Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không?

Ngày 29/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoái hoá cột sống là bệnh lý đang có xu hướng ngày càng trẻ hoá và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như rối loạn tiền đình, đau nhức hay tê bì các chi, teo cơ, thoát vị đĩa đệm, liệt tứ chi, tàn phế… Vậy đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không?

Mặc dù bệnh thoái hoá cột sống không lập tức gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, nhưng nó lại khiến họ phải chịu đau đớn, mệt mỏi và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Bệnh lý này có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Vậy đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không? Bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc nêu trên nhé!

Thoái hoá cột sống là bệnh gì?

Tình trạng xương cột sống bị thoái hoá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc cũng như chức năng của cột sống và được gọi là thoái hoá cột sống. Bệnh lý này xảy ra do sự tổn thương ở sụn, dịch khớp, xương dưới sụn…

Bệnh thoái hoá cột sống thường phổ biến ở người cao tuổi, nhân viên văn phòng, tài xế, công nhân bốc vác, tiểu thương… Tuy rằng bệnh lý này không đe dọa đến tính mạng của người bệnh nhưng có thể để lại nhiều di chứng nguy hiểm, thậm chí là tàn phế nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Các nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh thoái hoá cột sống là:

  • Tuổi tác: Tuổi càng lớn thì tình trạng thoái hoá cột sống diễn ra càng nhanh do các bệnh lý trên cơ thể, tác động từ môi trường sống…
  • Thừa cân, béo phì: Trọng lượng của cơ thể càng lớn thì áp lực lên đĩa đệm và sụn khớp càng cao. Theo thời gian, tình trạng tổn thương đĩa đệm, sụn khớp, xương dưới sụn… càng trở nên nghiêm trọng và dẫn đến thoái hoá cột sống.
  • Tính chất của công việc: Những người thường xuyên làm việc quá sức, mang vác đồ vật nặng… thường có nguy cơ cao mắc phải bệnh thoái hoá cột sống.
  • Thiếu chất: Những người bị thiếu hụt glucosamine, canxi, proteoglycan, collagen type II… nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị thoái hoá cột sống.
Góc giải đáp: Đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không?  1
Những người bị thiếu hụt canxi có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hoá cột sống

Triệu chứng của bệnh thoái hoá cột sống là gì?

Hầu hết những người bệnh bị thoái hoá cột sống đều cảm thấy đau nhức khó chịu. Tuỳ thuộc vào vị trí đốt sống bị thoái hoá sẽ xuất hiện các cơn đau ở mỗi người bệnh là không giống nhau, chẳng hạn như:

  • Thoái hoá cột sống thắt lưng: Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy đau nhức ở vùng lưng dưới, vùng mông, bẹn và đùi sau. Tình trạng đau nhức sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bắp chân, cẳng chân hay cả bàn chân nếu không được kiểm soát tốt.
  • Thoái hoá đốt sống cổ: Lúc này, người bệnh sẽ bị đau nhức khó chịu ở các khu vực khác nhau như vùng cổ, vai, lưng trên và đôi khi là lưng giữa. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, cơn đau nhức còn có thể lan rộng xuống cánh tay, bàn tay, thậm chí là các ngón tay. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị đau đầu thường xuyên.
  • Thoái hoá đốt sống ngực: Nếu bị thoái hoá ở các đốt sống ngực thì tình trạng đau nhức sẽ bắt đầu từ vùng lưng giữa, sau đó có thể lan sang vùng cổ, vai và cánh tay. Ngoài ra, các cơn đau nhức thường dễ khởi phát khi người bệnh thực hiện động tác cúi gập người hoặc chúi người về phía trước.

Mặt khác, các cơn đau nhức thường có liên quan đến tình trạng thoái hoá đốt sống còn có một số đặc điểm chung như:

  • Cơn đau nhức thường có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh vận động, đặc biệt là các động tác như cúi người sâu, vặn người, nâng vật nặng… Tình trạng đau nhức sẽ thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi.
  • Cơn đau nhức sẽ quay trở lại nếu thời gian nghỉ vận động của người bệnh kéo dài quá lâu.

Bên cạnh các cơn đau nhức khó chịu, người bệnh thoái hoá cột sống có thể gặp phải các triệu chứng khác như:

  • Cột sống trở nên cứng và kém linh hoạt hơn, đặc biệt là vào thời điểm sáng sớm hoặc sau khi bệnh nhân ngồi lâu sẽ gây khó khăn trong việc duy trì tư thế tốt.
  • Xuất hiện các cơn đau liên tục ở vùng lưng dưới.
  • Nghe thấy âm thanh lục cục hay lạo xạo mỗi khi người bệnh cúi gập người hoặc ưỡn ngực, tình trạng này thường có liên quan đến hiện tượng khô khớp do thiếu dịch nhờn.
  • Người bệnh có xu hướng vị cong vẹo cột sống hay gù lưng.
  • Vị trí đốt sống bị viêm có thể sưng đau, mềm và ấm khi sờ vào.
Góc giải đáp: Đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không?  2
Người bệnh thường xuyên bị đau nhức tại vị trí đốt sống bị thoái hoá

Đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không?

Nếu bệnh không được kiểm soát tốt và điều trị hiệu quả, phần xương sống bị thoái hoá có thể dẫn đến hàng loạt các biến chứng nghiêm trọng. Vậy đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không? Bệnh thoái hoá cột sống dù xảy ra ở bất kỳ ai thì cũng đều rất nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Một số biến chứng mà người bệnh bị thoái hoá cột sống có thể gặp phải, phổ biến nhất là:

Gai cột sống

Cơ thể của con người sẽ tự tiến hành cơ chế tự chữa lành tổn thương khi lớp sụn khớp bị bào mòn bằng cách kích thích hình thành gai xương tại đây. Sự phát triển của các gai cột sống không sẽ làm biến dạng đầu xương cột sống và gây ảnh hưởng lớn đến các mô cũng như rễ thần kinh xung quanh.

Thoát vị đĩa đệm

Đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không? Thoái hoá cột sống có thể dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm. Mỗi một đĩa đệm đầu có một phần nhân nhầy được bao bọc bởi lớp bao xơ bên ngoài. Khi lớp bao xơ này bị nứt hoặc rách do tổn thương sẽ khiến cho nhân nhầy thoát ra bên ngoài và làm cho đĩa đệm trượt khỏi vị trí ban đầu, từ đó dẫn đến hiện tượng thoát vị đĩa đệm.

Ở một số trường hợp hiếm gặp, đám rối thần kinh đuôi ngựa (cauda equina) phải chịu tác động do tình trạng thoát vị đĩa đệm, từ đó dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như mất kiểm soát ruột và bàng quang, thậm chí là gây rối loạn chức năng tình dục.

Chèn ép vào rễ thần kinh

Gai xương và thoát vị đĩa đệm có khả năng gây chèn ép vào các rễ thần kinh xung quanh đó. Điều này gây ra tình trạng đau và tê ngứa chân tay, có đôi khi còn dẫn tới một số vấn đề nghiêm trọng khác như:

  • Hội chứng cổ vai gáy;
  • Đau dây thần kinh tọa;
  • Tổn thương thần kinh vĩnh viễn, từ đó dẫn đến tàn phế.

Một số biến chứng khác

Người bệnh bị thoái hoá cột sống đôi lúc sẽ phải đối mặt với các vấn đề khác như;

  • Chóng mặt và đau đầu do các động mạch nằm gần đốt sống bị chèn ép.
  • Đau yếu tứ chi, khó khăn trong việc vận động, thậm chí là bị liệt do tủy sống bị chèn ép.
Góc giải đáp: Đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không?  3
Đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không?

Bệnh nhân bị thoái hoá cột sống cần lưu ý những gì?

Để phát hiện sớm bệnh thoái hoá cột sống, mỗi người nên duy trì thăm khám sức khỏe định kỳ 06 tháng/lần. Khi phát hiện bản thân mắc bệnh, người bệnh cần chú ý đến một số vấn đề sau để tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm, cụ thể là:

  • Trong quá trình điều trị bệnh, người bệnh cần phải tuân thủ theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh tình trạng tự điều trị tại nhà.
  • Giảm cân và duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
  • Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày ở mức độ phù hợp, duy trì tối thiểu 3 lần/tuần.
  • Duy trì một chế độ ăn uống phù hợp, đồng thời bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi trong thực đơn.
  • Không sử dụng bia rượu và tránh hút thuốc lá.
  • Có thể chườm ấm các vùng cơ để chăm sóc sức khỏe của xương khớp tốt hơn.
  • Không lao động hay làm việc quá sức.
Góc giải đáp: Đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không?  4
Người bệnh bị thoái hoá cột sống nên tránh sử dụng bia rượu

Thoái hoá cột sống có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh ở giai đoạn đầu là biện pháp phòng ngừa các biến chứng của bệnh hiệu quả. Hy vọng bạn đọc đã giải đáp được thắc mắc đối với người lớn thoái hoá cột sống có nguy hiểm không thông qua bài viết trên.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm