Kiệt quệ cảm xúc là gì? Dấu hiệu và cách khắc phục hiệu quả
Ngày 05/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Cảm xúc, hay còn được gọi là trạng thái tinh thần, đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, trạng thái kiệt quệ cảm xúc mang đến không ít ảnh hưởng cho cuộc sống của chúng ta. Vậy nguyên nhân dẫn đến kiệt quệ cảm xúc là gì và làm sao để giải quyết trạng thái này? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Sự kiệt quệ xảy ra khi cơ thể và tinh thần không được nghỉ ngơi trong một thời gian dài, trạng thái này có thể ảnh hưởng đến hành vi lẫn tinh thần của một người. Các triệu chứng sẽ tăng dần theo thời gian khi áp lực xung quanh ngày càng tăng cao. Việc nhận biết các triệu chứng của trạng thái này sớm nhất có thể sẽ giúp cải thiện tình trạng và đưa ra phương hướng điều trị đúng đắn cho người bệnh.
Kiệt quệ cảm xúc là gì?
Kiệt quệ cảm xúc hay còn gọi là hội chứng Burnout có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với bất cứ ai, hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn về tình trạng này. Kiệt quệ cảm xúc là trạng thái tinh thần tích tụ căng thẳng quá nhiều khiến cảm xúc bị rối loạn, thường xảy ra ở giai đoạn tinh thần bị áp lực đè nén tột độ. Điều này sẽ khiến người mắc phải cảm thấy khó khăn để kiểm soát suy nghĩ và hành vi của mình, khó theo kịp nhịp sống thường ngày.
Tình trạng này không phải là một loại bệnh được chẩn đoán y tế, tuy nhiên nó có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống của người mắc phải. Sự kiệt quệ cảm xúc không xảy đến một cách đột ngột mà sẽ tích tụ một quãng thời gian dài, dẫn đến sự mệt mỏi về tinh thần.
Sự kiệt quệ về mặt cảm xúc cũng được chia thành nhiều loại khác nhau, với những nguyên nhân khác nhau:
Kiệt quệ do quá tải công việc.
Kiệt quệ do môi trường không có thách thức.
Kiệt quệ do bất lực.
Các dấu hiệu cho thấy bạn đang kiệt quệ về cảm xúc
Nếu bạn thấy mình đang có những dấu hiệu như sau, có thể bạn đang trong trạng thái kiệt quệ cảm xúc:
Luôn trong tình trạng mệt mỏi
Khác so với cảm giác mệt mỏi thông thường, khi ở trong tình trạng kiệt quệ, dù bạn cố gắng ngủ nhiều hơn hay sử dụng các loại nước tăng lực,... cũng không giúp bạn giảm bớt cảm giác mệt mỏi. Điều này khiến cho việc thực hiện những hoạt động thường ngày cũng trở nên vô cùng khó khăn.
Không thể ngủ ngon, mất ngủ
Chứng mất ngủ là một biểu hiện đi kèm của trạng thái kiệt quệ cảm xúc. Việc sức khỏe cơ thể xuống dốc và tinh thần luôn trong tình trạng mệt mỏi nhưng khó ngủ, không thể ngủ được khiến cho sức khỏe của người bệnh giảm đi một cách nhanh chóng.
Thuyên giảm sức khỏe thể chất
Sự kiệt quệ về tâm lý và thể chất thường có liên kết với nhau. Đi kèm với sự mệt mỏi là những cơn đau đầu, đau bụng, nặng hơn là nôn mửa,… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng to lớn tới sức khỏe về sau.
Rối loạn cảm xúc
Những việc vô cùng nhỏ nhặt cũng có thể khiến bạn bật khóc. Đó là dấu hiệu tâm lý tinh thần của bạn đang có vấn đề, khả năng nhận và xử lý tình huống bình thường của bạn suy giảm khiến cho bạn trở nên nhạy cảm hơn. Bạn càng ngày càng ít cảm thấy vui vẻ, đây là hậu quả của sự thiếu vắng cảm xúc vì bạn đã trở nên vô cùng kiệt quệ về mặt tinh thần.
Bạn cũng đồng thời trở nên cáu kỉnh và dễ nóng giận hơn, điều này khiến bạn không thể kiểm soát cảm xúc của mình và trút giận lên mọi người hoặc mọi vật xung quanh, phá hỏng những mối quan hệ của bản thân với người khác.
Thiếu động lực trong cuộc sống
Người bị kiệt quệ cảm xúc thường không có động lực để làm bất cứ thứ gì, trốn tránh cảm xúc họ đang có và không quá quan tâm về những thứ đang diễn ra trong cuộc sống của họ. Người đang ở trong trạng thái kiệt quệ sẽ có xu hướng trì hoãn và dồn công việc cần làm, điều này dễ làm cho họ ngày càng kiệt sức hơn và lặp đi lặp lại vòng luẩn quẩn này.
Cảm thấy tuyệt vọng
Việc cảm thấy tuyệt vọng là minh chứng cảm xúc của người bệnh đã đạt đến giới hạn chịu đựng, họ cảm thấy mình sẽ chìm trong tình trạng này mãi mãi và có xu hướng cam chịu số phận. Tình trạng này nếu không được khắc phục kịp thời có thể dẫn đến trầm cảm.
Nguyên nhân của sự kiệt quệ cảm xúc
Sự kiệt quệ tinh thần bắt nguồn từ những căng thẳng dồn nén trong cuộc sống và công việc, chẳng hạn như:
Áp lực xã hội và công việc.
Áp lực về tài chính.
Áp lực trong việc học tập hoặc việc nuôi dạy con cái.
Nỗi đau lớn về mặt tinh thần, gặp chuyện buồn quá lớn như mất người thân.
Tuy vậy, việc một người trải qua những căng thẳng trên có khiến họ mắc chứng kiệt quệ cảm xúc hay không còn phụ thuộc vào những điều sau:
Khả năng chịu đựng áp lực.
Sự hỗ trợ của những người gần gũi xung quanh.
Năng lực chăm sóc bản thân và khả năng kiểm soát cuộc sống của mình.
Một số cách khắc phục tình trạng kiệt quệ về cảm xúc
Hệ lụy của các loại bệnh tâm lý ngày càng trở nên nghiêm trọng, người bệnh cần nhận biết tình trạng của mình và khắc phục kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho mình. Dưới đây là một số cách khắc phục tình trạng kiệt quệ cảm xúc bạn cần lưu ý:
Loại trừ các tác nhân gây áp lực: Dù không dễ thực hiện, việc loại trừ các tác nhân vẫn là cách điều trị căng thẳng nhanh và hiệu quả nhất. Bạn nên loại bỏ những điều gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mình để thoát khỏi sự mệt mỏi kéo dài.
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, hạn chế bia rượu: Bạn nên thiết kế cho bản thân một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và cân bằng. Đồng thời, tránh xa các loại chất kích thích như rượu bia. Những điều này không chỉ giúp cải thiện cơ thể và giấc ngủ của bạn hơn mà còn giúp phục hồi năng lượng của bạn.
Tập thể dục thể thao: Các hoạt động thể chất làm tăng mức serotonin và endorphin, giúp bạn cải thiện cảm xúc và giải toả tâm trí, do đó bạn nên dành thời gian tập thể dục thể thao mỗi ngày.
Cải thiện giờ giấc nghỉ ngơi: Một giấc ngủ ngon là liều thuốc bổ dành cho tinh thần, bạn nên đồng bộ giờ giấc nghỉ ngơi mỗi ngày của mình và cố gắng ngủ đủ 8 tiếng một ngày để cơ thể và tinh thần trở nên thoải mái, thư giãn hơn.
Áp dụng phương pháp chánh niệm: Các bài tập chánh niệm được khoa học công nhận là một phương pháp giúp giảm stress, xua tan những suy nghĩ tiêu cực rất hiệu quả. Bạn có thể thực hành những bài tập như ngồi thiền, Yoga, đi dạo…
Trò chuyện với bác sĩ tâm lý hoặc những người gần gũi: Bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia để điều trị trạng thái kiệt quệ, hình thức trị liệu tâm lý như nói chuyện cùng bác sĩ giúp bạn cân bằng cảm xúc của mình tốt hơn. Trong vài trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn, bạn nên dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn ngại và không muốn tiếp xúc với các chuyên gia tâm lý, bạn có thể tập trò chuyện, tâm sự với những người gần gũi như gia đình, bạn bè thân thiết,…
Việc chú ý đến cảm xúc của bản thân là rất quan trọng để bảo vệ mình khỏi sự kiệt quệ. Hy vọng bài viết sau đã giúp bạn hiểu hơn về chứng kiệt quệ cảm xúc cùng nguyên nhân, triệu chứng và các cách điều trị tình trạng này. Thông qua đó, bạn nên có những biện pháp phù hợp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe tinh thần của mình.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.