Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Trong một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Nutrients, các nhà khoa học đã tìm hiểu hàm lượng caffeine trong nhiều loại cà phê phổ biến để đánh giá mức độ an toàn của chúng theo khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, một số loại cà phê "mang đi" có chứa hàm lượng caffeine cao hơn đáng kể so với cà phê tự pha, cho thấy cần phải xem xét cả số lượng cốc và hàm lượng caffeine để tránh tình trạng tiêu thụ quá mức.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc uống cà phê có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở những người thường xuyên uống cà phê. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện mối liên hệ ngược giữa việc tiêu thụ cà phê và sự suy giảm nhận thức ở một số nhóm dân cư.
Mặc dù các chuyên gia khuyến nghị nên uống từ 3 - 5 tách cà phê mỗi ngày như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng vẫn có sự nhầm lẫn về việc thế nào là một "cốc" do khẩu phần và hàm lượng caffeine khác nhau.
Cà phê không chỉ được biết đến có hàm lượng caffeine cao, mà còn chứa nhiều hợp chất khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Hàm lượng caffeine trong cà phê có thể thay đổi lớn dựa trên loại hạt, cách pha và khẩu phần. Những biến thể này đòi hỏi cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc tiêu thụ cà phê, nhất là khi các chuỗi cửa hàng cà phê ngày càng phổ biến.
Các cơ quan như Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu khuyến nghị rằng lượng caffeine an toàn hàng ngày cho người lớn là 400mg và đề xuất các hướng dẫn thực tiễn hơn để giúp người tiêu dùng quản lý lượng caffeine tiêu thụ một cách hiệu quả.
Nghiên cứu này nhằm phân tích lượng caffeine trong các khẩu phần cà phê phổ biến, bao gồm cả nguồn thương mại và nguồn tự chế thông qua hai phân tích riêng biệt.
Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các loại cà phê có hàm lượng caffeine nằm trong khoảng an toàn từ 75 - 200mg mỗi khẩu phần và đánh giá mức độ tuân thủ của chúng với giới hạn caffeine khuyến nghị hàng ngày.
Trong phần đầu tiên, các nhà nghiên cứu thu thập 208 mẫu của bốn loại cà phê phổ biến (americano, espresso, cappuccino và caffè latte hoặc latte macchiato) từ nhiều cửa hàng nhượng quyền, tiệm bánh, nhà hàng, cửa hàng tạp hóa và trạm xăng ở Ba Lan. Các mẫu này được phân tích về hàm lượng caffeine bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá chính xác lượng caffeine trong từng mẫu.
Phần thứ hai của nghiên cứu tập trung vào việc thử nghiệm 91 mẫu cà phê tự pha tại nhà trong phòng thí nghiệm, bao gồm cà phê hòa tan và cà phê xay. Mỗi mẫu được ủ theo phương pháp tiêu chuẩn và phân tích tương tự.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu thực hiện phân tích thống kê để so sánh hàm lượng caffeine giữa các loại cà phê và kích cỡ khẩu phần khác nhau.
Nghiên cứu cho thấy hàm lượng caffeine trong các khẩu phần cà phê rất đa dạng, trung bình khoảng 83mg mỗi khẩu phần, với mức dao động từ 13 - 309mg. Cà phê từ các cửa hàng nhượng quyền thường chứa lượng caffeine cao gấp 3 lần so với cà phê tự làm tại nhà.
Trong các loại cà phê được khảo sát, americano có hàm lượng caffeine trung bình cao nhất. Trong khi cà phê pha bằng cách đổ nước nóng lên cà phê xay có mức caffeine thấp nhất. Khoảng 42% mẫu cà phê có hàm lượng caffeine từ 75 - 200mg mỗi khẩu phần, mức này được coi là tốt cho sự tỉnh táo của tinh thần.
Tuy nhiên, có khoảng 19% mẫu americano vượt quá 200mg caffeine mỗi khẩu phần, có nguy cơ tiêu thụ quá mức. Uống từ ba đến năm tách cà phê như americano hoặc cappuccino có thể dễ dàng vượt quá mức caffeine an toàn hàng ngày là 400mg, đặc biệt với những khẩu phần có hàm lượng caffeine cao.
Nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt rõ rệt về hàm lượng caffeine giữa các loại cà phê, điều này rất quan trọng vì việc ước lượng lượng caffeine có thể không chính xác.
Các phát hiện cho thấy cà phê từ cửa hàng nhượng quyền thường có hàm lượng caffeine cao hơn so với cà phê tự làm, phù hợp với các nghiên cứu trước đó, nhưng nêu bật sự khác biệt, như cà phê americano từ tiệm bánh có nhiều caffeine hơn so với cà phê từ các cửa hàng cà phê.
Điểm mạnh của nghiên cứu là cỡ mẫu lớn (299 mẫu) và sự phù hợp thực tế, đặc biệt là đối với cà phê tự làm, phổ biến ở Ba Lan. Tuy nhiên, nghiên cứu thiếu thông tin chi tiết về phương pháp pha chế cà phê, điều này có thể ảnh hưởng đến hàm lượng caffeine.
Nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải nhận thức về hàm lượng caffeine trong các sản phẩm cà phê, vì tiêu thụ 4 - 5 tách cà phê mỗi ngày từ các cửa hàng có thể dễ dàng vượt quá giới hạn an toàn là 400mg caffeine.
Nguy cơ tiêu thụ quá mức caffeine cũng đáng lưu ý vì caffeine có thể đến từ các nguồn khác như trà và nước tăng lực, và tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra nhịp tim nhanh, run cơ, vấn đề về đường tiêu hóa và mất ngủ.
Các nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào việc phát triển hướng dẫn thực tế về tiêu thụ caffeine an toàn, xem xét cả số lượng khẩu phần và độ mạnh của các loại cà phê khác nhau. Thêm vào đó, có thể nghiên cứu các khuyến nghị về caffeine cá nhân hóa, dựa trên tỷ lệ trao đổi chất của từng người.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.