Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp thái dương hàm: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp thái dương hàm là một rối loạn phức tạp, ảnh hưởng đến khớp nối giữa xương hàm và xương sọ, dẫn đến đau đớn, cứng cơ và hạn chế khả năng vận động của khớp. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn trong việc ăn uống, nói chuyện và sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp thái dương hàm là gì?

Viêm khớp thái dương hàm là tình trạng rối loạn tại khớp nối giữa xương hàm và xương sọ, gây đau, cứng cơ, và suy giảm chức năng khớp. Bệnh làm giảm khả năng nhai nuốt, dễ khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng. Bệnh cũng hạn chế khả năng giao tiếp, sẽ ảnh hưởng đến học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội của bệnh nhân.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm

Trên thực tế, triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm thường không điển hình và rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của một số bệnh khác như bệnh lý về tai mũi họng, bệnh nội thần kinh. Do đó, rất khó để có thể nhận biết chính xác bệnh.

Viêm khớp thái dương hàm thường tiến triển âm thầm sau nhiều tháng, thậm chí là vài năm thì các triệu chứng của bệnh mới biểu hiện rõ. Dưới đây là một số triệu chứng cơ bản của viêm khớp thái dương hàm:

  • Đau vùng khớp thái dương hàm: Người bệnh xuất hiện các cơn đau ở một hoặc cả hai bên khớp thái dương hàm. Các cơn đau tăng dần mức độ từ nhẹ đến dữ dội, đau tăng khi nhai.
  • Đau nhức ở các vùng lân cận: Người bệnh có thể đau trong hoặc xung quanh tai, ù tai. Bên cạnh đó, người bệnh còn có một số biểu hiện như đau đầu, hoa mắt, đau nhức mắt, đôi khi đau còn lan xuống cổ vai gáy.
  • Cứng khớp, hạn chế cử động khớp: Viêm khớp thái dương hàm gây ra những hạn chế trong việc cử động khớp. Điều này dẫn đến người bệnh gặp khó khăn hơn trong cử động mở và khép miệng. Trong trường hợp nặng, người bệnh còn không thể há được miệng.
  • Xuất hiện tiếng lục cục tại khớp thái dương hàm: Người bệnh sẽ nghe thấy rõ tiếng lục cục khi há miệng và nhai thức ăn.
  • Biến dạng khuôn mặt: Viêm khớp thái dương hàm nổi hạch có thể khiến cơ nhai bị phì đại, mặt người bệnh sưng to và mất cân đối.
  • Sốt: Trong một số trường hợp, người bệnh viêm khớp thái dương hàm còn có thể bị sốt, đặc biệt là vào buổi chiều tối.
Viêm khớp thái dương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 4
Người bị viêm khớp thái dương hàm có thể có triệu chứng sốt

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm khớp thái dương hàm

Viêm khớp thái dương hàm được đánh giá không phải là căn bệnh quá nguy hiểm. Nếu được phát hiện sớm và điều trị dứt điểm được nguyên nhân thì khớp sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, do bệnh thường diễn tiến âm thầm và không có các triệu chứng điểm hình ở giai đoạn sớm, do vậy người bệnh thường chủ quan và bỏ qua giai đoạn sớm của bệnh.

Việc phát hiện viêm khớp thái dương hàm muộn và không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra một loạt các biến chứng nặng nề như viêm khớp, thoái hóa khớp, cứng khớp, dính khớp thậm chí là gãy khớp. Lúc này, người bệnh buộc phải tiến hành phẫu thuật.

Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình thực hiện phẫu thuật viêm khớp xương hàm có thể xảy ra một số biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu và tổn thương xương hàm vĩnh viễn. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể bị tổn thương các cấu trúc lân cận như dây thần kinh số VII, tuyến nước bọt mang tai dẫn đến tình trạng liệt nửa mặt, khó ăn uống, chảy nước dãi…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để thăm khám và tư vấn điều trị khi nhận thấy một số triệu chứng sau:

  • Mỏi cơ khi ăn nhai hoặc khi há miệng;
  • Đau vùng góc hàm, dưới cằm và thái dương;
  • Đau trước hoặc trong tai, đau có thể lan sang cổ gáy, thậm chí là lan xuống cả cánh tay;
  • Há miệng có tiếng khớp kêu lục cục;
  • Không há được miệng, gặp khó khăn khi ăn nhai và có thể đau các răng.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp thái dương hàm

Viêm khớp thái dương hàm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây viêm khớp thái dương hàm:

  • Các bệnh lý xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp hay nhiễm khuẩn khớp… là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng viêm khớp thái dương hàm.
  • Các chấn thương (trauma) vùng hàm mặt do tai nạn giao thông, bị ngã khi đang làm việc hoặc va đập khi đang chơi thể thao.
  • Hiện tượng răng mọc lệch, chen chúc hoặc các can thiệp như nhổ răng hàm, nhổ răng khôn cũng là nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm.
  • Thói quen ăn uống thiếu khoa học, nhai một bên hoặc thường xuyên ăn đồ dai, đồ cứng.
  • Tật nghiến răng hoặc thói quen cắn chặt răng có ý thực hoặc vô ý thức làm gia tăng áp lực vùng cơ hàm, gây tổn hại mô khớp thái dương hàm.
Viêm khớp thái dương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 5
Nhổ răng khôn, răng hàm cũng là một trong các nguyên nhân có thể gây viêm khớp thái dương hàm

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp thái dương hàm?

Những đối tượng có nguy cơ mắc viêm khớp thái dương hàm bao gồm:

  • Người cao tuổi;
  • Trẻ nữ trong độ tuổi dậy thì và phụ nữ tiền mãn kinh;
  • Người mắc các bệnh lý về xương khớp;
  • Những đối tượng thường xuyên ăn đồ dai, đồ cứng;
  • Người có sai lệch về khớp cắn, răng lệch lạc và chen chúc;
  • Người thường xuyên nghiến răng hoặc cắn chặt răng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp thái dương hàm

Một số yếu tố được đánh giá làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp thái dương hàm bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao, nguy cơ mắc viêm khớp thái dương hàm càng lớn.
  • Giới tính: Nữ giới có nguy cơ bị viêm khớp thái dương hàm cao hơn nam giới.
  • Di truyền: Trong gia đình có thành viên có răng khấp khểnh, lệch lạc nhiều hoặc sai lệch khớp cắn thì nguy cơ mắc phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng của bạn cao hơn so với những người khác.
  • Căng thẳng, stress kéo dài: Căng thẳng (stress) kéo dài cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp thái dương hàm.
Viêm khớp thái dương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 6
Căng thẳng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp thái dương hàm

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp thái dương hàm

Khi có các triệu chứng nêu trên, bạn cần đến các trung tâm răng hàm mặt uy tín để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị nếu cần. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng thông qua quan sát, nghe và sờ nắn khớp thái dương hàm trong các vấn động như há mở, trượt hàm ra trước, sau, trái và phải…

Cùng với đó, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn chụp phim X-quang sọ nghiêng, pano khớp thái dương hàm, conebeam CT, MRI… để đánh giá tình trạng khớp thái dương hàm cũng như đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Xem thêm: Những điều cần biết về chụp X quang khớp thái dương hàm

Phương pháp điều trị

Tùy thuốc vào nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm cũng như tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể cho từng người bệnh. Một số phương pháp điều trị khớp thái dương hàm được áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Điều trị nội khoa: Sử dụng một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm và giãn cơ để cải thiện triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm.
  • Vật lý trị liệu: Massage, chườm nóng, chiếu tia hồng ngoại, tập các bài tập vận động khớp thái dương hàm…
  • Can thiệp nha khoa: Chỉnh răng, mài núm phụ, nhổ răng, điều chỉnh khớp cắn, phẫu thuật xương ổ răng hoặc phục hình thẩm mỹ răng… áp dụng đối với các tác nhân gây bệnh liên quan đến răng hàm mặt.
  • Phẫu thuật: Thay thế hoặc sửa chữa các phần khớp bị tổn thương. Đây là phương án cuối cùng được chỉ định khi các phương pháp điều trị nêu trên không hiệu quả.

Tham khảo thêm:

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể khiến bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp thái dương hàm

Chế độ sinh hoạt

  • Tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ trong điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, tránh căng thẳng stress kéo dài.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào bất thường.
  • Thăm khám định kỳ để theo dõi sát tình hình sức khỏe cũng như diễn biến của bệnh. Trong trường hợp bệnh chưa có xu hướng thuyên giảm, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng hiện tại để đưa ra hướng điều trị tiếp theo sao cho phù hợp.
  • Cùng với đó, người bệnh cũng cần lạc quan bởi tâm lý có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Chế độ dinh dưỡng

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Nói không với các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
  • Người bệnh không nên ăn thực phẩm quá dai hoặc quá cứng.
Viêm khớp thái dương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 7
Người bị viêm khớp thái dương hàm cần có chế độ dinh dưỡng khoa học

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm hiệu quả

Để phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm, bạn có thể tham khảo và cân nhắc một số gợi ý dưới đây:

  • Hạn chế tối đa việc ăn đồ ăn quá dai và quá cứng.
  • Không mở miệng quá to khi ngáp hoặc khi cắn thức ăn.
  • Thay đổi thói quen nghiến răng khi ngủ. Bạn có thể cân nhắc đến việc sử dụng máng chống nghiến.
  • Nhai đều cả hai bên hàm, không nhai tập trung vào một bên.
  • Từ bỏ một số thói quen xấu gây ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm như cắn móng tay hay chống cằm…
  • Đi khám chuyên khoa thường xuyên hơn khi thấy răng lệch lạc, sai khớp cắn hoặc phát hiện bất cứ dấu hiệu bệnh lý răng miệng nào khác.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/tmj-disorders#treatment
  2. https://www.msdmanuals.com/professional/dental-disorders/temporomandibular-disorders/internal-temporomandibular-joint-tmj-derangement
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tmj/symptoms-c auses/syc-20350941

Các bệnh liên quan

  1. U nhầy xoang trán

  2. Rối loạn ý thức

  3. Bệnh não Wernicke

  4. Bệnh thần kinh

  5. Động kinh thùy trán

  6. Bại liệt

  7. Hội chứng tăng áp lực nội sọ

  8. Bệnh teo đa hệ thống

  9. Moyamoya

  10. Bướu huyết thanh