Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khi nào nên xét nghiệm tiền sản giật?

Ngày 20/07/2022
Kích thước chữ

Tiền sản giật xảy ra khi thai phụ bị tăng huyết áp và protein niệu, nếu không chữa trị kịp thời dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, tốt nhất thai phụ nên tầm soát bệnh thông qua một số xét nghiệm tiền sản giật để hạn chế rủi ro trong thai kỳ.

Khi phát hiện nguy cơ tiền sản giật, thai phụ làm xét nghiệm tiền sản giật nhằm phát hiện sớm cũng như giúp bác sĩ lên kế hoạch can thiệp kịp thời.

Tác hại của tiền sản giật

Tiền sản giật là biến chứng sản khoa nghiêm trọng thường xảy ra vào giai đoạn ba tháng cuối thai kỳ. Bệnh vừa gây nguy hiểm cho mẹ, vừa là nguyên nhân gây tử vong sơ sinh do nguy cơ sinh non tháng, suy dinh dưỡng bào thai, thai chết lưu, thai chậm tăng trưởng trong tử cung...

Khi nào nên xét nghiệm tiền sản giật? 1 Tiền sản giật thường xảy ra vào giai đoạn ba tháng cuối thai kỳ.

Tại sao cần xét nghiệm tầm soát tiền sản giật?

Việc xét nghiệm sẽ giúp sớm phát hiện dấu hiệu bệnh tiền sản giật trên thai phụ. Cụ thể:

  • Tầm soát tiền sản giật trong giai đoạn từ 11 - 13 tuần 6 ngày nhằm nhận diện nguy cơ tiền sản giật ở mẹ bầu, từ đó bác sĩ chuyên khoa sẽ kịp thời có kế hoạch giám sát và can thiệp sớm, góp phần hạn chế mức độ nguy hiểm do bệnh gây ra.
  • Các xét nghiệm cho kết quả chính xác lên đến 90%, dương tính giả là 10%.
  • Thực hiện xét nghiệm sẽ cho biết nguy cơ sản phụ bị tiền sản giật tại các thời điểm dưới 32 tuần thai và dưới 37 tuần thai cao hay thấp.

Xét nghiệm tiền sản giật khi nào?

Xét nghiệm tầm soát tiền sản giật là loại xét nghiệm không xâm lấn, do đó sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về những bệnh lý của thai phụ lẫn người thân, sau đó tiến hành thăm khám cần thiết để tính toán nguy cơ cũng như chẩn đoán khả năng mắc tiền sản giật.

Có hai trường hợp xảy ra:

  • Nếu thai phụ được xác định thuộc nhóm nguy cơ cao mắc tiền sản giật, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra liệu trình giúp phòng ngừa bệnh. 
  • Nếu thuộc nhóm có nguy cơ thấp, thai phụ vẫn phải tiếp tục khám thai đều đặn để theo dõi, phát hiện sớm các bệnh lý trong suốt thai kỳ.
Khi nào nên xét nghiệm tiền sản giật? 2 Xét nghiệm tiền sản giật trong thai kỳ là rất quan trọng.

Quy trình xét nghiệm tiền sản giật

Bác sĩ sẽ chỉ định lấy mẫu máu để đo nồng độ PlGF (Placental growth factor, tức yếu tố tăng trưởng bánh nhau) theo quy trình sau đây:

  • Thu thập thông tin thai phụ, bao gồm độ tuổi, cân nặng, chiều cao, tiền căn bệnh lý của thai phụ và người thân;
  • Lấy mẫu máu để đo nồng độ PlGF:

Protein tiền sinh mạch máu PlGF là chất do nhau thai tiết ra, có liên quan tới việc điều hòa sự phát triển hệ thống mạch máu của bánh nhau cùng với chức năng nội mô của mẹ trong thai kỳ. PlGF thường tăng trong hai quý đầu, sau đó từ quý 3 của thai kỳ sẽ giảm dần.

Nếu có nguy cơ tiền sản giật, thai phụ sẽ có nồng độ PlGF giảm nhiều trong máu trong suốt thai kỳ.

  • Đo huyết áp động mạch trung bình:

Sản phụ được hướng dẫn nghỉ ngơi tại chỗ từ 3 - 5 phút, ngồi đúng tư thế, hai cánh tay đo huyết áp được đặt ngang tim, hai bàn chân chạm đất, giữ tư thế ngồi và tâm lý thật thoải mái.

Dùng máy đo huyết áp tự động đo cả hai tay cùng lúc. Thực hiện việc đo huyết áp hai lần và lấy giá trị trung bình cho mỗi tay và cho cả hai tay. 

Huyết áp động mạch trung bình = (HA tâm thu – HA tâm trương)/3 + HA tâm trương.

  • Siêu âm bụng để đo chỉ số xung động mạch tử cung:
Khi nào nên xét nghiệm tiền sản giật? 3 Thai phụ sẽ được lấy mẫu máu để đo nồng độ PlGF.

Tiền sản giật có nguyên nhân sinh bệnh học là do sự suy giảm xâm nhập vào các nguyên bào nuôi của hệ động mạch xoắn và không thành công trong tái cấu trúc thành các mạch máu tại giường trao đổi tử cung - nhau, làm tăng trở kháng trong các dòng chảy.

Trở kháng động mạch tử cung giảm theo tuổi thai chứng tỏ thai kỳ bình thường. Còn với thai kỳ tiền sản giật hoặc thai chậm tăng trưởng, chỉ số này sẽ tăng.

Tất cả thông tin thu thập được trong quá trình thực hiện xét nghiệm sẽ dùng thuật toán xử lý cho ra kết luận sản phụ có nguy cơ mắc tiền sản giật hay không.

Cách phòng ngừa tiền sản giật như thế nào?

Như đã đề cập bên trên, cho đến nay nguyên nhân dẫn tới tiền sản giật vẫn chưa có kết luận rõ ràng nên chúng ta không thể ngăn chặn tuyệt đối xảy ra tiền sản giật.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những phương pháp để phòng ngừa bệnh. Trên hết, thai phụ và người thân phải lưu ý và quản lý quá trình thai nghén rất cẩn trọng, sớm phát hiện khi có những dấu hiệu bất thường và đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, điều trị thích hợp.

  • Khám thai định kỳ: Nghiêm túc thực hiện quản lý thai nghén, khám thai định kỳ để bác sĩ chuyên khoa có thể kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu, sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ,... cùng nhiều yếu tố khác. Việc này rất quan trọng để có được một thai kỳ khỏe mạnh cũng như sớm phát hiện triệu chứng lẫn dấu hiệu của tiền sản giật cùng những bệnh lý khác (nếu có).
  • Tự theo dõi cân nặng và huyết áp: Nếu có tiền sử cao huyết áp trước khi mang thai, thai phụ phải nhớ báo cho bác sĩ biết ngay từ lần khám thai đầu tiên để có phác đồ điều trị thích hợp nhất.
  • Làm giảm áp lực máu: Thai phụ sẽ được bác sĩ hướng dẫn một số phương pháp tốt cho mẹ lẫn con, chẳng hạn như nằm nghiêng bên trái khi nghỉ ngơi, hoặc chỉ định uống bổ sung canxi,... Bên cạnh đó, thai phụ cần chú ý chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, cân đối các thành phần dinh dưỡng, nhiều rau xanh, hoa quả,...
Khi nào nên xét nghiệm tiền sản giật? 4 Xét nghiệm tầm soát tiền sản giật không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Có thể thấy, tiền sản giật là biến chứng sản khoa nguy hiểm, gây nguy hiểm cho tính mạng không chỉ người mẹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thai nhi. Các nguy cơ thai nhi có thể gặp phải như sinh thiếu tháng, thai suy dinh dưỡng, thai chậm phát triển trong tử cung hay thậm chí là thai chết lưu

Chính vì thế, xét nghiệm tiền sản giật trong thai kỳ là rất quan trọng, giúp bác sĩ sàng lọc được những dấu hiệu sớm của tiền sản giật, từ đó kịp thời có phương hướng điều trị để hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.