Hội chứng fournier là một dạng nhiễm trùng có khả năng dẫn đến phá hủy các mô ở tế bào sinh dục và những khu vực ở lân cận, tốc độ tiến triển của hội chứng rất nhanh. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm.
Hội chứng fournier là gì?
Hội chứng fournier là một loại nhiễm trùng xảy ra ở bộ phận sinh dục, có thể do nhiều loại vi khuẩn gây ra khiến các mô tế bào ở vị trí này bị tổn thương hoặc chết do nhiễm trùng, từ đó gây hoại tử mô bộ phận sinh dục và các vị trí lân cận. Hội chứng fournier thường liên quan đến các nhiễm trùng tại vùng dương vật, bìu… ở nam giới và nhiễm trùng tại vùng tầng sinh môn ở nữ giới.
Hội chứng fournier khá hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 0.02% dân số. Tỷ lệ mắc hội chứng này ở nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới, gấp lên tới 10 lần, và thường gặp ở độ tuổi từ 50 - 60. Hội chứng này rất hiếm gặp ở trẻ em.
Triệu chứng thường gặp của hội chứng fournier
Hội chứng fournier sẽ gây phá hủy các mô tế bào ở bộ phận sinh dục, do đó nó sẽ gây ra những triệu chứng điển hình cho người bệnh như:
- Bộ phận sinh dục thường xuất hiện những cơn đau đột ngột.
- Tốc độ tiến triển của hội chứng rất nhanh, vùng da bị nhiễm trùng sẽ chuyển sang màu xám xanh hoặc tím đỏ.
- Xuất hiện mùi hôi khó chịu ở những vùng da bị nhiễm trùng.
- Rò mủ.
- Sốt cao, sưng tấy.
- Rối loạn nhịp tim.
- Tinh hoàn lộ ra phía ngoài.
Dấu hiệu của hội chứng fournier Đây là những triệu chứng điển hình của hội chứng fournier. Thời gian đầu, các triệu chứng diễn ra nhẹ, trong khoảng chịu đựng của nhiều người do đó họ thường bỏ qua các triệu chứng này và không phát hiện ra tình trạng nhiễm trùng của mình. Khi các triệu chứng tiến triển nhanh chóng chuyển nặng hơn thì người bệnh mới phát hiện được.
Việc nhận biết dấu hiệu của triệu chứng trong những giai đoạn đầu sẽ rất có ích trong việc điều trị, do đó mọi người cần lưu ý các triệu chứng để dễ dàng nhận biết hội chứng fournier.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng fournier
Hội chứng fournier là hội chứng nhiễm trùng bộ phận sinh dục, thường do 3 - 4 loại vi khuẩn kết hợp với nhau để gây bệnh. Chúng có thể là vi khuẩn kỵ khí hoặc hiếu khí, với một đặc điểm chung là đều có khả năng gây phá hỏng các mạch máu, cắt đứt dòng máu nuôi dưỡng tế bào từ đó gây hoại tử và chết tế bào.
Bên cạnh đó chúng còn có khả năng tiết ra một số loại enzym và độc tố gây phá hủy các mô. Một số vi khuẩn gây ra hội chứng fournier có thể kể đến như:
- Klebsiella.
- Liên cầu.
- Tụ cầu.
- E.coli.
- Proteus.
- Clostridium.
- Peptostreptococcus.
Klebsiella - một trong những loại vi khuẩn gây hội chứng fournier Những loại vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh theo nhiều cách khác nhau như:
- Xâm nhập qua những vết loét.
- Những vết thương gây xước hoặc bị bỏng.
- Vết cắn của các loại côn trùng.
- Ung thư trực tràng.
- Áp xe.
- Qua quan hệ tình dục.
- Ở trẻ em có thể mắc hội chứng fournier khi cắt bao quy đầu.
- Viêm túi thừa hoặc rò hậu môn.
- Bị nhiễm trùng ở bàng quang hoặc đường tiết niệu.
Có nhiều loại vi khuẩn xâm nhập theo nhiều cách khác nhau có thể dẫn đến hội chứng fournier do đó chúng ta cần cẩn trọng, sống lối sống lành mạnh, đảm bảo vệ sinh cá nhân để bảo vệ bản thân an toàn.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng fournier
Bên cạnh nguyên nhân dẫn đến hội chứng fournier thì những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao mắc phải hội chứng này cũng là điều mọi người nên quan tâm để từ đó nâng cao cảnh giác, tránh mắc phải điều không mong muốn. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ cao có thể mắc phải hội chứng fournier:
- Những người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch: Khi sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sẽ khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu do đó tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn xâm nhập, trong đó có các vi khuẩn gây ra hội chứng fournier.
- Những trường hợp mắc bệnh Crohn.
- Người bị nhiễm HIV: Khi bị nhiễm HIV thì cũng dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch, từ đó tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh, khiến sức khỏe người bệnh giảm sút nhanh chóng, khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng tăng rất cao.
- Những trường hợp đang tiến hành hóa trị liệu.
- Những người sử dụng corticosteroid thường xuyên và kéo dài.
- Trường hợp béo phì nghiêm trọng hoặc suy dinh dưỡng cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng fournier.
- Tuổi cao, đặc biệt từ 50 - 60 tuổi.
- Những người có thói quen hút thuốc.
Nhiễm HIV là yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng fournier Hội chứng fournier có nguy hiểm không?
Tỷ lệ mắc hội chứng fournier là rất thấp tuy nhiên nếu không kịp thời phát hiện và tiến hành điều trị thì sẽ gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Nếu không kịp thời điều trị thì vi khuẩn sẽ xâm nhập sâu vào cơ thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, từ đó gây suy đa tạng và tử vong.
Chính vì vậy, việc phát hiện từ những triệu chứng ban đầu là rất quan trọng và đóng vai trò lớn trong quá trình điều trị của người bệnh. Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp phải nếu không điều trị kịp thời hội chứng Fournier:
- Nhiễm trùng tiết niệu, bàng quang: Hội chứng fournier là những nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục do đó nếu không được điều trị thì vùng nhiễm trùng sẽ nhanh chóng lan rộng sang các khu vực lân cận như đường tiết niệu, bàng quang.
- Rối loạn các chức năng sinh dục.
- Suy thận cấp tính.
- Nhiễm trùng sẽ lan rộng hơn đến các mô sâu bên trong tử cung gây viêm vùng nội mạc tử cung.
- Tình trạng viêm kéo dài dẫn đến tăng hình thành các cục máu đông, từ đó gây tắc động mạch, máu không lưu thông để nuôi dưỡng các mô dẫn đến hoại tử mô.
- Tai biến ở mạch máu não.
- Rối loạn nhịp tim và suy tim.
- Khi vi khuẩn đã xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết, dẫn đến một loạt các phản ứng viêm cũng như sốc nhiễm trùng từ đó khiến cơ thể không duy trì được huyết áp, các cơ quan trong cơ thể ngừng hoạt động và cuối cùng là tử vong.
Trên đây là những thông tin về hội chứng fournier mà Nhà thuốc Long Châu muốn mang đến cho mọi người. Mong mọi người có cái nhìn tổng quan nhất về hội chứng fournier, các nguyên nhân cũng như triệu chứng điển hình để có thể phát hiện hội chứng và điều trị kịp thời. Nếu bạn thấy bài viết này hay và ý nghĩa, hãy theo dõi trang Nhà thuốc Long Châu để có thể nhận thông báo của những bài viết mới nhất nhé.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Vinmec.com