Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khối u tim lành tính là gì? Cách chẩn đoán và phương pháp điều trị

Ngày 18/11/2024
Kích thước chữ

Các khối u tim có kích thước và hình dạng rất đa dạng, từ dưới 1cm đến khoảng 15cm. Kích thước và vị trí của khối u trong tim ảnh hưởng rõ rệt đến các triệu chứng và tiên lượng bệnh. Một số khối u lành tính, dễ điều trị, trong khi một số khác có thể đe dọa tính mạng. Dưới đây là thông tin chi tiết về các khối u tim lành tính và các vấn đề liên quan mà nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ với bạn.

Khối u tim có thể là u nguyên phát (có thể lành tính hoặc ác tính) hoặc di căn từ các bộ phận khác trong cơ thể (thường là ác tính). Các khối u tim này có thể khởi phát từ bất kỳ loại mô nào trong tim.

Các loại khối u tim lành tính

Khoảng 75-95% các khối u tim nguyên phát mang tính chất lành tính và không gây ung thư. Tuy nhiên, dù là u lành tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm những khối u này vẫn có thể gây nguy hiểm do làm tăng nguy cơ đột quỵ và tác động xấu đến chức năng tim.

Khối u tim lành tính là gì? Cách chẩn đoán và phương pháp điều trị - 1
Khối u tim nguyên phát đa số là lành tính và không gây ung thư

Các loại khối u tim nguyên phát lành tính

  • U nhầy (Myxoma): Đây là loại khối u tim nguyên phát hiếm gặp, với tỷ lệ mắc khoảng 0.03%, tương đương 0.5 - 1 trường hợp trên một triệu người. Phần lớn u nhầy không có triệu chứng rõ ràng khi mới xuất hiện. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, khối u có thể phát triển và cản trở dòng máu chảy từ tâm nhĩ trái đến tâm thất trái qua van hai lá. Điều này có thể dẫn đến tắc mạch máu lớn, tắc nghẽn dòng chảy trong tim và giảm lưu lượng máu lên não.
  • U xơ sợi nhú (Papillary fibroelastoma): Loại u lành tính này thường gặp ở người trên 60 tuổi, phát triển chủ yếu trên van tim, nhất là ở van hai lá hay van động mạch chủ.
  • U mỡ (Lipoma): Khối u này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và có nhiều hình dạng khác nhau, thường phát triển ở tâm thất trái, tâm nhĩ phải hoặc vách ngăn tâm nhĩ.
  • U máu (Hemangioma): Xuất hiện ở mọi lứa tuổi và thường được phát hiện tình cờ khi chẩn đoán các bệnh khác. U máu thường xuất hiện kèm theo các khối u khác trong hệ tiêu hóa hoặc da.

Các khối u tim lành tính phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

  • U cơ vân (Rhabdomyoma): Là loại u lành tính phổ biến nhất ở trẻ em, phát triển trong cơ tim hoặc lớp nội tâm mạc và bao gồm nhiều khối nhỏ.
  • U quái (Teratoma): Hình thành do đột biến gen hiếm gặp, thường phát triển ở màng ngoài tim hoặc từ gốc các mạch máu lớn kết nối với tim. 
  • U xơ (Fibroma): Thường xuất hiện đơn lẻ và phát triển bên trong cơ tâm thất. Phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể được thực hiện để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim.
  • U Hamartoma: Loại khối u này còn được biết đến với tên gọi bệnh cơ tim Histiocytoid hoặc Hamartoma tế bào Purkinje. U có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim của trẻ và cần được theo dõi và điều trị kịp thời.
Khối u tim lành tính là gì? Cách chẩn đoán và phương pháp điều trị - 2
U quái hình thành do đột biến gen hiếm gặp ở trẻ em

U lành tính ở tim có triệu chứng gì?

Triệu chứng của bệnh nhân mắc khối u tim lành tính thuộc vào vị trí và kích thước của khối u. Đôi khi, u tim không gây triệu chứng hoặc có thể gây ra các dấu hiệu giống các bệnh tim mạch hoặc bệnh tim bẩm sinh.

Với u nhầy, các triệu chứng lâm sàng điển hình bao gồm:

  • Suy tim do tắc nghẽn van tim.
  • Đột quỵ do thuyên tắc.
  • Các dấu hiệu tương tự bệnh thấp tim, do u tiết ra các cytokine gây viêm như IL-6.

U nhầy ở tim thường có biểu hiện tương tự bệnh hẹp van hai lá, gây ra hẹp hai lá khi u sa vào van trong thời kỳ tâm trương hoặc hở van nếu van bị tổn thương. Nếu u nhầy hiếm gặp ở thất, nó có thể gây tắc nghẽn đường thoát của thất, dễ nhầm lẫn với hẹp dưới van động mạch chủ hoặc động mạch phổi. Khi nghe tim, có thể phát hiện tiếng thổi cường độ thấp ở đầu hoặc giữa tâm trương.

Ngoài ra, u nhầy ở tim còn có thể gây:

  • Ngất, cơn thiếu máu não thoáng qua, hoặc đột quỵ do thuyên tắc.
  • Thuyên tắc ở khu vực mạch ngoại biên hoặc mạch phổi.
  • Các triệu chứng ngoài tim như: Sốt, sụt cân, mệt mỏi, yếu sức, đau khớp, nổi ban, thiếu máu...
  • U nhầy không có nguy cơ trở thành u ác tính.
Khối u tim lành tính là gì? Cách chẩn đoán và phương pháp điều trị - 3
Đột quỵ do thuyên tắc có thể là triệu chứng của khối u tim lành tính

Phương pháp chẩn đoán khối u tim

Để chẩn đoán u tim, bên cạnh việc xem xét các triệu chứng lâm sàng, cần sử dụng các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ như sau:

  • Xét nghiệm máu: Thực hiện cấy máu để đánh giá khả năng viêm nội tâm mạc.
  • X-quang tim phổi: Thường không phát hiện bất thường, tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể thấy bóng tim to, trung thất giãn rộng hoặc vôi hóa ở tim, đặc biệt là đối với các u sợi (thường gặp ở trẻ em).
  • Siêu âm tim: Được coi là phương pháp hiệu quả nhất để đánh giá các bệnh nhân có tiền sử hoặc biểu hiện lâm sàng liên quan đến rối loạn chức năng van tim hoặc có khả năng xuất hiện u trong tim. Siêu âm giúp xác định tính chất, vị trí, hình dạng và khả năng di động của khối u.
  • Chụp MRI: Có vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ lan rộng và đặc điểm tế bào học của khối u, tuy nhiên không thể phân biệt rõ ràng giữa u lành và u ác, do đó cần thêm xét nghiệm mô bệnh học để đưa ra kết luận chính xác.
  • CT Scanner: Có vai trò hữu ích trong việc đánh giá khả năng tồn tại khối u ác tính trong lồng ngực và có thể gợi ý sự hiện diện của một khối u tim nguyên phát. Tuy nhiên, hiệu quả chẩn đoán của CT Scanner không cao bằng siêu âm tim chi tiết.
Khối u tim lành tính là gì? Cách chẩn đoán và phương pháp điều trị - 4
Siêu âm tim là phương pháp có thể được thực hiện trong chẩn đoán các khối u tim

Phương pháp điều trị khối u tim lành tính

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u là phương pháp điều trị hiệu quả nhất và nên được thực hiện sớm để giảm thiểu nguy cơ rối loạn nhịp tim nghiêm trọng. Trong trường hợp khối u quá lớn và không thể phẫu thuật cắt bỏ, ghép tim có thể là một lựa chọn thay thế.

Điều trị nội khoa

Việc điều trị nội khoa không được chỉ định đối với các khối u không có triệu chứng và có thể được phẫu thuật cắt bỏ. Với những bệnh nhân không thể tiến hành phẫu thuật, bác sĩ có thể đề xuất kiểm tra điện sinh lý tim để đánh giá nguy cơ rối loạn nhịp thất ác tính. Cân nhắc sử dụng thuốc dự phòng hoặc máy tạo nhịp phá rung cũng có thể được áp dụng trong một số trường hợp do bác sĩ chỉ định.

Mặc dù các khối u tim lành tính không gây nguy hiểm như khối u ác tính, chúng vẫn cần được theo dõi và điều trị một cách nghiêm túc. Nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại, nhiều phương pháp điều trị hiệu quả đã được triển khai, giúp người bệnh duy trì sức khỏe và cuộc sống bình thường. Bạn nên chủ động thăm khám định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm và được điều trị kịp thời nâng cao hiệu quả điều trị.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin