Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ợ chua uống thuốc gì mau hết?

Ngày 03/09/2023
Kích thước chữ

Ợ chua là hiện tượng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy không quá nguy hiểm nhưng khi tình trạng này kéo dài, nó là hồi chuông cảnh báo sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề. Vậy ợ chua là gì? Ợ chua uống thuốc gì mau hết? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay sau đây bạn nhé!

Khi đối mặt với triệu chứng ợ chua, một câu hỏi thường được đặt ra là "Ợ chua uống thuốc gì?". Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe cụ thể, việc lựa chọn phương án hợp lý có thể giúp bạn tìm lại sự thoải mái trong cuộc sống hàng ngày. Hãy cùng khám phá những thông tin hữu ích về việc ứng dụng các loại thuốc và phương pháp khác nhau để khắc phục triệu chứng ợ chua ngay nhé!

Ợ chua là gì?

Trước khi giải đáp ợ chua uống thuốc gì, cũng như những nguyên nhân gây ra tình trạng này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hiện tượng ợ chua là gì. Ợ chua thường xảy ra phổ biến ở những người bị trào ngược dạ dày. Khi acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản và miệng, người bệnh thường trải qua cảm giác đau từ vùng xương ức lên họng, có cảm giác chua miệng và khó chịu.

Giải đáp thắc mắc: Ợ chua uống thuốc gì mau hết? 1
Ợ chua thường xảy ra phổ biến ở những người bị trào ngược dạ dày

Thống kê cho thấy khoảng 60% dân số gặp tình trạng ợ chua, ít nhất 1 lần/tháng và một số người gặp tình trạng ợ chua liên tục. Các triệu chứng này thường xuất hiện nhiều khi bạn ăn no, ăn đồ cay nóng hay thức ăn có nhiều gia vị. Nhìn chung, mặc dù ợ chua không gây hại cho sức khỏe nhưng lại gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Khi gặp tình trạng ợ chua sẽ đi kèm với các triệu chứng sau:

  • Đau bụng, cảm giác bị chướng bụng;
  • Nóng rát ở vùng ngực, xương ức;
  • Đau tức ở vùng ngực, khi nuốt thức ăn sẽ cảm thấy đau nhói;
  • Cảm giác chua hoặc đắng trong miệng;
  • Cảm giác có dị vật trong cổ, cảm giác khó chịu.

Nguyên nhân dẫn đến ợ chua

Để biết được ợ chua uống thuốc gì, bạn cần phải hiểu rõ nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Ợ chua thường bắt nguồn từ các nguyên nhân dưới đây:

  • Thói quen ăn uống và sinh hoạt: Nếu bạn có thói quen ăn uống không tốt như ăn nhanh, ăn muộn, nhai không kỹ hoặc vừa nằm vừa ăn sẽ khiến cho hệ tiêu hóa có thể hoạt động không hiệu quả. Điều này dẫn đến khó tiêu hóa thức ăn, gây ra triệu chứng buồn nôn, ợ chua và ợ hơi. Nếu đang gặp tình trạng này thì bạn nên tìm hiểu ợ chua nên ăn gì để xây dựng những bữa ăn hợp lý.
  • Mang thai: Trong thời kỳ mang thai, áp lực trong khoang bụng tăng lên, ảnh hưởng đến chức năng cơ hoành dưới thực quản. Cơ hoành sẽ ngăn chặn acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản nên khi mang thai, chức năng này khi bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến triệu chứng ợ chua khi mang thai.
  • Béo phì: Béo phì cũng có thể tăng áp lực trong khoang bụng, gây ra các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa và triệu chứng ợ chua.
  • Căng thẳng: Trong tình trạng căng thẳng, stress, hệ thần kinh không thể điều khiển chức năng tiêu hóa một cách hiệu quả. Điều này cũng có thể góp phần vào việc gây khó tiêu, ợ chua.
  • Thoát vị hoành: Thoát vị hoành xảy ra khi một phần của dạ dày nhô lên gần ngực, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ vòng thực quản. Điều này là nguyên nhân gây ra tình trạng ợ chua.
  • Viêm loét dạ dày: Tình trạng viêm loét niêm mạc dạ dày có thể gây tổn thương và loét, tạo điều kiện cho triệu chứng ợ chua.
  • Viêm xoang: Viêm xoang cũng góp phần gây ra trào ngược dạ dày, đặc biệt khi không được điều trị đúng cách.
  • Trào ngược dạ dày: Hiện tượng acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản là nguyên nhân chính gây ra triệu chứng ợ chua. Ngoài ợ chua, trào ngược dạ dày còn có thể gây viêm họng, ho, thở khò khè và nóng rát thực quản.
Giải đáp thắc mắc: Ợ chua uống thuốc gì mau hết? 2
Mang thai cũng có thể là nguyên nhân gây ợ chua

Giải đáp: Ợ chua uống thuốc gì mau hết?

Trong hầu hết các tình huống, ợ chua có thể được giảm nhẹ và có cách trị ợ chua tại nhà thông qua việc sử dụng các loại thuốc không kê đơn và thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Tuy ợ chua thường không nghiêm trọng, nhưng nếu bạn gặp tình trạng này thường xuyên và liên tục, đặc biệt là khi kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng khác, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị chính xác.

Trong trường hợp chứng ợ chua liên quan đến tình trạng mãn tính như GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản), việc điều trị nên được tiến hành dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm như nội soi để kiểm tra tình trạng của hệ tiêu hóa và loại bỏ những tình trạng nghiêm trọng khác như viêm thực quản, barrett thực quản hay ung thư.

Đối với điều trị tại nhà, thuốc không kê đơn được sử dụng thường bao gồm thuốc kháng acid và thuốc chẹn acid.

  • Thuốc kháng acid thường có sẵn mà không cần kê đơn: Tums, Rolaids, Maalox, Gaviscon.
  • Thuốc chẹn acid không cần kê đơn như: Pepcid AC, Tagamet HB.

Những loại thuốc này giúp làm giảm lượng acid trong dạ dày, từ đó giảm triệu chứng ợ chua. Một số loại thuốc có thể chứa simethicone, có tác dụng giảm khí.

Tuy là thuốc không kê đơn, nhưng việc sử dụng nên được thực hiện theo hướng dẫn trên bao bì để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn. Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen ăn uống và lối sống, như ăn chậm, kiểm soát lượng thức ăn trong mỗi lần ăn và tập thể dục đều có thể giúp cải thiện triệu chứng ợ chua và chướng bụng.

Giải đáp thắc mắc: Ợ chua uống thuốc gì mau hết? 3
Ợ chua uống thuốc gì mau hết là thắc mắc của nhiều người

Cách khắc phục tình trạng ợ chua tại nhà

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp để điều trị triệu chứng ợ chua. Nếu bạn đang lo lắng về việc sử dụng thuốc, bạn có thể sử dụng các loại thảo dược lành tính, quen thuộc trong đời sống hàng ngày sau đây:

  • Nghệ: Nghệ chứa curcumin có tác dụng kiểm soát nhiễm khuẩn tốt. Bạn có thể dùng nghệ tươi hoặc kết hợp nghệ với mật ong để khắc phục tình trạng ợ chua.
  • Gừng: Gừng có thể được nhai trực tiếp hoặc uống trà gừng mật ong sau khi ăn. Gừng giúp kiểm soát ợ chua, đặc biệt là do trào ngược dạ dày.
  • Nha đam: Dưỡng chất trong nha đam sẽ bảo vệ niêm mạc dạ dày và thực quản, chất xơ giúp nhu động ruột hoạt động hiệu quả. Uống nước ép nha đam hoặc dùng nha đam kết hợp với mật ong sẽ giảm triệu chứng trào ngược dạ dày.
  • Lá bạc hà: Pha lá bạc hà với nước sôi và để trong khoảng vài phút là bạn có thể sử dụng. Lá bạc hà có tác dụng giảm viêm và hỗ trợ giảm triệu chứng ợ chua.
  • Trà hoa cúc: Trà hoa cúc có khả năng chống viêm và kháng khuẩn. Một tách trà hoa cúc trước khi đi ngủ có thể giúp cải thiện triệu chứng ợ chua.

Phòng tránh tình trạng ợ chua hiệu quả

Ngoài việc tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc, những người thường xuyên gặp triệu chứng ợ chua, buồn nôn, ợ hơi cũng nên quan tâm đến những điều sau đây:

  • Ăn đúng giờ và không bỏ bữa: Duy trì thời gian ăn đều đặn và không bỏ lỡ bữa ăn để hạn chế tình trạng ợ chua.
  • Ăn chậm và nhai kỹ: Nhai thức ăn kỹ giúp quá trình tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giảm khả năng trào ngược acid.
  • Nằm cao đầu khi ngủ: Sử dụng gối để nâng đầu khi ngủ giúp hạn chế việc acid dạ dày trào ngược lên thực quản.
  • Tránh mặc đồ quá chật: Để tránh tạo áp lực lên khoang bụng, hạn chế mặc quần áo quá bó sát.
  • Không làm việc quá sức: Cố gắng duy trì tình trạng thư thái và tránh làm việc quá sức dẫn đến căng thẳng.
  • Ngủ đủ và đúng giờ: Đảm bảo có giấc ngủ đủ giấc và đúng giờ để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng.
Giải đáp thắc mắc: Ợ chua uống thuốc gì mau hết? 4
Ngủ đủ và đúng giờ để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và góp phần cải thiện tình trạng ợ chua

Hãy nhớ rằng, việc xác định ợ chua uống thuốc gì và thay đổi thói quen hàng ngày sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm triệu chứng ợ chua và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm