Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Gãy răng hàm có sao không? Khắc phục bằng cách nào?

Ngày 25/03/2024
Kích thước chữ

Gãy răng hàm là sự cố có thể xảy ra cho bất cứ ai. Do răng hàm đảm nhận vai trò chính đối với việc ăn nhai nên khi răng gặp vấn đề sẽ khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Vậy gãy răng hàm có sao không, làm cách nào khắc phục? Bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta giải đáp các thắc mắc này.

Vì nguyên nhân nào đó khiến răng hàm của bạn bị gãy, chắc chắn bạn sẽ muốn nhanh chóng tìm cách giải quyết để vừa đảm bảo chức năng của răng vừa không làm mất tính thẩm mỹ của nụ cười. Tùy vào từng trường hợp gãy răng hàm mà bác sĩ nha khoa sẽ đưa ra biện pháp phù hợp. Đa số các trường hợp gãy răng hàm bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị theo phương pháp bảo tồn răng thật, chỉ khi nào răng hàm tổn thương mức độ nặng, không thể giữ lại thì mới chỉ định nhổ bỏ, trồng lại răng mới.

Răng hàm là gì? Vị trí, cấu tạo và chức năng

Răng hàm (còn gọi răng cối) là những răng có kích thước lớn nhất trên cung hàm, nằm ở vị trí phía trong cùng của hàm. Ở người đã trưởng thành thường có từ 28 - 32 chiếc răng. Tính từ răng cửa trở vào thì răng hàm ở vị trí số 4, 5, 6, 7, 8. Răng hàm số 4, 5 được gọi là răng cối nhỏ, từ vị trí 6, 7, 8 gọi là răng cối lớn phụ thuộc vào kích thước răng.

Gãy răng hàm có sao không? Khắc phục bằng cách nào? 1
Cấu tạo của răng hàm trên cung hàm

Nhiều người hẳn đã biết răng hàm số 8 còn gọi là răng khôn. Những chiếc răng khôn khi xuất hiện thường sẽ kéo theo nhiều phiền toái nên bác sĩ nha khoa có thể chỉ định nhổ bỏ để ngăn ngừa tình trạng mọc lệch đâm vào răng số 7. Tuy nhiên không phải ai cũng mọc răng hàm số 8, cũng không phải ai cũng mọc đủ cả 4 chiếc trong cuộc đời.

Như mọi chiếc răng khác, cấu tạo của răng hàm gồm có ba phần: Men răng, ngà răng và tủy răng.

Men răng

Đây là lớp bao bọc bên ngoài, có nhiệm vụ bảo vệ ngà răng và tủy răng. Men răng cũng là thành phần cứng nhất trong cơ thể chúng ta với tỷ lệ chất vô cơ Hydroxyapatite lên đến 96%.

Ngà răng

Lớp thứ hai ngay bên trong men răng được gọi là ngà răng, chiếm thể tích lớn nhất của một chiếc răng. Ngà răng chứa ống tủy và buồng tủy, so với men răng thì có độ cứng kém hơn với 70% thành phần là chất vô cơ.

Tủy răng

Ở phần này bao gồm các mô liên kết mềm nằm ở phía trong hốc tủy. Tủy răng chứa rất nhiều mạch máu, mạch bạch huyết, các dây thần kinh, đảm nhận nhiệm vụ duy trì sự sống cho răng, giúp răng chúng ta có được cảm giác.

Gãy răng hàm có sao không? Khắc phục bằng cách nào? 2
Tủy răng duy trì sự sống cho răng

Xét về vai trò, răng hàm đảm nhận chức năng quan trọng đó là nhai nghiền, trộn thức ăn cùng nước bọt trước khi đưa xuống dạ dày. Bên cạnh đó, răng hàm còn giúp cho cấu trúc hàm chúng ta được ổn định, giữ cân đối khuôn mặt. Một người có đầy đủ răng hàm cũng sẽ phát âm tốt hơn, tròn vành, rõ chữ dễ nghe.

Gãy răng hàm có sao không?

Bên trên bạn đã hiểu được vị trí, cấu tạo cũng như vai trò của răng hàm ra sao rồi. Vậy nếu bị gãy răng hàm thì có sao không. Câu trả lời tất nhiên là gãy răng hàm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng răng miệng lẫn sức khỏe tổng thể.

Cụ thể, răng hàm bị gãy, cấu trúc bảo vệ của răng bị phá vỡ sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn và những tác nhân gây hại khác tấn công, phá hủy các cấu trúc bên trong của răng gây viêm nhiễm.

Mặt khác, ngà răng là bộ phận khá nhạy cảm với nhiệt độ nên một khi răng hàm bị gãy sẽ làm lộ ngà răng. Đó là lý do vì sao bạn cảm giác ê buốt, khó chịu khi ăn các loại thức ăn nóng/lạnh.

Gãy răng hàm có sao không? Khắc phục bằng cách nào? 3
Gãy răng hàm do nhiều nguyên nhân

Trường hợp răng hàm bị gãy lớn, lộ cả tủy răng mà không được phục hình kịp thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có trong khoang miệng tấn công vào tủy, gây viêm tủy, hoại tử tủy… Chưa dừng lại đó, viêm nhiễm ở tủy còn có khả năng lây lan xuống cả cấu trúc bên dưới, hình thành áp xe chân răng, viêm xương ổ răng…

Vì thế, bác sĩ nha khoa luôn khuyến cáo chúng ta phải nhanh chóng đi khám khi bị gãy răng hàm để kịp thời có các biện pháp khắc phục phù hợp.

Nguyên nhân gãy răng hàm thường gặp

Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến gãy răng hàm. Trong đó, các nguyên nhân dưới đây là đáng chú ý nhất:

Do tai nạn, ngoại lực tác động

Một người gặp phải chấn thương, tai nạn, té ngã, hay va đập mạnh từ bên ngoài đều có thể dẫn đến răng bị sứt mẻ, gãy vỡ gây cảm giác ê buốt răng, đau nhức, khó chịu kéo dài.

Do thói quen xấu

Nhiều người có thói quen dùng răng để mở đồ vật, ăn thức ăn dai cứng, nhai nước đá lạnh, nghiến răng khi ngủ,… sẽ gây ra các tổn thương cho răng nướu, dẫn đến nguy cơ gãy mẻ.

Gãy răng hàm có sao không? Khắc phục bằng cách nào? 4
Thói quen ăn đá có thể làm gãy răng

Bên cạnh đó, nếu bạn thường xuyên tiêu thụ nhiều đường, axit, ăn đồ nóng lạnh liên tục cũng góp phần làm cho men răng bị bào mòn, dần dần răng dễ bị nứt mẻ, gãy vỡ.

Do bệnh lý

Răng trở nên nhạy cảm, yếu dần và dễ bị mẻ, vỡ nếu mắc các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm tủy, bệnh viêm nha chu,… Khi các bệnh lý này tiến triển nặng, bạn thậm chí còn có nguy cơ bị mất răng vĩnh viễn kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Ăn uống thiếu chất

Chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là canxi, flour, vitamin D,… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến độ cứng chắc của răng. Răng trở nên dễ tổn thương, sứt mẻ, gãy vỡ hơn khi ăn nhai hoặc khi chịu lực tác động mạnh từ bên ngoài.

Do bệnh lý

Người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, viêm khớp, huyết áp,… sẽ đối mặt với tình trạng răng nướu nhạy cảm, yếu và dễ gãy rụng hơn so với bình thường.

Gãy răng hàm có sao không? Khắc phục bằng cách nào? 5
Người bị tiểu đường có men răng yếu

Các biện pháp khắc phục gãy răng hàm

Khi bị gãy răng hàm, bạn nên đi khám sớm. Bác sĩ nha khoa sau quá trình thăm khám và đánh giá mức độ tổn thương của răng sẽ tư vấn cho bạn phương pháp phục hình phù hợp, thường là trám răng hoặc bọc răng sứ thẩm mỹ để giúp bảo tồn răng khỏe mạnh cho bạn.

Trám răng

Đây là biện pháp phục hình áp dụng cho trường hợp gãy răng hàm không quá một phần ba thân răng. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng vật liệu trám răng chuyên dụng (composite) đắp lên trên chiếc răng bị mất giúp khôi phục lại hình dáng ban đầu.

Bọc răng sứ

Gãy răng hàm hơn một nửa ngang thân răng thì phục hình bằng phương pháp bọc răng sứ sẽ mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Bác sĩ sẽ chụp mão răng sứ lên răng hàm mục tiêu để khôi phục lại hình dáng và chức năng của răng. Trường hợp phần thân răng còn lại quá ít, không thể làm trụ răng thì áp dụng kỹ thuật bọc răng sứ có cùi giả. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kết hợp thêm kỹ thuật đóng chốt răng nếu cần thiết.

Nếu tủy của chiếc răng hàm cần điều trị có dấu hiệu bị viêm nhiễm, bác sĩ sẽ dựa trên mức độ hư tổn để tiến hành loại bỏ các mô tủy bị bệnh hoặc toàn bộ tủy răng trước, sau đó mới phục hình răng. Trường hợp răng hàm bị gãy sát hoặc sâu bên dưới nướu, không thể giữ lại thì lúc này bệnh nhân bắt buộc phải nhổ bỏ răng và trồng lại răng mới.

Gãy răng hàm có sao không? Khắc phục bằng cách nào? 6
Bọc răng sứ là một trong những cách phục hồi răng hàm bị gãy

Hy vọng những thông tin trên của Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng gãy răng hàm cùng cách khắc phục. Với sự tiến bộ của lĩnh vực nha khoa, các trường hợp gãy răng hàm đều có thể xử lý hiệu quả bằng nhiều phương pháp khác nhau, thường vẫn là ưu tiên bảo tồn răng thật, khi không thể giữ mới tiến hành loại bỏ và trồng răng giả.

Xem thêm: Ưu và nhược điểm khi làm cùi răng giả

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin