Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Máy kích tim là gì? Những biến chứng có thể gặp khi đặt máy kích tim

Ngày 18/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cùng với sự phát triển của y học, máy kích tim ra đời với vai trò quan trọng trong việc trong việc hỗ trợ và kiểm soát các vấn đề tim mạch như rối loạn nhịp tim và nhịp tim không đều.

Máy kích tim hay còn được gọi là máy trợ tim, là một thiết bị điện tử được thiết kế để kích thích sự co bóp của tim thông qua việc phát ra các xung điện, nhằm khôi phục nhịp tim bình thường. Bài viết dưới đây Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thiết bị y tế này.

Máy trợ tim là gì?

Máy trợ tim là gì? Máy trợ tim (máy kích tim/máy tạo nhịp tim) được cấu tạo từ hai thành phần chính: Bộ điều khiển và hai dây điện cực. Một đầu của dây điện cực kết nối với bộ điều khiển, trong khi đầu còn lại được cắm vào thành tim. Dây điện cực thứ hai có một đầu được gắn kết nối ở buồng nhĩ và đầu còn lại được gắn kết nối ở buồng thất.

Bộ điều khiển gồm một hộp kim loại nhỏ chứa pin và mạch điện. Nó điều chỉnh tần số của các xung điện, sau đó gửi các xung điện có năng lượng thấp tới tim thông qua dây điện cực. Những xung điện này kích thích tim để co bóp theo tần số đã được thiết lập.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh rối loạn nhịp tim chậm hoặc nghẽn dẫn truyền tim, máy kích tim sẽ giúp tăng tần số nhịp tim và đồng bộ hóa hoạt động điện giữa buồng thất và buồng nhĩ. Điều này giúp phòng tránh các vấn đề nguy hiểm về rối loạn nhịp tim. Máy tạo nhịp tim có thể được lắp đặt tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân.

Máy kích tim là gì? Những biến chứng có thể gặp khi đặt máy kích tim 1
Máy kích tim giúp kích thích sự co bóp của tim

Những đối tượng nào cần sử dụng máy trợ tim?

Quá trình lắp đặt máy kích tim được chỉ định cho những người mắc phải chứng rối loạn nhịp tim, đặc biệt là những trường hợp nhịp tim chậm, khi tim đập quá chậm hoặc không đều, thường dưới 60 nhịp mỗi phút. Nhịp tim không đủ nhanh có thể gây ra hiện tượng không cung cấp đủ máu và oxy cho cơ thể, dẫn đến cảm giác mệt mỏi, khó thở, khó khăn trong hoạt động thể chất, chóng mặt, cảm giác không thoải mái và nguy cơ ngất xỉu hoặc thậm chí là tử vong. Máy tạo nhịp tim cũng thường được chỉ định trong trường hợp suy tim - tim không có khả năng đập mạnh để cung cấp đủ máu cho cơ thể.

Trong một số trường hợp khác, các triệu chứng của nhịp tim chậm có thể chưa xuất hiện, nhưng các biểu hiện trên điện tâm đồ có thể đánh giá về nguy cơ có thể bị rối loạn nhịp tim, trong trường hợp này, máy tạo nhịp tim có thể được đề xuất là biện pháp điều trị. Một trường hợp hiếm gặp hơn là khi máy tạo nhịp tim được cấy vào cơ thể để tái đồng bộ hóa nhịp tim của những người mắc phải suy tim nặng.

Bệnh nhân cần tránh làm gì khi đặt máy kích tim?

Khi sử dụng máy kích tim, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc lâu dài với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy nghe nhạc hoặc máy chụp cộng hưởng từ. Việc tiếp xúc nhiều quá mức với những thiết bị điện tử này có thể làm gián đoạn các tín hiệu của máy tạo nhịp tim.

Để đạt hiệu quả tốt nhất trong điều trị rối loạn nhịp tim, bệnh nhân nên tuân thủ các chỉ định từ bác sĩ, bao gồm việc uống thuốc theo đơn. Kiểm tra định kỳ y tế cũng rất quan trọng để bác sĩ có thể tư vấn và đánh giá tình trạng của máy, pin và dây dẫn, cũng như điều chỉnh chế độ máy phù hợp với sức khỏe hiện tại của người dùng. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các chế độ tập thể dục và dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần hạn chế nằm đè hoặc đặt tay lên máy tạo nhịp tim. Khi tham gia giao thông, việc sử dụng các phương tiện cần tuân thủ lời khuyên và hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Máy kích tim là gì? Những biến chứng có thể gặp khi đặt máy kích tim 2
Người bệnh không nên tiếp xúc với điện thoại thời gian dài khi đang sử dụng máy kích tim

Những biến chứng có thể xảy ra khi đặt máy kích tim

Có một số biến chứng có thể xuất hiện sau khi đặt máy tạo nhịp tim:

Tụ máu

Tụ máu là một biến chứng phổ biến sau khi thực hiện thủ thuật đặt máy kích tim. Máu tụ có thể được hình thành trong quá trình bóc tách các mạc, cân cơ để tạo khoảng trống đặt máy hoặc do chảy máu từ các động mạch, tĩnh mạch máu bị tổn thương. Tụ máu nhẹ thường tự hết sau một khoảng thời gian, nhưng nếu nặng cần phải được điều trị.

Bong vết thương tại chỗ

Đây là một biến chứng hiếm gặp mà có thể xuất hiện vài ngày sau khi đặt máy tạo nhịp tim. Nguyên nhân có thể là do máy kích tim không được đặt vào vị trí phù hợp, gây căng da hoặc căng cơ quá mức, dẫn đến vết thương chậm lành và thiếu máu, có thể gây ra nhiễm trùng. Trường hợp này thường được điều trị bằng phương pháp cắt lọc để tạo lại rìa vết thương và đặt lại máy tại vị trí thích hợp.

Lạc chỗ máy kích tim và ăn mòn da

Sự dịch chuyển của máy so với vị trí ban đầu có thể gây ra lạc chỗ máy, làm mòn lớp da bên trên, máy bị trồi lên lòi ra ngoài và gây nhiễm trùng. Điều trị biến chứng này thường bằng phương pháp tạo hình lại vùng da bị mất và đặt lại máy vào đúng vị trí.

Máy kích tim là gì? Những biến chứng có thể gặp khi đặt máy kích tim 3
Các biến chứng có thể xuất hiện sau khi đặt máy kích tim

Ngoài ra, còn có một số biến chứng hiếm gặp khác như tràn khí màng phổi, tràn máu màng phổi, huyết khối tĩnh mạch, huyết khối do khí, tràn máu màng tim và ép tim.

Trên đây là các thông tin quan trọng về cấu tạo, đối tượng cần sử dụng máy kích tim cùng với những biến chứng rủi ro có thể phát sinh trong quá trình sử dụng máy. Nếu có bất kỳ dấu hiệu không bình thường nào xuất hiện trong quá trình sử dụng, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế ngay lập tức để được bác sĩ kiểm tra và đưa ra giải pháp điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin