Hội chứng ruột kích thích K58 là gì? Điều trị như thế nào?
Ngày 12/09/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hội chứng ruột kích thích K58 là bệnh lý liên quan đến chức năng đường ruột. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều trị bệnh này qua bài viết dưới đây nhé!
Hội chứng ruột kích thích K58 còn được biết đến với tên gọi viêm đại tràng mãn tính. Tuy không nguy hiểm nhưng bệnh có xu hướng dai dẳng và thường xuyên tái phát, gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm về hội chứng ruột kích thích K58 và cách điều trị qua bài viết này nhé!
Hội chứng ruột kích thích K58 là gì?
Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome - IBS) hay viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng là thuật ngữ để chỉ hiện tượng rối loạn co thắt nhu động ruột, đặc biệt là vùng đại tràng. Hội chứng này thường không đi kèm với tổn thương thực thể như viêm loét hay khối u nên không nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh.
Trong y khoa, người ta thường nhắc đến loại bệnh này với tên đầy đủ là hội chứng ruột kích thích K58. Thuật ngữ này xuất phát từ phân loại của Bệnh tật Quốc tế (ICD 10). Dựa vào triệu chứng đi kèm, hội chứng ruột kích thích được chia thành 2 dạng:
K58.0: Hội chứng ruột kích thích tiêu chảy.
K58.9: Hội chứng ruột kích thích táo bón.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích K58
Thực tế thì các chuyên gia y tế chưa tìm được lời giải thích cụ thể cho nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích K58. Các nghiên cứu chỉ tìm được rằng bệnh có mối liên quan mật thiết đến sự tương tác hai chiều giữa hệ thần kinh và đường ruột hay còn gọi là trục não ruột.
Thông thường, các hoạt động tại đường tiêu hóa diễn ra trơn tru là nhờ vào hệ thần kinh vận động chi phối. Do đó, bất kì yếu tố nào tác động vào hệ thần kinh hay đường tiêu hóa làm ảnh hưởng đến trục não ruột cũng có thể dẫn đến các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích K58.
Bên cạnh đó, vài nghiên cứu gần đây lại chứng minh được rằng trong số bệnh nhân có hội chứng ruột kích thích, đến 90% số ca mắc có hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng, liên quan đến hai lợi khuẩn thiết yếu là Lactobacillus và Bifidobacterium.
Ngoài ra, một số yếu tố khác được xem là tiềm ẩn nguy cơ gây ra hội chứng ruột kích thích K58 có thể kể đến:
Tâm lý căng thẳng, stress kéo dài: Tâm lý bất ổn có thể là gánh nặng lên hệ thần kinh, tác động trực tiếp đến trục não - ruột gây ra hội chứng ruột kích thích K58.
Các loại thực phẩm: Thường xuyên sử dụng thức uống có cồn, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ hay đóng hợp gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột dẫn đến hội chứng ruột kích thích K58.
Lạm dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh: Thành phần của thuốc kháng sinh có tác động kìm khuẩn hoặc diệt khuẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ lợi khuẩn có trong đường tiêu hóa.
Mất cân bằng hệ miễn dịch: Một số giả thuyết cho rằng bệnh nhân hội chứng ruột kích thích có số lượng tế bào miễn dịch trong trực tràng cao hơn mức bình thường, gây ra những kích ứng trong đường ruột.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng ruột kích thích K58
Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích K58 thường khá điển hình và có sự khác biệt tùy thuộc vào mức độ rối loạn, độ tuổi hay thể trạng của người bệnh:
Rối loạn đại tiện: Các bất thường về đại tiện như táo bón hoặc tiêu chảy với tần suất trong ngày nhiều hơn bình thường, khoảng 3 - 6 lần/ngày có thể là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích K58.
Đau bụng, nổi cục ở bụng: Cơn đau quặn bụng do hội chứng ruột kích thích K58 kéo dài vài ngày và lặp lại nhiều lần trong tháng. Ngoài ra, người bệnh sẽ cảm thấy có những cục u ở dọc phần ruột già. Đó chính là những cơn co thắt của đại tràng.
Phân bất thường: Các dấu hiệu về phân thường gặp là lỏng nát và không có khuôn, đôi khi kèm chất nhầy, nhưng tuyệt nhiên không có máu.
Cơ thể suy nhược: Cảm giác đầy hơi và đau quặn bụng khiến người bệnh trở nên chán ăn, dẫn đến trạng thái người mệt mỏi và sút cân nhanh chóng.
Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích k58
Hội chứng ruột kích thích K58 là bệnh viêm đại tràng mãn tính nên thực tế thì bệnh không thể được điều trị dứt điểm hoàn toàn. Tuy nhiên, các biện pháp dùng thuốc hay thay đổi lối sống có thể phần nào làm thuyên giảm triệu chứng cũng như ngăn ngừa sự tiến triển xấu đi của căn bệnh này.
Chế độ ăn uống sinh hoạt
Chế độ ăn uống và lối sống khoa học có khả năng làm thuyên giảm các triệu chứng gây ra bởi hội chứng ruột kích thích K58.
Uống đủ 2 lít nước/ngày không chỉ giúp việc đại tiện trở nên thuận tiện hơn mà còn hỗ trợ cân bằng điện giải trong cơ thể.
Hạn chế các loại thực phẩm khó dung nạp hoặc dễ gây chướng bụng, khó tiêu như bánh ngọt, thức uống có gas, các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, các chất kích thích,…
Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, hạn chế tình trạng lo âu hoặc căng thẳng thần kinh kéo dài.
Chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao để điều hòa chức năng của hệ thần kinh và đường tiêu hóa, từ đó cải thiện triệu chứng của bệnh. Bạn có thể cân nhắc chọn bộ môn yoga hay ngồi thiền để tinh thần được thư thái, giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
Luyện tập thói quen đi ngoài 1 lần/ngày vào buổi sáng hoặc một thời điểm cố định trong ngày, có thể kết hợp xoa bụng vùng thượng vị theo chiều kim đồng hồ để kích thích nhu động ruột
Biện pháp dùng thuốc
Phương pháp dùng thuốc không có tác dụng chữa khỏi bệnh mà chỉ tập trung vào việc cải thiện các triệu chứng bệnh. Tùy vào hội chứng ruột kích thích K58 thể táo bón hay tiêu chảy mà bác sĩ có thể chỉ định thuốc nhuận tràng hay thuốc cầm tiêu chảy thích hợp. Trong trường hợp các cơn đau quặn bụng vượt quá khả năng chịu đựng, người bệnh sẽ được kê thêm thuốc giảm đau.
Tóm lại, hội chứng ruột kích thích K58 tuy không nguy hiểm như các loại bệnh mãn tính khác nhưng vẫn đi kèm các triệu chứng dai dẳng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc điều trị không thể giúp người bệnh trị dứt điểm căn bệnh này mà chỉ có tác dụng thuyên giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng xấu hơn có thể xảy ra.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất giúp bạn giải đáp thắc mắc về bệnh lý phổ biến là hội chứng ruột kích thích K58. Theo dõi thêm các bài viết mới của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm kiến thức bổ ích về sức khỏe gia đình nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.