Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Kỹ thuật truyền dịch tĩnh mạch: Phân loại, quy trình và nguyên tắc thực hiện

Ngày 24/03/2024
Kích thước chữ

Kỹ thuật truyền dịch tĩnh mạch là một biện pháp hỗ trợ điều trị rất phổ biến ở các cơ sở y tế, thậm chí ngay tại nhà dưới sự thực hiện của nhân viên y tế. Kỹ thuật truyền dịch mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng nếu lạm dụng hoặc thực hiện không đảm bảo kỹ thuật có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Hầu hết chúng ta đều từng nghe đến thuật ngữ truyền đạm, truyền nước biển, truyền vitamin,... mỗi khi bản thân hay có người thân bị ốm. Đó đều là những kỹ thuật truyền dịch trong y tế. Truyền dịch được chỉ định rộng rãi tại các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế,... Vậy truyền dịch là gì? Khi nào nên thực hiện truyền dịch? Quy trình truyền dịch cần lưu ý những gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin hữu ích về kỹ thuật này.

Khái quát chung về kỹ thuật truyền dịch tĩnh mạch

Truyền dịch là gì?

Kỹ thuật truyền dịch tĩnh mạch là phương pháp đưa khối lượng dung dịch vào cơ thể một bằng đường tĩnh mạch thông qua kim truyền hoặc ống dẫn (catheter). Kỹ thuật này giúp dịch truyền được đưa trực tiếp vào máu một cách nhanh chóng và chính xác. Từ đó giúp tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

Kỹ thuật truyền dịch tĩnh mạch: Phân loại, quy trình và nguyên tắc thực hiện 1
Truyền dịch được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế

Mục đích của việc truyền dịch

Chúng ta đều biết nước và chất vô cơ đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Khi tình trạng rối loạn nước và chất vô cơ xảy ra, cơ thể sẽ phải chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, truyền dịch tĩnh mạch sẽ là giải pháp hiệu quả và an toàn nhất giúp cân bằng nước và điện giải cho cơ thể.

Kỹ thuật truyền dịch tĩnh mạch nhằm:

  • Giúp người bệnh phục hồi khối lượng tuần hoàn đã mất trong các trường hợp bỏng, tiêu chảy mất nước, xuất huyết, mất máu.
  • Giúp cơ thể giải độc, lợi tiểu.
  • Cung cấp dinh dưỡng, vitamin cho cơ thể trong trường hợp người bệnh bị suy dinh dưỡng, thiếu chất do không ăn uống được.
  • Truyền thuốc trong trường hợp điều trị dài ngày.

Khi nào nên truyền dịch?

Kỹ thuật truyền dịch tĩnh mạch thường được áp dụng trong những trường hợp như:

  • Người bị xuất huyết.
  • Người bị bỏng nặng.
  • Người bị nôn, tiêu chảy gây ra tình trạng mất nước.
  • Người chuẩn bị phẫu thuật và người sau phẫu thuật.
  • Người đang điều trị bệnh lý nhưng cơ thể suy kiệt do thiếu dưỡng chất.
  • Các trường hợp điều trị bệnh osler, áp xe phổi, hôn mê,... có thể thực hiện truyền dịch tĩnh mạch duy trì liên tục kèm theo một số loại thuốc kháng sinh, thuốc nâng huyết áp,...

Mặc dù truyền dịch tĩnh mạch mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng nên áp dụng phương pháp này. Với những người bị suy tim, cao huyết áp, phù phổi cấp,... thì không nên tự ý truyền dịch tại nhà mà cần có chỉ định của bác sĩ và theo dõi tại các cơ sở y tế.

Kỹ thuật truyền dịch tĩnh mạch: Phân loại, quy trình và nguyên tắc thực hiện 2
Kỹ thuật truyền dịch cần được thực hiện bởi người có chuyên môn

Phân loại dịch truyền

Dịch truyền dùng trong kỹ thuật truyền dịch thường là các dung dịch hòa tan gồm nhiều chất khác nhau. Trong đó, hầu hết thành phần dung môi trong dịch truyền nước cất. Có khoảng 20 loại dịch truyền và được chia thành 3 nhóm gồm:

  • Nhóm dịch truyền cung cấp dưỡng chất gồm dịch truyền đạm, dịch truyền chất béo, dịch truyền vitamin, dịch truyền glucose,...
  • Nhóm dịch truyền cung cấp nước và các chất điện giải thường dùng trong các trường hợp bị mất nước và mất máu như natri clorua 0,9%, lactate ringer, bicarbonate natri 1,4%,...
  • Nhóm dịch truyền đặc biệt dùng trong các trường hợp cần bù nhanh albumin hoặc dịch tuần hoàn như dextran, cao phân tử, huyết tương tươi, haes-steril,...

Ngoài ra, dịch truyền còn được phân loại theo dung dịch đẳng trương, ưu trương và dung dịch có phân tử lượng lớn.

Quy trình và các nguyên tắc cần tuân thủ khi thực hiện truyền dịch

Theo các chuyên gia, có tới hơn 90% người bệnh nội trú được chỉ định truyền dịch tĩnh mạch. Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp tự truyền dịch tại nhà theo nhu cầu. Để đảm bảo an toàn, khi thực hiện kỹ thuật truyền dịch cần tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc sau đây:

  • Dịch truyền và dụng cụ sử dụng phải được vô khuẩn hoàn toàn.
  • Thực hiện kỹ thuật truyền dịch theo đúng quy trình y tế.
  • Đảm bảo tuyệt đối không cho không khí lọt vào tĩnh mạch.
  • Luôn đảm bảo dịch truyền cao hơn áp lực máu của người bệnh.
  • Điều chỉnh tốc độ chảy của dịch truyền theo đúng y lệnh.
  • Một số loại thuốc cần phải thử phản ứng trước khi pha dịch truyền.
  • Không để lưu kim tại một vị trí quá 24 giờ.
  • Sát khuẩn đảm bảo vị trí tiếp xúc giữa da và kim được vô khuẩn.
  • Trong suốt quá trình trước, trong và sau khi truyền dịch, cần theo dõi chặt chẽ người bệnh nhằm phát hiện sớm các phản ứng bất thường.
Kỹ thuật truyền dịch tĩnh mạch: Phân loại, quy trình và nguyên tắc thực hiện 3
Tuân thủ các nguyên tắc và quy trình truyền dịch sẽ đảm bảo an toàn cho người bệnh, giảm nguy cơ biến chứng

Quy trình truyền dịch tĩnh mạch thường được thực hiện theo các bước dưới đây:

  • Bước 1: Giải thích và thông báo cho người bệnh về chỉ định truyền dịch, thời gian truyền, đồng thời kiểm tra các chỉ số sinh tồn và xác nhận thông tin người bệnh cũng như dịch truyền. Người bệnh nên đi vệ sinh trước khi truyền dịch vì quá trình này kéo dài khá lâu và người bệnh cần hạn chế di chuyển.
  • Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ y tế cần thiết cho quá trình truyền dịch, tiến hành đặt cọc truyền vào vị trí thích hợp. Sau khi sát khuẩn tay, nhân viên y tế kiểm tra thông tin trên dịch truyền rồi mở nắp chai, cắm đầu dây truyền vào chai và đẩy không khí ra ngoài bằng cách khóa lại. Tiếp theo bóp đầu cao su cho dịch chảy xuống một nửa bầu chai, mở khóa cho dịch chảy từ từ vào bồn hạt đậu cho đến khi hết không khí trong dây. Đồng thời pha thêm thuốc vào chai dịch nếu có chỉ định.
  • Bước 3: Hướng dẫn người bệnh nằm vào vị trí phù hợp, chọn vị trí đưa kim vào tĩnh mạch rồi tiến hành buộc dây garo cách vị trí truyền khoảng 3cm. Tiếp theo sát khuẩn vị trí truyền và sát khuẩn tay lần thứ 2.
  • Bước 4: Dùng tay thuận cầm kim chếch góc 15 - 30 độ so với da đưa vào tĩnh mạch. Đến khi thấy có máu chảy ra thì tháo dây garo và mở khoá cho dịch chảy vào tĩnh mạch. Điều chỉnh tốc độ dịch chảy phù hợp rồi dùng băng dính cố định đốc kim, đồng thời dặn dò và quan sát người bệnh mỗi 15 phút/lần.
  • Bước 5: Khi dịch truyền còn khoảng 10 - 20ml thì khóa lại, rút kim rồi tiến hành sát khuẩn để kết thúc quá trình truyền dịch.

Tóm lại, truyền dịch là phương pháp mang lại nhiều lợi ích trong hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, ngoài lợi ích nó cũng có thể gây nguy hiểm nếu thực hiện kỹ thuật truyền dịch không đảm bảo. Một số biến chứng có thể xảy ra như dị ứng, tắc nghẽn, thoát mạch, nhiễm khuẩn huyết, di lệch,... Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về truyền dịch và tránh lạm dụng truyền dịch tại nhà để giảm thiểu hệ lụy đối với sức khỏe.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin