Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS) nguy hiểm như thế nào?

Ngày 08/12/2023
Kích thước chữ

Hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS) không quá phổ biến nhưng lại có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bài viết sẽ cung cấp các thông tin về cơ chế hình thành bệnh, nguy cơ và cách chữa trị hiệu quả.

Khi được chẩn đoán mắc hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS), nhiều người khá lo lắng và hoang mang không biết liệu bệnh có nguy hiểm không và có thể chữa trị hiệu quả hay không. Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng cũng như các nguy cơ có thể gặp phải, từ đó trao đổi kỹ hơn với bác sĩ chuyên khoa về giải pháp điều trị.

Hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS) là bệnh gì?

Hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS) còn được gọi bằng các tên khác như hội chứng ure huyết cao hay hội chứng tăng ure máu. Đây là một nhóm bệnh khá hiếm gặp, đặc trưng bởi việc thiếu máu, tan máu, xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối, suy thận ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra còn xảy ra tổn thương ở hệ thần kinh và xuất hiện bệnh vi mạch máu.

Theo các nghiên cứu, bệnh có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Ở trẻ em, hầu hết trường hợp mắc hội chứng này là do nhiễm một dòng cụ thể của E. coli - nhóm vi khuẩn thường tìm thấy trong ruột của con người và động vật. Nhóm vi khuẩn nà y có cả chủng vô hại và chủng có hại. Một vài chủng có hại gây nên hội chứng này thường được tìm thấy trong thịt chưa rửa, chưa nấu chín hay bể bơi, hồ bị ô nhiễm phân,… Đối với người lớn, ngoài nguyên nhân trên còn có yếu tố liên quan đến bệnh tự miễn, nhiễm trùng máu hoặc do sử dụng các loại thuốc nhất định.

Hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS)nguy hiểm thế nào 1
Một vài chủng E. coli có hại gây nên hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS)

Hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS) có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ, hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS) là bệnh lý khá nghiêm trọng, có thể gây biến chứng và đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời, nhất là khi bị suy thận cấp. Các triệu chứng ban đầu thường gặp là sốt, đau bụng, da nhợt nhạt, người mệt mỏi, khó chịu, thường xuyên xuất hiện vết bầm tím trên cơ thể, sưng mặt, tay chân hoặc toàn bộ cơ thể.

Khi bệnh trở nặng, xuất hiện nhiều biến chứng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến các bộ phận khác trên cơ thể. Cụ thể như sau:

  • Đối với thận: Khi bị bệnh, thận sẽ không lọc sạch máu cũng như tạo ra lượng nước tiểu bình thường cho cơ thể. Điều này dẫn đến một số hậu quả như tăng huyết áp nếu dịch tích lũy trong mạch má, sưng phù toàn thân nếu dịch tích lũy trong các mô mềm, thậm chí có thể khó thở, loạn nhịp tim hay ngừng tim.
  • Đối với hệ tạo máu: Lượng tiểu cầu trong cơ thể hạ thấp khiến cơ thể dễ bị bầm tím và xuất huyết, nhiều trường hợp còn bị viêm màng ngoài tim hoặc tràn dịch màng ngoài tim.
  • Đối với não: Bệnh sẽ gây tăng huyết áp và ảnh hưởng đến các mạch máu trong não, khiến người bệnh luôn cáu kỉnh, mệt mỏi. Trường hợp nặng, người bệnh còn bị co giật, mất kiểm soát chuyển động hoặc mất ý thức.

Mặc dù hội chứng này là tình trạng khá nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng nhưng người bệnh cũng không quá hoang mang, lo lắng. Theo các bác sĩ, nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và phù hợp, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn. Do đó, khi nghi ngờ mắc bệnh hoặc có các triệu chứng bất thường, bạn nên đến các cơ sở y tế thăm khám sớm.

Hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS)nguy hiểm thế nào 2
Hội chứng này có thể gây nhiều biến chứng, dẫn đến khó thở, thậm chí ngừng tim

Chẩn đoán và điều trị hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS)

Một số giải pháp chẩn đoán và điều trị hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS) được thực hiện tại các cơ sở y tế hiện nay như sau:

Chẩn đoán hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS)

Để chẩn đoán căn bệnh này, bác sĩ sẽ khai thác thông tin về tiền sử bệnh cũng như các triệu chứng biểu hiện. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ nhận biết được hồng cầu có bị hư hại hay không cũng như số lượng tiểu cầu, hồng cầu và mức creatine trong cơ thể người bệnh.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Nhằm phát hiện những bất thường như sự xuất hiện của protein, máu và các dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm phân: Kết quả xét nghiệm sẽ giúp phát hiện sự có mặt của E.coli tiết độc tố Shiga và các vi khuẩn khác có thể gây HUS trong đường tiêu hóa.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân siêu âm để kiểm tra tổn thương thận hoặc sinh thiết thận.

Hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS)nguy hiểm thế nào 3
Xét nghiệm máu là một trong những giải pháp chẩn đoán hội chứng tan máu tăng ure máu

Điều trị hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS)

Hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS) là căn bệnh không thể tự điều trị tại nhà mà cần được thực hiện đúng phác đồ ở bệnh viện. Một số giải pháp điều trị đang được áp dụng hiện nay bao gồm:

  • Truyền hồng cầu và tiểu cầu: Đây là giải pháp cần thiết, tuy nhiên có hai biến chứng tiềm ẩn của truyền tiểu cầu, đó là có thể gây ra suy thận cấp do huyết khối lan rộng hoặc làm xuất hiện các triệu chứng thần kinh mới và làm xấu hơn các triệu chứng thần kinh cũ. Nguyên nhân là do các tác nhân gây ngưng kết tiểu cầu vẫn tồn tại trong máu bệnh nhân. Do đó, bác sĩ sẽ phải cực kỳ thận trọng khi lựa chọn giải pháp này.
  • Dùng thuốc: Prednisolon có thể dùng với liều cao 2 mg/kg/ngày và có tác dụng với các thể nhẹ. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể kê các thuốc được xem là tác nhân kháng tiểu cầu như Aspirin, Dipyridamole.
  • Truyền huyết tương hoặc thay huyết tương: Đây là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị hội chứng này. Việc thay huyết tương cần được tiến hành hàng ngày cho tới khi số lượng tiểu cầu trở về bình thường và hiện tượng tan máu ngừng lại.
  • Lọc máu ngoài thận: Đây là giải pháp có thể cần thiết khi người bệnh gặp tình trạng suy thận cấp. Phương pháp này có tác dụng loại bỏ khỏi máu các phần tử là các cặn bã của quá trình chuyển hóa, các chất độc nội sinh, ngoại sinh và nước thừa nhằm mục đích khôi phục lại sự cân bằng nội môi.
Hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS)nguy hiểm thế nào 4
Truyền huyết tương là một trong những giải pháp hiệu quả để điều trị bệnh lý này

Với những thông tin trên, Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS), lý giải căn bệnh này có gây nguy hiểm không và các giải pháp điều trị đang được áp dụng hiện nay. Nếu cơ thể gặp các tình trạng như tiêu chảy ra máu, tiểu ít, sưng tấy và xuất hiện vết bầm tím bất thường trên cơ thể, chảy máu không rõ nguyên nhân,... bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé!

Xem thêm: Hội chứng Sweet: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin