Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Băng chống căng cơ có thể giúp giảm đau và hỗ trợ các chuyển động của cơ thể, nhưng không phải ai cũng đạt được kết quả tốt với phương pháp này. Nếu bạn muốn sử dụng băng dán chống căng cơ đúng cách, hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Ngày nay, băng dán chống căng cơ không còn xa lạ với mọi người, đặc biệt là đối với những người thường xuyên vận động, tập luyện thể dục thể thao. Sử dụng băng chống căng cơ là phương pháp hiện đại giúp bạn đẩy nhanh quá trình hồi phục và là phương pháp điều trị hiệu quả cho những chấn thương hoặc cơn đau. Không chỉ vậy, băng dán chống căng cơ còn được sử dụng để giúp dẫn lưu bạch huyết.
Băng chống căng cơ là một loại băng đặc biệt được dán trên da để hỗ trợ các cơ và khớp. Băng dán chống căng cơ mỏng, nhẹ, bạn có thể cắt theo ý muốn hoặc sử dụng các miếng cắt sẵn.
Băng dán chống căng cơ giúp cải thiện hoạt động thể chất, thúc đẩy quá trình hồi phục, giúp cơ thể phục hồi sau chấn thương nhanh hơn.
Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ dán bang dán chống căng cơ cho bạn hoặc bạn có thể tự làm. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ. Một chuyên gia sẽ giúp bạn băng một cách chính xác và đúng vị trí. Việc dán những miếng băng này vào cơ thể sẽ không hạn chế cử động của bạn.
Dẫn lưu bạch huyết là một quá trình quan trọng trong cơ thể. Các hạch bạch huyết là một cơ chế bảo vệ tự nhiên. Khi chất lỏng đi qua các hạch bạch huyết, các hạch bạch huyết sẽ bẫy vi khuẩn, vi rút và các chất lạ khác không phải là một phần của cơ thể.
Nếu không có hệ thống dẫn lưu bạch huyết bình thường, chất lỏng có thể tích tụ ở vùng bị ảnh hưởng của cơ thể, gây ra phù bạch huyết. Trong trường hợp này, bạn có thể bị căng, đau ở cánh tay hoặc chân, hoặc cử động bàn tay hoặc cổ tay bị hạn chế.
Trong một số trường hợp, băng dán cơ là một phần của kế hoạch điều trị phù bạch huyết. Dán băng dính cơ lên da để tăng không gian giữa da và cơ. Điều này cải thiện sự lưu thông của chất lỏng cơ thể. Do đó, băng dán cơ có thể giảm sưng, giảm đau và đẩy nhanh quá trình lành vết thương. Băng dán cơ cũng giúp cơ không bị căng quá mức hoặc co lại trong quá trình tập luyện.
Bạn nên dùng băng khi da sạch và khô, nên rửa sạch da bằng cồn 90 độ hoặc nước rửa tay khô. Ngoài ra, bạn nên loại bỏ mọi loại lotion, kem, dầu hoặc lớp trang điểm trên da.
Sử dụng băng dán chống căng cơ ít nhất 1 giờ trước khi tập thể dục hoặc sau khi bạn ngừng đổ mồ hôi. Bạn nên tẩy sạch lông vùng da cần dán băng để tránh bị đau, mặc dù một lượng lông nhỏ trên da có thể không ảnh hưởng đến kết quả của phương pháp. Tuy nhiên, quá nhiều lông cũng có thể khiến băng dính khó dính vào da.
Bạn chỉ có thể sử dụng miếng băng dán chống căng cơ một lần, vì vậy hãy cố gắng không chạm vào mặt dính của băng. Miếng dán có thể là băng cuộn hoặc cắt sẵn. Nếu bạn sử dụng băng cuộn, hãy dùng kéo sắc để cắt phần chính xác. Nếu cắt sẵn, bạn chỉ cần dán chúng cẩn thận vào da.
Có hai cách để dán băng: Từ điểm gốc và từ khu vực trung tâm.
Cách phổ biến nhất để dán băng là dán từ điểm gốc. Để tránh chạm vào phần dính của miếng băng dính, bạn hãy gấp miếng băng dính khoảng 5 cm từ phần cuối để tạo nếp gấp ở mặt sau. Xé phần giấy mặt sau để tạo điểm gốc, sau đó đặt điểm gốc trên da mà không kéo căng. Tiếp theo, bạn dần dần loại bỏ giấy khi bạn dán phần còn lại của băng. Không lấy tháo quá nhiều phần giấy phía sau cùng một lúc, vì mặt dính có thể dính vào nhau hoặc dính vào các bộ phận khác của bàn tay hoặc da.
Các miếng dán căng từ vùng trung tâm thường được sử dụng trên các vùng bị đau cơ hoặc các điểm nóng. Với cách dán này, bạn có thể sử dụng các miếng dán ngắn hơn. Bạn nên kéo căng phần giữa của miếng băng trước khi dán lên da. Sau đó bạn dán hai điểm gốc mà không kéo căng. Gấp miếng dán làm đôi, với hai mặt của tờ giấy đối diện nhau, sau đó xé giấy theo nếp gấp. Nhẹ nhàng kéo điểm gốc để kéo căng phần trung tâm. Cuối cùng bạn dán dính vào da và loại bỏ lớp giấy.
Miếng dán bắt đầu bong ra sau 3 đến 5 ngày. Bạn có thể nhẹ nhàng loại bỏ chúng theo chiều lông mọc. Điều này giúp giảm cảm giác đau khi lông dính vào băng. Bạn nên dùng dầu thực vật hoặc dung dịch đặc biệt để có thể tháo băng nếu thấy quá dính.
Nếu bạn đang sử dụng băng cuộn, bạn nên cắt chúng thành sợi. Các góc được bo tròn có thể giúp miếng dán không bị rơi ra.
Khi dán băng lên da, không được chạm vào chất kết dính. Miếng dán có thể trở nên ít dính hơn.
Không kéo căng các điểm cuối của sợi. Kéo căng điểm cuối khiến chúng dễ bong hơn. Điều này cũng có thể gây khó chịu cho vùng da dán.
Nếu các miếng dán bị ướt, bạn có thể dùng khăn lau khô, chà từ giữa để ngăn băng bị bong ra. Không nên dùng máy sấy vì hơi nóng sẽ làm miếng dán dính hơn nữa.
Không nên dán băng vào vùng đang bị tổn thương.
Không nên sử dụng băng dán chống căng cơ nếu bạn bị dị ứng với chất kết dính.
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách sử dụng băng dán chống căng cơ. Băng dán chống căng cơ thường được sử dụng rất phổ biến. Mặc dù chúng rất dễ sử dụng nhưng một vài thủ thuật đơn giản trên đây có thể giúp bạn có được kết quả tốt hơn từ phương pháp này. Bạn cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ xương khớp hoặc chuyên khoa trị liệu thần kinh cột sống nếu không chắc mình có thể dán được chúng hay không.
Thuý Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp