Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng viêm phúc mạc và những điều bạn nên biết

Ngày 14/09/2023
Kích thước chữ

Hội chứng viêm phúc mạc xảy ra ở vùng mô bên trong bụng, với nguyên nhân thường gặp là nhiễm trùng. Nếu không được điều trị, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng dẫn đến nhiễm trùng huyết và đe dọa đến tính mạng.

Do tính chất nguy hiểm, viêm phúc mạc cần được phát hiện sớm để kịp thời điều trị, tránh những biến chứng nghiêm trọng hơn gây ảnh hưởng đến tính mạng. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về viêm phúc mạc, các triệu chứng và phương pháp điều trị cũng như cách phòng ngừa bệnh viêm phúc mạc hiệu quả.

Hội chứng viêm phúc mạc là gì?

Phúc mạc là một màng mỏng bên trong thành bụng, bao bọc xung quanh các cơ quan nội tạng tại đó. Hội chứng viêm phúc mạc là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm xảy ra tại vị trí này. Viêm phúc mạc là một tình trạng nghiêm trọng, nguyên nhân thường do nhiễm trùng hoặc tiếp xúc với chất dịch gây kích ứng.

Vì phúc mạc là tấm màng bao quanh nhiều cơ quan, lan khắp bụng nên tình trạng viêm nhiễm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau. Hội chứng viêm phúc mạc có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, có thể khu trú hoặc lan tỏa khắp phúc mạc. Nghiêm trọng hơn, tình trạng nhiễm trùng có thể lan vào máu dẫn đến nhiễm trùng huyết và đi đến khắp cơ thể.

Hội chứng viêm phúc mạc và những điều bạn nên biết 1
Viêm phúc mạc có thể do tình trạng nhiễm trùng gây nên

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh

Nguyên nhân gây hội chứng viêm phúc mạc

Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng viêm phúc mạc, phổ biến nhất là nhiễm trùng do vi khuẩn bao gồm nhiễm trùng nguyên phát hoặc thứ phát. Với nhiễm trùng nguyên phát, nguyên nhân cụ thể do:

  • Hội chứng viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát: Thường gặp ở bệnh nhân bị cổ trướng. Cổ trướng là tình trạng chất lỏng tích tụ tại phúc mạc. Cổ trướng gặp ở bệnh nhân mắc bệnh gan, suy thận, suy tim hoặc ung thư.
  • Nhiễm trùng sơ cấp: Tác nhân gây nhiễm trùng là các thiết bị y tế được đưa vào khoang màng bụng, nhất là khi bệnh nhân tiếp xúc thường xuyên với các dụng cụ này. Trường hợp này dễ xảy ra khi bệnh nhân lọc máu hoặc ăn bằng ống thông.
Hội chứng viêm phúc mạc và những điều bạn nên biết 2
Thẩm phân phúc mạc có thể là nguyên nhân gây viêm nhiễm

Nhiễm trùng thứ phát phổ biến hơn so với nguyên phát, thường là do các vấn đề sau:

  • Vỡ ruột thừa;
  • Loét dạ dày nặng;
  • Vết loét do viêm túi thừa hay viêm ruột;
  • Viêm tụy;
  • Áp xe vòi trứng và vỡ trong bệnh viêm vùng chậu;
  • Thai ngoài tử cung bị vỡ;
  • Chấn thương hoặc có tổn thương tại vùng bụng;
  • Thực hiện phẫu thuật vùng bụng.

Yếu tố nguy cơ

Bệnh nhân có sẵn các tình trạng bệnh lý như các bệnh về gan, viêm ruột thừa, viêm loét dạ dày, viêm túi thừa, bệnh Crohn, viêm tụy hay từng sử dụng phương pháp lọc màng bụng cũng có nguy cơ bị viêm phúc mạc cao hơn người bình thường.

Triệu chứng của viêm phúc mạc

Tùy thuộc vào mức độ viêm nhiễm mà triệu chứng xảy ra khác nhau ở mỗi cá thể. Ở giai đoạn ban đầu hay đối với bệnh nhân cổ trướng, các triệu chứng nhẹ hoặc khó có thể nhận biết một cách rõ ràng. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân có hội chứng viêm phúc mạc là:

  • Khó chịu, đau bụng;
  • Cảm giác đầy hơi, chướng bụng, phình bụng;
  • Sốt;
  • Buồn nôn và nôn mửa;
  • Ăn không ngon, chán ăn;
  • Tiêu chảy;
  • Lượng nước tiểu giảm;
  • Cảm giác khát, mất nước;
  • Mệt mỏi, suy giảm nhận thức;
  • Phù nề ở chân, bàn chân;
  • Giảm tiểu cầu làm dễ bầm tím, chảy máu.

Ngoài ra, ở các đối tượng có sử dụng thủ thuật lọc máu bằng cách thẩm phân phúc mạc (bệnh nhân suy thận, hội chứng ure máu cao trong suy thận mạn,...) có thể xuất dịch lọc máu đục, xuất hiện các đốm sợi hoăc cục màu trắng trong dịch lọc.

Hội chứng viêm phúc mạc và những điều bạn nên biết 3
Triệu chứng viêm phúc mạc ở mỗi người là khác nhau

Biến chứng nguy hiểm của hội chứng viêm phúc mạc

Viêm phúc mạc rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người mắc bệnh nếu không điều trị kịp thời. Các biến chứng mà viêm phúc mạc mang lại là:

  • Nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết) do vi khuẩn xâm nhập vào, khả năng tử vong tăng nhanh.
  • Mất nước và rối loạn cân bằng điện giải do sự tích tụ chất lỏng trong bụng.
  • Sự tê liệt các cơ quan khiến bạn gặp phải tình trạng táo bón hoặc bí tiểu.
  • Mô sẹo do viêm, dính trong ổ bụng làm tắc nghẽn ruột.
  • Hội chứng gan thận xảy ra ở người có bệnh gan bị viêm phúc mạc.

Tiên lượng ở bệnh nhân viêm phúc mạc còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn phát hiện bệnh, bệnh nhân đã có biến chứng hay chưa. Nếu người mắc bệnh có các bệnh mãn tính kèm theo, tốc độ xảy ra biến chứng có thể nhanh hơn so với các đối tượng khác.

Với những diễn tiến và tác động xấu của viêm phúc mạc. Bạn cần thăm khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Đặc biệt khi bạn đang lọc máu bằng thẩm phân phúc mạc, cổ trướng hoặc mắc các bệnh lý có liên quan.

Chẩn đoán và điều trị hội chứng viêm phúc mạc

Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm phúc mạc được thực hiện thông qua khám lâm sàng, hỏi thăm triệu chứng, hỏi tình trạng bệnh nhân, khám thực thể tại vùng bụng. Cùng với đó là thực hiện hiện một số xét nghiệm hình ảnh, xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hóa để khẳng định chẩn đoán:

  • Xét nghiệm máu: Lấy máu thực hiện các phản ứng miễn dịch, kiểm tra sự lan rộng của vi khuẩn gây bệnh.
  • Siêu âm: Kiểm tra xem có tổn thương nào trên hình ảnh siêu âm không.
  • Chụp X-quang: Cũng giống như siêu âm, X-quang giúp kiểm tra các tổn thương vật lý, xác định vị trí vỡ trong ruột nếu có.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT giúp cung cấp hình ảnh 3D chi tiết hơn siêu âm.
  • Xét nghiệm dịch màng bụng: Chọc lấy dịch màng bụng và cấy dịch xem xét tình trạng viêm nhiễm.
Hội chứng viêm phúc mạc và những điều bạn nên biết 4
Chỉ định xét nghiệm máu chẩn đoán hội chứng viêm phúc mạc

Điều trị

Viêm phúc mạc là tình trạng bệnh nghiêm trọng nên cần được điều trị ngay. Các liệu pháp điều trị có thể được lựa chọn cho bệnh nhân bao gồm:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Kháng sinh trong điều trị hội chứng viêm phúc mạc được đưa vào cơ thể bệnh nhân bằng cách tiêm tĩnh mạch (IV). Các kháng sinh phổ rộng có thể được ưu tiên sử dụng sau khi đã thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tìm nguyên nhân cụ thể. Khi đã xác định được vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ có thể đổi loại kháng sinh tác động khu trú hơn.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật sẽ được cân nhắc thực hiện khi bệnh nhân mắc bệnh do có lỗ thủng tại ruột (gặp trong bệnh viêm ruột, bệnh Crohn,...) hoặc bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ vùng phúc mạc đã tổn thương.

Cách phòng ngừa hội chứng viêm phúc mạc

Với nguyên nhân gây ra viêm phúc mạc bắt nguồn từ việc lọc máu có liên quan đến các vật dụng y tế, người bệnh có thể lưu ý thực hiện các điều sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Rửa tay thật kỹ trước khi chạm tay vào ống thông.
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng da xung quanh ống thông bằng dung dịch khử trùng phù hợp.
  • Bảo quản đồ dùng và vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
  • Đeo khẩu trang trong quá trình lọc máu.

Hội chứng viêm phúc mạc có thể phát triển một cách nhanh chóng và dẫn đến kết quả xấu. Lưu ý các triệu chứng của bệnh để kịp thời điều trị nhằm đảm bảo sức khỏe là điều cần thiết. Hy vọng bài viết trên cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích, hỗ trợ bạn trong việc tìm hiểu và điều trị bệnh. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm