Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Nước ối có vai trò gì? Nước ối trung bình bao nhiêu là bình thường?

Ngày 16/08/2023
Kích thước chữ

Nước ối bảo vệ thai nhi trong quá trình phát triển trong tử cung của bạn. Nó trong suốt hoặc vàng nhạt và không mùi. Quá nhiều hoặc quá ít nước ối có thể khiến sự phát triển của thai nhi và quá trình thai nghén của bạn gặp vấn đề.

Nước ối là chất lỏng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi. Vậy nước ối trung bình bao nhiêu là bình thường? Mời bạn đọc cùng xem qua bài viết dưới đây để có cái nhìn chi tiết nhất.

Nước ối là gì?

Nước ối là chất lỏng được chứa trong túi ối của một túi thai. Nước ối là dịch sinh lý quan trọng trong chuyển hóa và phát triển bình thường của thai nhi. Chất lỏng này đóng vai trò là lớp đệm cho thai nhi phát triển và giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi chất dinh dưỡng, nước và các sản phẩm sinh hóa giữa mẹ và thai nhi. Vì vậy trong quá trình mang thai, theo dõi lượng nước ối trung bình là vô cùng quan trọng

Nước ối trung bình bao nhiêu là bình thường? 1
Nước ối trung bình rất quan trọng trong quá trình mang thai

Nước ối được sinh ra từ đâu?

Trong quá trình mang thai, rất nhiều bộ phận tham gia vào quá trình tạo nước ối:

  • Da thai nhi: Xảy ra trong nửa đầu thời kỳ thai nghén (trước tuần thứ 22).
  • Thận thai nhi bắt đầu sản sinh ra nước tiểu từ tuần thứ 12 – 13, khi đủ tháng sản sinh với tốc độ khoảng 450ml/24 giờ.
  • Khoang miệng: Bắt đầu từ tuần thứ 14.
  • Phổi thai: Bắt đầu từ tuần thứ 18.
  • Từ dây rốn và màng ối: Bắt đầu từ tuần thứ 18, khi đủ tháng là khoảng 50ml/24 giờ.

Nước ối có vai trò gì?

Nước ối có vai trò quan trọng trong tử cung, giúp cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi diễn ra bình thường:

  • Bảo vệ thai nhi khỏi nhiễm trùng: Nước ối có tác dụng kìm hãm vi khuẩn phát triển với đặc tính kháng khuẩn, đặc tính này thay đổi theo tuổi thai. Khả năng kháng khuẩn xuất hiện sau tuần thứ 20, tăng dần lên và đạt tối đa khi đủ tháng. Khả năng kháng khuẩn của nước ối có được nhờ các protein như lysozyme, spermin hay IgG của mẹ…
  • Giúp thai dễ dàng cử động tự do.
  • Ngăn chặn dây rốn bị chèn ép, khô, giúp tuần hoàn trong dây rốn dễ dàng.
  • Giúp hệ tiêu hóa và hô hấp của thai nhi phát triển.
  • Điều hòa thân nhiệt thai nhi.
  • Bảo vệ thai nhi khỏi các chấn thương vật lý từ bên ngoài.

Phương pháp đo nước ối

Từ cuối những năm 70, siêu âm đã được sử dụng để đánh giá lượng nước ối. Trước đây, để đánh giá lượng nước ối, người ta chỉ đo góc nước ối sâu nhất. Nhưng hiện nay, để đánh giá lượng nước ối, chúng ta sử dụng chỉ số ối (AFI – amniotic fluid index). Chỉ số ối là tổng của 4 số đo chiều sâu của 4 túi ối lớn nhất đo ở 4 góc trên thành bụng của người mẹ theo phương thẳng đứng.

Siêu âm đo tình trạng lượng nước ối trung bình 2
Siêu âm đo tình trạng lượng nước ối trung bình 

Lượng nước ối trung bình bao nhiêu là bình thường?

Cho đến nay, sự hiểu biết sinh lý nước ối còn chưa đầy đủ. Nước ối luôn được đổi mới. Thể tích nước ối là không hằng định. Bình thường, lượng nước ối tăng dần cho đến khi tuổi thai 36 tuần, lúc này lượng nước ối vào khoảng 1000ml, nhưng sau đấy lượng nước ối sẽ giảm dần.

Trong thai già tháng, đôi khi chỉ còn vài trăm ml nước ối hoặc rất ít. Lượng nước ối giảm gọi là thiểu ối (oligohydramnios). Nếu lượng nước ối trên 2000ml được gọi là đa ối (hydramnios).

Tuổi thai (tuần)

Trọng lượng thai (g)

Trọng lượng bánh rau (g)

Thể tích nước ối (ml)

16

100

100

200

28

1000

200

1000

36

2500

400

900

40

3300

500

800

Trọng lượng thai, bánh rau và thể tích nước ối bình thường theo tuổi thai (Theo Queenan, 1991)

Trong quá trình thai nghén, một số bệnh lý có thể xảy ra liên quan đến nước ối và túi ối. Những bệnh lý thường gặp là: Đa ối, thiểu ối, thuyên tắc nước ối, viêm màng ối…

Lượng nước ối ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe mẹ bầu 3
Lượng nước ối ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe mẹ bầu 

Tìm hiểu về đa ối

Đa ối là gì?

Đa ối được định nghĩa là khi thể tích nước ối từ 2000ml trở lên (thể tích nước ối từ 1000 – 2000ml được gọi là dư ối), cao hơn mức nước ối trung bình của tuổi thai. Tỷ lệ đa ối xảy ra từ 0,3% đến 1,6% trong tất cả các trường hợp thai nghén. Trong đa ối, nước ối có thành phân và tính chất tương tự như nước ối bình thường.

Phân loại đa ối

Phân loại theo thời gian, người ta chia đa ối thành 2 loại:

  • Đa ối cấp tính: Ít gặp, thường xuất hiện đột ngột ở quý II (3 tháng giữa thai kì), thường từ tuần thứ 16 đến 20. Thể tích nước ối tăng nhanh nhiều trong vài ba ngày, biểu hiện rầm rộ thường kèm theo thai dị dạng.
  • Đa ối mạn tính: Thường xảy ra ở quý thứ 3 của thai kỳ, xuất hiện và tăng từ từ trong nhiều ngày nên biểu hiện kín đáo hơn.

Phân loại theo mức độ, đa ối được chia thành 3 loại:

  • Đa ối thể nhẹ khi có 1 túi ối đo theo phương thẳng đứng có chiều sâu đến 11cm, thường chiếm 80% trường hợp
  • Đa ối thể trung bình khi có 1 túi ối đo theo phương thẳng đứng có chiều sâu 12 – 15cm, chiếm 15% trường hợp.
  • Đa ối thể nặng khi có 1 túi ối đo theo phương thẳng đứng có chiều sâu trên 16cm, chiếm 5% trường hợp.

Nguyên nhân đa ối

Nguyên nhân đa ối có thể do thai, do mẹ hoặc không rõ nguyên nhân

Nguyên nhân do thai chiếm tỷ lệ 20% số trường hợp đa ối. Đa ối thường kèm theo dị dạng thai, đặc biệt là dị dạng hệ thống thần kinh trung ương hay hệ tiêu hóa.

  • Dị dạng hệ thống thần kinh trung ương chiếm khoảng 50% số dị dạng thai gây đa ối. Dị dạng hệ thần kinh trung ương có thể gặp là: Màng não tủy không khép kín, thai giảm uống nước ối, giảm tiết vasopressin từ tuyến yên của thai…
  • Bên cạnh đó, dị dạng hệ tiêu hóa đứng thứ hai sau hệ thần kinh trung ương. Những dị dạng như teo thực quản, teo tá tràng gây đa ối vì thai không uống được nước ối.
  • Bất thường tuần hoàn thai nhi chiếm khoảng 7% dị dạng thai gây đa ối: Dị dạng tim, loạn nhịp tim… với biểu hiện như phù da thai, tràn dịch đa màng (màng bụng, màng phổi, màng tim).
  • Ngoài ra, còn rất nhiều bất thường của thai nhi có thể gây đa ối, như hiện tượng truyền máu cho nhau ở song thai, hội chứng Down, hội chứng Patau, hội chứng Edward…

Một số nguyên nhân đa ối do mẹ như: Đái tháo đường, bất đồng miễn dịch mẹ con, mẹ mắc phải một số bệnh nhiễm trùng (giang mai, toxoplasma…)

Còn lại, có từ 30 – 60% trường hợp đa ối không rõ nguyên nhân và cần phải nghiên cứu thêm.

Tìm hiểu về thiểu ối

Thiểu ối là gì?

Thiểu ối là thể tích nước ối trung bình bị giảm đi so với tuổi thai bình thường, với điều kiện màng ối còn nguyên vẹn. Khi thai đủ tháng, thiểu ối là tình trạng thể tích nước ối dưới 200ml.

Tỷ lệ thiểu ối thay đổi từ 0.4% đến 3.9%. Thiểu ối có thể xảy ra ở quý II hay quý III của thời kỳ thai nghén.

Nguyên nhân thiểu ối

  • Một số dị dạng thai như dị dạng đường tiết niệu (không có thận, thận đa nang, loạn sản thận,…) của thai có thể gây ra thiểu ối vì làm cho lượng nước tiểu của thai giảm đi.
  • Suy thai mạn tính (thai kém phát triển, thai quá ngày sinh, chèn ép dây rốn liên tiếp…) có thể gây thiểu ối.
  • Song thai có hội chứng truyền máu cho nhau có thể gây thiểu ối ở thai cho máu, trong khi thai nhận máu bị đa ối.
Bệnh thận đa nang bẩm sinh có thể gây thiểu ối 5
Bệnh thận đa nang bẩm sinh có thể gây thiểu ối 

Thông tin trong bài viết đã cung cấp đến bạn đọc các nội dung xoay quanh câu hỏi ”Lượng nước ối trung bình bao nhiêu là bình thường?” và một số bệnh lý liên quan đến nước ối, qua đó hy vọng giúp mọi người hiểu hơn về các bệnh lý này.

Xem thêm: Tại sao uống nhiều nước mà vẫn ít ối? Cách cải thiện nước ối hiệu quả

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin