Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng Dumping: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Ngày 18/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hiện nay, nhằm có được một thân hình như mong muốn, nhiều người đã thực hiện phẫu thuật dạ dày để có thể giảm cân mà không phải hút mỡ. Tuy nhiên, điều này lại khiến một số người mắc phải hội chứng Dumping. Vậy hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về hội chứng này trong bài viết dưới đây.

Trước khi tìm hiểu liệu hội chứng Dumping có nguy hiểm không hay các cách phòng ngừa cũng như điều trị nó, hãy cùng tìm hiểu hội chứng Dumping là gì?

Hội chứng Dumping là gì?

Hội chứng Dumping (Dumping syndrome) là một tình trạng thường xuất hiện sau khi thực hiện phẫu thuật loại bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày để nhằm mục đích giảm cân. Hội chứng này còn được gọi là hội chứng dạ dày rỗng tức thì bởi nó xảy ra khi thức ăn mà đặc biệt là đường, từ dạ dày di chuyển vào ruột non với tốc độ quá nhanh.

Hội chứng Dumping: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa. Hội chứng Dumping là gì

Nguyên nhân của hội chứng Dumping

Trong hội chứng Dumping, thực phẩm di chuyển từ dạ dày xuống tới ruột non trong thời gian ngắn bất thường mà không kiểm soát được. Hiện tượng này thường có liên quan tới một số sự thay đổi của dạ dày người bệnh hậu phẫu thuật, ví dụ như khi môn vị của dạ dày đã được cắt bỏ khi thực hiện phẫu thuật.

Môn vị là một phần của dạ dày đóng vai trò như van đóng mở nhịp nhàng giúp làm rỗng dạ dày dần dần, từ đó thức ăn cũng được xuống ruột non từ từ. Khi môn vị bị cắt bỏ, thức ăn từ dạ dày sẽ được tống nhanh chóng đến ruột non. 

Phẫu thuật dạ dày với mục đích giảm cân là căn nguyên phổ biến nhất gây ra hội chứng này hiện nay. Hội chứng Dumping có thể tiến triển trong vòng vài tuần sau khi thực hiện phẫu thuật hoặc có thể ngay sau khi người bệnh quay trở lại với chế độ ăn uống hàng ngày. Dạ dày của người bệnh càng bị loại bỏ nhiều thì càng nhiều khả năng khiến cho tình trạng trở nên nặng nề hơn. Đôi khi hội chứng này có thể trở thành một rối loạn lâu dài, mãn tính.

Hội chứng Dumping có triệu chứng gì?

Hội chứng Dumping có các biểu hiện và triệu chứng thường xuất hiện ngay sau bữa ăn, đặc biệt là đối với các bữa ăn với những loại thức ăn chứa nhiều đường mía (sucrose) hoặc loại đường trái cây (fructose). Hội chứng có thể gây ra các tình trạng như: Đau quặn bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, giảm minh mẫn, tăng nhịp tim.

Các biểu hiện và triệu chứng muộn của hội chứng này có thể tới từ 1 đến 3 giờ sau khi ăn do lúc này cơ thể buộc phải giải phóng một lượng lớn hormone insulin nhằm mục đích hấp thu số lượng lớn những loại đường nằm trong ruột non sau khi tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường. Từ đó có thể cân bằng đường huyết người bệnh, không để nồng độ đường trong máu tăng cao.

Những triệu chứng muộn của hội chứng Dumping có thể gồm: Vã mồ hôi, đói lả, mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, yếu người, nhịp tim nhanh.

Một số trường hợp người bệnh có cả các triệu chứng ở giai đoạn sớm và muộn. Một số trường hợp khác lại xuất hiện hội chứng Dumping vài năm hậu phẫu thuật.

Hội chứng Dumping: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa. Hội chứng Dumping có thể khiến người bệnh chóng mặt

Các biện pháp chẩn đoán hội chứng Dumping

Hiện nay để chẩn đoán hội chứng Dumping có một số phương pháp sau đây để xác định:

  • Bệnh sử của bệnh nhân: Bác sĩ chuyên khoa thường sẽ có thể chẩn đoán hội chứng này thông qua việc thu thập những triệu chứng của người bệnh, đặc biệt là nếu đã từng trải qua phẫu thuật dạ dày thì đây là một thông tin giá trị cho chẩn đoán tốt hơn. Bệnh sử sẽ được đánh giá cùng các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của hội chứng Dumping.
  • Xét nghiệm lượng đường trong máu: Đo lượng đường huyết thấp đôi khi có mối liên quan tới hội chứng Dumping. Bác sĩ chuyên khoa có thể sẽ yêu cầu người bệnh xét nghiệm thông kiểm tra dung nạp glucose bằng đường uống để nhằm mục đích đo lượng đường trong máu vào thời điểm cao nhất, giúp chẩn đoán xác định một cách tốt hơn.
  • Chụp rửa dạ dày: Biện pháp này sẽ dùng một chất phóng xạ cho thêm vào trong thức ăn để có thể đo lượng thức ăn di chuyển nhanh chóng qua môn vị xuống ruột non.
Hội chứng Dumping: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa. Xét nghiệm đường huyết có thể giúp chẩn đoán hội chứng Dumping

Hội chứng Dumping điều trị như thế nào?

Hiện nay để điều trị hội chứng Dumping, người bệnh có thể thực hiện một trong hai hoặc cả hai phương pháp nội khoa và ngoại khoa (hay phẫu thuật):

Phương pháp điều trị nội khoa: Mục đích của biện pháp nội khoa đó là giúp giảm thiểu khả năng mắc bệnh cũng như giảm bớt các biến chứng nặng nề có thể sẽ mắc phải. Người bệnh có thể sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc nội khoa như:

  • Thuốc làm giảm glucose huyết: Thuốc này được chỉ định ở giai đoạn muộn của hội chứng.
  • Thuốc Acarbose: Thuốc này có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu với cơ chế giảm hấp thu glucose qua đường tiêu hóa. Từ đó giảm tỷ lệ tăng đường huyết sau bữa ăn.

Phương pháp điều trị ngoại khoa hay phẫu thuật: Đối với các ca mắc hội chứng này nặng, người bệnh có thể được chỉ định áp dụng phương pháp điều trị ngoại khoa như:

  • Tái cấu trúc dạ dày nhằm là làm giảm tốc độ tháo rỗng dạ dày, từ đó thức ăn sẽ xuống ruột non từ từ hơn. Bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp làm hẹp lỗ nối từ dạ dày với hỗng tràng.
  • Chuyển dạng phẫu thuật: Phương pháp này giúp khôi phục sự lưu thông sinh lý của thức ăn từ dạ dày tới ruột mà không hề có bất kỳ nguy cơ nào gây tắc đường ra của dạ dày.
  • Tạo hình môn vị: Bác sĩ sẽ tiến hành tạo sẹo và đồng thời khâu dọc toàn bộ chiều dài môn vị.

Phòng ngừa mắc hội chứng Dumping

Chế độ sinh hoạt cùng những biện pháp tại nhà sau có thể giúp đối phó với hội chứng Dumping:

  • Xây dựng chế độ ăn với các bữa ăn chia nhỏ hơn. Hãy thử thay việc ăn ba bữa một ngày bằng 5 hay 6 bữa nhỏ hơn.
  • Hạn chế uống trong khi dùng bữa ăn. Chỉ nên uống nước vào thời điểm giữa các bữa ăn và hạn chế uống nước 30 phút trước và sau bữa ăn.
  • Thay đổi các loại thực phẩm tiêu thụ: Nên tiêu thụ nhiều đạm hơn có trong các loại thịt, cá, trứng… và các dạng tinh bột phức tạp hơn như yến mạch, ngũ cốc… Đồng thời, tránh ăn các loại thức ăn giàu đường như kẹo, nước ngọt, nước ép trái cây… 
  • Nên nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt để tốt cho việc tiêu hóa thức ăn.
  • Ngồi thẳng sau khi ăn. Chú ý không nên nằm trong vòng 30 tới 60 phút sau khi ăn.
  • Tăng cường ăn chất xơ: Các chất xơ có trong thực phẩm có thể làm chậm sự hấp thụ đường trong ruột non.
  • Hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc uống rượu.
  • Cung cấp đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất như sắt hay canxi cho cơ thể. Chúng đôi khi có thể bị cạn kiệt sau khi thực hiện phẫu thuật dạ dày.
Hội chứng Dumping: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa. Thực hiện chế động ăn nhiều đạm và chất xơ giúp đối phó với hội chứng Dumping

Mong rằng bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu đem tới cho các bạn đọc những kiến thức cần thiết về hội chứng Dumping. Chúc các bạn đọc thật nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ 

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm