Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mắt bị cộm mí trên: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 28/03/2024
Kích thước chữ

Mắt bị cộm mí trên có thể xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu cộm mí mắt trên do đâu và cách xử lý như thế nào?

Mắt bị cộm thường gây cảm giác vướng víu, khó chịu, ảnh hưởng đến khả năng nhìn và cũng làm giảm hiệu suất học tập hay làm việc. Cộm mắt có thể chỉ là triệu chứng thoáng qua do tác động bên ngoài sau đó tự khỏi. Nhưng đôi khi đó cũng là triệu chứng nhận biết dấu hiệu mắt có vấn đề mà chúng ta cần cảnh giác. Vậy mắt bị cộm mí trên do đâu và cách điều trị thế nào?

Mắt bị cộm mí trên là thế nào?

Mắt bị cộm khó chịu là cảm giác giống như có dị vật gì đó trong mí mắt, gây vướng víu, ngứa mắt, cay mắt thậm chí nóng rát. Có người mô tả cảm giác mắt bị cộm giống như bên trong mắt đang có những hạt cát lợn cợn. Cảm giác cộm sẽ càng rõ rệt mỗi lần bạn chớp mắt, nhắm mắt.

Người bị cộm mắt dù ở mí trên hay mí dưới đều có thể xuất hiện triệu chứng chảy nước mắt liên tục, mắt có ghèn, cay mắt, nhìn mờ. Nếu quan sát bên trong mắt có thể thấy mắt hơi ngả vàng, có thể có các tia máu nổi lên. Mắt bị cộm mí trên làm giảm khả năng nhìn, dẫn đến nhìn mờ, kích thích phản ứng lấy tay dụi mắt.

Tình trạng cộm mí mắt trên có thể diễn ra trong thời gian ngắn rồi tự hết nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày. Mức độ và thời gian xảy ra tình trạng cộm mí mắt tùy thuộc từng nguyên nhân. Nếu để kéo dài, cộm mí mắt trên có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và công việc của bạn. Nếu cộm mí mắt trên là biểu hiện của bệnh lý về mắt nhưng không được phát hiện kịp thời có thể ảnh hưởng đến thị lực lâu dài.

Mắt bị cộm mí trên: Nguyên nhân và cách điều trị 1
Tình trạng mắt bị cộm có thể xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta

Mắt bị cộm mí trên do nguyên nhân nào?

Mắt bị cộm mí trên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Bụi bẩn và dị vật rơi vào trong mí mắt gây cộm ngứa. Nếu dị vật lớn, chúng ta lại vô tình dụi mắt khiến dị vật di chuyển trong mí mắt có thể gây tổn thương giác mạc.
  • Trên bề mặt giác mạc mắt luôn có một lượng nước mắt tự nhiên tiết ra để duy trì độ ẩm và bôi trơn. Nếu có tình trạng giảm tiết nước mắt sẽ dẫn đến khô mắt. Mắt không được bôi trơn khi chuyển động sẽ gây cảm giác cộm.
  • Một số người bị sạn vôi ở kết mạc khi canxi lắng đọng dưới lớp kết mạc sụn mi của nhãn cầu. Sạn vôi nhỏ có thể không gây triệu chứng. Nhưng khi kích thước hạt sạn lớn hơn chúng có thể gây cộm, xốn mắt như có bụi bẩn trong mắt. Người bị sạn vôi cảm thấy cộm mắt khó chịu, chảy nước mắt nhưng thị lực không bị ảnh hưởng.
  • Lên lẹo, lên chắp ở mí mắt trên cũng gây đau nhức, cản trở tầm nhìn và bị cộm bên trong mí mắt.
  • Ngoài ra, khi mắc các bệnh về mắt khác như: Viêm giác mạc, đau mắt đỏ, xước giác mạc,… bạn cũng có thể cảm thấy mí mắt trên bị cộm.
  • Có người bị cộm mắt do tiếp xúc với thiết bị điện tử liên tục. Nguyên nhân này thường gặp ở người xem tivi quá nhiều, người dùng điện thoại liên tục và nhân viên văn phòng phải làm việc với máy tính cả ngày.
Mắt bị cộm mí trên: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Mắt bị cộm mí trên do chắp lẹo rất dễ phát hiện

Cần làm gì khi mắt bị cộm mí trên?

Muốn biết nên làm gì khi mắt bị cộm, trước hết bạn cần xác định được nguyên nhân. Nếu mắt bị cộm vướng khó chịu nhưng không đi kèm các triệu chứng bệnh về mắt khác như đỏ mắt, cay mắt, nhìn mờ, nhiều ghèn mắt, bạn có thể chưa cần đi khám ngay. Lúc này, hãy thử áp dụng những mẹo chữa mắt bị cộm dưới đây:

  • Dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt để rửa mắt liên tục. Vừa rửa, bạn vừa chớp nhanh mắt. Với cách này, các bụi bẩn, dị vật trong mắt có thể được rửa trôi và bị cuốn ra ngoài. Để tăng hiệu quả, bạn có thể kéo nhẹ mí mắt trên rồi mới nhỏ nước muối rửa mắt. Bạn lưu ý, không dùng tay dụi mắt vì có thể khiến dị vật cọ xát vào giác mạc gây tổn thương giác mạc.
  • Cách khắc phục khô mắt cộm mắt hiệu quả là không để gió thổi trực tiếp vào mắt, dùng nước mắt nhân tạo để làm ẩm bề mặt mắt. Khi mắt được cung cấp độ ẩm, cảm giác khô cộm sẽ giảm hẳn.

Trong trường hợp bạn quan sát thấy các triệu chứng bất thường khác ở mắt, bạn nên đi khám nhãn khoa để bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác. Tùy từng bệnh về mắt cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc và hướng dẫn chăm sóc mắt khác nhau. Ví dụ như muốn làm dịu chứng đau mắt đỏ bị cộm, bạn có thể đắp khăn mát lên mắt. Viêm kết mạc cần điều trị bằng thuốc kháng sinh để phòng ngừa bội nhiễm,…

Mắt bị cộm mí trên: Nguyên nhân và cách điều trị 3
Bạn nên đi khám chuyên khoa nếu mắt bị cộm ở mí trên lâu ngày không khỏi

Phòng ngừa mắt bị cộm mí trên

Mắt bị cộm mí trên không phải lúc nào cũng là triệu chứng của bệnh lý. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách:

  • Luôn đeo kính, che chắn mắt cẩn thận khi đi ra ngoài, tránh để mắt tiếp xúc trực tiếp với gió, bụi, ánh nắng,…
  • Cần cho mắt được nghỉ ngơi, thư giãn sau khoảng thời gian làm việc. Ngủ đúng giờ và đủ giấc không chỉ tốt cho mắt mà còn tốt cho sức khỏe tổng thể.
  • Ăn uống đủ chất, ưu tiên các thực phẩm tốt cho mắt như thực phẩm giàu vitamin A, E, C, B, omega-3-6-9,…
  • Giảm thời gian tiếp xúc của mắt với tivi, điện thoại, máy tính. Bạn có thể dùng các phần mềm có tác dụng giảm ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử để bảo vệ mắt.
  • Nên dành 10 - 15 phút để massage cho mắt mỗi ngày.
  • Dùng thêm các sản phẩm dưỡng mắt nếu mắt phải làm việc với cường độ cao.
  • Tránh tiếp xúc với người đang mắc các bệnh về mắt.
  • Nếu phải dùng kính áp tròng, bạn nên lắp - tháo kính đúng cách, vệ sinh kính sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
Mắt bị cộm mí trên: Nguyên nhân và cách điều trị 4
Sử dụng dung dịch rửa mắt hoặc sản phẩm dưỡng mắt thường xuyên phòng ngừa cộm mắt

Trong hầu hết các trường hợp, mắt bị cộm mí trên thường không nguy hiểm và xuất phát từ các nguyên nhân đơn giản. Cộm mắt có thể tự hết sau khi chúng ta vệ sinh và chăm sóc mắt đúng cách. Tuy nhiên, nếu cộm mắt kéo dài, bạn nên đi khám nhãn khoa để phát hiện các vấn đề về mắt nếu có để tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin