Khó nuốt là triệu chứng chung của nhiều bệnh lý thực quản, để phân biệt được là do nguyên nhân nào, các bác sĩ cần kết hợp giữa các triệu chứng bệnh và làm thêm một số xét nghiệm cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn một số bệnh lý ở thực quản thường gặp hiện nay.
Bệnh lý thực quản là tập hợp các tình trạng ảnh hưởng đến hoạt động của thực quản, dẫn đến khó nuốt. Thực quản là ống dẫn thức ăn, một phần của hệ thống tiêu hóa giúp thức ăn di chuyển từ miệng đến dạ dày của bạn theo một chiều duy nhất. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về các bệnh lý phổ biến tại thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh lý thực quản phổ biến nhất, trong đó các chất trong dạ dày sẽ di chuyển ngược lên thực quản. Trào ngược trở thành một căn bệnh khi tình trạng trào ngược gây ra các triệu chứng hoặc tổn thương thường xuyên thực quản, hầu họng hoặc đường hô hấp.
Triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là ợ chua, thường được mô tả là cảm giác nóng rát ở ngực và nôn ra chất lỏng chua hoặc đắng. Sự kết hợp giữa chứng ợ nóng và trào ngược là đặc điểm chung của bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên việc xét nghiệm có thể không cần thiết.
Chẩn đoán GERD bắt đầu bằng việc khám sức khỏe toàn diện, trong đó bệnh nhân mô tả các triệu chứng và tiền sử bệnh của mình. Nếu có các triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bao gồm ợ nóng và trào ngược, các bác sĩ có thể tiến hành điều trị mà không cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán khác.
Có bốn phương pháp điều trị GERD, bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, dùng thuốc, điều trị nội soi và phẫu thuật. Hầu hết bệnh nhân có thể sử dụng hiệu quả sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc để điều trị GERD.
Bệnh lý thực quản thường gặp - Barrett thực quản
Bệnh Barrett thực quản xảy ra khi niêm mạc thực quản lành lại một cách bất thường và thay đổi từ các tế bào trông giống da sang các tế bào trông giống tế bào ruột. Do đó, người ta nghi ngờ bệnh Barrett thực quản khi niêm mạc thực quản chuyển sang màu hồng so với màu trắng bình thường và bệnh sẽ được chẩn đoán xác định bằng quan sát mẫu sinh thiết bằng kính hiển vi với hình ảnh chuyển sản đường ruột.
Barrett thực quản có thể không gây ra triệu chứng hoặc liên quan đến các triệu chứng của GERD. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong hơn hai tuần: Ợ nóng, khó tiêu, có máu trong chất nôn hoặc phân, khó nuốt thức ăn đặc, trào ngược về đêm (chất lỏng có tính axit hoặc trào vào ngực hoặc miệng trong đêm).
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có thể sẽ thực hiện sinh thiết qua nội soi để giúp chẩn đoán bệnh Barrett thực quản. Nội soi cho phép bác sĩ kiểm tra niêm mạc thực quản, dạ dày và phần đầu tiên của ruột non, được gọi là tá tràng. Sau đó bác sĩ sẽ lấy sinh thiết một mẫu mô nhỏ để quan sát dưới kính hiển vi.
Thực quản Barrett là một biến chứng của GERD, vì vậy cách điều trị có thể tương tự. Mục đích là để chữa lành sự ăn mòn của niêm mạc thực quản và ngăn ngừa tình trạng lây lan. Có nguy cơ thực quản Barrett trở thành ung thư, vì vậy người bệnh cần được theo dõi thường xuyên. Nếu có các tế bào tiền ung thư (loạn sản) được chẩn đoán trong thực quản Barrett, phương pháp điều trị bằng nội soi được khuyến khích và chứng minh là an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa tiến triển thành ung thư.
Ung thư thực quản
Ung thư thực quản xảy ra khi các tế bào ác tính phát triển quá mức kiểm soát của miễn dịch trong cơ thể. Hai loại ung thư thực quản phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến.
Ung thư biểu mô tuyến là dạng ung thư thực quản phổ biến nhất, thường xảy ra ở những bệnh nhân bị trào ngược axit lâu ngày và thực quản Barrett. Bệnh thường được tìm thấy ở phần dưới cùng của thực quản và/hoặc phần trên của dạ dày.
Ung thư biểu mô tế bào vảy phổ biến thứ hai trong các loại ung thư thực quản, xảy ra khi các tế bào vảy (là lớp lót bình thường của thực quản) phát triển quá mức. Hút thuốc và uống rượu nhiều, phóng xạ và virus HPV có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của ung thư biểu mô tế bào vảy.
Hầu hết các triệu chứng ung thư thực quản không đáng chú ý cho đến khi ung thư ở giai đoạn tiến triển và khó điều trị. Các triệu chứng của ung thư thực quản như khó nuốt, đau ngực mãn tính, khàn giọng hoặc ho dai dẳng, giảm cân không chủ ý,... có thể do các bệnh lành tính hơn gây ra. Điều quan trọng là nếu nghi ngờ mình có khả năng mắc ung thư thực quản, cần đến khám bác sĩ ngay để bệnh được chẩn đoán sớm nhất. Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư thực quản là khó nuốt, đặc biệt là cảm giác thức ăn mắc kẹt trong ngực hoặc nuốt nghẹn. Những triệu chứng này dần dần trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, với sự gia tăng đau đớn khi nuốt, vì thực quản bị thu hẹp lại do ung thư đang phát triển.
Điều trị ung thư thực quản được cá nhân hóa theo nhu cầu riêng của từng bệnh nhân. Các lựa chọn điều trị bao gồm xạ trị, hóa trị và phẫu thuật và cần phối hợp nhiều phương pháp để đem lại hiệu quả tối ưu.
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (EoE)
Đây là một bệnh mãn tính trong đó một loại tế bào bạch cầu nhất định, được gọi là bạch cầu ái toan, tích tụ trong thực quản. Sự tích tụ các tế bào bạch cầu này làm cho lớp lót bên trong thực quản bị viêm hoặc sưng lên. EoE là do phản ứng dị ứng với một số loại thực phẩm hoặc chất gây dị ứng từ môi trường. Những người bị viêm da dị ứng, hen suyễn hoặc dị ứng thực phẩm hoặc môi trường có nguy cơ mắc bệnh EoE cao hơn nhiều. Tiền sử gia đình mắc bệnh EoE cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này.
Để điều trị, người bệnh sẽ cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ trong việc tìm ra những chất hoặc thực phẩm cần tránh, quá trình này đòi hỏi khá nhiều thời gian. Không có loại thuốc cụ thể nào có thể chữa khỏi EoE, mặc dù một số loại thuốc, chẳng hạn như corticosteroid và thuốc ức chế bơm proton, đồng thời loại bỏ các loại thực phẩm hay chất gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn uống của có thể giúp giảm mẩn đỏ và sưng tấy trong thực quản.
Hẹp thực quản
Hẹp thực quản là hiện tượng hẹp xảy ra ở thực quản, dẫn đến cảm giác khó nuốt và khiến thức ăn, chất lỏng bị kẹt hoặc di chuyển chậm hơn qua thực quản. Sự hình thành hẹp thực quản có thể do viêm, xơ hóa hoặc u tân sinh liên quan đến thực quản và thường gây tổn thương niêm mạc và/hoặc lớp dưới niêm mạc. Phần lớn hẹp thực quản là lành tính do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) lâu năm, chiếm 70 đến 80% trường hợp ở người lớn. Ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, việc nuốt phải chất ăn mòn như các sản phẩm tẩy rửa gia dụng là nguyên nhân hàng đầu gây ra hẹp thực quản.
Nếu không được điều trị thích hợp, một số bệnh lý thực quản như GERD và Barrett thực quản có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Trào ngược có thể khiến thức ăn đi vào khí quản và phổi của bạn dẫn đến viêm phổi hít rất nguy hiểm. Vì vậy nếu có các triệu chứng bệnh đã đề cập ở trên, bạn nên mau chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.