Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mắt bị chói khi nhìn ánh sáng có sao không?

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ

Hiện tượng chói mắt là cảm giác lóa, khó chịu thậm chí mờ mắt khi mắt tiếp xúc với nguồn sáng mạnh. Nhưng đôi khi, mắt bị chói khi nhìn ánh sáng cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn. Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân, cách khắc phục và cách phòng ngừa chói mắt vì thế là việc cần thiết.

Chói mắt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân thông thường lẫn nguyên nhân bệnh lý. Nếu bỗng nhiên, bạn gặp tình trạng mắt bị chói khi nhìn ánh sáng, hãy xem xét mức độ, đánh giá nguyên nhân kỹ càng để có cách khắc phục phù hợp. Trường hợp chói mắt bất thường kèm các triệu chứng khó chịu khác có thể là biểu hiện của bệnh lý cần được thăm khám sớm.

Thế nào là chói mắt khi nhìn ánh sáng?

Chói mắt là tình trạng mắt bỗng nhiên thấy quầng sáng bất thường chói rọi bao quanh một nguồn ánh sáng, cảm giác như nhìn vào đèn pha. Khi bị chói mắt, mắt đã mất đi khả năng điều tiết và kiểm soát ánh sáng. Chói mắt khi nhìn vào nguồn sáng mạnh, có độ tập trung cao là bình thường. Nhưng cũng có người bị chói mắt ngay cả khi mắt tiếp xúc với nguồn sáng ban ngày thông thường.

Tình trạng mắt bị chói khi nhìn ánh sáng có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Thị lực bị tổn thương làm hạn chế đến tầm nhìn. Ánh sáng bị tán xạ trong mắt khiến chúng ta nhìn mờ mọi vật, càng thiếu sáng tầm nhìn càng giảm.
  • Cố gắng để nhìn khi chói mắt có thể gây nhức mỏi mắt, chảy nước mắt.
  • Một số người có cảm giác mắt nhức mỏi sợ ánh sáng, mắt đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng. Đây có thể là hậu quả của tình trạng tổn thương võng mạc.
Mắt bị chói khi nhìn ánh sáng có sao không 1
Chói mắt có thể là bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu bất thường

Nguyên nhân chói mắt khi nhìn ánh sáng

Có nhiều nguyên nhân khiến mắt bị chói khi nhìn ánh sáng, trong đó có cả những nguyên nhân thông thường lẫn nguyên nhân bệnh lý. Cụ thể là:

Mắt bị chói khi tiếp xúc với nguồn sáng mạnh

Không khó lý giải tình trạng chói mắt nếu mắt tiếp xúc với nguồn sáng mạnh. Phổ biến nhất là ánh sáng mặt trời buổi trưa, ánh sáng từ đèn pha, đèn cao áp. Các loại ánh sáng này có bước sóng ngắn mang năng lượng cao hoặc mang theo các tia cực tím nên dễ gây chói lóa mắt. Thậm chí, ánh nắng mặt trời giữa trưa còn có thể gây bỏng giác mạc.

Ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử làm chói mắt

Ngoài ánh sáng mặt trời, loại ánh sáng dễ gây chói lóa mắt cũng là ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử. Nếu bạn nhìn liên tục các thiết bị điện tử 3 - 4 giờ liền, bạn sẽ gặp hội chứng thị giác màn hình. Hội chứng này có các biểu hiện như chói mắt, nhức mỏi mắt, khô mắt, nhìn mờ, căng mắt… 

Ngoài triệu chứng về mắt, người mắc hội chứng này còn bị đau đầu, đau mỏi cổ, khó tập trung, đầu óc mệt mỏi. Hội chứng thị giác màn hình xảy ra khi mắt bị tác động bởi ánh sáng xanh nguy hại từ thiết bị điện tử, ánh sáng từ đèn huỳnh quang hay đèn led. Hội chứng này có thể dẫn đến biến chứng mù lòa hay nhẹ hơn là các bệnh mãn tính về mắt.

Mắt bị chói khi nhìn ánh sáng có sao không 2
Ánh sáng từ thiết bị điện tử không tốt cho mắt

Mắt bị chói khi nhìn ánh sáng do bệnh lý về mắt

Nhiều trường hợp, mắt bị chói khi nhìn ánh sáng cũng do bạn đang mắc các bệnh lý về mắt như: Đục thủy tinh thể, dị tật mống mắt, viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp, viêm dây thần kinh mắt, viêm võng mạc sắc tố, u nguyên bào võng mạc, bệnh võng mạc tiểu đường

Ngoài ra, một số vấn đề về mắt khác như bị tật khúc xạ cận thị, loạn thị, viễn thị, tác dụng phụ sau khi phẫu thuật tật khúc xạ mắt cũng có thể gây chói mắt tạm thời. Một số người bị dị tật mống mắt với mống mắt phát triển không hoàn thiện hoặc không có mống mắt. Ảnh hưởng của dị tật này là mắt nhạy cảm quá mức với ánh sáng, dễ bị chói mắt ngay cả với nguồn sáng bình thường.

Chói mắt do bệnh lý về não, hệ thần kinh

Các bệnh lý liên quan đến não và hệ thần kinh cũng có thể gây chói mắt. Có thể kể đến một số bệnh về não có triệu chứng mắt bị chói khi nhìn ánh sáng như: Xuất huyết dưới nhện, viêm não, viêm màng não, đau nửa đầu migraine

Ngoài các nguyên nhân trên, chói mắt khi nhìn ánh sáng còn thường xảy ra với những người bị ngộ độc thủy ngân, mắc bệnh dại, mắc bệnh bạch tạng. Một số loại thuốc chữa bệnh cũng làm tăng độ nhạy cảm của mắt với ánh sáng như thuốc huyết áp, thuốc chống dị ứng

Mắt bị chói khi nhìn ánh sáng có sao không 3
Chói mắt do nguyên nhân bệnh lý cần hết sức cẩn trọng

Cần làm gì nếu chói mắt khi nhìn ánh sáng?

Nếu mắt chói khi nhìn ánh sáng không kèm các triệu chứng khó chịu khác, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc, bảo vệ mắt như:

Tăng cường bảo vệ mắt

Đeo kính râm, đội mũ rộng vành khi ra ngoài trời nắng là việc cần thiết để hạn chế tác động từ ánh nắng mặt trời đến mắt. Bạn có thể chọn các loại kính chống tia UV, kính râm chống ánh sáng xanh để bảo vệ mắt.

Giảm tần suất tiếp xúc của mắt với các thiết bị điện tử cũng là việc bạn nên làm. Sau khoảng 20 phút nhìn màn hình điện tử, bạn nên để mắt nhìn xa ở khoảng cách 6m trong thời gian khoảng 20 giây. Hiện nay có các thiết bị dán màn hình chống ánh sáng xanh hoặc ứng dụng chống ánh sáng xanh. Bạn có thể tìm hiểu và sử dụng để hạn chế tác động của ánh sáng xanh với mắt.

Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt

Đôi mắt phải làm việc với cường độ cao cần được chăm sóc đúng cách. Bạn nên vệ sinh mắt hàng ngày, dưỡng mắt bằng sản phẩm dưỡng mắt phù hợp. Một chế độ ăn uống khoa học với thực phẩm tốt cho mắt cũng giúp phòng ngừa bệnh về mắt và giảm tình trạng mắt bị chói khi nhìn ánh sáng. Thực phẩm giàu vitamin A, E, C, vitamin nhóm B, omega-3 rất tốt cho thị lực và bạn nên ưu tiên sử dụng.

Mắt bị chói khi nhìn ánh sáng có sao không 4
Vệ sinh và chăm sóc mắt để phòng ngừa mắt bị chói khi nhìn ánh sáng

Điều trị bệnh lý gây chói mắt

Để có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý gây chói mắt, bạn cần đi khám chuyên khoa nhãn khoa hoặc chuyên khoa thần kinh. Căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh chính xác. Dù là bệnh lý về mắt hay các bệnh lý khác gây chói mắt, việc điều trị bệnh triệt để là vô cùng cần thiết. Việc này không chỉ giúp khắc phục tình trạng chói mắt mà còn tốt cho sức khỏe tổng thể.

Với những thông tin mà Nhà thuốc Long Châu chia sẻ trên đây, hy vọng bạn đã có thông tin đầy đủ về tình trạng mắt bị chói khi nhìn ánh sáng. Hãy theo dõi triệu chứng chói mắt của mình và nếu xuất hiện thêm tình trạng nhức mỏi mắt, chảy nước mắt, đau nhức mắt hay các biểu hiện bất thường khác, bạn nên đi khám mắt sớm. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin