Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Làm sao để hết chảy máu chân răng? Cách khắc phục tại nhà

Ngày 06/09/2024
Kích thước chữ

Chảy máu chân răng là tình trạng thường gặp ở khoang miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Dù chỉ là hiện tượng thoáng qua nhưng chảy máu chân răng lại gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng nếu không được xử trí kịp thời. Vậy phải làm sao để hết chảy máu chân răng? Hãy cùng tìm hiểu các cách khắc phục chảy máu chân răng trong bài viết dưới đây.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều bị chảy máu chân răng ít nhất một lần trong đời. Tình trạng này thường xảy ra trong quá trình sử dụng tăm xỉa răng, chỉ nha khoa, đánh răng hoặc ngay cả khi bạn ăn uống.

Chảy máu chân răng thường chỉ thoáng qua và hết nhanh chóng khiến nhiều người chủ quan cho đó là dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, chảy máu chân răng liên tục ngay cả khi không có tác động mạnh thì có thể đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe răng miệng. Bên cạnh đó, việc chảy máu chân răng diễn ra liên tục có thể gây ra nhiều phiền toái trong quá trình sinh hoạt, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh răng miệng. Vì thế, việc hiểu rõ nguyên nhân cũng như làm sao để hết chảy máu chân răng chính là chìa khóa giúp bạn chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Chảy máu chân răng là gì?

Đây là tình trạng máu chảy ra từ các vị trí xung quanh như nướu, hốc răng. Triệu chứng này rất phổ biến và thường không quá nghiêm trọng nếu lượng máu chảy ít, không kéo dài.

Làm sao để hết chảy máu chân răng? Cách khắc phục tại nhà 1
Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh răng miệng

Chảy máu chân răng có thể xảy ra thoáng qua và tự hết nhưng cũng có nhiều trường hợp máu chảy lâu và tái đi tái lại thường xuyên. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về sức khỏe răng miệng hoặc một số bệnh lý khác như tiểu đường, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, bệnh về máu,... Bởi chảy máu chân răng do các bệnh lý răng miệng không được điều trị có thể dẫn đến viêm lợi (viêm nướu), tụt lợi, lỏng lẻo dây chằng quanh ổ răng,... Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra viêm lợi mãn tính, hôi miệng, răng bị lung lay, thậm chí mất răng vĩnh viễn. Do đó, làm sao để hết chảy máu chân răng chính là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi gặp phải tình trạng này.

Nguyên nhân dẫn đến chảy máu chân răng

Trước khi tìm hiểu làm sao để hết chảy máu chân răng, chúng ta cần xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chảy máu chân răng có thể do một số nguyên nhân dưới đây:

  • Viêm lợi: Đây là bệnh lý răng miệng phổ biến gây ra bởi sự tích tụ mảng bám ở đường viền nướu. Nướu bị viêm thường bị kích ứng, đỏ, sưng và chảy máu.
  • Viêm nha chu: Tình trạng viêm nướu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến viêm nha chu. Lúc này, các mô nướu bị tổn thương, cấu trúc xương nâng đỡ chân răng bị phá hủy dẫn đến nhiễm trùng, tụt nướu, răng lung lay hoặc mất răng. Ngoài ra, bệnh viêm nha chu còn gây ra hôi miệng, thay đổi khớp cắn,...
  • Áp xe răng: Đây chính là túi mủ nhỏ do vi khuẩn tại răng gây ra. Những áp xe này sẽ gây đau nhức, sưng, sốt cao, chảy máu chân răng.
  • Thiếu vitamin C: Chảy máu chân răng cũng có thể do cơ thể đang bị thiếu vitamin C. Đây là vitamin rất quan trọng với xương, răng, giúp sửa chữa mô và chữa lành vết thương.
  • Đánh răng không đúng cách: Nhiều người cho rằng đánh răng nhiều lần và đánh mạnh là tốt nhưng đây là suy nghĩ sai lầm, bởi đánh răng mạnh có thể làm nướu bị tổn thương và gây ra chảy máu chân răng.
  • Dùng chỉ nha khoa không đúng cách: Chỉ nha khoa là dụng cụ vệ sinh răng miệng được nhiều người ưa chuộng nhờ khả năng làm sạch sâu trong kẽ răng hơn so với tăm truyền thống. Tuy nhiên, thao tác dùng chỉ nha khoa không đúng rất dễ khiến chân răng bị chảy máu.
  • Một số bệnh lý khác: Chảy máu chân răng có thể do một số bệnh lý khác như tiểu đường, giảm tiểu cầu, ung thư khoang miệng, ung thư máu, bệnh Hemophilia, sốt xuất huyết, hút thuốc lá, nội tiết tố,...
Làm sao để hết chảy máu chân răng? Cách khắc phục tại nhà 2
Đánh răng không đúng kỹ thuật là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chảy máu chân răng

Làm sao để hết chảy máu chân răng?

Hầu hết các trường hợp chảy máu chân răng đều tự cầm máu và chỉ thoáng qua. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, chảy máu nhiều hoặc chảy máu khó cầm, bạn hãy đi khám để bác sĩ chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân và được tư vấn làm sao để hết chảy máu chân răng. Trong thời gian trước khi đi khám, bạn cần thực hiện các biện pháp cầm máu tại chỗ để hạn chế tối đa lượng máu chảy ra.

Một số cách khắc phục chảy máu chân răng bạn có thể thực hiện ngay tại nhà như:

  • Dùng gạc y tế thấm nước muối sinh lý áp vào vùng chân răng bị chảy máu. Lưu ý, cần ấn và giữ nhẹ miếng gạc cho đến khi máu ngừng chảy hoàn toàn.
  • Dùng đá lạnh cho vào túi chườm và đặt lên vùng nướu bị sưng, chảy máu. Việc làm này sẽ giúp dịu vết thương, hạn chế chảy máu. Thời gian chườm trong khoảng 10 phút và lặp lại đến khi máu ngừng chảy.
  • Dùng nước muối sinh lý súc miệng nhẹ nhàng để tiêu diệt vi khuẩn, làm dịu phần nướu bị chảy máu, đồng thời làm giảm tình trạng chảy máu chân răng.
Làm sao để hết chảy máu chân răng? Cách khắc phục tại nhà 3
Đá lạnh có thể hỗ trợ giảm chảy máu chân răng

Ngoài ra, để phòng ngừa tình trạng chảy máu chân răng, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Lựa chọn bàn chải lông mềm, thay bàn chải sau mỗi 3 tháng sử dụng;
  • Đánh răng nhẹ nhàng, đúng kỹ thuật;
  • Dùng tăm nha khoa, chỉ nha khoa đúng cách;
  • Lấy cao răng và khám sức khỏe răng miệng định kỳ 3 đến 6 tháng/lần;
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất.

Trên đây là một số thông tin về tình trạng chảy máu chân răng. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách phòng ngừa tình trạng này, đồng thời giải đáp được thắc mắc làm sao để hết chảy máu chân răng nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời, bạn vẫn cần đi khám nha khoa để tìm ra nguyên nhân chính xác và được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin