Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lead là chất gì? Ảnh hưởng của Lead như thế nào đến sức khỏe?

Ngày 11/04/2024
Kích thước chữ

Ở nhiều cảnh báo ngộ độc bạn thường thấy xuất hiện cảnh báo Lead. Vậy Lead là chất gì? Ảnh hưởng của Lead như thế nào đến sức khỏe? Hãy cùng tìm lời giải đáp trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Lead là chất gì? Lead thực ra là tên gọi của kim loại chì là một kim loại nặng có thể gây nhiễm độc cho con người, đặc biệt là đối với trẻ em. Trong quá trình đánh giá nồng độ chì trong cơ thể, một trong những xét nghiệm phổ biến là kiểm tra kẽm - protoporphyrin.

Lead là chất gì?

Chì (Lead) là một loại kim loại nặng, được biểu diễn bằng ký hiệu Pb (gốc từ tiếng Latinh là Plumbum), có khả năng gây ra tình trạng nhiễm độc.

lead-la-chat-gi-anh-huong-cua-lead-nhu-the-nao-den-suc-khoe 1.jpg
Chì (Lead) có khả năng gây ra tình trạng nhiễm độc

Khi chì xâm nhập vào cơ thể con người, khoảng 90% lượng chì sẽ gắn vào các tế bào hồng cầu và chì sẽ tích tụ trong xương dưới dạng chì phosphate, sau đó được chuyển hóa tương tự như cách canxi được chuyển hóa. Chì có tác động ức chế đến enzyme porphobilinogen synthase và ferrochelatase, từ đó ngăn chặn quá trình tổng hợp porphobilinogen và việc sắt gắn vào protoporphyrin IX, bước cuối cùng trong quá trình tổng hợp heme của hemoglobin. Hậu quả là quá trình tổng hợp heme sẽ trở nên không hiệu quả và gây ra tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ (microcytic anemia) (Cohen AR 1981).

Ở mức độ nồng độ thấp hơn, chì ảnh hưởng tương tự như canxi, gây ra sự cản trở trong dẫn truyền tín hiệu của hệ thần kinh, đó là một trong số các nguyên nhân gây ra sự cản trở trong quá trình nhận thức.

Tình trạng nhiễm độc chì cấp có thể được điều trị bằng disodium calcium edetate: Một chất phức hợp giữa muối disodium của ethylene-diamine-tetracetic acid (EDTA) và canxi. Chất phức hợp này có khả năng tạo phức với chì lớn hơn so với canxi, do đó sự tạo phức với chì sẽ được ưu tiên, từ đó chì sẽ được loại bỏ thông qua nước tiểu. Khoảng 10% chì còn lại sẽ tồn tại dưới dạng ion và được bài tiết qua nước tiểu và phân trong vài tuần sau khi bị tiếp xúc.

Ảnh hưởng của Lead (chì) như thế nào đến sức khỏe?

Ngộ độc chì là một loại nhiễm độc kim loại, phát sinh khi người bệnh tiếp xúc với chì thông qua các nguồn trong lao động hoặc môi trường. Trong giai đoạn ban đầu của bệnh, bệnh nhân thường trải qua một loạt các triệu chứng như đau đầu, lo lắng, khó tập trung, mất ngủ kéo dài, cảm giác buồn nôn vào ban đêm hoặc sáng sớm. Cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác như tiêu chảy, táo bón, đau cơ, mất ham muốn. Ở giai đoạn tiến triển của bệnh, các triệu chứng sẽ trở nên cấp tính và nặng hơn.

lead-la-chat-gi-anh-huong-cua-lead-nhu-the-nao-den-suc-khoe 2.jpg
Ngộ độc chì có cảm giác buồn nôn vào ban đêm hoặc sáng sớm

Ngộ độc chì được chia thành hai loại chính: Nhiễm độc chì hữu cơ và nhiễm độc chì vô cơ. Nhiễm độc chì hữu cơ thường xảy ra do tiếp xúc với xăng dầu pha chì. Trong khi đó, nhiễm độc chì vô cơ phổ biến hơn và thường gặp trong quá trình sản xuất cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Chì có thể nhập vào cơ thể của con người thông qua nhiều con đường khác nhau:

Qua đường hô hấp:

Người bệnh có thể hít phải bụi, không khí, khói, hoặc hơi chứa chì. Trẻ em dễ bị nhiễm độc hơn do diện tích tiếp xúc lớn hơn ở đường hô hấp và thể tích không khí hít thở cho mỗi đơn vị cân nặng của trẻ. Tốc độ lắng đọng chì ở phổi của trẻ em cũng cao hơn gấp 2,7 lần so với người lớn.

Qua đường tiêu hoá:

Nhiễm chì có thể xảy ra thông qua thức ăn và nước uống, thường do việc không vệ sinh tay trước khi đưa vào miệng. Trẻ em có thể ngậm, mút các vật dụng chứa chì. Hấp thụ chì từ thức ăn ở trẻ em có thể lên đến 40 - 50%, trong khi ở người lớn chỉ khoảng 10 - 15%. Nếu người bệnh có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, hấp thụ chì qua đường tiêu hoá có thể tăng cao hơn.

Qua da:

Chì từ các loại thuốc nam chứa ô xít chì có thể dễ dàng hấp thụ qua da. Tỷ lệ diện tích da cho mỗi đơn vị cân nặng của trẻ em lớn hơn so với người lớn, điều này làm tăng khả năng hấp thụ chất độc qua da.

Qua nhau thai, sữa mẹ:

Chì có thể gây độc cho thai nhi thông qua việc chì đi qua nhau thai. Nồng độ chì trong máu của thai nhi có thể lên đến khoảng 80% so với nồng độ chì trong máu của mẹ. Thêm vào đó, chì cũng có thể gây độc cho trẻ qua sữa mẹ, mặc dù thông tin về con đường này chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Sự sử dụng xét nghiệm chì

Xét nghiệm chì trong máu được sử dụng để đo lường nồng độ chì trong huyết thanh tại thời điểm lấy mẫu, nhằm đánh giá mức độ độc hại của chì đối với cơ thể, đồng thời cũng để theo dõi hiệu quả của liệu pháp nếu có sự giảm dần của nồng độ chì trong máu theo thời gian.

lead-la-chat-gi-anh-huong-cua-lead-nhu-the-nao-den-suc-khoe 3.jpg
Xét nghiệm chì trong máu nhằm đánh giá mức độ độc hại

Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), ngưỡng an toàn của chì trong máu của trẻ em đã từng được giảm từ 25 mg/dL (năm 1991) xuống còn 10 µg/dL (năm 1997), và tiếp tục giảm xuống còn 5 µg/dL từ tháng 5 năm 2012. Sự giảm ngưỡng an toàn này nhằm giảm nguy cơ độc hại từ chì đối với trẻ em.

Ngoài ra, xét nghiệm chì trong máu cũng được sử dụng để theo dõi tình trạng nhiễm độc chì mạn tính ở những công nhân làm việc trong môi trường có chì. Đôi khi, xét nghiệm kẽm protoporphyrin (ZPP) cũng được sử dụng song song với xét nghiệm chì, vì nồng độ ZPP trong máu sẽ tăng cao khi chì bắt đầu ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu. Điều này cung cấp thông tin bổ sung và hỗ trợ trong việc đánh giá mức độ nhiễm độc chì trong cơ thể.

Xem thêm: Pb là chất gì? Ảnh hưởng của Pb đến sức khỏe như thế nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:ChìKim loại