Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Khi bị đau dạ dày có nên ăn khoai lang không?

Ngày 19/03/2023
Kích thước chữ

Khoai lang là một loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao và được ưa thích bởi nhiều người. Vì vậy, câu hỏi "Liệu có nên ăn khoai lang nếu bạn bị đau dạ dày?" là một vấn đề rất được quan tâm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích về thành phần và công dụng của khoai lang để tìm câu trả lời cho câu hỏi này.

Nếu bạn cũng đang gặp tình trạng đau dạ dày, đừng bỏ qua những thông tin hữu ích dưới đây.

Đau dạ dày là gì?

Đau dạ dày là một tình trạng khi dạ dày bị tổn thương, chủ yếu do viêm loét. Người bệnh sẽ thường cảm thấy khó chịu và đau đớn. Các cơn đau có thể xuất hiện khi người bệnh ăn quá no hoặc quá đói, hoặc khi làm việc quá sức hoặc căng thẳng. Tình trạng tâm lý của người bệnh cũng có thể làm tăng cường đau dạ dày.

Khi bị đau dạ dày có nên ăn khoai lang không? 1Đau dạ dày khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày

Triệu chứng đau dạ dày

Dưới đây là 5 triệu chứng thường gặp của bệnh đau dạ dày:

  • Đau thượng vị: Đây là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh nhân bị đau dạ dày. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau âm ỉ và tức vùng bụng, đau nóng rát rất khó chịu. Cơn đau thường tái phát khi thời tiết thay đổi hoặc vào giao mùa. Nếu để tình trạng này kéo dài, bệnh nhân sẽ bị đau liên tục.
  • Chán ăn: Bệnh nhân bị đau dạ dày thường có triệu chứng kém ăn, bao gồm giảm lượng thức ăn hoặc ăn không ngon miệng. Nguyên nhân của triệu chứng này là do thức ăn được tiêu hóa chậm, gây ra cảm giác chướng bụng, đầy hơi và nặng nề sau khi ăn. 
  • Ợ hơi, ợ chua: Ợ hơi và ợ chua là hai triệu chứng quan trọng của bệnh đau dạ dày. Những triệu chứng này gây ra khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Nôn và buồn nôn: Nếu nôn nhiều, có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, việc nôn nhiều cũng có thể gây mất nước và điện giải trong dịch dạ dày, gây hạ huyết áp, trụy tim mạch và sút cân nhanh dẫn đến thiếu máu và phù nề.
  • Chảy máu tiêu hóa: Là tình trạng máu chảy ra khỏi thành mạch máu vào ống tiêu hóa. Đây là triệu chứng nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh trong thời gian ngắn. Các triệu chứng bao gồm nôn ra máu tươi hoặc đen, máu có mặt trong phân với màu sắc tươi hoặc đen, người bệnh cảm thấy choáng váng, hoa mắt, tụt huyết áp do mất máu cấp. Để đảm bảo sức khỏe, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Người bị đau dạ dày có nên ăn khoai lang không?

Giá trị dinh dưỡng của khoai lang

Khoai lang là một trong những loại củ quen thuộc và có thể dùng làm thực phẩm ăn vặt hoặc để giải quyết cơn đói cho mọi lứa tuổi. Hiện nay, có ba loại khoai lang phổ biến nhất là khoai lang mật (hay khoai lang vàng), khoai lang tím và khoai lang trắng. Tất cả ba loại này đều có giá trị dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khỏe.

Các nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra rằng khoai lang chứa: 

  • 80% lượng tinh bột dễ tiêu hóa, giúp cung cấp năng lượng nhanh chóng cho cơ thể.
  • 12% tinh bột không bị tiêu hóa, chuyển thành thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong ruột già, đóng vai trò như chất xơ.
  • 8% còn lại bị tiêu hóa chậm hơn, giúp giảm khả năng tăng đường máu.
  • Khoai lang cũng chứa các loại chất xơ, bao gồm chất xơ tan trong nước (dạng pectin) và chất xơ không tan trong nước (gồm dạng cellulose và lignin), giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi acid dịch vị và giảm lượng đường huyết đột ngột. Ngoài ra, khoai lang còn cung cấp một loại protein đặc biệt gọi là sporamin, có tính chất chống oxy hóa và khả năng chữa lành các tổn thương.
  • Khoai lang là nguồn dồi dào các vitamin và khoáng chất, bao gồm beta-caroten (tiền vitamin A) và vitamin C, giúp ngăn ngừa viêm loét tiến triển và bảo vệ niêm mạc dạ dày. 
  • Các nguyên tố Kali và Mangan cùng vitamin B6 có trong khoai lang cũng có tác dụng giúp giảm hiện tượng khó tiêu và nâng cao tinh thần, giảm lo lắng cho người bệnh. 

Khi bị đau dạ dày có nên ăn khoai lang không? 2

Khoai lang là loại củ chứa hàm lượng dinh dưỡng cao

Với những thành phần trên, khoai lang có nhiều công dụng cho sức khỏe con người, đặc biệt là giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh như đau dạ dày, táo bón, hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa ung thư, hạ huyết áp, kháng khuẩn, chống viêm, và giúp giảm cân.

Đau dạ dày có nên ăn khoai lang không?

Vì tổn thương trực tiếp đến đường tiêu hóa, những người mắc bệnh đau dạ dày cần phải cẩn trọng khi chọn thực phẩm để ăn. Nếu không chú ý đến việc lựa chọn thực phẩm, niêm mạc dạ dày có thể phản ứng với các món ăn mới ngay lập tức, gây ra cảm giác đau. 

Khoai lang có nhiều thành phần có tác dụng quan trọng đến hoạt động của dạ dày, bao gồm tinh bột, chất xơ, vitamin A, vitamin C, vitamin B6 và beta-carotene. Những thành phần này giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngăn ngừa táo bón, tăng cường nhu động ruột, phục hồi chức năng của dạ dày, giúp kiểm soát nồng độ axit trong dạ dày và chống oxy hóa.

Vì vậy, người bị đau dạ dày có thể ăn khoai lang trong thời gian mắc bệnh, tuy nhiên cần sử dụng với liều lượng vừa phải và chú ý đến liều lượng sử dụng. Khoai lang chỉ có tác dụng hỗ trợ cải thiện chứng đau dạ dày và không thể thay thế các phương pháp điều trị khác. Do đó, người bệnh cần phối hợp sử dụng khoai lang cùng với các phương pháp điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất.

Khi bị đau dạ dày có nên ăn khoai lang không? 3

"Bị đau dạ dày có ăn được khoai lang không?" là câu hỏi thường gặp

Một số lưu ý khi ăn khoai lang ở người đau dạ dày

Mặc dù khoai lang là thực phẩm lành tính nhưng người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Cần thận trọng khi sử dụng khoai lang cho những người quá mẫn cảm với một số thành phần trong loại củ này hoặc những người có vấn đề về thận hoặc mắc bệnh tiểu đường.
  • Không nên sử dụng khoai lang để thay thế hoàn toàn cho cơm, vì sử dụng quá nhiều khoai lang có thể làm cho bụng đầy hơi và khó tiêu. Nên đan xen giữa việc dùng khoai lang và cơm, điều này sẽ tốt hơn cho dạ dày của bạn .
  • Mỗi ngày nên sử dụng khoảng 150 - 200 gram khoai lang và nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Thời điểm thích hợp để sử dụng khoai lang là sau bữa trưa và hạn chế sử dụng khoai lang sau 8 giờ tối.
  • Không nên ăn khoai lang khi đói vì có thể gây tổn thương đến niêm mạc của dạ dày.

Lưu ý: Tuyệt đối không nên ăn khi khoai lang đã xuất hiện các đốm đen, vì nó có thể dẫn đến tổn thương chức năng gan.

Tóm lại, người đau dạ dày nên khoai lang nhưng với mức độ vừa phải và ăn đúng cách sẽ giúp bạn cải thiện các triệu chứng đau dạ dày. Tuy nhiên, đau dạ dày không thể chữa khỏi bằng việc ăn khoai lang, bạn cần phải kết hợp với phương pháp điều trị thích hợp.

Xem thêm: Đau dạ dày uống nước dừa được không

Ngọc Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin