Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 tại nhà như thế nào?

Ngày 21/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh tiểu đường tuýp 2 gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng có liên quan đến hệ thần kinh, thận, mạch máu hay mắt. Do đó, việc lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 là điều rất cần thiết. Điều này giúp người bệnh cải thiện được sức khỏe và ngăn ngừa được những biến chứng có thể xảy ra.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một trong bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam, chỉ đứng sau nhóm bệnh tim mạch và ung thư. Bệnh nhân cần được điều trị và chăm sóc đúng cách để giảm thiểu biến chứng có thể gặp phải. Vậy kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 như thế nào để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất?

Khái quát về bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 còn được gọi là bệnh đái tháo đường tuýp 2, là một dạng rối loạn chuyển hóa có liên quan đến quá trình sản xuất insulin khiến lượng đường trong máu tăng cao. Tình trạng tăng đường huyết trong thời gian dài sẽ gây nên các rối loạn chuyển hóa khác như protein, lipid… Từ đó gây ra những tổn thương ở nhiều cơ quan như mạch máu, thần kinh, tim, thận và mắt.

Bệnh nhân mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2 thường có các triệu chứng muộn của các biến chứng như nhìn mờ, tê hai bàn tay hoặc hai bàn chân… Hơn nữa, bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ cao mắc phải hàng loạt bệnh mãn tính khác như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đột quỵ, bệnh lý về mạch máu và thần kinh. Đồng thời, chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng bị suy giảm, nguy cơ tử vong cao. Do vậy, việc lên kế hoạch chăm sóc cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 một cách đầy đủ và phù hợp sẽ có tác động lớn đến quá trình hồi phục sức khỏe.

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 tại nhà như thế nào? 1
Đái tháo đường là một dạng rối loạn chuyển hoá có liên quan đến sự bài tiết insulin

Tại sao cần phải lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2?

Nếu bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 không kiểm soát tốt được lượng đường trong máu sẽ khiến họ phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, suy thận, mù mắt, cắt bỏ chân… Vì thế, người bệnh không chỉ phải chiến đấu với căn bệnh này trong thời gian một vài tháng hay vài năm mà phải kiên trì bền bỉ suốt đời. Khi phát hiện mắc phải căn bệnh này, người bệnh cần phải thay đổi chế độ ăn uống, xây dựng lối sống và thói quen sinh hoạt phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.

Việc xây dựng kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cần tuân thủ theo 2 nguyên tắc quan trọng là tránh tình trạng đường huyết tăng và hạn chế nguy cơ biến chứng. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch để ghi lại tình trạng tiến triển của bệnh, chăm sóc sức khỏe đúng cách sẽ giúp cho bệnh nhân, người thân và bác sĩ có thể theo dõi sát tình trạng bệnh, giúp cho quá trình điều trị, lên kế hoạch, việc lựa chọn thuốc… trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn.

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 gồm có các mục sau:

  • Quản lý các loại thuốc sử dụng;
  • Liều lượng insulin sử dụng mỗi ngày;
  • Chế độ ăn uống hàng ngày;
  • Chế độ vận động;
  • Cách xử trí khi đường huyết tăng hoặc hạ;
  • Điều trị bệnh lý đi kèm...
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 tại nhà như thế nào? 2
Tại sao cần lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2?

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 tại nhà như thế nào?

Dưới đây là kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 tại nhà, cụ thể như sau:

Xác định công việc cần thực hiện

Béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiểu đường đỏ kháng insulin. Lượng mỡ dư thừa quá nhiều trong cơ thể của người béo phì sẽ khiến cho quá trình chuyển hóa glucose trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Do vậy, đối với những bệnh nhân tiểu đường do thừa cân, béo phì thì cần phải giảm cân nặng.

Tiếp theo, người bệnh cần ổn định mục tiêu ABC:

  • A: Lượng đường huyết trung bình - A1C;
  • B: Huyết áp;
  • C: Cholesterol.

Đồng thời, người bệnh cần phải tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và điều dưỡng trực tiếp điều trị. Ghi lại các chỉ số sức khỏe của bản thân theo hướng dẫn và xây dựng kế hoạch phù hợp để hướng tới mục tiêu điều trị đã được đặt ra cho bản thân.

Đặt mục tiêu về 3 chỉ số đường huyết, mỡ máu và huyết áp

Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cần đặt ra mục tiêu kiểm soát được 3 chỉ số là đường huyết, mỡ máu và huyết áp để ổn định sức khoẻ, cụ thể như sau:

Chỉ số đường huyết

Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của mỗi bệnh nhân mà mục tiêu về chỉ số đường huyết sẽ khác nhau, thậm chí trên chính một người bệnh cũng có sự khác nhau về chỉ số đường huyết ở mỗi thời điểm. Vì thế, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc cũng như hướng dẫn phương pháp cải thiện lượng đường trong máu ở mức tốt nhất theo tình trạng sức khoẻ cụ thể của người bệnh. Dưới đây là chỉ số đường huyết nên hướng đến tại mỗi thời điểm trong ngày được khuyến nghị từ Hội Đái tháo đường Hoa kỳ:

  • Trước ăn: Từ 70 - 130mg/dL;
  • 2 giờ sau ăn: Dưới 180mg/dL;
  • Lúc đi ngủ: Từ 110 - 150mg/dL.

Người bệnh có thể sử dụng máy đo chỉ số đường huyết cá nhân tại nhà để kiểm tra lượng đường huyết của bản thân, sau đó ghi lại các chỉ số đường huyết hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng. Tiếp đó, người bệnh đưa các số liệu đã ghi được cho bác sĩ để tính ra được chỉ số trung bình và đối chiếu với mục tiêu cần đạt được tại thời điểm đó. Kết quả sẽ được đối chiếu với chỉ số HbA1c, nếu HbA1c < 6,5% cho thấy người bệnh đang kiểm soát tốt lượng đường huyết trong cơ thể.

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 tại nhà như thế nào? 3
Bệnh nhân tiểu đường cần kiểm soát được lượng đường huyết ổn định

Chỉ số huyết áp

Bệnh nhân đái tháo đường thường có kèm theo bệnh cao huyết áp. Hơn nữa, chỉ riêng bệnh tiểu đường cũng có thể gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, dẫn đến mạch máu lớn bị cứng, làm ảnh hưởng đến dòng chảy của máu và khiến huyết áp tăng cao. Vì vậy, người bệnh nên duy trì chỉ số huyết áp dưới 140/80mmHg.

Chỉ số mỡ máu

Mục tiêu về chỉ số mỡ máu ở bệnh nhân tiểu đường là giảm cholesterol toàn phần và mỡ máu xấu. Do đó, người bệnh cần thực hiện kiểm tra hai chỉ số này định kỳ sau 6 - 12 tháng. Các chỉ số mỡ máu mà người bệnh cần đạt được như sau:

  • LDL cholesterol: < 70mg/dL;
  • HDL cholesterol: > 40mg/dL (nam giới) và > 50mg/dL;
  • Triglycerides: < 150mg/dL;
  • Cholesterol: < 170mg/dL.

Kế hoạch đạt mục tiêu về 3 chỉ số khác

Để đạt được mục tiêu điều trị mà bác sĩ đã đưa ra, trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cũng có sự điều chỉnh về chế độ ăn uống, chế độ vận động và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đây là 3 tiêu chí có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị của người bệnh. Cụ thể như sau:

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường cần đảm bảo lượng đường trong máu luôn được kiểm soát, cụ thể là:

  • Hạn chế tinh bột như bánh mì, cơm, xôi…
  • Cân bằng hàm lượng carbohydrates bằng cách hạn chế ăn sữa, bánh kẹo, hoa quả… là những thực phẩm dễ làm tăng lượng đường huyết. Cần ổn định lượng carbohydrates giữa bữa chính và bữa phụ hàng ngày nhằm ổn định đường huyết.
  • Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hoà như mỡ lợn, bơ, các loại thịt, kem, sữa nguyên kem, dầu dừa…
  • Ăn nhiều chất xơ có trong các loại thực phẩm như rau xanh, bột yến mạch, đậu…
  • Cắt giảm khẩu phần ăn trong bữa chính và bữa phụ để giảm cân.

Chế độ vận động

Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp giảm lượng đường huyết, cholesterol và ổn định huyết áp. Việc rèn luyện cơ thể hàng ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tăng sức đề kháng, giảm căng thẳng, bạn hãy:

  • Tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày như đi bộ, đạp xe, yoga, bơi lội…
  • Tận dụng các hoạt động ngoài trời như làm vườn, quét nhà, đi thang bộ…

Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Người bệnh cần tuân thủ thực hiện việc uống thuốc, tiêm insulin (nếu có) và kiểm tra chỉ số đường huyết theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt là những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có kèm theo các bệnh lý khác như suy gan, suy thận, nhiễm khuẩn, có thai… thì càng phải tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ đã được bác sĩ đưa ra.

Đánh giá quá trình chăm sóc

Nhân viên y tế, người nhà và người bệnh sẽ cùng ngồi lại với nhau để đánh giá xem liệu kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có hiệu quả không thông qua từng cột mốc điều trị sau 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng… Người bệnh sẽ được đánh giá thông qua dấu hiệu sinh tồn, kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu, tình trạng biến chứng…

Tóm lại, đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt. Do vậy, dựa vào kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đã nên ở trên, người bệnh có thể kiểm soát lượng đường huyết của bản thân một cách sẽ dàng hơn. Hy vọng bạn đọc đã bổ sung được nhiều kiến thức bổ ích về bệnh tiểu đường tuýp 2 thông qua bài viết trên.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm