Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tuyến tụy liên quan đến bệnh tiểu đường như thế nào?

Ngày 15/03/2024
Kích thước chữ

Tuyến tụy là một cơ quan có mối liên hệ mật thiết với bệnh tiểu đường. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về mối liên hệ này, cũng như một số biến chứng của bệnh tiểu đường liên quan đến tuyến tụy và các rối loạn khác.

Tuyến tụy là cơ quan sản xuất insulin trong cơ thể. Insulin là một hormone thiết yếu để điều chỉnh lượng đường trong máu. Các vấn đề về tuyến tụy và sản xuất insulin có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ hoặc không sản xuất đủ insulin. Ngược lại, bệnh tiểu đường tuýp 2 phát triển khi cơ thể không thể sử dụng insulin một cách chính xác. Để hiểu hơn về mối quan hệ giữa tuyến tụy và bệnh tiểu đường, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Một số thông tin về tuyến tụy

Tuyến tụy là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, nằm sâu trong bụng, phía sau dạ dày, có vai trò sản xuất các enzyme tiêu hóa. Tuyến tụy cũng sản xuất insulin - một loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Insulin giúp cơ thể sử dụng carbohydrate trong thức ăn để tạo năng lượng và giúp vận chuyển glucose từ máu vào tế bào của cơ thể. Glucose cung cấp cho tế bào năng lượng cần thiết để hoạt động. Nếu cơ thể không có đủ insulin, các tế bào sẽ không thể hấp thụ glucose từ máu, kết quả là nồng độ glucose trong máu tăng lên, khiến cho tế bào thiếu năng lượng.

Tuyến tụy liên quan đến bệnh tiểu đường như thế nào? 1
Tuyến tụy là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, nằm sâu trong bụng, phía sau dạ dày

Khi lượng đường tích tụ nhiều trong máu, bạn có thể gặp phải tình trạng đường huyết cao hoặc tăng đường huyết với các biểu hiện như buồn nôn, khát nước, khó thở,... Tăng đường huyết là nguyên nhân gây ra hầu hết các triệu chứng và biến chứng của bệnh tiểu đường. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng tăng đường huyết có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Tuyến tụy liên quan đến bệnh tiểu đường như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, đặc điểm chính của bệnh tiểu đường đó là lượng đường trong máu cao. Điều này có thể xuất phát từ việc tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc do cơ thể không thể sử dụng insulin một cách chính xác. Bệnh tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2 đều liên quan đến tuyến tụy. Bệnh nhân tiểu đường có thể có mức đường huyết cao hoặc thấp vào các thời điểm khác nhau, phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, mức độ tập thể dục, vận động và việc họ sử dụng insulin hay thuốc điều trị tiểu đường.

Mối liên hệ giữa tuyến tụy và tiểu đường tuýp 1

Bệnh tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ hoặc không thể sản xuất insulin. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy, các tế bào này bị tổn thương và theo thời gian, tuyến tụy không thể sản xuất insulin để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tiểu đường tuýp 1 không thể chữa và cũng không thể ngăn ngừa được vì chưa xác định được nguyên nhân nào kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công nhầm, một số nghiên cứu cho thấy nó có thể là kết quả của các yếu tố di truyền hoặc môi trường. 

Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể cân bằng lại lượng đường huyết bằng liệu pháp insulin, và họ phải sử dụng liệu pháp này mỗi ngày suốt đời. Tiểu đường tuýp 1 từng được gọi là "bệnh tiểu đường vị thành niên" vì nó thường được phát hiện trong thời thơ ấu hoặc lứa tuổi thiếu niên.

Tuyến tụy liên quan đến bệnh tiểu đường như thế nào? 2
Tiểu đường tuýp 1 từng được gọi là "bệnh tiểu đường vị thành niên" vì nó thường được phát hiện trong thời thơ ấu hoặc lứa tuổi thiếu niên

Mối liên hệ giữa tuyến tụy và tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi cơ thể hình thành đề kháng với insulin. Nghĩa là tuyến tụy vẫn có thể sản xuất hormone nhưng các tế bào của cơ thể không thể sử dụng nó một cách hiệu quả. Kết quả là tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và thường không thể đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng tăng. Với quá ít insulin trong cơ thể, bệnh tiểu đường sẽ phát triển. Theo thời gian, các tế bào beta bị hỏng và có thể ngừng sản xuất insulin hoàn toàn. Lúc này, liệu pháp insulin trở nên cần thiết.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể do di truyền và tiền sử gia đình. Các yếu tố về lối sống, chẳng hạn như béo phì, ít vận động, tập thể dục và chế độ dinh dưỡng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Việc điều trị thường bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và dùng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Mối liên hệ giữa tuyến tụy và tiểu đường thai kỳ

Khi phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ, tuyến tùy phải tăng cường hoạt động để sản xuất đủ insulin cho cơ thể. Tình trạng kháng insulin có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng sức khỏe ở cả mẹ và bé. Tiểu đường thai kỳ cần được theo dõi chặt chẽ, quản lý thông qua chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng liệu pháp insulin để giảm lượng đường trong máu. Hầu hết các trường hợp tiểu đường thai kỳ tự khỏi sau khi sinh.

Tuyến tụy liên quan đến bệnh tiểu đường như thế nào? 3
Tiểu đường thai kỳ cần được theo dõi chặt chẽ, quản lý thông qua chế độ dinh dưỡng

Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và một số bệnh về tuyến tụy

Một số bệnh về tuyến tụy có mối liên hệ với bệnh tiểu đường, cụ thể như sau:

Bệnh viêm tụy

Bệnh viêm tụy có thể chia thành 2 loại chính tùy thuộc vào thời gian diễn ra bệnh. Nếu bệnh xảy ra đột ngột và kéo dài trong vài ngày thì được xem là viêm tụy cấp, còn bệnh xảy ra trong nhiều năm thì được gọi là viêm tụy mãn tính. Và viêm tụy mãn tính có thể làm tổn thương các tế bào sản xuất insulin, điều này có khả năng gây ra bệnh tiểu đường. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có thể có nguy cơ mắc viêm tụy cấp gấp 2 - 3 lần. 

Ung thư tuyến tụy

Theo Tổ chức Hành động chống Ung thư (Pancreatic Cancer Action Network), những người mắc bệnh tiểu đường từ 5 năm trở lên có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn từ 1,5 đến 2 lần. Ngược lại, ung thư tuyến tụy cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh tiểu đường. Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và ung thư tuyến tụy rất phức tạp. Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ phát triển loại ung thư này, trong khi ung thư tuyến tụy đôi khi cũng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Mặc dù bệnh tiểu đường có thể gây phát triển các vấn đề khác với tuyến tụy, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Không phải lúc nào được chẩn đoán tiểu đường thì bạn cũng sẽ mắc bệnh về tuyến tụy. Tương tự như vậy, không phải lúc nào được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy thì viêm tụy thì bạn cũng sẽ mắc bệnh tiểu đường.

Tuyến tụy liên quan đến bệnh tiểu đường như thế nào? 4
Bệnh nhân tiểu đường từ 5 năm trở lên có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn

Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn để giải đáp cho thắc mắc tuyến tụy liên quan đến bệnh tiểu đường như thế nào. Có thể thấy, cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa là tuyến tụy có những mối liên hệ chặt chẽ đối với căn bệnh tiểu đường nguy hiểm. Cả bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 đều có thể kiểm soát được và việc điều chỉnh lối sống cũng như dùng thuốc có thể giúp mọi người kiểm soát các triệu chứng của mình. Khi có các dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin