Hướng dẫn cách đeo lens từng bước chi tiết cho người mới bắt đầu
Ngày 12/05/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Kính áp tròng (hay còn được gọi là lens) là vật dụng giúp mắt nhìn rõ hơn hoặc làm đẹp cho mắt. Việc biết cách đeo lens sẽ giúp bạn sử dụng, bảo quản kính áp tròng được lâu hơn cũng như giúp bảo vệ đôi mắt của bạn khỏe mạnh hơn. Chi tiết từng bước về cách đeo lens sẽ có ngay sau đây trong bài viết này của Nhà thuốc Long Châu!
Với những người bị tật khúc xạ, cận thị,... thì việc sử dụng kính áp tròng (lens) đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đeo lens như thế nào mới đúng. Để làm rõ hơn về vấn đề này, mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Tổng quan về lens (kính áp tròng)
Trước khi tìm hiểu về cách đeo lens, bạn cần biết lens (kính áp tròng) là gì và các loại lens phổ biến hiện nay trên thị trường.
Kính áp tròng (hay còn được gọi là lens) là loại kính ôm sát vào giác mạc, có độ cong phù hợp với hình dạng của giác mạc. Kính thường được làm từ chất liệu tổng hợp và có khả năng đảm bảo chức năng sinh lý bình thường của mắt.
Khi đeo lens, lens bám vào giác mạc, mắt sẽ tiết ra một lớp nước ngăn cách bề mặt giác mạc với kính áp tròng. Điều này giúp kính vừa có thể di chuyển theo các chuyển động của mắt vừa giúp giảm trầy xước giác mạc và nguy cơ bám đọng vi khuẩn trong mắt (do lớp nước này thường được thay mới liên tục).
Kính áp tròng thường được sử dụng cho những người bị tật khúc xạ về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị hoặc người muốn làm tăng vẻ đẹp cho đôi mắt.
Hiện nay, có nhiều loại kính áp tròng khác nhau với công dụng và màu sắc khác nhau tùy theo mục đích sử dụng:
Loại lens mềm: Hay còn gọi là kính thấm nước, kính tiếp xúc mềm,... vì nó có tác dụng ngậm nước. Kính áp tròng mềm có chứa 40 - 80% là nước, giúp thẩm thấu oxy, đem lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Kính áp tròng mềm chỉ giúp mắt nhìn rõ hơn chứ không có tác dụng điều trị tật của mắt.
Loại lens cứng: Lens cứng có kích thước nhỏ, phù hợp với kích thước của giác mạc. Chúng được làm bằng chất liệu LRPO, có khả năng làm tăng mức độ thẩm thấu oxy. Loại kính này thường được sử dụng vào ban đêm khi đang ngủ, giúp thay đổi độ cong của giác mạc, định hình lại giác mạc để trở về hình dạng vốn có của nó. Sau khi tỉnh dậy, người bệnh có thể nhìn rõ hơn trong khoảng 14 giờ mà không cần đeo thêm kính hỗ trợ.
Kính giãn tròng: Loại kính này không có tác dụng khắc phục các tật về mắt mà chỉ có tác dụng làm mắt trông to hơn và có màu sắc lung linh hơn. Loại lens này có rất nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau giúp đáp ứng nhu cầu, sở thích của từng người.
So với kính gọng thông thường, kính áp tròng có nhiều ưu điểm vượt trội như:
Nhỏ gọn, mang lại tính thẩm mỹ cao giúp khắc phục nhược điểm vướng víu, bất tiện của kính cận thông thường.
Thích hợp với những người thường xuyên phải vận động mạnh, người hay chơi thể thao, không tiện sử dụng kính gọng thông thường.
Giúp tầm nhìn rộng hơn so với kính gọng. Kính gọng có tầm nhìn giới hạn bởi mắt kính và gọng kính.
Bảo vệ mắt khỏi tia cực tím.
Tuy nhiên, nó cũng có những nhược điểm nhất định như:
Có thể gây trầy xước, nhiễm trùng giác mạc nếu không biết cách đeo lens đúng.
Gặp khó khăn khi đeo với những người lần đầu sử dụng.
Kính cần được vệ sinh hàng ngày và thường xuyên bằng nước rửa kính chuyên dụng.
Không sử dụng kính khi đã quá hạn.
Cần vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà bông hoặc nước rửa tay trước khi đeo.
Hướng dẫn cách đeo lens chi tiết
Để phát huy đúng công dụng của kính áp tròng cũng như bảo vệ đôi mắt của bạn, bạn có thể thực hiện cách đeo len mắt dưới đây:
Trước khi đeo lens:
Nên rửa sạch tay bằng nước rửa tay hoặc xà bông để diệt khuẩn, tránh lây nhiễm vi khuẩn cho mắt.
Kiểm tra kính áp tròng, đảm bảo kính không có bụi bẩn bám vào.
Đảm bảo kính áp tròng ở chiều thuận, có vòng cung tự nhiên và đúng chiều đeo vào mắt.
Cách đeo lens mắt:
Nhìn thẳng hai mắt vào gương, mở to mắt. Đặt lens trên đầu ngón tay trỏ ở tay thuận.
Dùng ngón trỏ tay còn lại kéo mi trên lên, mà ngón tay cái kéo mi dưới xuống.
Mắt nhìn thẳng vào gương, sau đó nhẹ nhàng áp lens vào.
Nhắm mắt lại và chớp nhẹ vài lần. Nếu thấy cộm mắt thì đẩy kính ra tròng trắng mắt sau đó đưa lại vào tròng đen của mắt.
Nếu vẫn thấy cộm mắt thì tiến hành tháo kính ra khỏi mắt, rửa kính và đặt lại như đã hướng dẫn ở trên.
Cách tháo lens:
Rửa sạch tay với nước rửa tay hoặc xà bông trước khi tháo kính.
Mắt nhìn vào gương, liếc mắt lên trên.
Dùng ngón cái tay không thuận kéo mi dưới xuống, ngón trỏ kéo mi trên lên.
Dùng ngón cái và ngón trỏ thuận nhẹ nhàng bóp kính và lấy ra ngoài.
Một số lưu ý khi sử dụng kính áp tròng
Để đảm bảo an toàn cho mắt cũng như sử dụng kính được lâu hơn, bạn nên lưu ý một số vấn đề dưới đây:
Sau khi tháo kính, nên bảo quản kính trong khay có nước ngâm kính chuyên dụng.
Chú ý thay nước ngâm kính sau mỗi lần sử dụng.
Khi đeo len thường xuyên, bạn nên dùng nước nhỏ mắt để cấp ẩm cho mắt, tránh khô mắt.
Lens sau một thời gian sử dụng có thể bị bám bụi. Do đó, bạn có thể vệ sinh lens bằng cách cho lens lên đầu ngón tay, nhỏ vài giọt dung dịch làm sạch kính kèm theo. Sau đó, dùng ngón trỏ xoay nhẹ để các bụi bẩn đi ra ngoài.
Không nên đeo kính áp tròng quá thời gian quy định.
Nhớ vệ sinh tay sạch sẽ trước khi đeo lens.
Trường hợp lens bị di chuyển lệch đến vị trí khó lấy, bạn không thể tháo lens ra khỏi mắt thì hãy tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia y tế để bảo vệ đôi mắt của bạn.
Hạn chế để móng tay quá dài nếu thường xuyên đeo lens, vì móng tay có thể là nơi cư trú của nhiều loại vi khuẩn, chúng có thể gây hại cho mắt.
Không dùng chung kính áp tròng với người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm các bệnh về mắt.
Không sử dụng lens đã bị rách, xước để tránh gây tổn thương giác mạc.
Nên đeo kính áp tròng trước khi trang điểm để tránh phấn, mascara rơi vào mắt gây kích ứng mắt.
Khám mắt định kỳ để biết tình trạng sức khỏe của mắt.
Tóm lại, kính áp tròng (lens) là vật dụng giúp mắt nhìn rõ hơn hoặc làm đẹp cho mắt. Việc biết cách đeo lens đúng sẽ giúp bạn sử dụng kính áp tròng được lâu hơn cũng như giúp bảo vệ đôi mắt của bạn khỏe mạnh hơn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này sẽ có ích với bạn.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.