Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Mạch máu não: Phân loại, chức năng và các bệnh thường gặp

Ngày 20/07/2024
Kích thước chữ

Tất cả các cơ quan trong cơ thể đều có mạch máu đến và đi. Tuy nhiên mạch máu não là đại diện được quan tâm hơn cả bởi chúng chi phối trực tiếp đến hoạt động của trung ương thần kinh và sự sống còn của cơ thể. Vậy bạn biết gì về mạch máu não và các bệnh liên quan tới tổ chức này?

Mạch máu não được phân thành 3 loại chính, đó là động mạch, mao mạch và tĩnh mạch. Hệ thống nói trên tham gia vào quá trình cấp oxy, dinh dưỡng cho não bộ đồng thời lấy các chất độc hại, khí CO2 ra khỏi cơ quan quan trọng này.

Mạch máu não là gì?

Mạch máu não là hệ mạch chuyên hóa với vai trò dẫn truyền dưỡng chất và oxy nuôi não đồng thời dẫn khí thải và các chất độc hại rời khỏi trung ương thần kinh. Từ tim, những thành phần này sẽ đi tới các cơ quan như phổi, thận,... để bài xuất ra bên ngoài.

Mạch máu não: Phân loại, chức năng và các bệnh thường gặp 1
Hệ mạch máu não bao gồm tất cả các loại mạch đưa máu đến, tham gia vào trao đổi chất và dẫn máu rời khỏi khỏi bộ phận này

Hệ thống mạch máu não bao gồm 3 thành phần chính, đó là:

  • Động mạch: Là hệ thống mạch máu lớn nhất của não, bắt đầu từ động mạch đốt sống và động mạch cảnh, sau đó phân hóa thành các động mạch có cấp độ nhỏ hơn để cấp dưỡng chất và oxy đến nhiều tổ chức trong não bộ.
  • Mao mạch: Là bộ phận cầu nối giữa tiểu động mạch và tiểu tĩnh mạch. Quá trình trao đổi khí và “chuyển giao” chất dinh dưỡng giữa mạch máu và tế bào não diễn ra tại đây. Mao mạch có tốc độ lưu chuyển máu cực chậm, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình trao đổi giữa đôi bên.
  • Tĩnh mạch: Đây là hệ thống thu gom và dẫn máu từ não trở về tim. Từ tiểu tĩnh mạch, mạch máu sẽ đổ dịch tuần hoàn vào tĩnh mạch lớn hơn rồi tập kết tại tĩnh mạch màng cứng, tĩnh mạch tâm trước khi di chuyển về tĩnh mạch chủ trên.

Chức năng của mạch máu não

Như đã nhắc qua ở trên, mạch máu vùng não đảm nhiệm chức năng chính yếu là cấp khí oxy và dưỡng chất tới nuôi não, giúp cơ quan này luôn khỏe mạnh và hoàn thành tốt chức năng vốn có.

Bên cạnh vai trò cơ bản này thì hệ thống mạch máu ở não còn có thêm 2 chức năng khác, đó là:

Sản xuất và hỗ trợ lưu thông dịch kẽ, dịch não tủy

Phần lớn dịch não tủy được tạo ra từ các mao mạch hở có trong những đám rối màng mạch. Thành phần chính của loại dịch này là nước, các ion khoáng và một lượng nhỏ glucose, protein. Chức năng của dịch não tủy là làm thành tấm đệm giúp giảm xóc và giảm áp lực lên mô não.

Dịch kẽ được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó bao gồm cả khâu lọc qua mao mạch. Dịch kẽ tạo ra môi trường trung gian giữa các tế bào não, giúp ổn định trạng thái và cung cấp dưỡng chất cho những tế bào này.

Ngoài vai trò trên thì cả dịch kẽ và dịch não tủy đều góp phần loại bỏ các thành phần gây hại ra khỏi cơ quan đầu não.

Tham gia vào sinh lý dịch thần kinh

Trong kỳ tâm thu, khi áp lực ở động mạch tăng thì dòng chảy của các chất lỏng trong não cũng được kích thích. Từ đó tạo gradient áp lực giữa những không gian chứa dịch và hỗ trợ tích cực vào việc điều chỉnh dòng chảy của chúng.

Trong kỳ tâm trương, mạch giãn nên dịch não tủy chảy ngược với lượng cực nhỏ. Sự thay đổi này sẽ tác động đến cơ học và lưu biến của não (bị chi phối bởi các yếu tố như hình dạng tế bào, sự phân bố của hệ mạch và thành phần của mô vùng ngoại bào).

Mạch máu não: Phân loại, chức năng và các bệnh thường gặp 2
Hệ mạch máu ở não có sản xuất, hỗ trợ lưu thông dịch kẽ/dịch não tủy và tham gia vào sinh lý dịch thần kinh

Những vấn đề sức khỏe thường gặp ở mạch máu não

Dưới đây là những vấn đề sức khỏe thường gặp và có liên quan trực tiếp đến các mạch máu ở não:

  • Dị dạng mạch máu ở não: Mạch máu có hình thái bất thường hoặc bị nứt vỡ do di truyền, bệnh lý, chấn thương. Hệ quả đi kèm là gây xuất huyết não (50% các trường hợp). Người bệnh có triệu chứng chóng mặt, đau đầu, rối loạn thị giác, đột quỵ,...
  • Phình động mạch: Một hoặc nhiều động mạch phình to bất thường do tăng áp trong lòng hệ thống. Dấu hiệu điển hình là nôn mửa, đau đầu, ngất xỉu,... Biến chứng đi kèm là xuất huyết, đột quỵ.
  • Giãn mạch máu: Là hiện tương mạch máu giãn rộng quá mức khiến máu chảy với lưu lượng thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp dưỡng chất cho tế bào não. Nếu không xử trí nhanh, đúng cách, người bệnh có thể bị xuất huyết, nhồi máu não, rối loạn điện giải, nhiễm trùng mạch máu. Các triệu chứng thường gặp của giãn mạch máu bao gồm: Nôn ói, giảm thị lực, chóng mặt, trí nhớ suy giảm, cứng gáy,...
  • Hẹp mạch máu ở não: Mạch co hẹp có thể do xơ hóa, biến dạng hoặc tích tụ nhiều mảng bám. Điều này khiến dịch tuần hoàn khó lưu thông nên rất dễ gây đột quỵ, nhồi máu não.
  • Tắc nghẽn mạch máu: Do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa bong ra làm cản trở dòng chảy của dịch tuần hoàn. Vấn đề sức khỏe này có thể gây rối loạn ngôn ngữ, tiểu và đại tiện khó hoặc mất kiểm soát, liệt nửa người. Bệnh có biểu hiện cấp tính với các dấu hiệu khởi phát rầm rộ như: Yếu người, đau đầu nghiêm trọng, đi lại khó khăn, méo mặt,...
  • Vỡ mạch máu: Hiện tượng này có thể do va chạm cơ học, xơ vữa lâu ngày, u não chèn ép, phì đại mạch máu, động mạch yếu hoặc lưu lượng dòng chảy quá cao.
  • Xuất huyết não: Khi mạch máu bị thương tổn, nứt vỡ thì máu sẽ tràn vào nhiều bộ phận quan trọng của não bộ. Triệu chứng thường gặp là đau đầu dữ dội, bất tỉnh hoặc buồn nôn. Nếu không phát hiện sớm, xử trí nhanh thì bệnh nhân rất dễ bị rối loạn ngôn ngữ, liệt, thậm chí là không qua khỏi.
  • Tắc hoặc hẹp động mạch cảnh: Đây là động mạch đầu vào của não bộ nên nếu tắc hoặc hẹp sẽ khiến não bị thiếu hụt oxy và dinh dưỡng. Từ đó làm tăng nguy cơ chảy máu não, đột quỵ.
  • Xuất huyết vùng dưới nhện: Vấn đề sức khỏe này phát sinh do dị dạng động mạch cảnh, vỡ túi phình động mạch, phình mạch hình nấm, chấn thương,... Triệu chứng khởi phát là nôn, đau đầu, nhịp tim và nhịp hô hấp bất ổn, sốt cao,...

Để làm rõ các bệnh lý này, tùy trường hợp mà người thăm khám sẽ được chọc dò tủy sống, chụp CT, chụp MRI, điện não hoặc chụp DSA.

Mạch máu não: Phân loại, chức năng và các bệnh thường gặp 3
Hẹp, tắc nghẽn do xơ vữa hoặc xuất hiện cục máu đông là vấn đề rất thường gặp ở mạch máu vùng não

Cách bảo vệ mạch máu vùng não

Để bảo vệ mạch máu vùng não, bạn cần làm những điều sau:

  • Ăn uống lành mạnh và cân bằng, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Bổ sung nhiều chất béo không bão hòa và chất chống oxy hóa để tăng cường độ đàn hồi, sức bền của hệ mạch máu.
  • Tăng cường sức khỏe tổng quát bằng việc luyện tập thường xuyên, điều độ và vừa sức. Duy trì cân trọng, huyết áp ở trạng thái lý tưởng.
  • Tránh xa căng thẳng, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Thiết lập và duy trì các thói quen tích cực như đọc sách, nghe nhạc, thiền định để ổn định tâm lý.
  • Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng cách, khám sức khỏe hằng năm để tầm soát các bệnh lý ở não định kỳ.
Mạch máu não: Phân loại, chức năng và các bệnh thường gặp 4
Hãy duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ mạch máu ở não bạn nhé!

Toàn bộ những thông tin quan trọng nhất về mạch máu não đã được gửi tới bạn đọc. Mong rằng các bạn có thể khai thác tốt những thông tin này để ứng dụng chúng vào việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình! Trân trọng!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.