Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cho đến hiện tại gout vẫn là căn bệnh chưa thể trị dứt điểm, chỉ điều trị được các triệu chứng và giảm tốc độ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vì thế phòng bệnh gout vẫn hơn là chữa bệnh. Bài viết sẽ chia sẻ với bạn 4 cách đơn giản thực hiện được tại nhà để phòng tránh được căn bệnh này.
Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến cơ thể dễ mắc gout hơn, ngoài các yếu tố không thay đổi được như di truyền, giới tính, chủng tộc, thì có thể phòng bệnh gout bằng cách xây dựng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tránh những thói quen xấu, có lối sống khoa học và biết lắng nghe cơ thể của bạn.
Một trong những nguyên nhân chính của bệnh gout là sự tăng cao của axit uric trong máu, lượng chất này phần lớn vào cơ thể từ thực phẩm mà ta ăn vào. Vì vậy phương pháp quan trọng nhất để phòng bệnh gout là có chế độ ăn uống lành mạnh chẳng hạn như:
Hạn chế sử dụng rượu bia, thức uống có cồn, không hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích vì chúng có thể làm suy giảm chức năng gan thận, gia tăng sự tạo axit uric trong gan và ngăn cản thận thải axit uric từ đó dẫn đến bệnh gout.
Tuyệt đối không nên nhịn đói vì có thể làm nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Chỉ việc làm đơn giản là ăn đủ bữa trong ngày đã góp phần giúp bạn phòng tránh được căn bệnh này.
Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng lao, Aspirin,... có thể gây khởi phát cơn gout cấp. Vì vậy, bạn nên uống đúng liều lượng theo chỉ định và tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu đã mắc gout để được hướng dẫn dùng thuốc đúng cách.
Bên cạnh một chế độ ăn phù hợp, việc xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa được rất nhiều nguy cơ sức khỏe như mắc các bệnh tăng huyết áp, béo phì, đột quỵ,... và kể cả gout.
Theo nhiều nghiên cứu, nếu mỗi ngày bạn dành ra 30 phút để luyện tập thể dục và duy trì đều đặn thói quen này sẽ rất có lợi cho việc kiểm soát bệnh gout, giảm thiểu nguy cơ hình thành các cơn gout cấp cũng như phát sinh biến chứng liên quan. Tùy theo thể trạng của từng người có thể chọn nhiều hình thức vận động khác nhau như bơi lội, đạp xe, đi bộ,...
Lưu ý không nên tập luyện quá sức có thể gây chấn thương cơ xương khớp, làm tăng lượng axit uric giải phóng ra dẫn đến cơn gout cấp. Trong trường hợp bị chấn thương, nhiễm khuẩn hay phẫu thuật, colchicin có thể được dùng có chỉ định để dự phòng diễn biến xấu xảy ra.
Bởi vì lượng axit uric tỉ lệ thuận với mức độ béo phì và chỉ số cân nặng nên béo phì được xem là một trong nguyên nhân dẫn đến bệnh gout. Việc đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý không chỉ giúp phòng tránh các đợt viêm cấp của bệnh gout mà còn góp phần hạn chế thoái hóa khớp thông qua cách giảm áp lực tác động lên các khớp chịu lực chính.
Giảm cân đối với những người thừa cân béo phì là mục tiêu quan trọng để phòng tránh bệnh gout. Tuy nhiên không nên ăn kiêng khem quá nghiêm ngặt hay giảm cân đột ngột lại gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Những phương pháp giảm cân cực đoan không được khuyến khích, thay vào đó mọi người nên duy trì cân nặng phù hợp thông qua chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, kết hợp cùng tập thể dục thường xuyên.
Thói quen uống đủ nước theo nhu cầu sẽ giúp hệ bài tiết hoạt động nhịp nhàng, loại bỏ độc tố ra ngoài cơ thể trong đó có axit uric. Dựa vào độ tuổi, giới tính, cân nặng và mức độ hoạt động có thể ước tính được lượng nước cần uống trong một ngày của mỗi cá nhân khác nhau.
Bạn nên tránh các yếu tố tâm lý tiêu cực như căng thẳng, stress, buồn phiền, lo âu, suy nghĩ nhiều,… vì chúng gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Cần cân bằng thời gian làm việc, học tập với nghỉ ngơi, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, tìm cho bản thân thú vui lành mạnh để khỏe từ thể chất đến tinh thần.
Cơ thể là một cỗ máy hoạt động và tự sửa chữa diệu kỳ, chỉ cần để ý quan sát bất thường và điều chỉnh kịp thời, cơ hội phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để điều trị và tránh những biến chứng nguy hiểm sẽ tăng cao.
Hãy dành vài phút mỗi ngày để quan sát xem bản thân có bất kỳ biểu hiện sưng đỏ, đau nhức ở các khớp, đặc biệt là khớp ngón tay chân, sau khi uống nhiều bia rượu hoặc ăn những bữa ăn giàu protein. Nếu có, bạn nên mau chóng đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời vì đây là những biểu hiện đặc trưng cho bệnh gout.
Bệnh gout có liên quan mật thiết với một số bệnh lý mãn tính khác như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa khác. Cùng có đặc tính không thể chữa dứt điểm, nếu kiểm soát tốt các bệnh lý trên cũng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh gout.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa chứng ngưng thở khi ngủ và tần suất các cơn đau gout cấp tính xảy ra. Do đó, khắc phục tình trạng ngưng thở khi ngủ có thể góp phần phòng ngừa bệnh gout thông qua việc giảm lượng axit uric sản sinh ra.
Tóm lại, bệnh gout có thể dễ dàng phòng tránh ngay từ đầu bằng những thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hằng ngày như đã chia sẻ ở trên. Phòng bệnh gout vẫn hơn là chữa bệnh, hãy bảo vệ sức khỏe của bạn!