào mà không nhai kỹ.

Vậy một khi gặp phải dị vật ở đường tiêu hoá, chúng ta phải làm gì? Lúc này, bác sĩ sẽ thăm khám và tiến hành chụp X - quang để nhìn thấy hình ảnh dị vật. Tuỳ vào thực trạng bệnh, bệnh nhân có thể được cân nhắc can thiệp thêm nhiều phương pháp như siêu âm, chụp CT Scan.

  • Đối với dị vật ở thực quản, dạ dày: Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp gắp dị vật qua nội soi. Sau khi khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm tiền mê, bác sĩ sẽ tiến hành gắp dị vật qua nội soi gây mê đường tiêu hoá để đảm bảo an toàn, không đau cũng như tránh co thắt thực quản, nôn. Cho đến hiện nay, nội soi dị vật là phương pháp can thiệp được ứng dụng phổ biến nhất. Giải pháp sử dụng nội soi ống mềm để gắp dị vật trong dạ dày. Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh muộn, tình trạng viêm nhiễm hay hình thành ổ áp xe xảy ra thì sau khi nội soi, bệnh nhân buộc phải tiếp tục điều trị bệnh với kháng sinh cho đến khi lành hẳn.
  • Đối với dị vật ở ruột non, đại trực tràng: Phẫu thuật chính là giải pháp can thiệp để lấy dị vật đường tiêu hoá tốt nhất. Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà bệnh nhân sẽ được bác sĩ yêu cầu phẫu thuật nội soi hay mổ mở, cân nhắc thêm có cắt ruột hay không thậm chí có phải mang hậu môn nhân tạo hay không.
Dị vật đường tiêu hoá: Nguyên nhân, giải pháp điều trị bệnh 3
Nội soi lấy dị vật là phương pháp can thiệp an toàn

Việc lấy dị vật khỏi đường tiêu hoá là kỹ thuật khó vậy nên điều kiện bắt buộc là bệnh nhân phải được điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm cùng cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo. Bệnh nhân mắc dị vật ở đường tiêu hoá phát hiện và chữa trị càng sớm thì càng nhanh chóng hồi phục sức khỏe, hạn chế tổn thương sâu.

Phòng ngừa dị vật đường tiêu hoá ra sao?

Cách ăn uống ảnh hưởng trực tiếp và là nguyên nhân chủ yếu khiến bạn mắc dị vật ở đường tiêu hoá. Vậy nên tốt nhất để ngừa tình trạng bệnh này xảy ra, hãy hạn chế tình trạng vừa ăn vừa nói, lựa chọn ăn những món ăn lành tính, ít xương, mềm. Trong khi ăn cần nhai kỹ, ăn chậm, chú ý xương nhỏ khi ăn cùng món canh hay súp. Thói quen vừa ăn vừa uống là không tốt, vậy nên bạn cần thay đổi dần như không ăn cơm chung với canh, không uống nước song song với quá trình thưởng thức món ăn.

Nếu gia đình bạn đang có trẻ nhỏ hay người già, hãy hạn chế dùng các món ăn dai, gân, da, nếu được thì phải cắt nhỏ và nấu mềm. Tránh để bé ngậm các vật có kích thước nhỏ, nguy hiểm. Với người lớn tuổi, buộc phải uống hay ăn ở nơi có ánh sáng tốt, đặc biệt tuyệt đối không chủ quan khi uống thuốc bởi đã có rất nhiều trường hợp uống thuốc luôn cả vỏ do không chú ý.

Người Việt thường có thói quen làm sạch răng bằng tăm tre sau khi ăn xong để lấy được các cặn thừa còn kẹt ở kẽ răng. Tuy nhiên đây lại là thói quen dễ khiến bạn mắc dị vật ở đường tiêu hoá hơn. Bên cạnh đó, những ai đã làm răng sứ hay có bất kỳ can thiệp nào ở răng miệng thì phải chú trọng trong ăn uống hơn bởi nếu sức khỏe răng miệng không tốt thì khả năng cao bạn bị dị vật ở đường tiêu hoá cao hơn người bình thường.

Đặc biệt ngay sau khi ăn, nếu cảm nhận sự khác thường ở thực quản hay vùng bụng thì buộc phải thăm khám bác sĩ ngay sau đó. Trong quá trình thăm khám, hãy khai báo lịch sử ăn uống một cách chi tiết với bác sĩ để được can thiệp phù hợp nhất.

Dị vật đường tiêu hoá: Nguyên nhân, giải pháp điều trị bệnh 4
Ăn chậm nhai kỹ là cách phòng hóc dị vật vào đường tiêu hoá tốt nhất

Trên đây là những chia sẻ về dị vật đường tiêu hoá. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn hiểu hơn về tình trạng này và có cho bản thân cách chăm sóc bản thân tốt nhất để bảo vệ sức khỏe đường tiêu hoá. 

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm