Hạt nở có độc không? Cách xử trí khi trẻ nuốt phải hạt nở
Ngày 17/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hạt nở có độc không là thắc mắc mà nhiều phụ huynh thường đặt ra bởi loại hạt này nhiều màu sắc và khi ngâm vào nước thì nở ra rất đẹp, các bé bị hấp dẫn bởi chúng. Bài viết đề cập cụ thể hơn về vấn đề này.
Hạt nở từng là loại hạt cực kỳ phổ biến trên thị trường, tuy nhiên giờ đây chúng đã được đưa vào danh sách hạn chế kinh doanh. Chúng có xuất xứ từ Trung Quốc. Trẻ em lại cực kỳ bị thu hút bởi loại hạt này vì nhiều màu sắc sặc sỡ, trông rất giống thạch khi ngâm vào nước. Vậy hạt nở có độc không? Nếu trẻ nuốt vào thì sao?
Hạt nở có độc không?
Cách đây khoảng 5 năm, hạt nở thường được bày bán công khai tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên thời gian gần đây thì chúng không còn phổ biến, đa phần hạt nở không được bán công khai nữa nhưng nếu tìm mua thì vẫn có người bán. Loại hạt nhựa này có nhiều màu sắc, khi ngâm chúng vào nước thì chúng nở to ra. Loại hạt nở này có nhiều loại hình như hình hoa, hình con vật, hình sao và đây cũng là lý do tại sao nhiều trẻ em yêu thích chơi chúng.
Sau một khoảng thời gian bán hàng công khai, hạt nở là nguyên nhân chính gây ra hàng loạt ca ngộ độc, hóc dị vật nguy hiểm với trẻ em. Đặc biệt các chuyên gia bắt đầu nghiên cứu thành phần của chúng và chỉ ra rằng trong hạt nở này có chứa chất độc gây tổn thương hệ thần kinh. Đó là lý do tại sao hạt nở không còn được bày bán rộng rãi và rất nhiều phụ huynh đã cẩn trọng, loại bỏ chúng ra khỏi danh sách đồ chơi của trẻ con.
Chưa cần hiểu sâu về hợp chất tạo nên hạt nhựa, bản chất loại hạt này là nở ra rất to sau khi ngâm nước, trẻ con nhìn vào chúng dễ nhầm với kẹo hay thạch nên bỏ vào miệng. Việc phải ngậm một vật lớn và vô tình chúng lọt xuống đường hô hấp thì khả năng bị tắt khí quản hay tắc ruột xảy ra rất cao.
Vậy hạt nở có độc không? Rất nguy hại. Theo nghiên cứu của Phòng Kiểm nghiệm nhựa của Viện Hoá học công nghiệp Việt Nam, hạt nhựa nở có xuất xứ từ Trung Quốc có thể hút no nước, tăng kích thước gấp 400 lần kích thước ban đầu. Chưa kể loại hạt này sử dụng hợp chất Polyacrylamide độc hại gây ung thư.
Đã có rất nhiều trường hợp nguy hiểm xảy ra khi trẻ chơi hạt nở. Trẻ khi nuốt phải hạt nở thường có dấu hiệu đau bụng, quấy khóc, nôn ói, bụng chướng và không đi tiêu được. Ngoài ra trẻ ngửi mùi hạt nở còn có thể mắc triệu chứng cứng tay, ngứa ngáy thậm chí nôn ói dữ dội. Tại nơi sản xuất ra loại hạt này, Trung Quốc, chính phủ đã ra quyết định thu hồi sản phẩm bởi phát hiện ra các nhà máy tại Thẩm Quyến đã dùng hoá chất rẻ tiền 1,4-butanediol. Hóa chất này chuyển hoá vào loại chất kích thích gramma-Hydroxybutyric acid gây mê và có tính chất như chất kích thích giải trí.
Tóm lại phụ huynh buộc phải cẩn trọng khi mua đồ chơi cho trẻ. Những loại hạt nhiều màu sắc hay bất cứ vật dụng nào có kích thước mà trẻ dễ nuốt vào miệng đều phải để xa tầm tay trẻ em. Ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu đáng ngờ, điển hình là khó thở, nôn ói thì buộc phải đưa bé cấp cứu nhanh ở các cơ sở y tế.
Trẻ nuốt phải hạt nở phải làm sao?
Sau khi giải đáp được thắc mắc hạt nở có độc không, ta cùng tìm hiểu về cách xử lý ngay khi phát hiện bé nuốt phải hạt nở hay bất dị vật nào. Bởi bé từ 3 - 8 tuổi có tính hiếu kỳ và rất thích ngậm hay nuốt các dị vật có màu sắc sặc sỡ:
Nhận biết triệu chứng
Trẻ ngay khi nuốt phải hạt nở hay dị vật thường có cảm giác nghẹn họng, thường bị đau hay có cảm giác vướng tại khu vực bị hóc. Ngoài ra trẻ còn bị ứ nghẹn, khó nuốt, chảy dãi. Tình huống này cực kỳ nguy hiểm nếu hạt nở gây bít tắc đường thở, gây bất tỉnh, tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Thực tế nếu bé xuất hiện những dấu hiệu kể trên ngay khi vừa nuốt dị vật thì phụ huynh dễ can thiệp hơn, đáng lo hơn là trẻ mắc dị vật vùng thực quản hay dưới thực quản. Ở trường hợp này, bé thường kém ăn, xuất hiện các dấu hiệu như viêm phổi, thậm chí có thể sốt, nôn hay đại tiện phân đen lẫn máu.
Cách sơ cứu
Giờ đây câu hỏi hạt nở có độc không có lẽ không quá quan trọng bằng việc bạn nắm vững cách xử lý khi trẻ nuốt phải chúng hay bất kỳ dị vật nào:
Với trẻ còn tỉnh: Bạn cần đứng từ phía sau và ôm lấy thắt lưng của bé. Lấy 1 bàn tay làm thành nắm đấm và đặt chúng ngay vùng thượng vị, dưới mũi ức ở phần trên rốn. Đồng thời bạn lấy bàn tay còn lại ôm lên nắm đấm, ấn dứt khoát vào bụng với tiết tấu mạnh và nhanh, hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên.
Với trẻ hôn mê: Đây là phương pháp nên ứng dụng cho phụ huynh có chuyên môn về cấp cứu người hôn mê. Để bé nằm ngửa, bạn quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ. Lúc này bạn đặt gốc một bàn tay lên vùng thượng vị, dưới xương ức, tiếp tục đặt bàn tay thứ 2 chồng lên bàn tay thứ nhất. Tiếp đến bạn ấn 5 cái đột ngột, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên. Tiếp tục ấn cho đến khi dị vật rơi ra khỏi đường thở.
Với trẻ ngưng thở: Bạn buộc phải gọi cấp cứu ngay lập tức. Trong quá trình chờ nhân viên y tế can thiệp thì phải hà hơi thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực.
Cách phòng ngừa bé nuốt phải hạt nở
Việc tìm hiểu hạt nở có độc không là điều nên làm để phụ huynh chủ động trong việc chọn đồ chơi cho con. Tuy nhiên thực tế hiện nay không riêng gì hạt nở mà có rất nhiều tình huống bất ngờ xảy ra khi bé đang ở độ tuổi hiếu kỳ, điển hình là bé thích ngậm và nuốt đồ vật nhỏ thậm chí thức ăn. Vậy phải phòng tránh ra sao?
Tập thói quen tự nhận thức ở trẻ
Bạn cần dạy bé không có thói quen đưa đồ vật vào miệng. Ăn đúng giờ, đúng chỗ và biết tự giữ gìn vệ sinh là điều mà trẻ cần phải học trong những năm đầu đời. Rèn luyện cho bé ý thức tự nhận biết việc làm nào là nguy hiểm đến bản thân bằng cách giải thích cặn kẽ để bé tự bảo vệ mình dù là không có sự quan sát của người lớn.
Cẩn trọng khi mua đồ chơi
Bạn chỉ nên mua cho trẻ những đồ vật có rõ nguồn gốc xuất xứ và có kích thước lớn hơn bàn tay. Các đồ chơi được bày bán rộng rãi trên thị trường nhưng không có đủ thông tin sản phẩm thì không nên mua, cho dù chúng có đẹp hay trẻ thích đến đâu. Bởi bạn không thể biết được hợp chất tạo nên đồ vật đó có nguy hại thế nào cho sức khỏe.
Trên đây là những chia sẻ xung quanh thắc mắc hạt nở có độc không. Hạt nở là một loại đồ chơi có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ, chính vì thế nên bố mẹ cần cẩn trọng khi lựa chọn đồ chơi của trẻ. Đặc biệt cần phải kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ và cân nhắc xem chúng có an toàn với trẻ không. Nếu nghi ngờ trẻ nuốt phải đồ chơi, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi và xử trí khi cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.