Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Hội chứng Kleine-Levin là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ

Hội chứng Kleine-Levin được mô tả lần đầu tiên trong y văn thế giới vào đầu thế kỷ thứ 20 và hiện nay đã có khoảng 1000 ca bệnh được ghi nhận trên toàn cầu. Bệnh xảy ra chủ yếu ở nam giới (khoảng 70%) với dấu hiệu điển hình là ngủ li bì suốt cả ngày lẫn đêm.

Hội chứng Kleine-Levin còn được biết đến với một tên gọi đặc biệt khác là hội chứng người đẹp ngủ. Vấn đề sức khỏe này thường xảy ra ở độ tuổi 11 và kéo dài trên dưới 10 năm sau đó (thuyên giảm dần qua thời gian). Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, tâm lý, công việc cũng như học tập của người bệnh và nếu không lên kế hoạch can thiệp thì rất khó để loại trừ các nguy cơ xấu có thể xảy ra.

Hội chứng Kleine-Levin là gì?

Hội chứng Kleine-Levin là tình trạng buồn ngủ quá mức và lặp đi lặp lại trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Chúng xuất hiện thành từng đợt với chu kỳ ngắn, dài tùy vào từng đối tượng cũng như mức độ bệnh. Thực tế cho thấy người mắc hội chứng có thể ngủ 20 giờ mỗi ngày và cái tên “Hội chứng người đẹp ngủ” cũng bắt nguồn từ dấu hiệu nhận diện đặc trưng này.

Khi hệ thần kinh bị ức chế trong thời gian dài, người bệnh sẽ thiếu đi sự tỉnh táo, luôn rơi vào trạng thái lơ mơ, khó tập trung. Cũng chính vì điều này mà họ gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, lao động, dễ bị nhầm lẫn và có thể xuất hiện những hành vi bất thường, không phù hợp lứa tuổi.

Hội chứng Kleine-Levin: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách can thiệp 2
Người mắc "hội chứng người đẹp ngủ" luôn ở trong tình trạng thiếu tỉnh táo

Triệu chứng

Các triệu chứng của hội chứng Kleine-Levin chỉ xuất hiện theo đợt và khi đi qua giai đoạn này, bệnh nhân trở lại trạng thái như người bình thường. Vậy nên việc theo dõi diễn tiến tâm lý của những đối tượng trên là khá khó khăn. Tuy vậy bạn vẫn có thể nhận diện ra hội chứng thông qua một số dấu hiệu điển hình sau:

  • Buồn ngủ cực độ kể cả khi đã ngủ đủ giấc, luôn có nhu cầu ngủ mọi lúc, mọi nơi và rất khó để có thể thức dậy vào mỗi sáng.
  • Mệt mỏi nghiêm trọng, người bệnh lúc nào cũng có cảm giác rã rời, không có sức lực để đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì mà chỉ muốn nằm dài trên giường. Thậm chí giấc ngủ còn chiếm hết thời gian và năng lượng cho các sinh hoạt thường ngày của họ.
  • Xuất hiện ảo giác, tin vào những điều không có thật (hoang tưởng).
  • Mất định hướng trong cuộc sống, không biết mình nên làm gì và bắt đầu từ đâu.
  • Phát sinh tâm lý cáu gắt, gây hấn với những người xung quanh.
  • Có hành vi trẻ con.
  • Tăng độ kích thích vị giác, ăn ngon miệng hơn và thường ăn quá nhiều trong một thời điểm.
  • Mất dần ký ức, kiến thức đã có, gặp khó khăn trong giao tiếp.
  • Phát sinh nhu cầu sinh lý mạnh và quan hệ tình dục quá mức.
Hội chứng Kleine-Levin: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách can thiệp 3
Người mắc hội chứng Kleine-Levin thường ngủ li bì, mất kiểm soát

Sau khi cơn bệnh qua đi, hầu hết người mắc hội chứng người đẹp ngủ đều trở lại trạng thái bình thường. Và những gì đã xảy ra trong lần phát bệnh cũng không được lưu giữ nhiều trong ký ức của họ.

Nguyên nhân phát sinh

Hiện nay, chưa có nghiên cứu hay báo cáo chính thống nào vạch rõ nguyên nhân trực tiếp gây ra hội chứng người đẹp ngủ. Tuy vậy, dựa vào việc theo dõi diễn tiến, chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng trong từng trường hợp, các chuyên gia y tế vẫn đưa ra những lời lý giải có tính thuyết phục cao đối với vấn đề sức khỏe này. Trong đó, quan điểm được ủng hộ nhiều nhất là sự bất hoạt về chức năng của vùng não điều khiển hoạt động ăn, ngủ và thân nhiệt của cơ thể (vùng dưới đồi).

Ngoài ra một số chuyên gia còn cho rằng hội chứng kỳ lạ này rất có thể là một dạng rối loạn tự miễn.

Chẩn đoán và can thiệp

Chẩn đoán

Nếu muốn can thiệp hiệu quả thì trước tiên, bác sĩ cần chẩn đoán chính xác hội chứng người đẹp ngủ. Tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận một điều, đó là việc chẩn đoán vấn đề sức khỏe này là không dễ dàng chút nào vì chúng có biểu hiện tương tự các rối loạn tâm thần khác. Vậy nên thực tế cho thấy để đưa ra lời khẳng định thì các chuyên gia y tế cần theo dõi người bệnh và đánh giá hành vi của họ trong suốt 4 năm.

Do không có dấu hiệu chỉ điểm về mặt thực thể nên hội chứng người đẹp ngủ thường được chẩn đoán theo phương pháp loại trừ. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ tiến hành nhiều xét nghiệm để loại trừ dần những bệnh lý khác trước khi đi đến kết luận cuối cùng.

Các xét nghiệm thường được sử dụng bao gồm chụp CT, chụp cộng hưởng từ vùng đầu, xét nghiệm máu, điện não, nghiên cứu giấc ngủ. Khi xem xét kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể loại trừ các bệnh lý như: Suy giáp, ung thư, nhiễm trùng, tiểu đường, đa xơ cứng,...

Hội chứng Kleine-Levin: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách can thiệp 5
Kết quả chụp cộng hưởng từ có giá trị chẩn đoán cao đối với hội chứng này

Đặc biệt hiện tượng buồn ngủ quá mức cũng có mối liên đới mật thiết với bệnh trầm cảm. Trong trường hợp nghi ngờ, khó phân biệt, chuyên gia y tế sẽ tiến hành đánh giá sức khỏe tâm thần để xem triệu chứng này có phải do trầm cảm nặng hay các rối loạn khác gây ra hay không.

Can thiệp

Khi đã được chẩn đoán chính xác, người mắc hội chứng Kleine-Levin thường được điều trị bằng thuốc để kiểm soát và giảm thiểu phần nào các triệu chứng bệnh.

Lựa chọn hàng đầu trong điều trị hội chứng người đẹp ngủ là thuốc kích thích hưng phấn thần kinh. Khi dung nạp vào cơ thể, chúng sẽ làm tăng độ tỉnh táo của người bệnh, từ đó giúp giảm cơn buồn ngủ và rút ngắn thời gian ngủ mỗi ngày ở bệnh nhân. Một số loại thuốc thường dùng bao gồm: Concerta, Provigil,...

Hội chứng Kleine-Levin: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách can thiệp 4
Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp kiểm soát triệu chứng bệnh

Đặc biệt, thuốc trị rối loạn tâm thần cũng được chỉ định trong điều trị vấn đề sức khỏe này. Trong đó đáng chú ý nhất là Lithane và Tegretol – hai biệt dược thường được dùng trong điều trị rối loạn lưỡng cực - được ghi nhận là có thể làm giảm nhanh các dấu hiệu điển hình của hội chứng người đẹp ngủ.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy tiềm năng điều trị hội chứng người đẹp ngủ ở dòng thuốc kháng sinh Clarithromycin. Tuy nhiên cần có thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng nữa thì giới chuyên gia mới có thể khẳng định tính hiệu quả của dược chất này trong việc kiểm soát vấn đề sức khỏe đang xét.

Đặc biệt, ngoài những can thiệp mang tính chuyên khoa thì người mắc hội chứng Kleine-Levin cũng cần chủ động hơn trong việc đối phó với bệnh tật. Cụ thể hãy tìm hiểu thông tin và lựa chọn một bác sĩ tâm lý, tâm thần uy tín để đồng hành cùng bạn. Sau đó dành thời gian trao đổi với bác sĩ về cách xác định thời điểm cơn bệnh có nguy cơ tái phát. Như vậy sẽ tránh được rủi ro không đáng có nếu chẳng may chúng xuất hiện khi bạn đang điều khiển máy móc, lái xe hoặc trèo cao. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin