Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Cách uống nước râu ngô khi bị dư ối như thế nào?

Ngày 22/08/2023
Kích thước chữ

Đa ối (dư ối) là tình trạng thừa nước ối so với tuổi thai trong thai kỳ. Hiện nay, ngoài các phương pháp điều trị y tế hoặc can thiệp, sử dụng các sản phẩm từ thực vật cũng có thể giúp cải thiện tình trạng này. Vì vậy nhiều thai phụ thắc mắc "cách uống nước râu ngô khi bị dư ối như thế nào?", cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau đây nhé.

Đa ối có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đối với thai nhi và người mẹ. Vì vậy, việc cải thiện tình trạng đa ối như thế nào là câu hỏi của rất nhiều mẹ bầu. Có rất nhiều thông tin truyền tai nhau về việc sử dụng nước râu ngô khi bị đa ối. Vậy nước râu ngô có thực sự hiệu quả và cách uống nước râu ngô khi bị dư ối như thế nào? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Nước ối và vai trò của nước ối đối với thai nhi

Nước ối là một chất lỏng sinh học phức tạp bao quanh thai nhi trong tử cung. Nó cung cấp sự bảo vệ cơ học và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và sức khỏe của thai nhi. Nước ối có nhiều chức năng quan trọng đối với thai nhi trong thai kỳ. Các vai trò quan trọng nhất của nước ối như sau:

  • Giảm tác động vật lý bên ngoài, bảo vệ thai nhi khỏi chấn thương cơ học.
  • Nước ối giúp thai nhi phát triển các bộ phận như hệ cơ xương khớp do nước ối cung cấp môi trường cho thai nhi vận động tự do, và thai nhi có thể hít, nuốt nước ối giúp hệ tiêu hóa, hệ hô hấp phát triển.
  • Nước ối đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch tự nhiên của bé. Nó chứa các chất kháng khuẩn khác nhau bao gồm lactoferrin, lysozyme, a-defensins (HNP1-3), psoriasin, calprotectin, cathelicidin và chất ức chế protease bạch cầu bài tiết, góp phần vào hệ thống miễn dịch tự nhiên ở trẻ sơ sinh. Các chất này bảo vệ bé khỏi nhiễm khuẩn trong thai kỳ...
  • Nước ối rất giàu carbohydrate, hormone, lipid, lactate, chất điện giải, enzyme, protein, peptide và pyruvate hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi.
  • Nước ối giúp ổn định nhiệt độ xung quanh thai nhi và giúp thai nhi tránh bị mất nhiệt.
Dư ối là gì? Cách uống nước râu ngô khi bị dư ối như thế nào? 1
Duy trì lượng nước ối bình thường là vô cùng quan trọng với sự phát triển của thai nhi 

Sự hình thành nước ối

Trước tuần thứ 20

Khoang ối xuất hiện vào ngày thứ 7 sau khi thụ tinh. Trong vài tuần đầu tiên, nước ối về cơ bản là dịch siêu lọc của huyết tương mẹ. Từ 10 đến 20 SA, thành phần của nó là đẳng trương với huyết thanh mẹ và thai nhi. Điều này liên quan đến sự trao đổi xảy ra qua lớp da không sừng hóa của bào thai, sau đó thấm qua nước, chất điện giải và chất sinh hóa. Quá trình sừng hóa của da sẽ bắt đầu ở khoảng 20 SA và kết thúc ở 25 SA. Từ cuối tam cá nguyệt thứ nhất, thận của thai nhi có thể tái hấp thu natri và bài tiết một lượng nhỏ nước tiểu.

Sau tuần thứ 20 thai kỳ

Hệ tiết niệu là nguồn cung cấp nước ối chính trong nửa sau của thai kỳ. Lượng nước tiểu sẽ đạt khoảng 600 mL/24 giờ vào cuối thai kỳ. Sự điều hòa bài niệu phụ thuộc vào một số hormone bao gồm aldosterone, arginine vasopressin của hệ thống renin-angiotensin và prostaglandin. Sử dụng thuốc kháng prostaglandin làm giảm bài niệu của thai nhi và gây thiểu niệu.

Phổi của thai nhi tiết ra dịch từ tuần thứ 18 thai kỳ. Lượng dịch tiết ra tăng dần để đạt khoảng 200 - 300 mL/24 giờ vào cuối thai kỳ. Sự bài tiết bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nội tiết, trong đó adrenaline, arginine vasopressin và tình trạng thiếu oxy là yếu tố ức chế quá trình này.

Dịch tiết từ miệng góp phần làm tăng thể tích nước ối với lưu lượng không đáng kể khoảng 25 mL/ 24 giờ đối với thai nhi nặng 3 kg.

Nuốt là cơ chế tái hấp thu nước ối chủ yếu. Sự tái hấp thu này được bắt đầu từ tuần thai thứ 11. Sự tắc nghẽn của đường tiêu hóa (teo thực quản, teo tá tràng) dẫn đến giảm tái hấp thu nước ối và là nguyên nhân gây đa ối. Tốc độ hấp thu qua tiêu hóa có thể thay đổi, dao động từ 7 mL/ngày khi 16 tuần đến 200 - 500 mL/ngày khi đủ tháng.

Dư ối là gì? Cách uống nước râu ngô khi bị dư ối như thế nào? 2
Quá trình tạo ra nước ối là quá trình phức tạp với sự tham gia của nhiều cơ quan 

Tìm hiểu về đa ối (dư ối)

Đa ối là gì

Đa ối được định nghĩa là tình trạng tăng lượng nước ối một cách bệnh lý trong thai kỳ và có liên quan đến việc tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chu sinh. Tỷ lệ đa ối được báo cáo dao động từ 0,2% đến 1,6% trong tất cả các trường hợp mang thai. Sự mất cân bằng có thể do chức năng nuốt bị tổn thương hoặc đi tiểu nhiều và có thể dẫn đến đa ối.

Nguyên nhân gây đa ối

Đa ối có thể là biểu hiện của các bất thường do thai nhi, do thai phụ hoặc không rõ nguyên nhân.

  • Dị tật thai nhi (teo thực quản, teo tá tràng…) và bất thường di truyền (Hội chứng Down, Patau…).
  • Đái tháo đường ở mẹ, nhiễm trùng (giang mai, toxoplasma…).
  • Đa thai có hiện tượng truyền máu.
  • Các nguyên nhân khác, ví dụ như nhiễm virus (parvovirus B19, rubella, cytomegalovirus…), hội chứng Bartter, rối loạn thần kinh cơ, mẹ tăng canxi máu.
  • Bất đồng miễn dịch mẹ con.
Dư ối là gì? Cách uống nước râu ngô khi bị dư ối như thế nào?3
Dị tật teo thực quản của thai nhi gây ra tình trạng đa ối 

Các dị tật phổ biến làm suy giảm phản xạ nuốt bao gồm teo thực quản, teo tá tràng và các rối loạn thần kinh cơ như loạn dưỡng cơ. Tăng sản xuất nước tiểu, xảy ra khi cung lượng tim tăng lên do thiếu máu ở thai nhi, cũng có thể dẫn đến tăng sản xuất nước ối. Bệnh tiểu đường thai kỳ liên quan đến thai to và đa ối.

Biến chứng nguy hiểm của đa ối trong thai kỳ

Nguy cơ xảy ra các biến chứng sản khoa sau đây tăng lên khi có tình trạng đa ối:

  • Gây khó thở cho mẹ bầu;
  • Sinh non;
  • Vỡ ối sớm;
  • Dị tật ở thai nhi;
  • Sa dây rốn;
  • Băng huyết sau sinh;
  • Thai to do mẹ bị đái tháo đường;
  • Tăng huyết áp thai kỳ;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.

Những rủi ro này khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của tình trạng đa ối.

Mẹ bầu bị đa ối có nên uống nước râu ngô không?

Nước râu ngô có vị ngọt thanh, mát, chứa nhiều chất khoáng. Nước râu ngô là thức uống giải khát, giải nhiệt rất tốt, đặc biệt là trong mùa hè. Tuy nhiên, mẹ bầu đa ối có nên uống nước râu ngô không và cách uống nước râu ngô khi bị đa ối như thế nào vẫn là câu hỏi của nhiều người.

Ở các mẹ bầu gặp tình trạng đa ối, việc làm giảm lượng nước ối về mức bình thường theo tuổi thai là vô cùng quan trọng, giúp giảm các biến chứng trong quá trình mang thai. Một trong các cách làm giảm lượng nước ối là tăng lượng nước tiểu của người mẹ lên bằng cách sử dụng các chất hay thức ăn, nước uống có khả năng lợi tiểu.

Theo dân gian, nước râu ngô có tác dụng lợi tiểu. Hơn thế nữa, nước râu ngô lành tính đối với mẹ bầu và có thể cung cấp một lượng dưỡng chất đồi dào.

Vì vậy, mẹ bầu gặp tình trạng đa ối có thể sử dụng nước râu ngô để cải thiện bệnh của mình.

Dư ối là gì? Cách uống nước râu ngô khi bị dư ối như thế nào? 4
Cách uống nước râu ngô khi bị đa ối 

Cách uống nước râu ngô khi bị đa ối

Mặc dù nước râu ngô là có ích cho những bà bầu đa ối, giúp giảm tình trạng thừa nước ối. Tuy nhiên, các mẹ cũng không nên quá lạm dụng nước râu ngô mà thay thế hoàn toàn các loại nước khác hoặc uống nhiều hơn mức cho phép.

Vậy, mẹ bầu cần uống nước râu ngô như thế nào?

Với 100g râu ngô, mẹ bầu có thể đun với 1000ml nước, sau đó đun nhỏ lửa trên bếp đến khi nước cô đặc lại còn 500ml. Mỗi ngày, mẹ bầu chỉ nên uống khoảng 2 cốc. Trước khi đun, râu ngô cần được rửa sạch bằng nước và ngâm với nước muối loãng để loại bỏ các vi sinh vật có hại.

Bài viết trên đây của Nhà thuốc Long Châu đã cung cấp cho các bạn thông tin về tình trạng đa ối và cách uống nước râu ngô khi bị đa ối như thế nào để giúp các bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này và có thêm lựa chọn để cải thiện tình trạng đa ối. Hi vọng những thông tin trên đây đã hữu ích đối với bạn.

Xem thêm: Nước ối màu vàng là biểu hiện cho bất thường gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin