Một số thông tin cần biết về bệnh thấp tim và cách phòng tránh hiệu quả
Ngày 25/03/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Thông tin cần biết về bệnh thấp tim là một vấn đề được nhiều người tìm hiểu bởi mỗi năm có khoảng 470.000 ca thấp tim mới mắc và có tới một nửa trong số đó tử vong do thấp tim cấp hay do bệnh van tim hậu thấp. Dữ liệu cho thấy thấp tim là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và mọi người cần nắm được thông tin về bệnh lý này.
Bệnh thấp tim gây nên tình trạng van tim bị tổn thương vĩnh viễn sau nhiễm khuẩn. Tổn thương van tim có thể xuất hiện ngay sau khi nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, chẳng hạn như viêm họng liên cầu khuẩn. Phản ứng miễn dịch gây ra tình trạng viêm trong cơ thể và dẫn đến hư hỏng van tim tiến triển. Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về bệnh thấp tim.
Thông tin cần biết về bệnh thấp tim
Bệnh thấp tim là một bệnh hệ thống gây ra bởi phản ứng tự miễn với tình trạng liên cầu khuẩn nhóm A. Bệnh gây tổn thương nhiều cơ quan, chủ yếu ở mô liên kết, đặc biệt là ở khớp xương, tim, thần kinh, mạch máu, da và tổ chức dưới da,... Trong đó ngoại trừ tổn thương ở tim là gây di chứng về sau, tổn thương ở các hệ cơ quan khác đều hồi phục.
Vì bệnh có những đợt cấp tính và tái phát rồi ổn định sau khi để lại di chứng trên van tim nên tùy theo diễn tiến của bệnh có những tổn thương nằm ở cơ quan nào và hiện đang tiến triển đến giai đoạn nào mà gọi tên các thể lâm sàng cho phù hợp như: Thấp khớp cấp hay thấp khớp cấp tái phát, thấp tim cấp tái phát, bệnh van tim hậu thấp.
Các triệu chứng của bệnh thấp tim
Tiền sử nhiễm liên cầu khuẩn hay sốt thấp khớp gần đây là chìa khóa để giúp chẩn đoán bệnh thấp tim. Các triệu chứng của bệnh thấp tim rất đa dạng và thường xuất hiện từ 1 đến 5 tuần sau khi mắc viêm họng liên cầu khuẩn. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng có thể nhẹ nhàng và không biểu hiện ra thành triệu chứng để có thể nhận ra. Đây là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thấp tim.
Các triệu chứng lâm sàng chính
Viêm tim là biểu hiện nặng nhất, có thể gây tử vong hoặc thường để lại di chứng. Triệu chứng này thường xảy ra ngay đợt thấp đầu tiên hoặc tái phát, có thể gây viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc hoặc cả 3 lớp.
Viêm khớp là triệu chứng thường gặp nhất, xảy ra 1 đến 2 tuần sau viêm họng (với các triệu chứng sốt, nuốt đau, đau họng, khám thấy họng đỏ,...). Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra trường hợp viêm khớp khi triệu chứng của viêm họng không rõ ràng. Thường xảy ra viêm nhiều khớp trên bệnh nhân với sự sưng, nóng, đỏ, đau các khớp. Đặc điểm là di chuyển nhanh từ khớp này sang khớp khác, không kéo dài và tự khỏi sau 5 - 10 ngày, không để lại di chứng.
Múa vờn xảy ra ở 10 - 15% trường hợp, diễn tiến chậm. Lâm sàng bắt đầu với những triệu chứng như cầm đồ vật dễ rơi, viết chữ xấu, học kém đi sau đó là hốt hoảng, lo lắng, khó nói, thực hiện các động tác khó khăn, dễ ngã, làm những động tác bất thường, tay chân múa may với biên độ rộng, xảy ra sau các kích thích về tâm lý, dịu đi khi trẻ ngủ. Múa vờn có thể kéo dài nhưng không để lại di chứng.
Nốt dưới da với đặc điểm là những hạt tròn, cứng, di động, không đau, sờ được ở chỗ da mỏng, nhô ra như khuỷu tay, cổ tay, cổ chân,... Chúng xuất hiện trong vòng vài ngày sau đó tự hết, không để lại di chứng.
Hồng ban vòng là một triệu chứng điển hình của thấp tim, với đặc điểm là những đám màu hồng, bờ tròn, ở giữa nhạt màu, thấy ở ngực, gốc chi, không có ở mặt, không ngứa, không để lại di chứng.
Các triệu chứng phụ
Những triệu chứng sau không đặc hiệu cho bệnh, có thể nhầm lẫn với các chẩn đoán khác:
Sốt: Là triệu chứng thường gặp, sốt cao và kéo dài, tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ không có triệu chứng sốt.
Đau khớp: Đau một hay nhiều khớp, không kèm triệu chứng viêm.
Viêm phổi, tràn dịch màng phổi thường đi kèm với suy tim.
Viêm thận cấp (trẻ tiểu đạm, tiểu máu) ít gặp.
Bệnh thấp tim được điều trị như thế nào?
Việc điều trị phụ thuộc phần lớn vào mức độ tổn thương van tim. Trong trường hợp nghiêm trọng, điều trị có thể bao gồm phẫu thuật để thay thế hoặc sửa chữa van bị hỏng nặng.
Cách điều trị bệnh thấp tim tốt nhất là ngăn ngừa sốt thấp khớp. Thuốc kháng sinh thường có thể điều trị nhiễm trùng liên cầu khuẩn và ngăn chặn bệnh thấp khớp xảy ra là Penicillin và Erythromycin. Thuốc chống viêm có thể được sử dụng để giảm viêm và giảm nguy cơ tổn thương tim. Các loại thuốc khác có thể cần thiết để kiểm soát suy tim.
Những người bị sốt thấp khớp thường được điều trị bằng kháng sinh hàng ngày hoặc hàng tháng, với mục đích phòng ngừa nhiễm trùng xảy ra lần nữa. Cách điều trị này cũng có thể làm giảm nguy cơ tổn thương tim nhiều hơn. Để giảm viêm, bác sĩ có thể chỉ định dùng aspirin, steroid hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Cần tuân theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng để phòng ngừa được hiệu quả., không tự ý ngưng thuốc hoặc đổi thuốc khi không có chỉ định.
Bệnh thấp tim có thể được ngăn ngừa bằng cách ngăn ngừa nhiễm trùng do liên cầu tán huyết beta nhóm A hoặc bằng cách điều trị bằng đúng kháng sinh khi nó xảy ra. Chẩn đoán chính xác có ý nghĩa quan trọng vì giúp tránh lạm dụng kháng sinh trên các trẻ bị nhiễm siêu vi đường hô hấp trên. Cha mẹ cần nắm được những thông tin cần biết về bệnh thấp tim để kịp thời đưa trẻ đến khám và điều trị ở giai đoạn sớm chưa gây tổn thương van tim.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.