Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Làm IVF có bị thai trứng không? Cách phòng ngừa thai trứng

Thanh Hương

21/03/2025
Kích thước chữ

Thai trứng là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Liệu làm IVF có bị thai trứng không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ mối liên hệ giữa IVF và thai trứng, cũng như cách phòng ngừa rủi ro.

Thai trứng là tình trạng phôi thai không phát triển bình thường, mà thay vào đó, các tế bào nhau thai tăng sinh bất thường thành khối u. Tình trạng này có thể xảy ra với bất kỳ thai kỳ nào. Nhưng liệu làm IVF có bị thai trứng không? Trong bài viết này, Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về nguy cơ thai trứng khi làm IVF.

Thai trứng là gì?

Thai trứng là một biến chứng thai kỳ hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của phụ nữ. Đây là tình trạng sự phát triển bất thường của mô nhau thai, dẫn đến sự tăng sinh bất kiểm soát của các tế bào nuôi dưỡng phôi thai. Thai trứng được chia thành hai loại chính: Thai trứng toàn phần và thai trứng bán phần.

Chửa trứng toàn phần xảy ra khi trứng không chứa vật chất di truyền của mẹ, chỉ có bộ nhiễm sắc thể từ tinh trùng nhân đôi, dẫn đến một khối mô bất thường mà không có phôi thai. Trong khi đó, chửa trứng bán phần xảy ra khi một trứng được thụ tinh bởi hai tinh trùng, tạo ra một phôi thai bất thường cùng với mô nhau thai tăng sinh bất kiểm soát.

Làm IVF có bị thai trứng không? Cách phòng ngừa thai trứng 1
Nhiều người muốn biết làm IVF có bị thai trứng không?

Làm IVF có bị thai trứng không?

Thai trứng chủ yếu liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể, có thể xảy ra trong cả thai kỳ tự nhiên và IVF. Vì vậy, với thắc mắc làm IVF có bị thai trứng không, câu trả lời của các chuyên gia là hoàn toàn có thể. Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng thụ tinh ống nghiệm làm tăng nguy cơ thai trứng. Nhưng trong thực tế, một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thai trứng có thể có xu hướng cao hơn trong IVF, nhưng không phải do chính quá trình thụ tinh ống nghiệm mà có thể do các yếu tố khác như:

Chất lượng trứng và tinh trùng

Trứng có chất lượng kém, thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi hoặc có rối loạn nội tiết, có thể làm tăng nguy cơ phân bào bất thường, dẫn đến thai trứng. Tinh trùng cũng vậy. Khi có bất thường về di truyền hoặc tổn thương ADN tinh trùng, nguy cơ thai trứng sẽ tăng lên. Cả trứng và tinh trùng khi đưa ra ngoài cơ thể đều có thể suy giảm chất lượng khi không bảo quản đúng cách. Các chuyên gia khuyến cáo các cặp đôi nên kiểm tra chất lượng trứng và tinh trùng kỹ lưỡng trước khi thực hiện IVF để giảm nguy cơ bất thường thai kỳ.

Tuổi của người mẹ

Những cặp vợ chồng cần làm IVF thường đã trải qua thời gian dài chờ đợi mang thai tự nhiên. Vì vậy, số lượng không nhỏ phụ nữ làm IVF đã ngoài 30 tuổi, thậm chí ngoài 40 tuổi. Phụ nữ mang thai trên 40 tuổi có nguy cơ mắc thai trứng cao gấp 5,2 lần so với nhóm tuổi từ 21 đến 35. Điều này có thể liên quan đến sự suy giảm chất lượng trứng theo tuổi tác.

Làm IVF có bị thai trứng không? Cách phòng ngừa thai trứng 2
Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ thai trứng khi làm IVF

Tiền sử thai trứng

Tiền sử thai trứng trước đó cũng làm tăng nguy cơ lặp lại trong lần mang thai tiếp theo, dù là tự nhiên hay IVF. Phụ nữ từng bị thai trứng có nguy cơ tái phát khoảng 1 - 2% trong lần mang thai tiếp theo, cao hơn so với nguy cơ lần đầu mắc bệnh. Nếu đã từng bị thai trứng hai lần, nguy cơ tái phát sẽ tăng lên khoảng 15 - 20% ở lần mang thai thứ ba. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tỷ lệ tái phát này chỉ áp dụng trong các trường hợp thai trứng toàn phần. Thai trứng bán phần có nguy cơ tái phát thấp hơn, nhưng vẫn cần được theo dõi chặt chẽ.

Bất thường nhiễm sắc thể trong các phôi

Bất thường nhiễm sắc thể trong thai trứng thường xảy ra do rối loạn phân bào trong quá trình thụ tinh, nơi nhiễm sắc thể không phân tách đúng cách. Các lỗi trong việc phân chia nhiễm sắc thể này có thể gây ra các bất thường như tăng nhiễm sắc thể hoặc mất nhiễm sắc thể.

Dấu hiệu nhận biết thai trứng sau IVF

Như vậy, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi làm IVF có bị thai trứng không. Thai trứng sau thụ tinh trong ống nghiệm có thể được phát hiện sớm thông qua các dấu hiệu lâm sàng và hình ảnh siêu âm. Một trong những dấu hiệu điển hình là ra máu âm đạo bất thường, thường có màu nâu sẫm hoặc đỏ tươi, xuất hiện rải rác hoặc kéo dài.

Bên cạnh đó, tử cung lớn nhanh bất thường so với tuổi thai là một dấu hiệu quan trọng không nên bỏ qua. Thai trứng có thể làm cho nồng độ hormone hCG trong máu tăng rất cao. Điều này dẫn đến sự phát triển quá mức của mô nhau thai mà không có sự phát triển bình thường của phôi. Khi đó, tử cung mở rộng nhanh chóng, vượt mức so với tuổi thai thông thường.

Phụ nữ mang thai trứng cũng thường gặp tình trạng buồn nôn và nôn nghiêm trọng hơn so với thai kỳ bình thường. Nguyên nhân là do mức độ hCG quá cao kích thích vùng trung tâm nôn của não. Từ đó khiến các triệu chứng nghén trở nên trầm trọng hơn. Một số trường hợp còn có biểu hiện cường giáp tạm thời, như nhịp tim nhanh và tay run do hCG kích thích tuyến giáp.

Khi có các dấu hiệu trên, phụ nữ làm IVF cần đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm như thai trứng xâm lấn hoặc u nguyên bào nuôi.

Làm IVF có bị thai trứng không? Cách phòng ngừa thai trứng 3
Cẩn trọng theo dõi dấu hiệu thai trứng sau làm IVF

Cách phòng tránh thai trứng khi làm IVF

Làm IVF có bị thai trứng không phụ thuộc nhiều vào chất lượng phôi. Các phôi kém chất lượng, có bất thường về mặt di truyền có thể dẫn đến sự phát triển không bình thường của nhau thai. Từ đó sẽ làm tăng nguy cơ thai trứng toàn phần hoặc bán phần. Khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, lựa chọn phôi chất lượng cao là yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ thai trứng.

Một trong những phương pháp hiệu quả để giảm nguy cơ thai trứng là sàng lọc phôi trước khi chuyển phôi. Công nghệ PGT-A (Preimplantation Genetic Testing for Aneuploidy) giúp phát hiện các bất thường về nhiễm sắc thể trước khi phôi được đưa vào tử cung. Từ đó sẽ giúp lựa chọn phôi khỏe mạnh nhất, giảm nguy cơ rối loạn di truyền liên quan đến thai trứng. Mặc dù PGT-A có thể giúp giảm nguy cơ thai trứng, nhưng không phải tất cả các bất thường nhiễm sắc thể đều có thể phát hiện được bằng phương pháp này.

Duy trì sức khỏe nội tiết tố của phụ nữ cũng rất quan trọng. Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giàu axit folic, vitamin B, sắt và protein giúp cải thiện chất lượng trứng và tinh trùng. Điều này giúp phôi thai phát triển khỏe mạnh, bình thường. Ngoài ra, thai phụ cũng cần được theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ bằng siêu âm định kỳ. Các xét nghiệm beta-hCG và siêu âm sớm có thể phát hiện thai trứng ngay từ giai đoạn đầu, giúp can thiệp kịp thời để tránh biến chứng.

Các yếu tố khác như lối sống, mức độ stress và các vấn đề y tế nền có thể cũng ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tinh trùng nên cần được kiểm soát. 

Làm IVF có bị thai trứng không? Cách phòng ngừa thai trứng 4
Sàng lọc trước khi chuyển phôi giúp giảm nguy cơ thai trứng

Làm IVF có bị thai trứng không? Câu trả lời là nguy cơ thai trứng khi làm IVF vẫn tồn tại. Thai trứng là một biến chứng sản khoa nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ. Bằng cách thực hiện các biện pháp trên, nguy cơ thai trứng trong IVF có thể được giảm thiểu. Nếu có tiền sử thai trứng, bà bầu cần theo dõi thai kỳ sát sao để phát hiện và can thiệp kịp thời.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin