Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ: Những điều cần biết!

Ngày 21/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thiếu máu hồng cầu nhỏ thoạt nghe có vẻ là căn bệnh xa lạ nhưng thực tế có rất nhiều người Việt mắc phải. Máu là thành phần không thể thiếu của cơ thể, căn bệnh này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống người bệnh không may mắc phải.

Thiếu máu không phải là bệnh hiểm gặp. Những ai mắc thiếu máu luôn gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Vậy thiếu máu có nguy hiểm không? Thiếu máu hồng cầu nhỏ là gì? Đây là những thắc mắc thường được đặt ra khi chúng ta lần đầu biết đến tên căn bệnh này. Bài viết dưới đây sẽ thông tin chính xác nhất những điều liên quan về bệnh. 

Thế nào là thiếu máu hồng cầu nhỏ?

Hồng cầu nhỏ có nghĩa là kích thước các tế bào hồng cầu bé hơn bình thường. Và bệnh thiếu máu với hồng cầu nhỏ là căn bệnh mang đặc điểm này từ đó làm giảm khả năng đưa oxy nuôi cơ thể của các tế bào hồng cầu. Dẫn đến tình trạng nặng hơn là các mô sẽ bị thiếu oxy.

Bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ: Những điều cần biết! 1
Thiếu máu hồng cầu nhỏ không phải là bệnh hiếm gặp

Thiếu máu hồng cầu nhỏ còn có cái tên gọi khác là thiếu máu nhược sắc và bệnh này chỉ dễ phát hiện nhất khi thực hiện các xét nghiệm. Tuy nhiên, dấu hiệu bệnh thiếu máu nói chung và thiếu máu hồng cầu nhỏ nói riêng mà chúng ta có thể nắm bắt trong cuộc sống thường ngày:

  • Bị khó thở hay nhịp thở bỗng tăng tốc.
  • Tính khí thất thường, cáu gắt thường xuyên.
  • Hay xoay xẩm mặt mày, da nhợt nhạt và xanh xao.
  • Nhịp tim tăng nhanh và thường cảm thấy mệt mỏi.
  • Móng tay và móng chân mất đi sắc tố hồng và dễ bị gãy.

Ngoài di truyền ra thì bệnh thiếu máu này thường gặp nhất với những đối tượng hay bị mất máu như bệnh trĩ, loét dạ dày, u xơ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư phế quản, giãn phế quản, ho ra máu, hay suy dinh dưỡng. 

Nguyên nhân mắc thiếu máu hồng cầu nhỏ

Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ:

Thiếu sắt

Sắt là nguyên tố rất quan trọng trong thành phần máu. Vậy nên những ai thiếu sắt như phụ nữ đang mang thai, người có chế độ ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng, hoặc người khó hấp thu khoáng chất sắt sẽ có khả năng cao bị mắc bệnh. Vì thế cần tìm hiểu thêm thuốc bổ sung sắt cho người thiếu máu để bổ sung khi cần thiết.

Bệnh Thalassemia

Thiếu máu hồng cầu nhỏ thường xảy ra với những ai bị bệnh Thalassemia. Bệnh này do đột biến gen di truyền gây ra và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các huyết sắc tố ở bên trong cơ thể. 

Bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ: Những điều cần biết! 2
Bệnh Thalassemia do đột biến gen

Viêm nhiễm 

Các tình trạng viêm nhiễm ở cơ thể hay các bệnh mạn tính cũng là nguyên nhân ngăn chặn các tế bào hồng cầu làm việc hiệu quả. Từ đó cơ thể sẽ dễ mắc bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ. Những ai hay bị viêm không chỉ có quá trình hoạt động của hồng cầu bị suy giảm mà cơ thể còn hấp thụ kém các khoáng chất sắt. Lao, HIV/AIDS, viêm khớp dạng thấp chính là những căn bệnh gây viêm điển hình ảnh hưởng đến hồng cầu. 

Nhiễm độc chì

Thoạt nghe nhiễm độc chì là hiện tượng khó gặp trong đời sống nhưng không, rất nhiều người Việt mắc bệnh này, đặc biệt là ngư dân hay làm lưới bởi họ thường có các thao tác tiếp xúc với chì hằng ngày. Khi nhiễm độc chì thì người bệnh cũng có khả năng bị thiếu máu nhược sắc. 

Thiếu máu nguyên hồng cầu

Bệnh này là di truyền bẩm sinh hoặc xảy ra khi cơ thể nhiễm phải các loại gen đột biến. Thiếu máu nguyên hồng cầu thường xuất hiện ở bệnh nhân bị tuỷ xương. Quá trình sản xuất các tế bào sắt bị gặp cản trở khiến cơ thể không kết hợp được với sắt để cho ra hemoglobin đi nuôi tế bào. 

Bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ: Những điều cần biết! 3
Thiếu máu nguyên hồng cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ

Phải làm gì khi mắc thiếu máu hồng cầu nhỏ?

Khi mắc bệnh hồng cầu nhỏ, bạn không nên quá hoảng sợ, hãy đến bệnh viện để gặp bác sĩ thăm khám và tuân thủ một số vấn đề sau:

Điều trị dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ

Bệnh thiếu máu nhược sắc ở giai đoạn đầu không có triệu chứng gì đặc biệt và nếu có cũng hay bị người mắc chủ quan bỏ qua. Chỉ khi thăm khám bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm để phân độ thiếu máu và những yếu tố cần thiết khác thì người bệnh mới biết về hiện trạng. Vậy nên lúc này hãy tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Đặc biệt thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/1 lần để tầm soát bệnh hiệu quả nhất.

Bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ: Những điều cần biết! 4
Cần tích cực điều trị, thăm khám bác sĩ khi bị thiếu máu

Cân bằng chế độ dinh dưỡng

Những ai ăn uống không đầy đủ hay ăn uống thiếu khoa học có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ. Vậy nên trong quá trình điều trị cũng như phòng tránh thì phải tích cực bổ sung thực phẩm tốt cho cơ thể. Thiếu máu hồng cầu nhỏ nên ăn gì?

Bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ: Những điều cần biết! 5
Người mắc thiếu máu hồng cầu nhỏ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học

Ăn nhiều thịt đỏ, hải sản, trứng để bổ sung sắt và khoáng chất thiết yếu. Ngoài ra nên uống Vitamin C hay các loại nước ép trái cây để bổ sung Vitamin C cho cơ thể, từ đó hấp thu sắt tốt nhất. Nếu bản thân bạn là người khó hấp thu thì nên mạnh dạn uống các viên uống sắt kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học để cơ thể được cung cấp sắt toàn diện nhất. 

Tập thể dục

Khi cơ thể chậm chạp, ít tập luyện thể dục thì quá trình chuyển hoá, hấp thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể như bị “đình trệ”. Vậy nên hãy tập luyện thể thao để quá trình lưu thông máu được hiệu quả cũng như tái tạo tinh thần phấn chấn. Nhưng với những ai đã mắc thiếu máu nhược sắc thì chỉ nên chọn các bộ môn nhẹ nhàng như yoga cơ bản, thiền định để tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt không gì tốt bằng khi bạn duy trì một lối sống lành mạnh. Hãy ngủ đủ giấc, không thức khuya, hạn chế uống rượu bia.

Trên đây là những chia sẻ về bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ. Bất kì ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Vì thế nên hãy xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh để chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết bạn có thể hiểu sâu sắc về căn bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ cũng như chủ động phòng tránh hay không hoang mang khi mắc bệnh. 

Bảo Thanh

Nguồn tham khảo: medlatec.vn

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm