Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Lời khuyên khi đi bơi: Những ai không nên đi bơi?

Ngày 28/09/2024
Kích thước chữ

Bơi lội là hoạt động giải trí tuyệt vời và tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng phù hợp để tham gia. Một số tình trạng sức khỏe và yếu tố cá nhân có thể làm tăng nguy cơ khi bơi, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những ai không nên đi bơi và cách bảo vệ sức khỏe của bạn trong những dịp xuống nước.

Tìm hiểu những ai không nên đi bơi và các nguy cơ sức khỏe có thể xảy ra giúp bạn bảo vệ bản thân và gia đình khi tham gia hoạt động bơi lội. Mặc dù bơi lội rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu bạn thuộc các nhóm đối tượng sau thì tốt nhất không nên tham gia hoạt động này.

Lợi ích của bơi lội với sức khỏe

Bơi lội là một hoạt động thể thao lành mạnh mà mọi người nên duy trì trong cuộc đời bởi nó có nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Bơi lội là hoạt động giải trí tuyệt vời cho mọi lứa tuổi. Bơi lội giải trí có thể cung cấp cho bạn bài tập luyện nhẹ nhàng và là cách tốt để thư giãn và cảm thấy thoải mái.

Bơi lội là một hình thức bài tập tim mạch tuyệt vời vì nó tác động toàn bộ cơ thể bạn chống lại sức cản của nước, buộc tim và phổi của bạn phải làm việc nhiều hơn để cung cấp oxy cần thiết cho các cơ. Điều này giúp tăng cường hệ thống tim mạch của bạn, bao gồm cả tim và phổi, cải thiện hiệu quả và sức bền của chúng.

Bơi lội cung cấp bài tập toàn thân hiệu quả. Nó sử dụng tất cả các nhóm cơ chính của cơ thể, bao gồm vai, lưng, bụng, chân, hông và mông. Sức cản của nước khiến cơ thể hoạt động mạnh hơn, giúp săn chắc cơ, tăng sức mạnh và xây dựng sức bền.

Lời khuyên khi đi bơi: Những ai không nên đi bơi 1
Bơi lội có nhiều lợi ích với sức khỏe và tâm trạng

Bơi lội là một cách tuyệt vời để cải thiện sự dẻo dai của bạn. Không giống như các hình thức tập thể dục khác, bao gồm các chuyển động thẳng, bơi lội đòi hỏi cơ thể phải duỗi, xoay và kéo qua nước. Điều này có nghĩa là với mỗi lần bơi, cơ thể bạn thực hiện một loạt các chuyển động đầy đủ, giúp giữ cho cơ bắp của bạn dẻo dai và linh hoạt.

Bơi lội đòi hỏi sự tập trung vào các chuyển động cơ thể, hơi thở và cảm giác của nước xung quanh bạn. Sự tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và các cảm giác vật lý này có thể phản ánh một số nguyên tắc của chánh niệm, một phương pháp thực hành được chứng minh là giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần.

Những ai không nên đi bơi?

Mặc dù bơi lội là môn vận động toàn thân, tác động tới gần khắp các bộ phận của cơ thể, tuy nhiên đây cũng là môn thể thao không phải ai cũng thích hợp. Vậy những ai không nên đi bơi? Dưới đây là những nhóm người không nên tham gia bộ môn này:

Người mắc bệnh hô hấp

Những người gặp phải các vấn đề về đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, hen suyễn hay viêm phổi không nên bơi lội, vì áp lực nước có thể gây khó thở. Nước lạnh cũng có thể làm tổn thương phổi, dẫn đến tình trạng ho kéo dài. Đặc biệt, với những ai bị viêm mũi hoặc viêm xoang, việc bơi lội có thể khiến nước xâm nhập vào mũi, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Lời khuyên khi đi bơi: Những ai không nên đi bơi? 3
Những ai không nên đi bơi: Nếu mắc bệnh hô hấp, bạn không nên đến hồ bơi

Người vừa uống bia, rượu

Sau khi uống rượu, bia, tuyệt đối không nên bơi. Việc này có thể làm cơ thể bị cảm lạnh hoặc trúng gió. Bơi lội sẽ làm tăng tốc độ tản nhiệt đột ngột, gây ra đau đầu, chóng mặt, hạ đường huyết và có thể dẫn đến choáng váng hay chuột rút. Trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.

Người bị viêm da dị ứng

Những người bị nấm da, mụn nhọt sưng tấy, ghẻ lở hay viêm da á sừng không nên xuống bể bơi. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác mà còn bảo vệ nguồn nước khỏi ô nhiễm. Người bị viêm da dị ứng cũng nên cẩn thận, vì nước trong bể bơi thường chứa hóa chất khử trùng, có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Lời khuyên khi đi bơi: Những ai không nên đi bơi? 4
Bệnh viêm da dị ứng có thể nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với nước hồ bơi

Người có vết thương hở

Những ai không nên đi bơi? Người có vết thương hở dễ bị nhiễm trùng khi tiếp xúc với nước bể bơi, vì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Nước trong bể có thể làm tình trạng vết thương trở nên nghiêm trọng hơn, với khả năng bị mưng mủ và lâu lành.

Người bị cao huyết áp

Người mắc cao huyết áp thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát chỉ số huyết áp của mình. Khi bơi, nếu bị nhiễm lạnh, mạch máu có thể co lại đột ngột, dẫn đến huyết áp tăng cao bất thường, gây ra tai biến mạch máu não. Tình trạng này có thể để lại nhiều di chứng nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ gây hôn mê hoặc tử vong.

Phụ nữ bị viêm âm đạo

Phụ nữ bị viêm âm đạo không nên bơi để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Dù nước trong bể được khử trùng kỹ lưỡng, vẫn có thể có vi khuẩn từ những người khác. Việc bơi lội có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vùng kín, dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn.

loi-khuyen-khi-di-boi-nhung-ai-khong-nen-di-boi-4.jpg
Phụ nữ bị viêm âm đạo nên hạn chế đi bơi

Tần suất đi bơi đảm bảo an toàn với sức khỏe

Trung bình, trong 1 giờ bơi lội, cơ thể sẽ tiêu tốn khoảng 400 calo. Tuy nhiên, do điều kiện không phải ai cũng có thể bơi hàng ngày, các bác sĩ khuyên rằng tốt nhất nên bơi từ 2 - 3 lần mỗi tuần và duy trì thói quen này.

Đối với người mới bắt đầu, bạn có thể khởi đầu với 10 phút bơi, sau đó từ từ tăng thời gian lên 30 phút, 45 phút, và tối đa là 60 phút khi đã quen. Những người bơi đều đặn 2 - 3 lần mỗi tuần, mỗi lần 60 phút, sẽ cảm nhận được sự cải thiện về sức khỏe, sự dẻo dai và có được một thân hình cân đối.

Một vài lưu ý trước khi đi bơi bạn cần chú ý là không nên đi bơi khi vừa ăn no xong hoặc khi vừa hoạt động thể chất ra nhiều mồ hôi. Trước khi bơi cần khởi động thật kỹ để tránh bị co cơ hoặc chuột rút. Trong khi bơi nên sử dụng kính bơi và mũ bơi để bảo vệ mắt, tai và mái tóc của bạn. Sau khi bơi xong, nhớ tắm sạch bằng nước ấm để loại bỏ nước bể bơi trên cơ thể.

Việc xác định những ai không nên đi bơi là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ, hãy cân nhắc kỹ trước khi tham gia hoạt động này và tìm kiếm các lựa chọn thay thế an toàn hơn. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của mình để có những trải nghiệm tích cực và an toàn khi tham gia bơi lội.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.