Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ: Chiến thắng ung thư và chăm sóc theo dõi

Ngày 12/05/2022
Kích thước chữ

Cảm giác lo lắng nảy sinh trong thời gian mà các bậc cha mẹ chờ đợi sự hồi phục sức khỏe của con là rất phổ biến đối với các gia đình có con đang điều trị ung thư. Dưới đây là những thông tin hữu ích cho bậc cha mẹ về chiến thắng ung thư và cách chăm sóc theo dõi mà phụ huynh có thể tham khảo.

Việc hoàn thành điều trị ung thư cho con chúng ta là điều rất đáng mừng! Tuy nhiên, đó cũng có thể là thời điểm mang đến những thử thách mới. Có rất nhiều người thường lo lắng rằng ung thư có thể sẽ quay trở lại. Một số gia đình cảm thấy mạnh mẽ hơn khi bước vào giai đoạn mới này, trong khi đó một số khác lại cảm thấy càng dễ dàng trở nên yếu đuối hơn.

Dưới đây là lời chia sẻ của phụ huynh về những trải nghiệm trong điều trị bệnh ung thư của con mình. Cụ thể như sau: “Tôi nghĩ rằng cuộc sống sẽ luôn có một ít trải nghiệm về ung thư. Ban đầu chuyện này thật sự tồi tệ, nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng nó đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Mỗi ngày, được nhìn thấy Jack lại vui đùa như bao đứa trẻ khác, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.”

Bước vào cuộc sống bình thường mới

Kết thúc quá trình điều trị, là thời gian để trở lại cuộc sống như trước đây. Một số phụ huynh cho rằng đây có thể là thời điểm để tiếp tục thích nghi với sự thay đổi mới, khi con họ đã không còn nhận được sự theo dõi sát sao của các nhân viên y tế. Một số người lại cho rằng quá trình chuyển đổi sang cuộc sống sau khi điều trị mất nhiều thời gian hơn và khó khăn hơn họ nghĩ.

Một phụ huynh chia sẻ: “Tôi đã ngừng lo lắng và giúp con tôi hòa nhập với cuộc sống. Tôi đã học cách tập trung vào hiện tại và biết ơn rằng con trai của tôi đã khỏe mạnh trở lại.”

Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ cách chiến thắng ung thư và chăm sóc theo dõi1

Sau khi điều trị thành công, con bạn và gia đình bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời

Sau khi điều trị thành công, con bạn và gia đình bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời. Bạn có thể cảm thấy cả niềm vui lẫn nỗi lo lắng. Con bạn có thể vẫn đang được chữa lành cả về thể chất lẫn tinh thần.

Một số trẻ sẽ dễ dàng hòa nhập và nhanh chóng thích nghi với lịch sinh hoạt ở trường học và gia đình. Với một số trẻ khác thì quá trình này có thể khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Cha mẹ và anh chị em trong gia đình cũng sẽ trải qua một giai đoạn để điều chỉnh. Ví dụ, những đứa con khác có thể trở nên độc lập hơn khi bạn phải ở bệnh viện. Dành thời gian chia sẻ những điều đặc biệt mà mỗi người trong gia đình đã làm trong suốt thời gian điều trị. Điều này có thể giúp tạo nên những thay đổi tích cực hơn sau này.

Lời khuyên giúp gia đình thích nghi với những thay đổi sau khi điều trị

Tổ chức chúc mừng

Bạn có thể đánh dấu thời điểm kết thúc điều trị bằng một cách đặc biệt nào đó. Ghi nhận đóng góp của mỗi thành viên trong gia đình và tán dương những điều đó tại nhà hoặc tại bệnh viện. Hoặc tìm cách cảm ơn những nhân viên y tế đã chăm sóc con của bạn.

Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ cách chiến thắng ung thư và chăm sóc theo dõi2 Tổ chức tiệc chúc mừng đánh dấu thời điểm kết thúc điều trị bằng một cách đặc biệt

Tìm kiếm hỗ trợ

Tìm hiểu về các tổ chức hỗ trợ những người sống sót sau điều trị ung thư và gia đình của họ.

Sống cho hiện tại và giúp đỡ người khác

Sống trọn từng giây phút hiện tại và tận hưởng trọn vẹn ngày hôm nay. Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh tìm cách giúp đỡ lại những gia đình có hoàn cảnh như mình. Họ chia sẻ rằng khi mình cho đi sẽ nhận lại được nhiều nhất.

Chăm sóc theo dõi sau điều trị ung thư

“Việc tái khám sau khi điều trị ung thư không chỉ là để cho chúng tôi cảm thấy yên tâm, mà con gái chúng tôi thực sự cần được chăm sóc theo dõi từ các chuyên gia sau kết thúc điều trị. Các xét nghiệm trở lại bình thường sau mỗi lần tái khám giúp chúng tôi có thể thở phào nhẹ nhõm.” – Một phụ huynh chia sẻ.

Bản tóm tắt điều trị

Bản tóm tắt điều trị bao gồm cả thông tin chẩn đoán lẫn thông tin về điều trị như sau:

  • Loại ung thư, mức độ trầm trọng (giai đoạn, cấp độ hoặc nhóm nguy cơ), ngày chẩn đoán và diễn tiến bệnh.
  • Các điều trị đã thực hiện, bao gồm tên và liều của tất cả các loại thuốc, cũng như liều lượng và vị trí xạ trị.
  • Ngày điều trị.
  • Các điểm chính trong diễn tiến bệnh và chẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT scan, MRI.
  • Tác dụng phụ hoặc biến chứng gặp phải trong quá trình điều trị.
  • Chăm sóc hỗ trợ hoặc giảm nhẹ, chẳng hạn như tư vấn hoặc vật lý trị liệu.
  • Xác định số lượng và tên của các thử nghiệm lâm sàng, nếu con bạn đang tham gia một thử nghiệm lâm sàng nào đó.
  • Tên và thông tin liên lạc của những người chủ chốt trong đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc con bạn.

Kế hoạch chăm sóc chiến thắng ung thư

Một kế hoạch chăm sóc chiến thắng bệnh ung thư (còn gọi là kế hoạch chăm sóc để theo dõi) được cá nhân hóa ở mỗi trẻ. Đây là kế hoạch và lịch trình chăm sóc được đưa ra dựa trên loại ung thư và điều trị mà con bạn đã nhận được. Ví dụ, một số trẻ có thể cần phải tái khám mỗi tháng trong năm đầu tiên sau khi hoàn thành điều trị, trong khi một số trẻ khác lại không cần phải tái khám thường xuyên.

Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ cách chiến thắng ung thư và chăm sóc theo dõi3

Tất cả trẻ em đã được điều trị ung thư cần được chăm sóc theo dõi sau điều trị

Tuy nhiên, tất cả trẻ em đã được điều trị ung thư cần được chăm sóc theo dõi sau điều trị. Bạn có thể tìm hiểu thêm những thông tin dưới đây bao gồm:

  • Khi nào cần phải tiến hành thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, thủ thuật để kiểm tra sự tái phát hoặc di căn của ung thư.
  • Chăm sóc hỗ trợ để xử trí các tác dụng phụ kéo dài và kiểm tra các tác dụng phụ đến muộn.
  • Hỗ trợ hoặc tư vấn tâm lý xã hội và tìm đến khi cần.
  • Hỗ trợ pháp lý hoặc hỗ trợ tài chính và tìm đến khi cần.
  • Tìm đến và phối hợp với các chuyên gia như bác sĩ bệnh tim mạch, chuyên gia giáo dục, bác sĩ nội tiết, vật lý trị liệu, chuyên gia tâm lý học, các phương pháp điều trị thích hợp, nghiên cứu lâm sàng và chuyên gia phục hồi chức năng.
  • Thực hành lối sống lành mạnh: Dinh dưỡng và tập thể dục.
  • Chăm sóc sức khỏe lấy nền tảng là gia đình, giáo dục và tiếp cận với trẻ và gia đình.

Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ cách chiến thắng ung thư và chăm sóc theo dõi

Các phòng khám chăm sóc theo dõi (còn gọi là phòng khám theo dõi lâu dài) cung cấp dịch vụ chăm sóc theo dõi cho trẻ đã được điều trị ung thư. Tại các phòng khám này, con bạn sẽ gặp các bác sĩ chuyên khoa về: Tim mạch, nội tiết, sinh sản, dinh dưỡng, tâm lý và hô hấp… Các chuyên gia này sẽ theo dõi sức khỏe của con bạn. Bệnh viện thường có phòng khám kiểu này, tuy nhiên nếu bệnh viện nơi con bạn được điều trị không có thì bạn có thể hỏi bác sĩ để được giới thiệu nơi khác.

Những phản ứng phụ dai dẳng và những phản ứng phụ đến muộn

“Chúng tôi nhận thấy rằng việc học ở trường rất khó khăn với Meg. Y tá của Meg đã trao đổi với chúng tôi về việc kiểm tra và các bước để nhận được sự hỗ trợ từ trường học.” – Một phụ huynh chia sẻ.

Mặc dù sau điều trị, các phản ứng phụ cũng biến mất theo. Tuy nhiên, phản ứng phụ dai dẳng chẳng hạn như mệt mỏi, có thể phải mất một thời gian lâu hơn mới có thể phục hồi. Một số phản ứng phụ khác được gọi là các phản ứng phụ đến muộn, có thể xuất hiện tận vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau khi điều trị.

Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ cách chiến thắng ung thư và chăm sóc theo dõi4 Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ cách chiến thắng ung thư và chăm sóc theo dõi

Các yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ xuất hiện các phản ứng phụ đến muộn

Nguy cơ xuất hiện các phản ứng phụ đến muộn phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến loại ung thư mà con bạn mắc phải, phương thức điều trị cũng như các yếu tố cá nhân khác. Bao gồm:

  • Các yếu tố liên quan đến ung thư như loại ung thư, vị trí ung thư trong cơ thể và ảnh hưởng đến các mô và cơ quan.
  • Các yếu tố liên quan đến điều trị bao gồm phương thức điều trị, liều điều trị hoặc loại phẫu thuật.
  • Một số yếu tố cá nhân khác bao gồm giới tính của trẻ, độ tuổi được chẩn đoán, thời gian kể từ khi chẩn đoán bệnh hay bắt đầu tiến hành điều trị, tiền sử bản thân, gia đình và các thói quen về sức khỏe.

Các loại phản ứng phụ đến muộn

Hiểu biết về những triệu chứng cần chú ý và khi nào chúng có thể xảy ra có thể giúp các bậc phụ huynh lên kế hoạch những việc cần làm cho con mình. Việc thiếu hiểu biết về phản ứng phụ đến muộn có thể gây lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đối với một số bậc phụ huynh khác, việc biết về những phản ứng phụ đến muộn có thể xảy ra hoặc không xảy ra với con của họ trong tương lai có thể là quá sức đối với họ. Các bậc phụ huynh có thể hỏi bác sĩ những phản ứng phụ đến muộn nào cần chú ý trong mỗi bước của quá trình phục hồi của trẻ. Phản ứng phụ đến muộn có thể là về thể chất, cảm xúc hoặc nhận thức.

Các phản ứng phụ đến muộn về thể chất

 Phần lớn liên quan đến những thay đổi đối với các cơ quan, mô và các chức năng của cơ thể. Chúng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của con bạn. Một số trẻ đã được điều trị ung thư có nhiều phản ứng muộn về thể chất, trong khi đó một số trẻ khác lại ít xuất hiện các phản ứng phụ này. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ điều trị về những phản ứng phụ có thể xảy ra ở trẻ, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về các phương pháp điều trị có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các phản ứng phụ về thể chất.

Phản ứng phụ đến muộn về cảm xúc

Bao gồm những thay đổi về tâm trạng, cảm xúc và hành vi của trẻ. Nhiều trẻ hồi phục nhanh sau khi điều trị ung thư, một số khác có thể có các vấn đề xã hội hoặc các vấn đề về cảm xúc. Nếu con bạn ngủ không ngon giấc và không còn hứng thú với các hoạt động mà trẻ từng thích trước đó, việc quan trọng là cần trao đổi với bác sĩ về việc đánh giá trầm cảm ở trẻ. Một số trẻ bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Rối loạn lo âu này phát sinh sau một chấn thương thể chất hoặc các biến cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc và tinh thần.

Các triệu chứng của PTSD có thể bao gồm hồi tưởng về chẩn đoán hoặc điều trị, tránh những địa điểm gợi nhớ về các sang chấn đã trải qua, dễ sợ hãi, dễ nóng giận, khó đi vào giấc ngủ hoặc mất tập trung. Trao đổi với các nhân viên y tế về những nguồn lực hỗ trợ sức khỏe tâm trí gần nơi bạn ở.

Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ cách chiến thắng ung thư và chăm sóc theo dõi5

Một số trẻ có thể bị rơi vào rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)

Phản ứng phụ đến muộn về nhận thức là những thay đổi trong khả năng ghi nhớ, học hỏi và suy nghĩ của trẻ. Loại phản ứng phụ đến muộn này khả năng cao xảy ra ở những trẻ mắc một số bệnh ung thư như u não và tủy sống, ung thư vùng đầu và cổ và một số loại bệnh bạch cầu như bệnh bạch cầu cấp dòng lympho.

Các phương pháp điều trị như xạ trị vùng đầu và một số loại hóa trị cũng làm tăng nguy cơ phản ứng phụ đến muộn về nhận thức. Những phản ứng phụ đến muộn này cũng có nhiều khả năng xảy ra trong quá trình điều trị ở những trẻ còn rất nhỏ, những trẻ phải điều trị với liều lượng rất cao và điều trị trong thời gian dài. Trẻ em có phản ứng phụ đến muộn về nhận thức có thể có một thời gian gặp khó khăn hơn về:

  • Khả năng ghi nhớ hoặc nhớ lại.
  • Khả năng học tập (viết chữ, đánh vần, đọc, từ vựng và toán học có thể đặc biệt khó khăn ở những trẻ này).
  • Khả năng suy nghĩ (bao gồm việc tập trung, hoàn thành công việc đúng hạn, thực hiện công việc phức tạp, giải quyết vấn đề và lập kế hoạch).

Câu hỏi đặt ra khi con bạn đã hoàn thành điều trị

Về điều trị

  • Chúng tôi nên trao đổi với ai để có được một hồ sơ toàn diện về những phương pháp điều trị và thuốc mà con chúng tôi đã được nhận?
  • Về các bước thực hành để thực hiện tại nhà?
  • Những vấn đề sức khỏe nào ở trẻ mà chúng tôi nên biết?
  • Tôi nên liên hệ với ai nếu có vấn đề về sức khỏe?
  • Con tôi có cần tiếp tục dùng bất kỳ loại thuốc nào không? Nếu có thì trong bao lâu?
  • Những loại hoạt động nào có thể hỗ trợ cho con tôi? Có bất kỳ hoạt động nào không được khuyến khích không?
  • Con tôi nên tiêm loại vắc-xin nào? Khi nào thì nên tiêm?

Về chăm sóc theo dõi (kế hoạch và lịch trình)

  • Tôi nên nói chuyện với ai để có kế hoạch và lịch trình chăm sóc theo dõi cho con tôi?
  • Con tôi nên gặp chuyên gia y tế nào để được chăm sóc theo dõi?
  • Những xét nghiệm nào sẽ được thực hiện trong các lần khám chăm sóc theo dõi tiếp theo? Tần suất và lý do thực hiện?
  • Con tôi nên đi khám để được chăm sóc theo dõi ở đâu?
  • Lịch trình tái khám?

Về các phản ứng phụ dai dẳng hoặc các phản ứng phụ đến muộn có thể xảy ra

  • Con tôi có nguy cơ xuất hiện các phản ứng phụ dai dẳng không? Nếu có thì là phản ứng phụ nào và kiểm soát như thế nào?
  • Con tôi có nguy cơ bị phản ứng phụ đến muộn không? Nếu có thì là phản ứng phụ nào? Chúng xuất hiện như thế nào? Bao lâu sau điều trị thì chúng sẽ xuất hiện?
  • Con tôi nên gặp chuyên gia nào để kiểm soát các phản ứng phụ này?

Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ cách chiến thắng ung thư và chăm sóc theo dõi6 Nên hỏi bác sĩ về các phản ứng phụ dai dẳng hoặc các phản ứng phụ đến muộn có thể xảy ra

Về hỗ trợ và tư vấn

  • Những nhóm hỗ trợ chiến thắng bệnh ung thư nào sẽ sẵn sàng hỗ trợ cho con tôi? Cho gia đình tôi?
  • Những lợi ích cho con tôi khi nhận được tư vấn từ chuyên gia và có nhất thiết cần tư vấn từ chuyên gia hay không? Lý do vì sao?

Hi vọng bài viết trên đã giúp ích cho bạn trong việc đồng hành cùng con trên hành trình chiến thắng ung thư và chăm sóc theo dõi sau đó.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin